Doanh nghiệp làm gì để biến "nguy" thành "cơ"?

09:56 | 02/12/2022

112 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại Diễn đàn kinh tế năm 2023, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế đã thống nhất nhận định: Năm 2023 sẽ nhiều khó khăn. Để biến “nguy” thành “cơ”, doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải tăng khả năng chống chịu với các đợt sóng lớn trên thương trường. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến tâm huyết tại diễn đàn.
Doanh nghiệp làm gì để biến

Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng: Doanh nghiệp đông nhưng tiềm lực yếu

Sự phục hồi ấn tượng của kinh tế Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là “đáng kinh ngạc”.

Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như số lượng DN đông nhưng tiềm lực yếu, sức chống chịu những ảnh hưởng tiêu cực còn thấp.

Năm 2023 sẽ có nhiều thách thức từ kinh tế trong nước cũng như thế giới. Trước bối cảnh đó, DN Việt Nam cần nỗ lực, chủ động hơn để phát triển bền vững. VCCI sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính, tiếp tục kiến nghị, hoàn thiện các chính sách... để đồng hành, hỗ trợ DN.

Doanh nghiệp làm gì để biến

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh: Cần cải cách thể chế triệt để

Nhiều nền kinh tế đã mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, mở ra không gian mới lớn hơn cho các DN thông qua các thỏa thuận hợp tác kinh tế song phương, đa phương như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...

Mặc dù nước ta đã đạt được nhiều thành tựu trong quá trình phục hồi kinh tế nhưng vẫn còn đó nhiều thách thức. Chúng tôi cho rằng, cải cách thể chế vẫn chưa có nhiều ý tưởng và động lực mới. Nếu chúng ta không cải cách thể chế một cách triệt để thì không thể tạo động lực cho DN phát triển. Ví dụ, Chương trình cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đang được Chính phủ triển khai. Nhưng để DN hoạt động hiệu quả cần phải có môi trường đầu tư kinh doanh thật tốt, phải có hệ thống công chức tốt, thủ tục pháp lý đơn giản...

Doanh nghiệp làm gì để biến "nguy" thành "cơ"?

Chúng ta đang tích cực đổi mới nền kinh tế, DN chủ động thực thi các mô hình mới. Song, việc cụ thể hóa và đưa vào thực tiễn kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... cần quá trình dài.

Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý DN - Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Trọng Đường: Chuyển đổi số để vượt qua khủng hoảng

Chuyển đổi số giúp DN đi nhanh hơn, thích ứng tốt hơn, phục hồi nhanh hơn, tỷ suất lợi nhuận cao hơn sau khủng hoảng.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 69% DN coi chuyển đổi số là giải pháp vượt qua khủng hoảng. Ở Việt Nam có 71% dân số đang sử dụng Internet, trung bình mỗi người dân sử dụng Internet sẽ sử dụng 9 dịch vụ số.

Chính vì vậy, để hướng tới chuyển đổi số cần xác định đầu bài là chuyển đổi để phục vụ mục tiêu sinh tồn, phục hồi và phát triển DN. Ngoài ra, áp dụng chuyển đổi số phải đúng với từng giai đoạn: Sinh tồn, phục hồi và phát triển.

DN cần nắm bắt được xu hướng chuyển dịch kinh tế. Kinh tế truyền thống và kinh tế số rất khác nhau. Kinh tế truyền thống tập trung vào sản phẩm, bán sản phẩm; còn kinh tế số tập trung vào khách hàng, bán dịch vụ. Chuyển đổi số là thay đổi cách thức làm việc, tự động hóa quy trình làm việc, phương thức hoạt động, tập trung vào cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Doanh nghiệp làm gì để biến

Phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách Nguyễn Quốc Việt: Người lao động cần được chú ý hơn

Chủ trương của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng. Để vượt sóng lớn, chúng ta cần lưu ý rủi ro trong khủng hoảng kinh tế và có biện pháp phòng ngừa như: Không nên có sự can thiệp đột ngột mang tính phi thị trường, chú ý đến quyền tài sản và tự do hợp đồng.

Bên cạnh đó, DN phải nghĩ đến việc kết hợp với các bộ, ngành, địa phương để có cơ chế giảm chi phí, đồng thời, DN cần phát huy tính tự chủ, tự lực. Đặc biệt, người lao động sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong thời điểm kinh tế khó khăn nên cần được chú ý. Nếu năm 2023 tiếp tục lạm phát, khủng hoảng kinh tế, chúng ta cần phải hỗ trợ người lao động trước tiên bởi họ sẽ rất khó khăn do mất việc làm, giảm thu nhập.

Doanh nghiệp làm gì để biến

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng: Chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt

Chúng ta phải xác định ngân hàng thương mại là DN kinh doanh tiền, đáp ứng nhu cầu vốn trong một giai đoạn nhất định. Trong bối cảnh hiện nay, thị trường vốn và thị trường tiền tệ đang bị mất cân đối nghiêm trọng khi các DN trái phiếu chưa đến hạn đã phải trả.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí... nhằm hỗ trợ DN duy trì, ổn định và phục hồi tăng trưởng. Đến nay, tổng dư nợ khoảng 12 triệu tỉ đồng, trong khi đó, hồi vốn mới chỉ đạt 4,8%, nên không có nguồn vốn cho vay.

Trước bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là thị trưởng tài chính và tiền tệ, NHNN thời gian qua vẫn kiên định với chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt và đồng bộ. Ưu tiên số một của NHNN là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ DN phát triển, tạo đà phục hồi nền kinh tế, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp làm gì để biến

Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội Nguyễn Quang Huân: Áp lực lớn với doanh nghiệp

Bản chất biến đổi khí hậu liên quan đến 2 yếu tố: Những yếu tố mà con người không can thiệp được (dịch chuyển châu lục, quỹ đạo trái đất); những yếu tố chủ quan do con người tạo ra (xả thải, hiệu ứng nhà kính).

Từ hai yếu tố đó, chúng ta phải học cách thích ứng thông qua phát triển xanh, tiết kiệm năng lượng. Trong COP26, nước ta đã cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để giảm phát thải ròng, chúng ta cần tiến tới nền kinh tế carbon thấp.

Dù Việt Nam xả thải rất thấp nhưng khi tính theo GDP, Mỹ chỉ xả 0,28 kg/USD GDP, còn Việt Nam khoảng 1,4 kg/USD GDP. Như vậy, Việt Nam đang xả thải rất lớn, chỉ sau Indonesia và còn lớn hơn cả Trung Quốc.

Năm 2027, thị trường chứng chỉ carbon bắt đầu đi vào hoạt động thử nghiệm, năm 2028 bắt đầu hoạt động chính thức. Nếu không tham gia vào quá trình chuyển dịch năng lượng, có thể sản phẩm Việt Nam sản xuất ra sẽ không được ưa chuộng trên thế giới và khó có thể kêu gọi thế giới giúp đỡ để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây cũng chính là áp lực rất lớn với DN.

Phó chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng: Trong 10 DN gia nhập thị trường có đến 7, 8 DN rút lui hoặc biến mất vĩnh viễn. Điều này phản ánh khu vực DN vẫn còn chịu tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế trong nước và thế giới.

Thành Công - Minh Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc