Doanh nghiệp “đói” thông tin hội nhập
![]() | ||||||
|
Trong định hướng phát triển kinh tế đất nước, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng và có hiệu quả là một trong những định hướng có tính chiến lược được Đảng, Chính phủ đề ra. Và thực tế thời gian qua, để cụ thể hoá định hướng này, Việt Nam đã ký và thực thi nhiều hiệp định mở cửa thị trường như Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA), gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA)...
Và theo ông Đậu Anh Tuấn-Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì những Hiệp định này đã mở ra con đường hội nhập thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như toàn bộ nền kinh tế với các đối tác thương mại lớn. Đồng thời thông qua việc thực thi các cam kết trong đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam cũng được cải thiện mạnh mẽ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tự do sáng tạo, kinh doanh, làm giàu cho mình và cho đất nước.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra rằng, những cơ hội, những lợi ích tiềm tàng từ các Hiệp định, thoả thuận thương mại mới được hiện thực hoá ở mức khiêm tốn. Ở thị trường xuất khẩu, chỉ mới khoảng 30% hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA. Trong khi đó thị trường nội địa lại chứng kiến sự đổ bộ nhanh chóng của hàng hóa, dịch vụ nước ngoài.
Ông Tuấn đặt vấn đề: Dường như doanh nghiệp Việt Nam sau hai thập kỷ hội nhập tính từ thời điểm gia nhập ASEAN đến nay vẫn đang loay hoay, lúng túng trong việc tìm ra cách thức để hội nhập hiệu quả. Lời giải cho bài toán hội nhập trước hết năm ở chính doanh nghiệp trong việc tìm biện pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững nhưng doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ từ nhà nước để hội nhập.
Đề cập cụ thể vấn đề này, ông Tuấn cho rằng doanh nghiệp cần nhà nước hỗ trợ:
Thứ nhất, nhà nước cần hỗ trợ về cơ chế để có các tổ chức đại diện mạnh và hiệu quả.
Theo ông Tuấn, trong quá trình hội nhập, đặc biệt là từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO, thể chế kinh tế cũng như cách thức quản lý nhà nước về kinh tế có nhiều thay đổi. Nhà nước đã giảm bớt sự can thiệp trực tiếp vào các lĩnh vực trong nền kinh tế thị trường, giải phóng sức sáng tạo và khả năng kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và tăng cường tính chủ động, liên kết của các doanh nghiệp thông qua các hiệp hội doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu xét về khả năng hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập cũng như làm cầu nối giữa nhà nước với các doanh nghiệp thì vai trò và hiệu quả của các hiệp hội lại hạn chế. Các hiệp hội doanh nghiệp hiện nay đa phần đều chưa bền vững, thiếu về nguồn lực (nhân lực, vật lực) và yếu về năng lực (đặc biệt trong việc hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vấn đề về chính sách cũng như các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế).
Do đó, để các hiệp hội phát huy được vai trò của trong nền kinh tế cũng như hội nhập kinh tế quốc tế, ông Tuấn đề xuất trong thời gian tới Quốc hội, Chính phủ cần có biện pháp nhằm tạo môi trường, cơ chế để các hiệp hội doanh nghiệp có không gian phát triển; tăng cường nguồn lực, năng lực hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt trong những vấn đề liên quan tới hội nhập.
Thứ hai, nhà nước cần thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp các vấn đề liên quan tới cam kết hội nhập bởi hiểu biết chính xác về các cam kết hội nhập. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị đầy đủ, chính xác và kịp thời để tận dụng các cơ hội từ các cam kết (đặc biệt là các cam kết cho phép tiếp cận thị trường đối tác) và vượt qua thách thức cạnh tranh (chủ yếu từ việc mở cửa thị trường cho đối tác nước ngoài).
Sau thời điểm gia nhập WTO, nhiều hoạt động phổ biến, tuyên truyền, cung cấp thông tin về các cam kết WTO đã được các bộ, ngành thực hiện. Với các FTA, mức độ tuyên truyền, phổ biến có thấp hơn cả về tần suất và diện, dù vậy cũng vẫn được các bộ, ngành liên quan thực hiện theo cách này hay cách khác. Tuy nhiên, những thông tin mà doanh nghiệp cần biết lại rất thiếu khiến nhiều doanh nghiệp “đói” thông tin hội nhập. Các cam kết, hiệp định được đăng tải toàn văn trên các website của các bộ, ngành là quá phức tạp, quá hàn lâm, khó hiểu với các doanh nghiệp, thậm chí vẫn có những Hiệp định, cam kết chưa từng được đăng tải, dù chỉ là đăng toàn văn (không có xử lý hay tóm tắt nào).
Ngoài ra, thông tin cung cấp qua các khóa đào tạo, hội thảo, các phương tiện thông tin đại chúng thì chung chung, sơ sài, không đi vào cụ thể các lĩnh vực, khía cạnh mà doanh nghiệp quan tâm; đối với những vướng mắc cụ thể về các vấn đề liên quan tới cam kết của doanh nghiệp thì không có một đơn vị hay đầu mối nào để giải đáp, hướng dẫn một cách chính thức.
“Thiếu thông tin cụ thể, thiếu những hướng dẫn rõ ràng, thiếu các đầu mối giải thích cam kết… được cho là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng, nắm bắt được các cơ hội to lớn mà các cam kết thương mại quốc tế mang lại”-ông Tuấn nêu quan điểm.
Từ thực tế trên, ông Tuấn đề xuất cần thiết phải có sự thay đổi về chất trong hoạt động hỗ trợ, cung cấp thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp về các cam kết thương mại. Các đầu mối cung cấp thông tin như VCCI cần phải được hỗ trợ về nguồn lực. Cần có cơ chế phối hợp bắt buộc giữa các cơ quan có chuyên môn về cấc cam kết hội nhập với các đầu mối cung cấp thông tin, tư vấn. Nội dung các cam kết FTA phải được công khai, minh bạch, nhanh chóng, kịp thời và phải được gắn trách nhiệm cụ thể của cơ quan liên quan; thiết lập các đầu mối có thẩm quyền trong việc hướng dẫn, giải thích nội dung cam kết cho doanh nghiệp.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và mạnh mẽ. Rất nhiều cơ hội cũng như thách thức trong quá trình này đã được Chính phủ, giới chuyên gia chỉ ra. Tuy nhiên, để chuyển hoá những cơ hội thành lợi thế của nền kinh tế, doanh nghiệp phải là lực lượng đầu tiên cần thay đổi, cần nâng cao năng lực cạnh tranh... vì đó là những “người lính” trên mặt trận kinh tế để Đảng, nhà nước cụ thể hoá định hướng hội nhập kinh tế. Nhưng để làm được điều đó, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của nhà nước để hội nhập thành công.
Thanh Ngọc
Năng lượng Mới
-
Trung Quốc thông qua luật thuế quan để phòng vệ thương mại
-
Hiệp định EVFTA giúp xuất khẩu hàng hóa lấy lại “phong độ”
-
Nhận diện nguy cơ, thách thức của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế
-
Tinh thần chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam qua nỗ lực gia nhập và trở thành thành viên WTO - Thành tựu và triển vọng
-
Vai trò của kinh tế nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế - từ góc nhìn của ngành dệt may, da giày
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025
-
Thị trường vàng tăng "nóng", Phó Thủ tướng chỉ đạo khẩn
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 18/4: Mỹ tiếp tục trừng phạt ngành dầu mỏ Iran
-
Kỳ vọng và lo ngại của ngành dầu khí Mỹ dưới thời ông Trump
-
Tin tức kinh tế ngày 17/4: Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trở lại vị trí số 1