Dòng rượu Bordeaux tưới chân tượng đài A1

15:59 | 30/04/2014

1,596 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chuyện thú vị 44 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, lão nhà báo Phạm Phú Bằng khi ấy đã ngót 70 tuổi vẫn vui lòng cùng hai người lính Pháp (Trung đoàn Dù số 6 trực thuộc đơn vị lính thủy đánh bộ Hải quân Pháp) hành quân bộ từ Hòa Bình lên Điện Biên Phủ để giúp hai người lính ấy trong chuyến tưởng niệm chiến tranh.

Năng lượng Mới số 317+318

* Có hai thượng sĩ quân dù Pháp mong được hành quân cấp tốc ngược dòng thời gian “trở về” Điện Biên Phủ. Họ xưng là lính “truyền thống Bigeard”.

* Đại tướng Võ Nguyên Giáp lắng nghe câu chuyện họ kể và sau đó trao cho họ một lá thư ngỏ.

* Mẻ rượu vang đỏ “Bordeaux lên men từ nước Pháp” dành riêng cho ký ức Điện Biên được rót xuống chân tượng đài A1.

Mùa hè 1998, Hội Cựu chiến binh nhắn tôi: “Là phóng viên trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - chắc anh vui lòng nhận lời mời anh lên sân bay đón hai người lính Pháp muốn hành quân đi bộ từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ”.

Gặp nhau, chào tôi theo lối nhà binh, một lính Pháp nói: Chúng tôi được Trung đoàn số 6 giao trách nhiệm hành quân lên chiến trường Điện Biên Phủ để tưởng niệm vào dịp 50 năm Ngày thành lập Trung đoàn. Chúng tôi hân hạnh được ông dẫn đường.

Đó là hai thượng sĩ nhất của Trung đoàn Dù số 6 trực thuộc đơn vị lính thủy đánh bộ Hải quân Pháp (6eRPIMA) anh Bruno Mercier và anh Michel Gars, tuổi xấp xỉ ba mươi, cao lớn, cân nặng cỡ 80kg.

Bruno Mercier tiếp lời: “Chúng tôi là lính truyền thống Bigeard. Trên mặt trận Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn Dù số 6 BPC do ông Bigeard chỉ huy đã gánh vác những trận phản kích ác liệt nhất ở Beatrice và Gabrielle (tức là ở Him Lam và đồi Độc Lập), ở đường băng sân bay, ở cao điểm Éliane (ta gọi là đồi A1). Chỉ tiếc rằng… Tiểu đoàn 6 BPC là tiền thân, là nòng cốt, là cô đọng truyền thống chiến đấu của Trung đoàn 6 chúng tôi hiện nay”.

Nhà báo Phạm Phú Bằng rót rượu Bordeaux xuống chân tượng đài

Tôi nhìn ra bầu trời nắng gắt và rặng núi Tây Bắc tầng tầng - là người dẫn đường - tôi bảo Bruno: Sao hai anh không đi máy bay lên Điện Biên, ở đó chúng ta có thêm thời gian ngắm nhìn cảnh vật và mường tượng lại cuộc chiến 55 ngày đêm?

Bruno nói: Chúng tôi chấp nhận đi bộ, leo đèo, ăn thiếu, nhịn khát, chịu đựng gian nan để xích lại gần cảnh ngộ cha anh chúng tôi đã đổ máu hy sinh trong chiến đấu, có người đã phải đi ngược con đường số 6 đau khổ này.

Chúng tôi là lính com-măng-đô (lính biệt động) đã rèn luyện các mặt nhưng chưa từng trải chiến tranh, mong ông vừa đi đường vừa kể chuyện, hẳn ông biết được nhiều chuyện về người lính ở cả hai bên…

- Thôi được, Bruno ạ!

Thế là tổ quân nhân “Việt - Pháp” xuất phát từ thị xã Hòa Bình lúc 4 giờ 45 phút sáng ngày 7/5/1998 (vào ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ phía Việt Nam).

Bruno cho biết, theo kế hoạch đã vạch ra, họ sẽ đi bộ xen leo dốc 300km dọc đường số 6 trong vòng mười ngày. Nhưng phía chính quyền Việt Nam đã thông báo cho họ vì lý do an ninh, cuộc hành quân đó chia thành 5 chặng và phải kết thúc trong vòng 6 ngày thôi!

Tôi nhẩm tính, thế là mỗi ngày phải đi bằng được 50km. Tôi nói với Bruno, hai anh có thể mặc quân phục, nhưng không gắn quân hàm, quân hiệu. Còn lá quốc kỳ Pháp, các anh cài ngắn gọn sau lưng balô vậy.

Ngày đầu tiên thử lửa đè nặng hơi thở là Dốc Cun, đèo Thung Khe… đi ròng rã dưới nắng rát mười hai giờ đồng hồ mới được năm mươi cây số. Mặt trời lặn, gặp quán nhỏ ven đường. Bữa tối vừa nhai cơm vừa rút kinh nghiệm. Bruno đề nghị tôi thu xếp để mỗi chặng cứ đến 9 giờ sáng là đã đi được 25km lúc trời còn mát. Những cây số còn lại túc tắc theo sau. Như thế là mỗi ngày phải lên đường khi trời chưa sáng, đang thèm ngủ. Tôi nghĩ hai anh lính dù com-măng-đô này hẳn đã được nếm mùi nắng gió hành quân sa mạc Bắc Phi vốn là thuộc địa Pháp. Nhưng còn đây là cái nóng ẩm ở Việt Nam thì có khác, nó bức bối khó thở, nhớp nháp, áo dính vào lưng. Hai phía Việt - Pháp động viên lẫn nhau. Tuổi tôi đã áp sát 70, cuộc vượt Trường Sơn Nam tiến ngày nào chỉ còn là kỷ niệm.

Cùng đi bộ 3 ngày, tôi nhận thấy hai anh lính dù này ăn uống kham khổ thật. Mờ sáng chỉ mấy miếng bích quy khô khốc rồi uống nước lọc. Buổi trưa thì vài quả chuối hoặc một quả đu đủ, chị em dân Thái ven đường đem cho. Buổi tối họ mới thực ăn cơm cùng tôi, có thịt, có cá. Không phải họ ăn kiêng hai bữa sớm trưa để giảm béo như chuyện thời nay, mà trong họ có một tâm nguyện sâu xa. Phần tôi, sáng sớm ngủ dậy thì ăn lương khô Việt Nam sản xuất, tuy không ngon bằng lương khô Trung Quốc nhưng vẫn đủ dinh dưỡng.

Khi đến chân đèo Pha Đin, tôi chụp tấm ảnh Bruno cầm và hôn tay một cô gái Thái đang chăm sóc rau đậu ven đường.

Bruno nói vui là cố tìm thêm chút năng lượng để vượt qua con dốc 32km dài nhất Tây Bắc.

Tôi cười, thôi thế là đủ chất lãng mạn của người Pháp rồi anh ơi! Còn dấn thêm một bước, vượt ranh giới, thì phải một con lợn, vài chục lít rượu, chúng ta làm bữa cơm xin lỗi dân bản đấy. Cuộc hành quân đặc biệt này mà đứt gánh thì ăn nói làm sao.

Chặng cuối cùng thực căng. Trên các cột cây số đã thấy ghi chữ Điện Biên Phủ. Nhưng để bước vào đất chiến trường đó thì cảm giác là vẫn còn nguyên “năm mươi cây số”. Sức khỏe của bộ ba đã bị bào mòn. Cố lên tới đỉnh đèo Pha Đin, Thượng sĩ Michel Gars gần như xỉu. Không có bóng cây, không có khe nước, phải lặng lẽ chờ anh ta từ từ ngóc dậy. Nhớ lại chính buổi sáng hôm ấy, nói là khuya hôm ấy thì đúng hơn, gà gáy ba giờ, tôi già ít ngủ, lặng lẽ ra giếng nước múc một gầu nước đêm lạnh tạt vào thành giường hai anh: “Phải dậy ngay, dù có mệt, phải đến “chiến trường” trước 12 giờ đêm, hoàn thành cả chỉ tiêu thời gian và chỉ tiêu cây số đường đấy!”.

Hai anh hiểu ý. Tôi nói tiếp: Chỉ còn đèo Tằng Quái nung nắng mà thôi, cố lên! Tôi được xem qua nhật ký hai anh ghi về chặng cuối cùng ấy. Nhật ký ghi: “Những ngày vừa qua thực khó khăn cực nhọc. Chúng tôi vẫn quyết không buông xuôi tay. Nhưng cũng là sai lầm nếu cho rằng chúng tôi đã đứng dậy, bước tới từng bước một, là dựa vào ý chí quyết tâm của riêng mình. Còn có những lực thúc đẩy chúng tôi phải vượt qua chính mình. Chúng tôi đâu dám phụ lòng những người ở đơn vị quê hương đã đặt tất cả niềm tin cậy chúng tôi trong cuộc hành quân đặc biệt này. Có thể nhắc thêm, chúng tôi nâng lòng tự trọng khi Đại tá Phú Bằng cùng đi trên đường đèo dốc. Nhưng câu trả lời bao trùm là chúng tôi không hề cô đơn trên con đường dài...”.

Kìa, Điện Biên Phủ đã hiện lên trước mắt hai hạ sĩ quan Pháp. Không còn rừng cháy, không hố bom, không còn những bãi hoang chằng chịt thép gai. Điện Biên Phủ đã là chốn thị thành.

Một chiếc máy bay ATR72 hạ cánh xuống đường băng Điện Biên, hành khách ăn mặc lịch sự, nhiều màu.

Hai anh lính bỏ qua nhanh những cảm giác đó. Họ nhờ tôi đưa vào các rừng cây còn vết tích trận địa xưa, tất cả các cứ điểm đều được đặt tên phụ nữ Pháp.

Hai anh im lặng bày hoa rồi thầm đọc lời tưởng niệm các đồng đội đã hy sinh.

Rất may mắn khi lên đồi A1 (Pháp đặt tên là Éliane 2) trước đó một ngày có cơn mưa rào rất lớn. Nước chảy xối xả lộ ra các vết tích chiến trận. Hai anh vọc tay xuống bùn sỏi, nhặt những mảnh đạn, những khóa thắt lưng và xương trắng, toàn xương vụn, gói thành một bọc. Đó là những mảnh xương lẫn lộn của quân nhân Pháp và của chiến sĩ Việt Nam. A1 là nơi trải qua 30 ngày đêm bom đạn dội liên tục. Đất đá tơi thành bột trôi lấp chiến hào. Sống sót là chuyện thần kỳ. Ấy là chiến tranh. Hai anh nói, sẽ mang tất cả những kỷ vật Điện Biên tặng cho Bảo tàng Trung đoàn Dù số 6, tặng cho các cựu chiến binh Điện Biên Phủ và thân nhân của họ bên Pháp.

Đường về im lặng, trầm ngâm, không chuyện trò hỏi han gì thêm. Chiến tranh và số phận người lính. Hà Nội đây rồi!

Thêm một chuyện mới đang chờ đợi, hồi hộp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp có sẵn lòng tiếp chuyện hai người lính Pháp bình thường này không? Chưa nghe có tiền lệ.

Trong kế hoạch hành quân Điện Biên Phủ, người Pháp có ghi ước mong được gặp Đại tướng Việt Nam dù chỉ một vài phút ngắn ngủi.

Đại tướng đang họp Quốc hội. Thế mà tin đến, tin vui, Đại tướng hẹn hai anh thượng sĩ đúng 14 giờ đến gặp tại Nhà khách Bộ Quốc phòng, số 14 phố Lý Nam Đế. Đó là ngày 18/5/1998.

Là người dẫn đường, tôi đã báo cáo tóm tắt cuộc hành quân đi bộ lên Điện Biên Phủ của hai người lính Pháp. Hăm hở, cẩn trọng, nhiều thu hoạch và ấn tượng về cuộc chiến Điện Biên Phủ, về đất nước và con người Việt Nam.

Đại tướng xuất hiện, mọi người đứng dậy. Đại tướng hỏi hai anh về các trải nghiệm và suy nghĩ. Hỏi, đáp cụ thể, sinh động.

Xem đồng hồ, thực quá mong đợi. Cuộc chuyện trò giữa lão tướng Bách chiến và hai người lính trẻ thời bình của quân đội Pháp đã kéo dài đến bốn mươi phút.

Đại tướng nói chuyện bằng tiếng Pháp, nói về khát khao tự do của các dân tộc, về sức mạnh của nhân dân đứng dậy chống áp bức, vượt qua mọi quân đội nhà nghề.

Còn dăm phút, cầm một bức thư tự tay Người vừa viết bằng tiếng Pháp, Đại tướng đọc cho hai anh lính nghe. Hai anh nhớ câu Đại tướng: “Tôi đánh giá cao tinh thần hòa giải của Tổng thống Mitterand khi ông ta đã lên thăm Điện Biên Phủ cùng với cuộc hành quân tưởng niệm hôm nay theo sáng kiến của Hội Cựu chiến binh Pháp…”. Đại tướng trao ngay bức thư đó cho Thượng sĩ Bruno, anh ta giơ hai tay ra đỡ, vẻ mặt xúc động.

Anh Bruno nói, nhân dịp này xin cho phép hai anh kính biếu Đại tướng một chai rượu vang đỏ Bordeaux từ nước Pháp, mẻ rượu sản xuất đặc biệt dành riêng làm quà tặng các cựu chiến binh ở Điện Biên Phủ.

Đại tướng cảm ơn. Nhiếp ảnh của Văn phòng đứng dậy chụp mấy tấm ảnh về cuộc gặp gỡ đặc biệt.

Chuyến đi thành công. Ngay tại phòng khách, Bruno cũng tặng cho tôi một chai rượu quý ấy, trên đầu nhãn hiệu in mấy chữ, dịch ra là: “Vietnam 1998 khâm phục, biết ơn các Cựu chiến binh Điện Biên Phủ”.

Ngoài chai rượu, tôi còn tờ giấy photocopy nguyên bức thư tay Đại tướng nhờ chuyển về nước Pháp. Nhớ lại hôm trước trên đồi A1, sau cơn mưa to, nước cuốn theo các mảnh xương trắng của đôi bên, tôi thu xếp tức tốc lên lại Điện Biên rót hết dòng rượu vang đỏ xuống chân tượng đài A1 ghi ơn các liệt sĩ Việt Nam bất diệt.

(Theo Báo Quân đội nhân dân)