Doanh nghiệp nỗ lực giữ "sân nhà"
Không có cú hích lớn
Ngày 31-12-2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành. Cơ hội lớn nhất từ AEC là tạo ra một thị trường khu vực liên kết khi tất cả hàng rào thuế quan được loại bỏ, quan hệ thương mại của 10 nước với thị trường 625 triệu dân sẽ rộng mở. Như vậy có thể thấy rõ, AEC hình thành việc kinh doanh sẽ thuận lợi hơn song để tạo ra sự đột phá lớn thì hoàn toàn không hẳn.
![]() |
Doanh nghiệp Việt từng bước nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập |
TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách VEPR cho rằng, ở một khía cạnh nào đó AEC giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù sở hữu một thị trường tiêu thụ khá lớn với hơn 600 triệu dân nhưng tỷ lệ thương mại nội khối trong ASEAN tương đối thấp. Hiện tỷ lệ nội khối chỉ khoảng 25%. Trong đó giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN cũng thấp hơn so với Việt Nam với Mỹ, châu Âu. Ngoài ra, AEC có nhiều kế thừa từ WTO, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN +3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản). Vì vậy, những cam kết của AEC cũng có tính tương đồng nhất định với các hiệp định thương mại trước đó. Hơn nữa, AEC là hiệp định thương mại thế hệ thứ ba, nới lỏng rộng cho doanh nghiệp về lao động, dịch vụ chứ không tạo ra cú hích lớn như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Cũng không quá kỳ vọng về hiệu quả của AEC đem lại, ông Nguyễn Sơn, Phó vụ trưởng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (Bộ Công Thương) cho rằng, AEC giúp môi trường đầu tư chung trong ASEAN được nâng cao nhưng cạnh tranh nội khối để thu hút đầu tư không giảm. Chắc chắn sẽ có sự chuyển dịch vốn đầu tư thị trường; sẽ có những nhà đầu tư tại Việt Nam rút vốn để đầu tư nơi khác vì không được hưởng mức thuế bảo hộ ưu đãi riêng cao như trước. Điển hình, khi Việt Nam bỏ thuế với mặt hàng điện tử trong ASEAN, Sony dời nhà máy sang thị trường mới đó là Thái Lan. Hiện, Sony Việt Nam chỉ còn làm nhiệm vụ đơn giản là nhập khẩu.
Theo ông Phạm Sỹ Thành, trước khi AEC hình thành, hơn 8.000 dòng thuế, chiếm hơn 90% tổng biểu thuế xuất nhập khẩu giữa các nước nội khối đã được cắt giảm. Còn sau khi AEC chính thức được triển khai thì có 669 dòng thuế còn lại liên quan đến các lĩnh vực nhạy cảm như: ôtô, sữa, sắt thép… cắt giảm dần. Năm 2018, thuế quan của các sản phẩm như: đường, muối, gia cầm, thuốc lá… cũng sẽ xóa bỏ. Tuy nhiên, việc này giúp Việt Nam gia tăng nguồn nguyên liệu nhiều hơn là phát triển thị trường xuất khẩu. Bởi mặc dù thị trường chung được mở rộng từ sớm, nguyên liệu nhập khẩu có phần phong phú và đơn giản hơn song việc mở rộng thị trường xuất khẩu không được DN tận dụng ở đây.
Đơn cử, ngành gạo Việt Nam khó mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước như: Campuchia, Philippines, Indonesia… Vì đây là những nước dồi dào về nguồn gạo xuất khẩu, đồng thời còn là đối thủ cạnh tranh của ngành gạo Việt Nam ở các thị trường khác. Bên cạnh đó, bản thân gạo Việt lúc này sẽ phải cạnh tranh nhiều về thị phần nội địa. Nếu lơ là gạo các nước trong khối sẽ ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam. Thực tế cho thấy, gạo các nước trong nội khối vẫn ngấm ngầm giành giật và lấn chiếm thị trường Việt Nam trong thời gian qua. Dự báo, tình trạng này sẽ không ngừng nếu gạo Việt không có hướng phát triển tốt hơn.
Tự lực vươn lên
Không kỳ vọng quá nhiều vào những cơ hội khi AEC chính thức hình thành, các DN Việt lo phải đối mặt với sức ép cạnh tranh rất lớn trước hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ ASEAN, kể cả về đầu tư. Vì thế, DN trong nước vẫn không ngừng lên kế hoạch phát triển trong thời gian tới. Theo DN, điều cần làm ngay hiện nay là phải tìm cách khẳng định chất lượng và thương hiệu nhằm chiếm lĩnh “sân nhà” sau đó mới tính chuyện thâm nhập vào thị trường nội khối.
Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Thỏ Việt cho rằng: “Điều DN cần làm ngay là tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm bằng các trang thiết bị hiện đại. Nỗ lực nghiên cứu các giống cây trồng mới cho thị trường nội địa. Đây cũng chính là một phương pháp mà Thỏ Việt đang thực hiện, giúp doanh nghiệp có thể đứng vững trên sân nhà”.
Còn ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang cho rằng, doanh nghiệp cần phải nâng cao nhận thức. Vì thực tế cho thấy DN Việt vẫn còn ít quan tâm đến hội nhập kinh tế quốc tế, thể hiện qua tỷ lệ phần trăm DN hầu như không quan tâm đến Cộng đồng kinh tế ASEAN - AEC chiếm đến 56,8% theo một khảo sát được Trường Doanh nhân PACE thực hiện và công bố mới đây. Đến lúc này doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc chơi mà phải chuẩn bị nhập cuộc chủ động và mạnh mẽ hơn. Chỉ có chủ động tham gia cuộc chơi mới mong làm chủ tình hình.
Dự báo cạnh tranh trên thị trường sẽ khốc liệt hơn nên Bibica tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng nhà xưởng, thiết bị và công nghệ sản xuất tiên tiến đảm bảo sản phẩm có chất lượng cao không thua kém hàng ngoại và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam. Đối với thị trường trong nước, Công ty Cổ phần Bibica lên kế hoạch cải tiến hợp lý hóa sản xuất để có giá thành cạnh tranh tốt nhất. Theo đó, sản phẩm Bibica sẽ giảm giá 10-15% so với các sản phẩm cùng chất lượng trên thị trường. Song song đó, Bibica còn lên kế hoạch phát triển hệ thống phân phối rộng khắp với trên 90.000 điểm bán và 1.000 siêu thị lớn nhỏ toàn quốc.
“DN nào cũng vậy, muốn tồn tại và phát triển phải chấp nhận cạnh tranh. Đồng thời, phải nhìn vào thực tế đó để tự hoàn thiện mình, khẳng định mình bằng chính sản phẩm và dịch vụ chất lượng so với các đơn vị khác” ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bibica nêu quan điểm.
Đồng quan điểm chủ động tham gia sân chơi khi mọi thuế quan được gỡ bỏ bằng công nghệ tốt, sản phẩm chất lượng… tuy nhiên ông Nguyễn Thể Hà, chuyên viên tư vấn đầu tư Công ty TNHH Cơ khí Công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ khẳng định, cơ hội là do DN tự nắm bắt nhưng cũng rất cần những chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi để DN “cất cánh”. Như vậy, sản phẩm hàng hóa DN trong nước mới có cơ hội “chen chân” vào các thị trường khác. Bởi doanh nghiệp Việt sẽ khó có thể cạnh tranh với các DN khác trong khu vực nếu các thủ tục hành chính, thủ tục thuế, hải quan còn khó khăn, mất nhiều thời gian… chưa cạnh tranh được với các nước trong khu vực.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập nói chung và hội nhập trong AEC nói riêng, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều nỗ lực cải cách, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại. Trong đó nổi bật là các biện pháp cụ thể, quyết liệt để cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hoá, triển khai thực hiện rộng rãi cơ chế một cửa quốc gia… giúp cắt giảm một phần không nhỏ trong chi phí đầu vào, từng bước hỗ trợ DN nâng cao sức cạnh tranh.
Mai Phương
Năng lượng Mới 488
-
Nhận diện nguy cơ, thách thức của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế
-
Tinh thần chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam qua nỗ lực gia nhập và trở thành thành viên WTO - Thành tựu và triển vọng
-
Vai trò của kinh tế nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế - từ góc nhìn của ngành dệt may, da giày
-
Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế qua nghiên cứu tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025