Đối đầu Nga - phương Tây: Nga giành quyền chủ động

07:00 | 05/11/2014

19,187 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thay vì thụ động chịu sự trừng phạt của Mỹ và châu Âu, kể từ sau khi cuộc khủng hoảng Ukraina nổ ra, Nga bắt đầu nắm vai trò chủ động để phản pháo phương Tây trên cả ba mặt trận, quân sự, kinh tế và ngoại giao.

Năng lượng Mới số 371

Áp lực từ trên không

Không quân NATO hiện đang được đặt trong tình trạng báo động trước sự gia tăng các hoạt động quân sự một cách bất thường của không quân Nga trên không phận châu Âu, đặc biệt trong hai ngày 28 và 29/10 vừa qua.

Trong một bản thông cáo ngày 29/10, khối NATO (chịu trách nhiệm phòng thủ châu Âu) xác nhận liên tiếp trong 2 ngày, họ phải cho chiến đấu cơ cất cánh từ bốn địa điểm khác nhau để sẵn sàng ngăn chặn 4 phi đội máy bay quân sự Nga gồm tổng cộng 19 chiếc, thao tác trên không phận Biển Baltic, Biển Bắc, Biển Đen và Đại Tây Dương. Chiến dịch “nghênh chiến” lớn nhất diễn ra vào hôm 29/10, huy động không lực của ba quốc gia NATO (Na Uy, Anh, Bồ Đào Nha), sau khi phát hiện một phi đội Nga gồm 4 oanh tạc cơ chiến lược TU 95 và 4 máy bay tiếp liệu IL-78 bay trên Đại Tây Dương, vẫn trong không phận quốc tế nhưng gần sát không phận các nước châu Âu.

Theo NATO, các máy bay Nga không hề thông báo kế hoạch bay, không tiếp xúc với các cơ quan kiểm soát không lưu dân sự, đồng thời còn cúp hệ thống liên lạc vô tuyến điện. NATO coi đó là những hành vi có thể gây nguy hiểm cho các chuyến bay dân sự.

Máy bay chiến đấu của Nga trên bầu trời châu Âu ngày 28/10

Nhìn chung NATO đã ghi nhận tính chất “khác thường” và “quy mô lớn” của các may bay Nga. Theo Trung tá Jay Jenzen, phát ngôn viên Bộ Chỉ huy Quân sự NATO, oanh tạc cơ TU-95 của Nga hiếm khi bay gần không phận Tây Âu như vậy, cũng như loại chiến đấu cơ MiG-31 trong hai sự cố khác nhau trên biển Baltic.

Thông báo của NATO ngày 29/10 đã ghi nhận hơn 100 vụ ngăn chặn máy bay quân sự của Nga từ đầu năm đến nay, đặc biệt là từ tháng 3, khi vấn đề Ukraina nổi cộm lên. Tính ra, trong năm 2014, số lần phi cơ quân sự Nga khiến cho không lực NATO phải báo động đã tăng lên gấp ba lần so với năm 2013. Bên cạnh đó, hoạt động của máy bay quân sự Nga, theo lời tân Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, còn có một mục tiêu thuần túy quân sự, đó là trắc nghiệm năng lực phòng thủ của NATO.

Không chỉ vậy, ngày 31/10, quân đội Nga đã tiến hành diễn tập quân sự tại khu vực Rostov giáp biên giới với Ukraina. Đây được xem là một động thái biểu dương lực lượng của Nga trước Kiev và phương Tây trong bối cảnh căng thẳng vẫn tiếp diễn tại miền đông Ukraina. Cuộc tập trận lần này có sự tham gia của các binh sĩ chính quy và lính nghĩa vụ Nga với tình huống giả định là một cuộc xung đột.

Trong những tháng gần đây, lực lượng vũ trang Nga đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận tại khu vực gần biên giới Ukraina, đặc biệt kể từ khi xung đột nổ ra giữa lực lượng đòi ly khai và chính quyền Kiev hồi tháng 4 vừa rồi. Đáp lại, Ukraina và thành viên NATO cũng tiến hành các cuộc diễn tập quân sự ở phía tây nước này.

Thách thức ngoại giao

Trong thông báo của mình, NATO không nói gì đến cuộc khủng hoảng Ukraina, đang gây căng thẳng giữa Nga và phương Tây, nhưng giới quan sát đã gắn liền với tình hình Ukraina loạt hành động có thể gọi là thị uy trên không của Nga. Các nhà phân tích ghi nhận sự trùng hợp về thời điểm giữa các hoạt động khiêu khích trên không rộ lên trong hai ngày 28 và 29/10 của không lực Nga, với lời khẳng định của Moskva hôm 28/10 là sẽ công nhận kết quả các cuộc bầu cử “tổng thống” và “quốc hội” tại miền Đông Ukraina. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết cuộc bỏ phiếu có ý nghĩa quan trọng trong việc “hợp thức hóa quyền hành” của các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk tự xưng, vốn không được Kiev hay phương Tây công nhận.

Tuyên bố của Nga là một sự thách thức mới đối với chính quyền Kiev và phương Tây vốn đã lên án các cuộc bầu cử đó. Ngày 31/10, các nhà lãnh đạo của Đức, Pháp và Ukraina đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin không công nhận kết quả cuộc bầu cử của phe ly khai ở miền Đông Ukraina. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, cuộc bầu cử mà phe ly khai Ukraina tổ chức “sẽ là một sự vi phạm rõ ràng những cam kết của cả Nga và lực lượng ly khai” yêu cầu họ hậu thuẫn một hiệp ước hòa bình. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nói rằng Mỹ và các đồng minh sẽ không công nhận cuộc bầu cử ở những khu vực do phe ly khai kiểm soát, trừ phi họ tuân thủ luật pháp Ukraina và được tổ chức với sự đồng ý của Chính phủ Ukraina. Liên minh châu Âu không loại trừ việc áp dụng gói biện pháp mới trừng phạt chống Nga trong trường hợp Moskva chính thức công nhận cuộc bầu cử ở miền đông Uraina. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, dù thế nào thì phương Tây cũng khó có thể làm thay đổi quyết định của Nga về vấn đề này.

Áp đặt kinh tế

Các lệnh trừng phạt Nga kể từ tháng 5/2014 đến nay của Mỹ và châu Âu đã đã không làm Nga khuất phục. Cùng với những biện pháp trả đũa tương ứng, mới đây Nga đã thành công trong một cú đòn đáp trả. Ngày 31/10, Nga đồng ý nối lại việc cung cấp khí đốt cho Ukraina với giá 385 USD/một nghìn mét khối, sau khi được EU đứng ra “bảo kê” khoản nợ của Kiev. Theo thỏa thuận, Ukraina phải thanh toán hằng tháng trước khi giao hàng, và sẽ hết hạn vào tháng 3/2015. Hợp đồng trên đã làm giảm bớt mối đe dọa về tình trạng thiếu khí đốt ở Ukraina, nước bị lệ thuộc về năng lượng, trong khi mùa đông với dự báo thời tiết khắc nghiệt, đang đến gần. 50% nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraina đến từ Nga. Nga cũng cung cấp 1/3 lượng khí đốt của EU và một nửa trong số này đi qua Ukraina.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau đó, Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng Gunther Oettinger cho hay, Ukraina sẽ ngay lập tức trả khoản nợ khí đốt 1,45 tỉ USD cho Nga và có khả năng trả khoản nợ 3,1 tỷ USD trước khi năm 2014 kết thúc. Song, theo ông Oettinger con số cuối cùng còn phụ thuộc vào quyết định của Tòa án Quốc tế Stockholm, là nơi phân xử cuộc tranh cãi khí đốt này. Ukraina sẽ nhận các khoản tiền hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Liên minh châu Âu để trả nợ cho Nga.

Mức giá 385 USD/1.000m3 khí đốt là thấp hơn so với đòi hỏi ban đầu. Nghe có vẻ Nga thiệt thòi nhưng đổi lại, Moskva đã buộc EU phải trả thay cho Ukraina số tiền 4,5 tỉ USD mà Kiev còn nợ do chưa thanh toán khối lượng khí đốt được Nga cung ứng từ trước đến nay. EU phải chấp nhận như vậy phần vì Ukraina không đủ khả năng trả nợ ngay cho Nga để được tiếp tục cung ứng khí đốt cho mùa Đông đang tới, phần vì lo ngại việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraina sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khối lượng khí đốt mà Nga cung ứng cho EU thông qua lãnh thổ Ukraina và đặc biệt vì phải ngăn cản Nga đẩy Ukraina vào chân tường. Mất tiền chỉ là một thua thiệt đối với EU. Cái mất thứ hai của EU trong chuyện này có ý nghĩa chính trị và tác động tâm lý to lớn. Đó là EU đang dần trở thành con tin trong chính sách của chính họ đối với Nga và Ukraina cũng như trong diễn biến mối quan hệ giữa Ukraina và Nga.

Có thể nói cuộc khủng hoảng Ukraina nổ ra kéo theo cuộc đối đầu giữa Ukraina, phương Tây với Nga ngày càng khó đoán định. Thiệt hại của cả hai phía ngày càng trở nên rõ ràng. Ukraina chưa thấy nhận được gì từ chính sách thân phương Tây thì đã thấy mất miền Đông, kinh tế khủng hoảng, chính trị chia rẽ. Nga cũng điêu đứng trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây về mặt kinh tế. Đồng tiền Nga mất giá, kinh tế ngày càng khó khăn. Nhưng Mỹ và EU không phải không bị ảnh hưởng bởi những đòn trả đũa của Nga. Rõ ràng nếu cuộc khủng hoảng này kéo dài thì tất cả các bên đều bị thiệt hại nặng nề.

S.Phương (tổng hợp)