Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện

21:45 | 21/10/2024

13,604 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) bổ sung quy định để giá điện theo thị trường, cơ cấu biểu giá hợp lý hơn. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra kiến nghị cần cụ thể hơn các chính sách cải cách giá điện một cách phù hợp, hướng tới việc thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh.

Chiều nay, 21/10, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

6 chính sách lớn

Trình bày tờ trình dự án Luật tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trên cơ sở nhận diện các cơ sở chính trị và tổng kết các tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong thi hành Luật Điện lực thời gian, vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) với 6 chính sách lớn bao gồm quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới.

Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình về Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực; quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường.

Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; an toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.

Dự thảo Luật kế thừa và có sửa đổi chủ yếu 62 điều về quy định chung, cấp giấy phép hoạt động điện lực, thị trường điện, mua bán điện, giá điện, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, bảo vệ công trình điện lực và an toàn điện, bỏ 4 điều, gộp 4 điều vào các điều khác (chủ yếu về nội dung chính sách phát triển về đầu tư, tiết kiệm điện và giá điện).

Đồng thời, bổ sung 68 điều gồm các nội dung về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý các nguồn điện khẩn cấp, chính sách phát triển và vận hành các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí, dự án nguồn điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao, các chính sách về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, đặc biệt quy định về phát triển điện gió ngoài khơi), năng lượng mới với điều kiện tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp (như hydrogen), cơ chế mua bán điện trực tiếp, triển khai đầy đủ các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế, các loại giá điện, giá mua bán điện theo thời gian trong ngày, giá điện nhiều thành phần…

Cụ thể hóa các chính sách, đặc biệt về giá điện

Trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Điện lực (sửa đổi), ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Ủy ban KHCN&MT) của Quốc hội, cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi); hồ sơ Dự án Luật cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.

Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Song cơ quan này đề nghị làm rõ việc cụ thể hóa các chính sách như việc đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, đặc biệt các nội dung về giá điện, về việc xóa bỏ bù chéo. Bổ sung các chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển nguồn nhân lực, gắn ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ năng lượng. Bổ sung chính sách bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, mục tiêu phát triển ngành điện tiên tiến, hiện đại.

Theo cơ quan thẩm tra, mặc dù Bộ Công Thương đã có báo cáo giải trình, song một số vấn đề chưa được làm rõ. Ví dụ như đối với giá điện, chưa có quy định, nguyên tắc để minh bạch các thành phần của giá điện, trong đó có bao gồm các khoản hỗ trợ đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa...

Trước mắt, các khoản này tiếp tục được hạch toán vào giá điện nhưng cần tách bạch cụ thể và có lộ trình dài hạn để tiến tới việc chi cho các khoản này được lấy từ ngân sách nhà nước hoặc các nguồn tài chính khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Đối với chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu: cần có chính sách để có cơ cấu nguồn điện hợp lý, lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ các dự án đầu tư, các nguồn điện sử dụng công nghệ lạc hậu hoặc gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, một số quy định về việc cam kết sản lượng hợp đồng tối thiểu và dài hạn, việc quy định cơ chế bao tiêu với các đơn vị tham gia thị trường điện là không phù hợp. Bởi nếu thực hiện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải gánh một khoản chi phí rất lớn, ảnh hưởng đến cân đối tài chính của EVN, đi ngược lại xu hướng của thị trường điện cạnh tranh. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc kỹ nội dung quy định.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung chính sách ưu tiên đối với các dự án có tích hợp hệ thống pin lưu trữ (điện gió, điện mặt trời) phù hợp với bảo đảm an toàn hệ thống điện và giá điện hợp lý.

Khuyến khích, có cơ chế ưu đãi đối với các dự án điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu có tích hợp hệ thống pin lưu trữ để hình thành các hệ thống nguồn điện phân tán, nhà máy điện ảo hợp lý, mang lại hiệu quả; bổ sung quy định để đưa các nguồn điện năng lượng tái tạo tham gia thị trường điện.

Chính phủ cũng cần cụ thể hơn các chính sách cải cách giá điện một cách phù hợp, hướng tới việc thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh và rà soát các quy định về giá điện…, theo cơ quan thẩm tra.

D.Q

  • bidv-nha