Doanh nghiệp và ngân hàng: Vòng luẩn quẩn chưa lối thoát

14:00 | 07/07/2012

427 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp khó khăn về vốn, đầu ra, hàng tồn kho cao dẫn đến không có nguồn thu trả nợ nên nợ xấu, nợ quá hạn gia tăng mà chỉ cần có nợ xấu thì ngân hàng không thể cho doanh nghiệp vay vốn. Cứ như vậy, việc tiếp cận giữa doanh nghiệp và ngân hàng tạo thành một vòng luẩn quẩn mà đến nay hai bên vẫn chưa thể gặp nhau.

Ngày 6/7, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa doanh nghiệp và lãnh đạo các ngân hàng trên địa bàn nhằm đưa ra giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, chủ trương, cơ chế chính sách đã có rồi nhưng vấn đề quan trọng là có những giải pháp gì để những chủ trương, cơ chế chính sách đó đi được vào thực tiễn. Hiện nay, doanh nghiệp vẫn “than” rằng tiếp cận vốn với ngân hàng rất khó, còn phía ngân hàng thì cho biết doanh nghiệp không đủ các điều kiện để được vay vốn và cứ như thế tạo thành một vòng luẩn quẩn.

Các vướng mắc đã tạo nên vòng luẩn quẩn làm doanh nghiệp và ngân hàng không thể gặp nhau.

Gần như 70% doanh nghiệp ở nước ta hoạt động phụ thuộc vào vốn ngân hàng. Do đó, việc khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng đã gây tác động lớn đối với doanh nghiệp. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách về lãi suất, tín dụng, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp… để giúp doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp.

Qua 1 tháng thực hiện việc cho các doanh nghiệp được ưu đãi vay với lãi suất trần 13%, các ngân hàng trên địa bàn TP HCM đã cho doanh nghiệp vay với số tiền hơn 20.000 tỉ đồng. Số tiền này so với nhu cầu vốn trên địa bàn thành phố còn khiêm tốn nhưng điều đó cho thấy có sự nỗ lực của các cơ quan, ban ngành giúp doanh nghiệp tiếp cận với vốn ngân hàng.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành quyết định 780 về cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, có nghĩa là cho phép các doanh nghiệp tạm thời khó khăn về tài chính, có tính hình tài chính lành mạnh cơ cấu lại nợ thời gian trả nợ, cho doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng để vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng cũng khó thực hiện được quyết định này vì không được giải thích rõ thế nào là doanh nghiệp có tài chính lành mạnh.

Do đó, các ngân hàng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước đưa ra tiêu chí về doanh nghiệp có tài chính lành mạnh để ngân hàng và doanh nghiệp có thể xác định được đâu là đối tượng của quyết định trên.

Để doanh nghiệp tiếp cận với vốn ngân hàng, các ngân hàng đề nghị Nhà nước triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: thực hiện khoanh nợ đối với một số ngành nghề khuyến khích như: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu…; thực hiện gói kích cầu tiêu dùng để đẩy mạnh sức mua, giải quyết hàng tồn kho cho doanh nghiệp. Ngoài ra, thúc đẩy việc thành lập công ty mua bán nợ xấu để khơi thông dòng vốn trên thị trường; đề nghị các doanh nghiệp tăng cường phối hợp với các quỹ bảo lãnh tín dụng để các tổ chức này đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng khi doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để vay vốn…

Tại buổi gặp gỡ giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhiều thắc mắc về vốn vay được doanh nghiệp đặt ra. Đại diện Công ty TNHH Song Tâm cho biết, công ty đã thành lập 3 năm nhưng hiện nay rất khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, doanh nghiệp “gõ cửa” ngân hàng nào thì cũng bị từ chối vì lý do ngành thương mại điện tử lợi nhuận nhiều nhưng rủi ro cũng rất cao. Vì vậy, công ty đang không biết làm thế nào để vay được vốn đầu tư.

Trả lời thắc mắc của công ty Song Tâm, Phó giám đốc NHTM Phương Đông cho biết: Thương mại điện tử là ngành rủi ro cao nên hiện nay các ngân hàng rất ngại cho vay ở lĩnh vực thương mại điện tử. Do đó, tốt nhất doanh nghiệp nên tiếp cận với các quỹ bảo lãnh đầu tư mạo hiểm để được hỗ trợ. Nếu có phương án kinh doanh tốt thì doanh nghiệp có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay

Đại diện Công ty TNHH An Khang, hoạt động trong lĩnh vực chế biến lương thực xuất khẩu đưa ra câu hỏi với phía ngân hàng rằng: Để được vay vốn ngân hàng doanh nghiệp phải đáp ứng hàng loạt các tiêu chí: tài sản thế chấp, phương án kinh doanh, không có nợ xấu… trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay các ngân hàng có giảm bớt các tiêu chí để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn hay không?

Phía ngân hàng giải đáp, hiện nay các ngân hàng vẫn phải áp dụng cho vay trong điều kiện doanh nghiệp đủ các tiêu chí đề ra. Vì việc áp dụng theo tiêu chí này, ngân hàng còn phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của Nhà nước nên không thể tự ý thay đổi. Và ngân hàng cũng phải đảm bảo tiêu chí về an toàn vốn của mình.

Từ những khó khăn doanh nghiệp nêu ra có thể thấy rằng, bên cạnh doanh nghiệp cần phải tự nỗ lực vượt qua khủng hoảng thì việc tháo tháo gỡ những vướng mắc hiện nay phải từ các chính sách vĩ mô, tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thể tiếp cận được với vốn ngân hàng.

Mai Phương