Doanh nghiệp vận tải mập mờ tăng giá vé xe Tết

19:00 | 26/12/2013

2,362 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nâng giá vé gốc ngày thường để giá vé phụ thu cao hơn là cách làm của nhiều doanh nghiệp vận tải khi bán vé xe Tết.

Mức phụ thu giá vé Tết cao nhất ở Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP HCM) đi các tỉnh phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên và phía Bắc là 60%. Tuy nhiên, so với giá vé gốc thì giá vé phụ thu vượt ngưỡng này.

Chẳng hạn như doanh nghiệp vận tải Cúc Tư khai thác tuyến TP HCM – Phú Yên và ngược lại đã nâng giá vé ngày thường lên để tăng mức phụ thu cho vé Tết.

Giá vé đi ngày thường 270.000 đồng (không gồm phần ăn) nhưng hãng xe ghi 300.000 đồng và vé xe Tết đi ngày 22/1 bán giá 420.000 đồng không bao gồm phần ăn

Cụ thể, vé ngày thường tuyến TP HCM – Phú Yên được Cúc Tư bán với giá 270.000 đồng đối với giường nằm, còn giá vé bao gồm 1 phần ăn là 300.000 đồng.

Vậy, nếu lấy giá 270.000 đồng tính phụ thu cho vé Tết, kết quả đạt được là 324.000 đồng (phụ thu 20%), 378.000 đồng (phụ thu 40%), 432.000 đồng (phụ thu 60%).

Tuy nhiên, giá thực bán của doanh nghiệp này lần lượt là 360.000 đồng, 420.000 đồng và 480.000 đồng. Tức là doanh nghiệp này không lấy giá gốc để tính giá phụ thu mà lấy giá vé có phần ăn để tính, trong khi vé xe Tết của đơn vị này không bao gồm phần ăn.

Ngoài ra, các hãng xe Thuận Thảo, Thành Ban... khai thác cùng tuyến đường trên cũng có mức giá tương đương.

Và mức giá trên tăng 40% theo giá gốc là 300.000 đồng

Cùng kiểu tính giá như hãng xe Cúc Tư, hãng xe Chín Nghĩa (khai thác tuyến TP HCM – Quảng Ngãi và ngược lại) cũng có nhiều mập mờ trong việc tăng giá giữa vé xe bao gồm phần ăn và vé xe không bao gồm phần ăn.

Đối với vé đi ngày thường đã bao gồm 2 phần ăn, hãng xe Chín Nghĩa bán giá 320.000 đồng (ghế ngồi) và 370.000 đồng (giường nằm). Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã đăng ký tăng giá vé từ ngày 1/12/2014 từ 320.000 đồng lên 340.000 đồng (ghế ngồi), từ 370.000 đồng lên 390.000 đồng (giường nằm).

Sau đó, áp giá vé vừa tăng để làm giá gốc tính phụ thu giá vé Tết, từ đó giá vé lên đến 545.000 đồng (ghế ngồi) và 625.000 đồng (giường nằm), nhưng không bao gồm 2 phần ăn như vé đi thường. Từ chênh lệch đó, doanh nghiệp này đã đút túi một số tiền không nhỏ.

Cùng khai thác tuyến TP HCM – Quảng Ngãi và ngược lại, hãng xe Sao Vàng cũng đăng ký tăng giá vé ngày thường làm giá vé Tết đội lên, để “bằng chị bằng em” với Chín Nghĩa và hưởng khoản tiền chênh lệch trong việc nâng giá và cắt phần ăn của khách.

Hành khánh mua vé tại bến xe Miền Đông

Theo thống kê của Bến xe Miền Đông, từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12/2013 có 22 hãng xe đồng loạt tăng giá vé ngày thường từ 5-10% để dùng làm căn cứ tăng giá Tết.

Ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, các hãng xe luôn có 2 mức giá, giá vé ngày Tết sẽ cao hơn giá vé ngày thường, khi áp dụng mức phụ thu, các hãng xe sẽ áp mức giá cao dịp Tết để hưởng lợi. Hiện Ban quản lý Bến xe Miền Đông không thể can thiệp vì các doanh nghiệp này đều có giấy tờ đăng ký tăng giá hợp lệ của cơ quan chức năng.

Nguyễn Hiển