Đưa ngành chế biến gỗ thành mũi nhọn kinh tế lâm nghiệp
Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng - Cục Chế biến Thương mại Nông Lâm sản và Nghề muối: Ngành chế biến gỗ ở nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Trong những năm qua, ngành này đã có những bước phát triển vượt bậc, gỗ và sản phẩm gỗ chế biến đang trở thành mặt hàng chủ lực của Việt Nam.
Năng lực chế biến của toàn bộ doanh nghiệp chế biến gỗ hiện nay khoảng 15 triệu m3 gỗ tròn mỗi năm. Các sản phẩm chế biến ngày càng đa dạng về chủng loại, phong phú về kích thước, màu sắc như: đồ gỗ nội thất, đồ gỗ mỹ nghệ, sản phẩm bàn ghế ngoài trời, ván sàn…
Mặc dù dây chuyền công nghệ thiết bị chế biến gỗ chưa đạt được trình độ tiên tiến thế giới nhưng cũng đạt trình độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, đủ đáp ứng việc sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Hội thảo “Tháo gỡ khó khăn cho ngành chế biến gỗ giai đoạn suy thoái”
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ luôn tăng trưởng cao. Trong 7 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng lâm sản chính (đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ) là 2,7 tỉ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 3,955 tỉ USD, tăng hơn 15% so với năm 2010, trong đó hầu hết các thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ đều tăng trưởng mạnh như thị trường Mỹ tăng 31,2%, Trung Quốc tăng 24%, Nhật Bản tăng 21%.
Thị trường xuất khẩu gỗ không ngừng được mở rộng, nếu năm 2003 sản phẩm gỗ của nước ta chỉ xuất khẩu đi 6 nước trên thế giới thì đến nay đã có mặt ở 120 quốc gia, trong đó 3 thị trường chính là Hoa Kỳ (chiếm 38 – 44%), EU (chiếm 28 – 30%), Nhật Bản (12 – 15%).
Mặc dù, ngành gỗ chế biến có mức trưởng cao nhưng chất lượng tăng trưởng thấp và không bền vững. Tăng trưởng của ngành chế biến gỗ trong giai đoạn vừa qua chủ yếu dựa vào xuất khẩu, đa số là gia công, phụ thuộc vào sự đặt hàng và thiết kế mẫu mã từ nước ngoài, hiệu quả sản xuất còn thấp, sức cạnh tranh yếu. Hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp có thể đầu tư công nghệ, thiết bị và có khả năng tự sản xuất theo thiết kế riêng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng.
Đến nay cả nước có trên 3.900 doanh nghiệp chế biến gỗ, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 16%. Tuy chỉ chiếm 16% nhưng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chiếm đến 50%. Có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có các cá nhân và tổ chức đầu tư vào ngành chế biến gỗ ở nước ta, trong đó Đài Loan chiếm 43,5% số doanh nghiệp, tiếp đến là Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản…
Hiện có hơn 50% số cơ sở chế biến gỗ là đơn vị có trang thiết bị đơn giản, phục vụ cho việc sơ chế và sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh có chất lượng thấp, phục vụ tiêu thụ nội địa hoặc gia công nguyên liệu phục vụ cho các doanh nghiệp có quy mô lớn.
Sự phân bố của các doanh nghiệp chế biến gỗ không đồng đều trên cả nước, những địa phương có nhiều rừng như: Tây Bắc, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên lại có rất ít doanh nghiệp chế biến gỗ và quy mô doanh nghiệp rất nhỏ. Trong khi đó, 60% doanh nghiệp và cơ sở chế biến gỗ tập trung ở các tỉnh Đông Nam bộ, với những doanh nghiệp có quy mô lớn.
Trong lúc kim ngạch xuất khẩu gỗ đang có những thành công đáng ghi nhận thì tại thị trường nội địa ngành gỗ Việt Nam đang bị lấn át bởi các sản phẩm nhập khẩu. Hiện nay thị trường gỗ nội địa chưa được tập trung phát triển, số lượng các doanh nghiệp khai thác thị trường nội địa chỉ chiếm tỉ lệ thấp, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Trong bối cảnh khó khăn của tình hình kinh tế thế giới hiện nay một số doanh nghiệp đang quay về với thị trường nội địa. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của phần lớn doanh nghiệp khi hướng vào thị trường nội địa là chưa tạo được thương hiệu để người tiêu dùng biết đến, chưa tạo được sản phẩm có thiết kế phù hợp với thị trường, chưa có hệ thống phân phối và giá bán hợp lý.
Ngành chế biến gỗ có nhiều điều kiện phát triển thành ngành công nghiệp mũi nhọn
Để ngành chế biến gỗ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ & Chế biến Gỗ TP HCM cho rằng: Cần thực hiện quy hoạch chế biến gỗ. Khu công nghiệp chế biến gỗ cần được xây dựng ở các vùng có khả năng cung cấp nguyên liệu ổn định, thuận lợi về cơ sở hạ tầng, đảm bảo có lợi nhuận và cạnh tranh được với thị trường quốc tế.
Ngoài ra, cần có chính sách vay vốn dài hạn cho các doanh nghiệp chế biến gỗ đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, thiết bị…, giúp các doanh nghiệp chế biến gỗ khó tiếp cận với đất và rừng để xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp với hoạt động của mình, nâng cao sự cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đẩy mạnh, hiện đại hóa công nghiệp chế biến gỗ quy mô lớn cần từng bước phát triển và hiện đại hóa công nghiệp chế biến quy mô nhỏ ở các vùng nông thôn và làng nghề truyền thống, góp phần đa dạng hóa kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Mai Phương
-
Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Thiết lập cơ chế hỗ trợ và giám sát rõ ràng
-
Quy định mới về cơ chế phát triển các dự án nhiệt điện khí
-
Tin tức kinh tế ngày 10/5: Ngân hàng tích cực “bơm” vốn
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 5/5 - 10/5
-
Tạo hành lang pháp lý, cơ chế ưu đãi thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ số