Định hướng quản lý di tích: Càng cụ thể càng tốt

07:00 | 12/12/2013

950 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngành văn hóa đòi hỏi nâng cao trách nhiệm, trình độ các bộ máy, ban bệ quản lý di tích, mong muốn các địa phương đều có thể áp dụng đồng bộ và thống nhất, để cải thiện tình trạng di tích ở trong cảnh “cha chung không ai khóc”. Tuy nhiên, những đề xuất, gợi ý cho việc nâng cao và áp dụng này lại chưa đủ thỏa mãn việc giải quyết thực tế quản lý chồng chéo, phức tạp hiện nay.

Lắm sãi, ai đóng cổng chùa?

Theo đánh giá của Cục Di sản văn hóa, quản lý di tích hiện có quá nhiều bất cập, thể hiện qua việc không thống nhất về tên gọi, như có nơi ghi là ban quản lý, có nơi là trung tâm; người đứng đầu khi thì là giám đốc, lúc lại là trưởng ban; rồi có sự chồng chéo chức năng quản lý nhà nước và quản lý nghiệp vụ giữa phòng quản lý di sản và ban quản lý di tích thuộc Sở VH-TT&DL.

TS, Cục trưởng Nguyễn Thế Hùng nhận xét, có những ban quản lý thuộc UBND tỉnh quản 3 đến 4 di tích, nhưng thực tế các di tích đã được giao cho các huyện quản nên vai trò của ban khá mờ nhạt. Có những nơi ban quản lý ở cơ sở buông lỏng quản lý, để cho cộng đồng tự động trông nom và tùy tiện tu bổ sai trái, để xảy ra mất cắp cổ vật. Cùng với đó là thực trạng trình độ chuyên môn của đội ngũ lãnh đạo các ban quản lý còn yếu; có sự tranh chấp quản lý nguồn thu giữa ban quản lý với chính quyền địa phương và người trực tiếp trông nom di tích; có nơi di tích lại không có nguồn thu nên không được ai chăm sóc…

Chùa Sổ - Di tích quốc gia thôn Ước Lễ, xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội từng bị người dân xây mộ "vây" xung quanh

Hàng loạt những tồn tại đó, dẫn đến nhiều vụ việc gây xôn xao và bức xúc trong dư luận thời gian qua mà tiêu biểu là vụ tu bổ chùa Trăm Gian ở Chương Mỹ, Hà Nội, đình Ngu Nhuế ở Hưng Yên, vụ đòi trả lại danh hiệu di tích ở Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, vụ cháy đền thờ Lê Lai mới đây ở Thanh Hóa hay những lùm xùm quanh ngôi chùa Chân Long ở Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội với việc nhà sư trụ trì tự đưa tượng mới có khuôn mặt giống mình vào chùa, tự ý xây dựng, sửa chữa làm giảm giá trị di tích… Các vụ việc nổi cộm và những khảo sát trên diện rộng của ngành văn hóa, càng chỉ rõ ra tình trạng chơi vơi, chênh vênh của di tích giữa rất nhiều các ban bệ, cơ quan chức năng, từ văn hóa đến chính quyền địa phương. Khi có sự vụ, tổn thất xảy ra thì quả bóng trách nhiệm được đá qua đá lại khiến cho việc phân tích nguyên nhân, xử lý trách nhiệm trở nên mờ mịt. Cuối cùng gần như hòa cả làng, chỉ có di tích là chịu khổ.

Công cụ nào để quản lý

Nhằm góp phần cứu vãn tình cảnh này, Bộ VH-TT&DL vừa hoàn thành dự thảo hướng dẫn kiện toàn công tác quản lý và thực hiện nếp sống văn minh tại di tích. Đặt ra kỳ vọng hướng dẫn, quy định và phân cấp rõ ràng trong quản lý di tích, các nhà soạn thảo đã phác ra nhiều định hướng bao quát những hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, trùng tu, tôn tạo, phát triển du lịch, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn minh… tại di tích, từ cấp độ di sản thế giới cho đến cấp quốc gia, cấp tỉnh và các di tích ở cơ sở.

Theo đó, dự thảo đưa ra đề nghị UBND phân cấp rõ chức năng, nhiệm vụ theo từng lĩnh vực công việc cụ thể cho UBND huyện, xã, phân rõ nhiệm vụ của tổ chức được giao quản lý, bảo vệ và chăm sóc trực tiếp di tích với nhiệm vụ của Sở VH-TT&DL và Phòng VHTT. Dự thảo cũng đề xuất thành lập ban quản lý di tích thuộc Sở VH-TT&DL để quản những di tích quan trọng, đồng thời hướng dẫn nghiệp vụ về các hoạt động tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị toàn bộ di tích trên địa bàn tỉnh khi được đề nghị. Bên cạnh đó còn có đòi hỏi nâng cao trình độ chuyên môn của các ban quản lý di tích. Trong việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích, dự thảo nêu ra trách nhiệm của từng cấp quản lý từ Sở VH-TT&DL đến các huyện, xã, cơ sở, và phía trên là các cơ quan chức năng của Bộ VH-TT&DL theo hướng tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc, xử lý khi có vi phạm.

Theo các nhà soạn thảo, việc phối hợp chặt chẽ và đưa ra nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục, thực hiện công khai, minh mạch quy chế quản lý cũng như các nguồn thu… là cơ sở để đẩy lùi những bất cập, tiêu cực tại nhiều di tích như những hành vi, cử chỉ, lối ăn mặc không hợp thuần phong mỹ tục, việc thắp hương, đốt mã tràn lan, đặt quá nhiều hòm công đức, thương mại hóa lễ hội, bày bán hàng hóa lộn xộn và tự ý nâng giá, tùy tiện đưa thêm tượng thờ, hiện vật vào di tích… Tại hội thảo góp ý cho dự thảo này do Bộ VH-TT&DL tổ chức sáng ngày 6/12, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho biết, dự kiến từ nay đến năm 2016, Bộ sẽ hoàn thiện dần các nội dung hướng dẫn, định hướng về việc thống nhất bộ máy quản lý di tích, phân cấp, phân nhiệm… để thêm chỗ dựa và công cụ có tính pháp lý cho việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích được tốt hơn.

Làm sao đủ “đô”?

Tuy nhiên, đồng thuận với tinh thần tăng cường hướng dẫn, định hướng đối với việc quản lý di tích ở các cấp, nhiều ý kiến cũng đưa ra những băn khoăn hay góp ý về các nội dung đề xuất trong dự thảo. Theo thông tin từ nhiều lãnh đạo các sở VH-TT&DL, dễ thấy tình trạng không thống nhất, quá đa dạng trong mô hình quản lý di tích ở mỗi tỉnh, mỗi địa phương càng cho thấy việc điều chỉnh là nan giải và những đề xuất chung chung sẽ khó lòng đem lại một trật tự cho các địa phương.

Bà Lê Thoan - Trưởng phòng Quản lý di sản - Sở VH-TT&DL Phú Thọ cho biết, ở Phú Thọ có những xã có nhiều hơn một di tích đã được xếp hạng, có xã có 5 di tích, trong đó 3 di tích cấp quốc gia, 2 di tích cấp tỉnh. Những trường hợp như vậy cần xem xét về số lượng, quy mô của bộ máy quản lý. Giám đốc Sở VH-TT&DL Bắc Giang Nguyễn Thế Chính cho rằng, dự thảo chưa đề cập đến vấn đề bài trí trong di tích. Cũng như nhìn rộng hơn, phải tính toán về tính pháp lý của văn bản. Bởi nếu chỉ là hướng dẫn chung chung thì không đủ sức nặng, không thể là “cái gậy” để từ cấp tỉnh đến cấp thôn có thể thực hiện theo. Ông Chính đưa ra ví dụ về việc đưa đồ thờ mới vào di tích, đang là vấn đề nhức nhối ở Bắc Giang. Nhiều khi tượng mới, hiện vật lạ lại do lãnh đạo đưa vào hay những người đi xa quê làm ăn, có tiền cung tiến, đóng góp, khiến cho ban quản lý không thể từ chối. Ông Âu Xuân Đôn - Phó giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang đề xuất: Nên quy định cụ thể hơn việc quản lý di tích quốc gia đặc biệt. Đồng thời, Sở VH-TT&DL phải là đơn vị chỉ đạo, hướng dẫn chứ không phải là phối hợp với các ban quản lý di tích ở cơ sở. Ông Đôn cũng đề nghị phải quy định rõ về chức năng của Sở, của cơ quan chuyên môn trực thuộc trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến di tích, nếu không chính bộ máy này lại gây khó cho các ban quản lý cấp cơ sở.

Những góp ý, đề xuất của một số chuyên gia và cán bộ văn hóa các địa phương đòi hỏi dự thảo mà Bộ VH-TT&DL đưa ra để trưng cầu, cần phải được bổ sung thêm cho cụ thể, chặt chẽ hơn. Nhất là trong mô hình, cơ cấu quản lý các di tích, cũng như phải quy định rõ hơn về trách nhiệm của lực lượng trông nom trực tiếp các di tích. Đồng thời, vị trí pháp lý của văn bản khi ban hành cũng phải tương xứng để đảm bảo được “sức nặng” của những quy định mà nó đưa ra. Nếu không, văn bản sẽ chỉ như một tài liệu tham khảo mà những hướng dẫn của nó, người ta có thể áp dụng, nhưng cũng có thể có lúc… hờ hững!

Xuyên Sơn