Đủ "chiêu" né trạm cân

06:36 | 08/06/2014

1,137 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sau hơn hai tháng triển khai kiểm soát tải trọng, lượng xe quá tải lưu thông đã giảm đáng kể. Nhiều chiêu trò mới được các tài xế “phát minh” ra như thuê “hoa tiêu” dẫn đường, chấp nhận bị phạt khi đi vào đường cấm, dùng nhiều xe không tải trộn lẫn một xe quá tải để… cùng nhau vượt trạm cân.

1001 cách "vượt mặt" trạm cân

Thời gian vừa qua, trên nhiều cung đường, cánh lái xe đã nghĩ ra nhiều thủ đoạn “đào tẩu” ly kỳ qua trạm cân. Đầu tiên là thủ đoạn che mắt lực lượng kiểm tra khi các lái xe họp nhau lại để chạy thành một hành ô tô dài, sát nhau. Trong đó, các xe “dẫn đoàn” và "khóa đuôi” là những xe không quá tải hoặc xe không tải, còn xe vượt tải trọng thì “trộn” vào giữa đoàn xe đã “làm khó” cho lực lượng kiểm tra liên ngành khi yêu cầu xe có tải, quá tải vào trạm cân.

Quái chiêu hơn, một số lái xe cố tình điều khiển phương tiện vào khu vực nội thị, “phi” cả vào đường cấm và “vui vẻ” chấp nhận nộp phạt vì mức xử phạt cho hành vi chạy vào đường cấm nội thị nhẹ hơn nhiều lần so với mức xử phạt khi bị phát hiện chở quá tải trọng cho phép. Cá biệt hơn nữa là lái xe sẵn sàng bỏ tiền ra thuê “hoa tiêu” là dân địa phương dẫn đường hòng “lách” trạm cân.

Rất nhiều xe chở vật liệu xây dựng quá tải vẫn lưu thông trên đường.

Một trong các trạm cân lưu động hoạt động tốt là trạm cân trên Quốc lộ 1 địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Lực lượng liên ngành đã tăng cường chốt chặn ở trạm 24/24 giờ. Hai đầu trạm được đặt biển cấm đỗ xe để không cho các xe muốn “vượt trạm” có thể dừng đỗ hai bên đường chờ thời cơ vượt trạm. Bên cạnh đó, lực lượng liên ngành tiến hành xử lý nghiêm các xe chở quá tải, quá khổ nên tình trạng xe quá tải lưu thông tại đây đã giảm hẳn.

Ông Nguyễn Hồng Thái, Trạm trưởng trạm cân lưu động Thanh Hóa nói: "Thời gian mới thành lập trạm, rất nhiều khó khăn về chuyên môn cũng như việc xử lý xe quá tải. Anh em trong trạm vừa phải mềm mỏng với chủ doanh nghiệp và lái xe, vừa kiên quyết làm đúng pháp Luật quy định để người chủ doanh nghiệp và lái xe hiểu và chấp hành. Đến nay, chúng tôi luôn xử phạt nghiêm xe vi phạm nên các lái xe, chủ hàng cũng không dám tái phạm, lượng xe quá tải đã giảm hẳn, lái xe cũng không còn hung hăng gây gổ như trước nữa".

Để “chống” xe quá tải đi vòng qua các tuyến đường liên huyện, xã trốn tránh sự kiểm soát gắt gao, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Thanh Hóa cũng đã vào cuộc sát sao. Theo Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, ngoài trạm kiểm tra cân lưu động, tỉnh cũng đã trang bị cho lực lượng chức năng 3 bộ cân xách tay để chặn ở nhiều ngả đường khác nhau. Những bộ cân này có thể chặn đường từ chính những mỏ đá, cát, nhà máy… nhằm kiểm soát tải trọng xe ngay từ điểm xuất phát. Sắp tới, tỉnh sẽ mua thêm 5 bộ cân xách tay, bố trí các tổ công tác phối hợp với lực lượng địa bàn để “kẹp” chặt xe quá tải không cho lọt lưới qua địa bàn Thanh Hóa. Mặt khác, Công an tỉnh cũng đã tung cảnh sát hình sự ra bám địa bàn để xử lý đối tượng cò mồi, hoa tiêu dắt xe vượt trạm.

Sẽ mạnh tay xử lý từ "gốc"

Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã công bố quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra tại các địa phương về việc thực thi siết xe quá tải trọng. Đây là một động thái mới nhất để có thể triệt để phá bỏ những biện pháp đối phó của của lái xe và chủ hàng. Theo đó, các Sở Giao thông Vận tải địa phương sẽ phải báo cáo đoàn kiểm tra về tình hình hoạt động của phương tiện chở hàng quá tải trọng, các tuyến đường có phương tiện chở hàng quá tải, tổ chức, cá nhân xếp hàng, vận chuyển hàng vượt quá tải trọng trên địa bàn… Đoàn kiểm tra sẽ đối chiếu thực tế để nắm bắt về công tác quản lý của địa phương. Ngoài ra, các tổ công tác sẽ kiểm tra đột xuất, không kể thời gian việc thực thi nhiệm vụ tại các trạm cân lưu động…

Kiểm tra tải trọng của xe tại một trạm cân lưu động

Trước tình hình diễn biến căng thẳng của xe quá tải ở một số địa phương, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải có thể sẽ kiến nghị lên Bộ sử dụng biện pháp quyết liệt như tháo biển số xe nếu phương tiện cố tình xếp hàng “dàn trận” hoặc “nằm lì” trước trạm cân quá 1 giờ đồng hồ. Bởi khi xe không có biển kiểm soát, lái xe sẽ không thể liều lĩnh điều khiển xe tham gia lưu thông trên đường.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, Bộ đã kiến nghị Chính phủ trong thời gian tới sẽ đặt trạm cân ở nhiều cấp đường khác nhau. Thậm chí lắp trạm cân gắn liền trạm thu phí, trạm cân cố định. Bộ GTVT có thể cho phép đầu tư trạm cân theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao), tất cả các trạm thu phí đều phải đưa trạm cân vào hoạt động.

Ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã thẳng thắn chỉ ra rằng: “Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết mưa nhiều, nhân lực ít nhưng các trạm cân vẫn duy trì chế độ hoạt động 24/24 giờ trong suốt những ngày qua. Quản lý Nhà nước không thể chịu thua lái xe hay doanh nghiệp vận tải, không thể để tồn tại tình trạng lái xe xếp hàng dài chờ “bung” trạm cân, xé rào chở quá tải. Đa phần, các xe tải lưu thông qua đều bị dừng kiểm tra, bất kể ngày đêm. Tuy nhiên, lực lượng chức năng xử lý quá tải mới chỉ dừng lại ở lái xe nhưng thực tế đa phần đối tượng này lại là người làm thuê, chịu sự điều hành của chủ xe, doanh nghiệp vận tải. Do đó, để siết chặt hoạt động vận tải cũng như tải trọng phương tiện thì song song với triển khai cân xe, quan trọng nhất là phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xử lý nghiêm minh với các chủ xe, doanh nghiệp vận tải”.

Công Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc