Đóng cửa nhà tù Guantanamo đâu có dễ!

19:00 | 25/05/2013

2,344 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 23/5 vừa qua, Tổng thống Barack Obama thông báo đóng cửa nhà tù Guantanamo giam nghi can khủng bố đặt trên đảo Cuba. Tuy nhiên, cũng chính ông Obama đã nói câu này chỉ hai ngày ông lên làm tổng thống nhiệm kỳ đầu. Chuyện xóa bỏ một biểu tượng của sự xấu xa đâu có dễ!

Mỹ bị cáo buộc bạo hành những tù nhân tại Guantanamo và giữ họ tại đây nhiều năm mà không truy tố

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 23/5 cam kết thực hiện lại những nỗ lực để đóng cửa nhà giam của quân đội Mỹ ở Vịnh Guantanamo ở Cuba. Tổng thống Obama loan báo kế hoạch này trong bài diễn văn về chính sách chống khủng bố.

Ông Obama đã hứa đóng cửa nhà giam Guantanamo lần đầu tiên khi ông ra tranh cử tổng thống vào năm 2008. Trong ngày thứ 2 sau khi nhậm chức năm 2009, ông đã ký một mệnh lệnh dể đóng cửa cơ sở này trong vòng một năm.

Nhưng sau đó trong năm 2009, Thượng viện Mỹ đã ngăn chặn việc chuẩn chi những ngân khoản cần có để thả tù nhân ở Guantanamo hoặc chuyển họ tới nơi khác.

Đến năm 2011, ông Obama đã ký một dự luật chi tiêu quốc phòng trong đó có điều khoản cấm chính phủ không được chuyển tù nhân Guantanamo tới lục địa nước Mỹ hoặc tới các nước khác, khiến cho nhà giam này phải tiếp tục hoạt động.

Để lý giải điều này, người ta biện minh đủ điều. Trong mấy năm vừa qua, nhiều cá nhân và tổ chức tại Mỹ đã lên tiếng phản đối việc di chuyển các tù nhân ở Guantanamo về các trại tù ở bên trong Mỹ. Các nhà lập pháp tại Hạ viện có ý kiến khác nhau về việc phải làm gì đối với cơ sở này và đã có hành động ngăn chặn đưa các nghi can tới các nước khác, hay đem họ tới Mỹ để xét xử.

Nghị sĩ John McCain muốn đóng cửa nhà tù ở Vịnh Guantanamo và hứa hợp tác với ông Obama về một kế hoạch giải quyết. Nhưng ông nói những vấn đề chung quanh cơ sở này phức tạp và không rõ phải làm gì đối với các tù nhân.

Các nhà lập pháp khác phản đối việc đóng cửa nhà tù này và cũng không muốn gửi một số tù nhân về quốc gia gốc của họ.

Để bảo đảm tính an toàn cho việc giam giữ các nghi can khủng bố ở trong nước, một số quan chức Mỹ đề nghị đưa cả các nghi can khủng bố giam giữ trong cùng một nhà tù; lập tòa án độc lập trong nhà tù, giảm thiểu cơ hội ra bên ngoài tiếp nhận xét xử của các nghi can; chuẩn bị tốt việc giam giữ lâu dài những nghi can khủng bố chưa bị khởi tố; lập "trại giam di dân" riêng rẽ để giam giữ những nghi can khủng bố được toà án trả tự do nhưng lại không có nước nào tiếp nhận.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, mặc dù những cách làm này trông có vẻ bảo đảm được an ninh cho Mỹ, nhưng lại đối mặt với rất nhiều thách thức. Trước hết, cách làm này tồn tại các vấn đề về pháp luật, đạo đức và lôgíc. Dư luận Mỹ cho rằng đề nghị này muốn được thông qua tại Quốc hội Mỹ là điều gần như không thể. Một số người phê bình thì cho rằng, việc đưa các nghi can khủng bố đến giam giữ tại các nhà tù trong nước Mỹ vẫn không bảo đảm được quyền lợi của các nghi can, không thể hiện được sự tiến bộ chủa Chính phủ Mỹ trong chính sách chống khủng bố.

Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại đại học Quốc phòng ở Washington, ngày 23/5/2013

Trong bài diễn văn hôm 23/5/2013, Tổng thống Obama cho biết chính phủ ông có quyết tâm đưa những nghi can khủng bố ra tòa xét xử.

Ông nói rằng việc giam giữ nghi can khủng bố mà không đưa ra xét xử là một “trường hợp ngoại lệ chóa mắt”, gây thương tổn cho hình ảnh của nước Mỹ trên thế giới. Nhà lãnh đạo Mỹ nói: "Lập luận nguyên thủy dùng làm cơ sở cho việc thành lập nhà giam Guantanamo – là các tù nhân sẽ không thể thách thức sự giam cầm của họ, đã bị tòa án xét là vi hiến cách nay 5 năm. Trong khi đó, nhà giam Guantanamo đã trở thành một biểu tượng trên thế giới về một nước Mỹ không tuân thủ luật lệ. Các đồng minh của chúng ta sẽ không hợp tác với chúng ta, nếu họ nghĩ rằng những kẻ khủng bố sẽ bị đưa vào nhà giam Guantanamo”.

Tổng thống Obam kêu gọi Quốc hội hủy bỏ những hạn chế mà họ áp đặt đối với việc chuyển tù nhân Guantanamo sang các nước khác hoặc giam cầm họ ở nước Mỹ.

Ông cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng chọn một địa điểm ở nước Mỹ mà tòa án quân sự có thể tiến hành những vụ xét xử. Ông cũng cho biết ông sắp sửa phái một đại diện cấp cao tới làm việc tại Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng để đưa tù nhân Guantanamo sang các nước khác.

Tổng thống Obama nói rằng ông sẽ thu hồi lệnh tạm ngưng chuyển tù nhân sang Yemen, và việc đưa tù nhân sang nước này sẽ được xét duyệt theo từng trường hợp.

166 tù nhân vẫn còn bị giam ở Guantanamo, trong đó có 86 người đã được chấp thuận để chuyển đi nơi khác nếu các điều kiện hạn chế về an ninh được thỏa mãn. Mới đây, hơn 100 tù nhân đang tuyệt thực để phản đối việc họ bị giam giữ ở nhà tù này và có khoảng 30 người đang được nhân viên nhà giam cho thức ăn vào dạ dày qua đường ống từ mũi.

Khi ông Obama đề cập tới vấn đề Guantanamo, diễn văn của ông đã bị gián đoạn bởi sự la ó của một phụ nữ phản chiến. Ông đã bày tỏ sự lưu ý của ông về hành vi của bà này trong lúc ông trình bày lý lẽ của việc nên đóng cửa nhà giam này.

"Hãy nhìn vào tình hình hiện nay, khi chúng ta thực hiện việc ép ăn cho những tù nhân tuyệt thực. Tôi sẵn lòng bỏ qua cho người phụ nữ trẻ đã làm gián đoạn bài nói chuyện của tôi, bởi vì đây là một việc đáng để chúng ta cảm thấy bất bình”-ông Obama nói.

Laura Pitter, một chuyên gia về chống khủng bố của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, cho biết bà tin rằng những người tuyệt thực đã buộc các giới chức Mỹ phải suy nghĩ lại về vấn đề Guantanamo. Bà nói: "Vụ tuyệt thực quả thật đã đưa vấn đề đóng cửa Guantanamo vào nghị trình làm việc trở lại. Quả là một điều không may khi các tù nhân phải dùng tới những hành động kịch liệt và tuyệt vọng như vậy để thu hút sự chú ý của chính phủ và quốc hội Mỹ”.

Tổng thống Obama đã bị chỉ trích ở trong nước và trên thế giới vì không đóng cửa nhà giam Guantanamo. Ông cũng phải đối mặt với sự chống đối trong nước vì đã đề nghị giam giữ nghi can khủng bố trên lãnh thổ nước Mỹ.

Các nhà hoạt động nhân quyền trong bộ quần áo tù nhân màu cam và khăn bịt đầu, đại diện cho các tù nhân ở nhà tù Guantanamo, Cuba, đứng trước Nhà Trắng phản đối việc Tổng thống Obama vẫn chưa đóng cửa nhà tù này

Đối với Chính quyền Obama, việc đóng cửa nhà tù Guantanamo không những có ý nghĩa thực tế mà còn có ý nghĩa tượng trưng. Guantanamo không chỉ là vùng đất bị Mỹ chiếm đóng trái phép cho đến nay vẫn chưa trao lại cho nhân dân Cuba, mà nơi đây còn là nhà tù nổi tiếng do Washington dùng để giam giữ các nghi can khủng bố quốc tế thuộc tổ chức Al-Qaeda, kể từ  khi Nhà Trắng phát động cuộc chiến chống khủng bố trên quy mô toàn cầu sau sự kiện 11-9-2001. Các tổ chức nhân quyền quốc tế và ngay cả dự luận Mỹ đều lên phản đối yêu cầu chính quyền Mỹ đóng cửa nhà tù Vịnh Guantanamo vì các nghi can khủng bố bị giam giữ lâu dài trong điều kiện vô cùng hà khắc và không được đưa ra xét xử một cách công khai, minh bạch. Những vụ ngược đãi và tra tấn tù nhân dã man ở đây được báo chí phanh phui đã làm xấu tệ hại hình ảnh của nước Mỹ vẫn luông giao giảng về những chuẩn mực tự do, nhân quyền.

Nh.Thạch (Tổng hợp)