Đưa hàng Việt về nông thôn: Chưa được như mong muốn

16:56 | 29/12/2011

1,011 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có hiệu ứng, không chỉ với doanh nghiệp (DN) mà cả người dân. Để hàng Việt có chỗ đứng ở khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa, các ban ngành chức năng và các địa phương cũng đã tạo điều kiện tốt nhất cho các DN tổ chức đưa hàng Việt giá hợp lí đến với những người dân còn khó khăn. Tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn chưa được như mong muốn.

Những chuyến xe mang hàng Việt đến với bà con

Nhiều doanh nghiệp đặt lợi ích cao hơn cộng đồng

Tính đến thời điểm này toàn thành phố Hà Nội đã triển khai được hơn 300 chuyến bán hàng lưu động, trong đó có 16 chuyến trọng điểm, bán hàng chính sách tập trung vào các xã vùng xa 3 huyện Thạch Thất, Mỹ Đức, Ba Vì. Thành phố đã phối hợp với các địa phương tổ chức 34 chuyến bán hàng phiên chợ Việt vào các khu công nghiệp, khu chế xuất ngoại thành Hà Nội. Trong đó có 30 phiên chợ bán tại huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Đông Anh… Tổng doanh số là 4,3 tỉ đồng, trung bình là 143 triệu đồng/phiên. 4 chuyến hàng tại mốt số khu công nghiệp, tổng doanh số là 230 triệu đồng, bình quân là 58 triệu đồng/phiên.

Bên cạnh những phiên chợ, những chuyến bán hàng lưu động được người dân nhiệt tình ủng hộ thì vẫn còn nhiều hội chợ, nhiều phiên chợ khiến người dân hoài nghi về chất lượng và mục đích của cuộc vận đồng người Việt dùng hàng Việt. Không chỉ là chuyện về hàng Trung Quốc bày bán trong những hội chợ, phiên chợ Việt mà câu chuyện bán hàng kém chất lượng để có được giá thấp phù hợp với thu nhập người nông dân cũng đáng phải bàn đến.

Nếu như năm trước, tình trạng nhiều DN tự đưa hàng về nông thôn bày bán rồi treo quảng cáo là hàng Việt, nhưng toàn là hàng chất lượng kém thì hiện nay tình trạng này vẫn tồn tại nhưng nó lẩn khuất trong các hội chợ hàng Việt và các phiên chợ hàng Việt tại các vùng nông thôn. Điều này cho thấy, nhiều DN vẫn đặt lợi cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng. Đi ngược lại mục đích tốt đẹp của cuộc vận động.

Theo đại diện UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) trong năm 2011 toàn huyện có 3 chuyến hàng Việt về bán, nhưng hàng hóa chủ yếu là hàng Trung Quốc. Những hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng thì giá cả cũng tương đương so với hàng hóa trong siêu thị, nên người dân chọn mua hàng trong siêu thị chứ không mua trong hội chợ. Bởi vậy, về cơ bản, những chuyến hàng Việt về huyện này vẫn chưa thực sự được nhiều người dân quan tâm, có chăng chỉ là các quảng cáo giật gân, ca nhạc để thu hút khách hàng vào xem là chính.

Đại diện UBND huyện Mê Linh, Hà Nội lại cho rằng, tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn là điều rất đáng khích lệ, nhưng phải làm rõ đối tượng nào cần. Các chuyến hàng về huyện này chủ yếu tập trung ở những vùng có thương mại sầm uất mà không đưa về đến vùng sâu vùng xa, nơi có những người nông dân nghèo không có điều kiện và thời gian đi mua sắm.

Phải chỉnh đốn từ hội chợ

Đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những chủ chương để thực hiện tốt hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, rất nhiều vướng mắc trong những hội chợ được tổ chức không chỉ là ở vùng nông thôn mà ngay trong thành phố cũng rất kém chất lượng.

Tại Hội chợ mang tên “Thời trang Việt” đang được triển lãm ở Trung tâm triển lãm Giảng Võ cũng thấy nhiều bất cập so với tên hội chợ, bởi có quá nhiều hàng Tàu, hàng Thái, hàng Nhật trong hội chợ này. Điều trớ trêu là nhiều khách hàng sau khi tham quan hàng Việt lại chọn mua hàng nước khác.

Cái khác của các Hội chợ được tổ chức ở những vùng nông thôn là quảng cáo quá rầm rộ và các chương trình ca nhạc để hút khách, thu hút sự tò mò của người dân, dù chỉ thu hút được người dân vào xem nhưng chất lượng của hội chợ làm họ thực sự thấy thất vọng.

Có ý kiến cho rằng, văn nghệ là để thu hút người dân nhưng trong các hội chợ lại nghiêng quá về văn nghệ. Đã là hội chợ hàng Việt, thì ngay cả văn nghệ và các hoạt động văn hóa khác cũng phải mang thuần phong mĩ tục của người Việt. Bên cạnh đó, trong hội chợ hàng Việt giờ lại xuất hiện nhiều hình thức vui chơi trá hình, có người vào mua hàng, vui trò chơi thưởng mà mất đến 20 triệu đồng. Sở Công Thương Hà Nội và các địa phương cần phải có những cam kết với DN để hạn chế tình trạng này.

Cũng có ý kiến cho rằng, công tác tuyên truyền cũng phải thống nhất từ bảng hiệu, quảng cáo đều phải tôn vinh hàng Việt.

Trả lời vấn đề này, Bà Lê Kim Oanh – Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Hà Nội cũng cho rằng, cuộc vận động này đã có kết quả nhưng chưa được như mong muốn. Công tác tuyên truyền rất tốt, nhưng từ văn bản đến khâu tổ chức, triển khai thực hiện luôn còn rất khó khăn. Có nhiều phiên chợ báo cáo về có tới hơn 10 nghìn người vào tham quan mua sắm, nhưng vấn đề đặt ra là số lượng người vào đông như vậy vì tò mò hay để mua hàng?

Cũng theo bà Oanh, năm 2012, DN hàng Việt cũng phải tuân tủ theo một số quy định như nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và giá cả phù hợp hơn nữa. Cả DN và cơ quan chức năng cũng phải đặt ra câu hỏi, vì sao người Việt lại sính ngoại? Trong năm tới, Ban chỉ đạo sẽ chỉ đạo sát sao hơn mà cụ thể là chất lượng hội chợ phải tốt hơn. Đặc biệt, phải cấm việc bán vé vào hội chợ, vì người dân không thể mất tiền rồi mới được mua hàng Việt. Nhà nước chỉ hỗ trợ tốt nhất cho các DN sản xuất hàng nội địa để cạnh tranh với hàng ngoại nhập chứ không thể cấm hàng ngoại nhập. Bởi vậy, ngoài việc nhà nước tạo điều kiện, các DN phải cố gắng để người dân không quay lưng lại với hàng trong nước.

Đức Minh