Đồng thuận và đồng hành 1

08:35 | 11/11/2011

438 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nói và làm đi đôi với nhau, Bộ GTVT không vạch ra rồi để đấy mà có ngay văn bản gửi UBND TP Hà Nội và trình Chính phủ phương án đổi giờ học, giờ làm.

Vậy là đề xuất quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng về việc thay đổi giờ làm việc và học tập ở Hà Nội để giảm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm đã tạo được sự đồng thuận cao của xã hội. Tuy nhiên đến khi Bộ trưởng GTVT đề xuất thực hiện giải pháp bố trí giờ học, giờ làm lệch ca vẫn có nhưng ý kiến cho rằng, cần phải cẩn trọng và nghiên cứu kỹ nếu không sẽ thiếu hiệu quả.

Có nhà khoa học băn khoăn: Hiện nay đây cũng mới chỉ là đề xuất, cần phải nghiên cứu thêm, cũng chưa có phương án cụ thể nào cả. Đấy cũng là một giải pháp trong giao thông đô thị, một số nước đã áp dụng và có thành công nhất định. Có người tỏ ý không tin còn nói thẳng ra rằng, 5 năm nữa tình hình giao thông Hà Nội vẫn như hiện nay, đấy đã là thành công, tức là không tắc nghẽn thêm, chứ đừng mong là vào giờ cao điểm đường sẽ vắng hơn nhờ điều chỉnh giờ?! Ai cũng đòi điều nghiên này nọ mà không có ý kiến cụ thể.

Điều chỉnh giờ làm việc sẽ giảm lưu lượng phương tiện tham gia giao thông, hạn chế ùn tắc

Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam thì cho rằng: Việc Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt vấn đề là đổi giờ làm vừa giảm ùn tắc, vừa đảm bảo hoạt động bình thường của các đơn vị là rất quan trọng.

Xem ra nhiều ý kiến chưa đồng thuận là do ngại xáo trộn cuộc sống của gia đình nhất là việc học của con em. Nếu đổi giờ học thì nên đổi giờ học của mẫu giáo và tiểu học, vì lứa tuổi này bố mẹ đều phải đưa con đi học…

Nói và làm đi đôi với nhau, Bộ GTVT không vạch ra rồi để đấy mà có ngay văn bản gửi UBND TP Hà Nội và trình Chính phủ phương án đổi giờ học, giờ làm. Theo đó, giờ làm việc của công chức cơ quan quan Trung ương đẩy xuống muộn từ 9h và kết thúc lúc 18h; công chức của Hà Nội cũng được đề xuất đi làm muộn một giờ so với hiện nay. Riêng học sinh, sinh viên được Bộ chia ra làm 6 nhóm học tập vào những giờ khác nhau theo địa bàn quận. Trong đó, có phương án đổi giờ vào học của sinh viên các trường ở quận Cầu Giấy, Thanh Xuân bắt đầu học từ 6 giờ, còn những trường ở trong các quận nội thành cũ có thể cho sinh viên vào học từ 7h hoặc 8h… Người dân chờ đợi ý kiến của Hà Nội khi có thông tin rằng, Hà Nội không vội vàng lên phương án đổi giờ làm việc và học tập.

Tuy nhiên, Thường trực Thành ủy TP Hà Nội đã vào cuộc, bàn thảo và kết luận về việc điều chỉnh giờ làm việc, giờ học tập, kinh doanh thương mại trên địa bàn. Theo đó, có 3 nhóm phải điều chỉnh. Nhóm thứ nhất gồm học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp – dạy nghề và trung học phổ thông, bắt đầu học từ 7h và kết thúc vào 18h. Nhóm hai là các trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm… bắt đầu mở cửa lúc 9h, đóng cửa 22h. Nhóm ba gồm công chức, viên chức, học sinh các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở… thời gian làm việc và học tập giữ nguyên như hiện tại, tức là từ 8h đến 17h. Về việc không thay đổi giờ làm của công chức, viên chức, giờ học của nhóm phụ thuộc là học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, Thường trực Thành ủy khẳng định để tránh “gây nên đảo lộn trong sinh hoạt”. Phạm vi điều chỉnh giờ học, giờ làm là chỉ thực hiện trong 10 quận nội thành và 2 huyện Từ Liêm và Thanh Trì do đây là khu vực chủ yếu diễn ra ùn tắc giao thông.

Theo Bộ GTVT có khoảng 355.000 cán bộ, công chức hưởng lương ngân sách, trong đó, các cơ quan Trung ương có khoảng 200.000 người, chiếm 57%; số lượng cán bộ cơ quan trực thuộc Hà Nội khoảng 155.00 người, chiếm 43%. Theo một nghiên cứu chính thức, giờ cao điểm thường xảy ra ùn tắc giao thông trên các trục, nút giao thông từ 6h30 – 8h30 và từ 16h30 – 18h30. Nguyên nhân gây ra ùn tắc vào thời điểm trên là do người, phương tiện tham gia giao thông lớn. Về đối tượng tham gia giao thông thời điểm đó, nghiên cứu này cho biết, học sinh, sinh viên, công chức, viên chức chiếm tỉ lệ lớn. Thương trực Thành ủy giao cho UBND hoàn chỉnh dự thảo để trình Chính phủ xem xét.

Tại cuộc họp với đại diện các bộ, ngành do UBND TP Hà Nội chủ trì, các ý kiến đều khẳng định sự đồng thuận với đề xuất thay đổi giờ làm việc và học tập ở Hà Nội. Về phương án cụ thể này, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị cần hạn chế tối đa ảnh hưởng, xáo trộn trong đời sống, sinh hoạt của nhân dân và hệ thống nhà trường các cấp, cần nghiên cứu, quan tâm đến thời gian làm việc của số lượng giáo viên. Ngoài ra, cần cân nhắc xem xét thêm giờ học của học sinh, sinh viên bởi phương án đưa ra khá sát với giờ làm của công chức, viên chức. Đại diện Bộ Quốc phòng cũng khẳng định cơ bản nhất trí với đề xuất điều chỉnh giờ học của Hà Nội, nhưng kiến nghị giờ học của học sinh, sinh viên nên sớm hơn, từ 6h30 – 11h30 và từ 13h30 – 18h30. Ý kiến này được đại diện Bộ Công Thương ủng hộ với quan điểm, học sinh phổ thông trung học, sinh viên khá độc lập và nếu thời gian giãn cách tương đối mới giảm được lượng phương tiện ra đường cùng lúc. Có ý kiến đề nghị các nhà trẻ, trường mầm non, tiểu học nên tổ chức thêm dịch vụ đón học sinh sớm, trả muộn để tạo điều kiện cho phụ huynh yên tâm công tác. Còn đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kiến nghị nghiên cứu có giờ học, làm việc mùa hè, mùa đông khác nhau để bảo đảm về yếu tố sinh học, sức khỏe.

Còn Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi khẳng định thành phố sẽ tập hợp ý kiến của các tầng lớp nhân dân xung quanh việc điều chỉnh giờ làm việc để hoàn chỉnh phương án. Được biết, đồng thời, UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở GTVT yêu cầu khẩn trương xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông ở thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ. Theo đó, giao Sở GTVT kiểm tra, khảo sát, tính toán cơ sở khoa học, thực tiễn để xây dựng đề án, báo cáo UBND thành phố lần đầu trong tháng 12/2011. Trong một diễn biễn khác, Bộ GTVT đã có Văn bản số 6826/BGTVT-VT gửi UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đề nghị thành lập Ban Xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông, hoàn thành, gửi đề án về Bộ GTVT trước ngày 15/1/2012.

Vậy là từ một đề xuất cấp bách và cụ thể của người đứng đầu Bộ GTVT đã đánh động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để bàn thảo, đề xuất rất cụ thể để thực hiện. Ai đó đã rất đúng khi nói rằng, hãy đốt lửa còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối. Lửa đã cháy lên rồi. Hy vọng việc điều chỉnh giờ làm việc sẽ sớm được thực hiện thay cho cung cách xưa cũ tồn tại quá lâu đánh trống bỏ dùi, trên quyết dưới liệt!

Minh Nghĩa