Đọc "Kiếp người" của Trung tướng CA Hữu Ước

18:09 | 21/08/2016

720 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Kiếp người" - tiểu thuyết của nhà văn Hữu Ước nằm trong dòng chảy của loại hình tiểu thuyết cuối đời nhìn lại. Nó là bản tổng kết bằng ngôn ngữ  văn chương lịch trình sống của một đời người. Là chiêm nghiệm về lẽ đời đã trải qua của một cá thể...

Thông thường những cuốn sách như vậy có tính tự truyện và sức hấp dẫn của cuốn sách trước hết là ở chỗ đó. Tất nhiên, với "Kiếp người" còn phải kể, ngoài ưu thế tự nhiên nọ, cuốn sách còn hội tụ được nhiều yếu tố cá nhân và thời cuộc thú vị khác! "Chẳng có ai tẻ nhạt trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử" (Evtushenko).

Mà lịch sử đất nước bao nhiêu năm qua là những chuỗi ngày đầy những biến cố dữ dội và rất nhiều con người ở trong đó có số phận của những hạt cát trong các cuộc phong ba. Nên giờ đây đọc nó, trong so chiếu, người cùng thế hệ hẳn nhiên cũng có dịp kiểm nghiệm lại đời mình, thấy lại được mình phần nào. Còn các bạn trẻ thì ít nhiều cũng có thể hình dung ra đôi ba nét chính yếu nhất cuộc đời của một thế hệ đã qua đi.

J.W.Goethe, thi hào Đức chia đời người thành 4 giai đoạn với 4 tính chất khác nhau. Bé thì thực tế. Trai trẻ thì lý tưởng. Đứng tuổi thì hoài nghi. Về già thì mê tín. Thanh Hữu, nhân vật chính của cuốn sách chưa già, nên chưa hiểu ở giai đoạn cuối thế nào. Còn ở các giai đoạn trên xem ra thì thấy có phần đúng.

Chẳng hạn, ở giai đoạn đầu đời, Hữu có một tuổi thơ hồn nhiên giản dị. Ở giai đoạn thứ hai, một giai đoạn chiến sĩ trai trẻ hào hùng, trong vai người lính trinh sát đặc công thuộc C26 ở Trạm Suối cọp, trong rừng Trường Sơn miền Trung nước Lào.

nhan doc kiep nguoi tieu thuyet cua huu uoc moi so phan chua mot phan lich su
Trung tướng- nhà văn Hữu Ước chia sẻ về cuốn tiểu thuyết mới của mình.

Một giai đoạn sống trong gian khổ ác liệt, kéo dài trong sáu năm liền. Trong đó phải kể đến hai sự kiện thử thách quyết liệt tinh thần của Hữu. Một là trận giao chiến với lũ biệt kích thám báo Mỹ - ngụy để bảo vệ hàng trăm thương bệnh binh và giữ gìn an toàn tuyến đường chiến lược, được kể lại trong Chương XII như một khúc anh hùng ca chiến trận.

Một nữa là trường đoạn dựng lại chuyến đi băng rừng 5 ngày liền cùng một chiến sĩ nữa mang 10 kilô gạo đến cho bà con Khơ Mú ở hai bản bản Lò Ó và Bông Va, miền Tây Quảng Trị bị bom B52 Mỹ chạy vào hang động đang sắp chết vì đói. Một là trong mưa bom bão đạn, kề bên cái chết, nhưng rất quả cảm, không hề nao núng, run sợ. Một là rất nhiều gian nan vất vả nhưng tràn đầy hào hứng say mê.

Vì sao lại có thể có được cuộc sống như thế? Vì Hữu nghĩ: "Sự sống của người lính, sự tồn tại của người lính có trụ vững hay không chính là ở niềm tin vào mình có chọn đúng con đường mình đang dấn thân hay không".

Không còn nghi ngờ gì nữa: Trẻ trung, nồng nhiệt và say sưa với lý tưởng đã chọn lựa để hiến dâng. Đó là phẩm chất đã hình thành và được nuôi dưỡng một cách thật tự nhiên vì được thụ hưởng từ tinh thần thời đại của Hữu. Đó là thời trai trẻ của Hữu, ứng với phân tích của J.W.Goethe.

Chương XVI kể chuyện Thanh Hữu đi học trường báo chí. Ở môi trường mới này, nổi bật trong cuộc sống của Hữu là việc học hành và yêu đương. Ở đây, Hữu có ba mối tình là ba trạng huống rất thường thấy ở thời đoạn này của khá nhiều chàng trai.

Tựu trung lại qua mấy mối tình, thấy Hữu về bản chất, vẫn là một chàng trai chân chất của làng quê. "Hắn vẫn là dân nhà quê, tổ tiên hắn cũng là dân nhà quê nên khi nhìn thấy cánh đồng lúa xanh mơn mởn rì rào hát ca trong gió thoảng mang mùi đất tanh nồng một thứ mùi quen thuộc của đồng quê là hắn lại rạo rực bồi hồi".

Không chỉ có thế! Bằng việc chấp nhận sự chi phối của ý thức hệ trong cuộc chia tay với cô Tuyết, Hữu đã chứng tỏ về cốt lõi anh vẫn là một chàng trai nồng say với lý tưởng đã chọn lựa của mình. Điều này một lần nữa đã được chứng minh bằng chuyến đi chiến trường Campuchia trong tư cách phóng viên chiến tranh của Hữu. Một chuyến đi trong mưa bom bão đạn đầy kịch tính với kết thúc là hoàn thành nhiệm vụ và phải vào bệnh viện vì bị thương.

"Kiếp người"!. Không dưng cuốn sách lại mang cái tên này. Ngẫm ra cái lý do để có cuốn sách cũng là vậy. Cuộc đời chỉ rặt những vui vẻ hớn hở, chỉ những yêu đương thành đạt dễ dàng thì có nhẽ chỉ thấy quá lắm là trong vài ca khúc thôi. Đã là đời người thì làm gì toàn là suôn sẻ hanh thông thuận buồm xuôi gió êm chèo mát mái.

Bể trầm luân là cái kiếp nạn mấy ai không trải. Thậm chí với nhiều người, nói đến cái kiếp nạn là nói đến cái nỗi thống khổ như tiền định, không thể thoát được của đời người nữa kia. Cầm cuốn sách này lên, lần giở từng trang, trong thâm tâm bạn đọc rõ ràng không hẹn mà nên là chờ đọc cái đoạn kiếp nạn này đây.

Câu chuyện oan khuất của Hữu được kể lại từ chương XIX cho đến hết chương XXIV. Tính ra thì có đến một phần ba cuốn sách dành cho cái nỗi oan khiên này. Kể cũng phải. Vì câu chuyện không hề đơn giản chút nào.

Vì trong cái mối oan nghiệt này có đủ các cơn cớ mà người đời có thể nghĩ đến. Có chuyện sinh ư nghệ tử ư nghệ. Có chuyện ít xít ra nhiều, bé xé ra ro, cái sảy nảy cái ung. Có chuyện hớ hênh dại dột của tuổi trẻ. Có chuyện bơm vá, đơm đặt, đục nước béo cò, lợi dụng cơ hội của thiên hạ. Có chuyện trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết. Có cái ngẫu nhiên lại có cả cái tất yếu. Ác hại, lại còn dính dáng tới chuyện ý thức hệ và chính trị. Chưa kể còn là sự tùy tiện bất tuân luật pháp của cơ quan công quyền.

Nghĩa là cả một mớ bòng bong. Và dẫu Hữu có thú nhận rằng: "Tôi biết tội của tôi rồi. Đó là tôi ngu. Tôi bị cái thằng lính già của tôi xui trẻ con ăn cứt gà sáp", hoặc trong những ngày bị tù, Hữu còn dằn vặt tự trách mình, khôn ba năm dại một giờ: "Không ai bảo mà tự nhiên chui đầu vào tù mà không vì cái gì, không vì động cơ mục đích gì" thì Hữu cũng đã là một nạn nhân. Một nạn nhân khốn khổ, một con người mang cái kiếp phận con sâu cái kiến.

nhan doc kiep nguoi tieu thuyet cua huu uoc moi so phan chua mot phan lich su

Là người trong cuộc, Hữu Ước có điều kiện miêu tả cái ác đến chân tơ kẽ tóc. Tuy vậy đọc kỹ lại từng trang viết của anh, có thể còn nhận ra điều Lão Tử đã từng nói "Kẻ biết mình thì là người khôn. Kẻ biết người khác mới là người sang". Với dẫn chứng sau đây: Bị bà vợ trách oán là ác độc, ông Bảy giãi bày tâm sự như sau:"Bà có phải là người hoạt động chính trị đâu mà bà biết. Nhiều khi tình thế nó phải thế. Muốn cũng không được mà không muốn cũng không được. Biết là lương tâm cắn rứt lắm nhưng vẫn phải làm...không khác được. Không làm thì không tồn tại mà có khi còn làm hỏng cả một đại cuộc".

A, thì ra tôi độc ác thế là tôi "vì đại cuộc", chứ lương tâm tôi cũng cắn rứt lắm đó! Một khám phá mới của nhà văn, một cách nhìn đời thấu tình đạt lý. Một sự chia sẻ, rằng trong lẽ phải có người có ta? Một thấu cảm? Một thanh minh? Một biện hộ? Nhưng như vậy liệu đã thỏa đáng chưa. Liệu đã thỏa đáng chưa, thưa nhà văn Hữu Ước thân mến?

Nói đi thì cũng cần nói lại. Nói lại thì ở đây ngẫm cho đến cùng vẫn có thể nhận ra, có một tấm lòng, một tầm nhìn, một chỗ đứng cố gắng để cao hơn sự vật của nhà văn. Vẫn có thể nhận ra ở đây cái phẩm chất điềm tĩnh, ngay ngắn, thực sự cầu thị, cái chất lý tưởng trong sáng có ở con người nhà văn, khiến anh nhìn đời trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều thể tất, dựng xây.

Nó khiến cho nhân vật của anh trong gian lao, bất trắc, bi thảm vẫn trụ vững giữa cuộc đời. Nó khiến cho nhân vật của anh dù rơi vào vùng hãm địa tăm tối, triền miên chịu đựng một nỗi chua xót, cay đắng khổ ải đến bại hoại cả tâm thể, đau đớn đến mức trong sâu xa đã có lúc nhận ra là "không thể đùa giỡn với cuộc đời" được, mà vẫn không để mình cuốn vào trạng thái tâm thần hoang mang điên loạn, cay cú, hằn học, hận thù. Thanh Hữu, nhân vật trai trẻ lý tưởng của cuốn sách.

"Kiếp người" nói nhiều đến cái khổ nạn của con người, nhưng gấp cuốn sách lại, trong tôi vẫn dạt dào một cảm hứng sáng tươi, tin yêu, mạnh mẽ.

Sinh thời, trả lời câu hỏi của nhà văn Bùi Bình Thi làm thế nào để viết được văn, bậc trưởng lão Nguyên Hồng nói: Phải sống kỹ. Sống hết mình với cuộc đời. "Kiếp người" thể hiện điều đó. Hữu Ước thuộc người, thuộc cảnh, thuộc sự việc kỹ càng. Các tai ương do đập phá cái điện thờ trong ngôi nhà cổ của một người Tầu.

Cuộc sống những năm khốn khó của cán bộ phóng viên tòa báo. Nội dung suất ăn trung táo. Nồi mướp đắng kho vợ cho vào túi gửi cho Hữu khi bị bắt... là vài ví dụ tình cờ nhặt ra. Các nhân vật từ Đại đội trưởng Ba đến o Lan o Lệ, cô Tuyết, cô Ly, ông Bảy, ông Thanh, ông Chín, Trần Lâm, Trần Đồng, Hoàng Đoàn... đều có những nét dáng tính cách khó quên.

"Mặt trời đã ló ra. chan hòa ánh nắng tỏa xuống mặt đất xua dần đi những đám hới sương nhờ nhờ đục như sữa làm lộ ra những vạt đất rừng bị cháy đen. Lạ thế, lẫn giữa mênh mông của màu đen, nham nhở của chết chóc, mầm sống đã lại hiện lên, tươi non mơn mởn. Đó là ngàn ngàn các cây con đủ các loại đang nảy mầm và đã nảy mầm chui lên từ lòng đất. Những nụ mầm, những lá non xanh tươi ướt đầm sương lung linh lả lướt trong gió sớm như vẫy chào ngày mới, như tỏ rõ sức sống quật cường và bất diệt của núi rừng".

Đó là một cảnh rừng tươi sáng, hài hòa với một tổng thể có kết cấu lớp lang hợp lý, với nhiều trường đoạn đặc sắc được vận dụng thủ pháp kể kết hợp tả và dựng khá nhuần nhụy, là những mặt mạnh đáng kể của cuốn sách.

Một vốn sống đầy đặn. Không tự tô điểm. Không thiên kiến. Không chấp nê. Giữ được sự hồn hậu, chân thật. Cái đẹp là cái thật ở độ rực rỡ. Đó là sức hấp dẫn thật sự của "Kiếp người".

Hà Nội 14-3-2015

Ma Văn Kháng

Văn nghệ Công an