Chuyện di tích, di sản biến mất

11:05 | 25/10/2022

860 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhiều di tích đang lần lượt bị phá để xây mới hoặc bị bỏ bê đến hư hoại, mất hết dấu tích... Thực tế, việc quản lý và ý thức về sự kế thừa, bảo lưu di sản văn hóa đang có vấn đề đáng quan tâm.
Chuyện di tích, di sản biến mất
Khu vực di tích quốc gia Lò gốm Hưng Lợi

Di tích khảo cổ học quốc gia Lò gốm Hưng Lợi (phường 16, quận 8, TP HCM) vốn là nơi ghi dấu một thời hoàng kim của nghề gốm tại TP HCM. Dựa trên chất liệu và kiểu dáng của các hiện vật khai quật tại di tích, các nhà khảo cổ xác định rằng đây là các hiện vật có từ thế kỷ XVIII. Lò gốm Hưng Lợi là một di tích khảo cổ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa và giá trị văn hóa đối với thành phố.

Thế nhưng hiện tại, toàn bộ khu vực di tích Lò gốm Hưng Lợi chỉ còn là một bãi đất trống cỏ mọc um tùm, không còn lưu lại dấu tích gì của di tích đã phát lộ sau công cuộc khai quật cách đây 25 năm. Quanh khu đất di tích có hàng rào, cổng sắt tạm, tấm biển báo di tích bị xịt sơn trắng, không đọc ra chữ. Trên đường đi, không có một tấm biển báo hay một chỉ dẫn nào về khu di tích. Hiện trạng đó khiến các nhà khảo cổ học phải rớt nước mắt trong chuyến trở lại thăm di tích lò gốm gần đây.

Song, sự biến mất của di tích Lò gốm Hưng Lợi không phải là cá biệt ở TP HCM. Trải qua năm tháng, đã có hàng trăm di sản kiến trúc cổ nơi đây vĩnh viễn biến mất theo công cuộc đô thị hóa. Song, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho sự phát triển bởi sự bất cập trong quản lý di tích, di sản mới thật sự là vấn đề đáng quan tâm, di tích Lò gốm Hưng Lợi là một điển hình.

Lâu nay, nhiều người chỉ nghĩ đến việc phải bảo tồn thế nào khi các công trình di tích xuống cấp và hư hại, đúng nghĩa “mất bò mới lo làm chuồng”. Đến khi có thể đưa ra một phương án phù hợp để bảo tồn thì di tích đó đã gần như bị hủy hoại mất rồi. Như chuyện di tích Lò gốm Hưng Lợi bị người dân xung quanh tranh chấp, xâm hại trong nhiều năm qua nhưng cho đến bây giờ, khi di tích đã gần như biến mất hoàn toàn, cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm cách bảo vệ, bảo tồn.

Theo quy định, trách nhiệm quản lý di tích cấp quốc gia là của UBND TP HCM. Nhưng, trách nhiệm, chức năng quản lý di tích thường được giao cho Sở Văn hóa - Thể thao. Tuy nhiên, “quả bóng” trách nhiệm trước việc di tích Lò gốm Hưng Lợi xuống cấp, bị xâm phạm, biến mất thì chưa thể xác định ở đâu vì nó đang được “đá qua đá lại” giữa các cơ quan chức năng.

Đất nước ta luôn tự hào có bề dày 4.000 năm lịch sử, nhưng đến thời điểm hiện tại, hầu như không có di tích trăm năm nào được bảo tồn nguyên vẹn cả. Những di tích đó lần lượt bị phá để xây mới hoặc bị bỏ bê đến hư hoại, mất dấu tích... Rõ ràng, ý thức về sự kế thừa và bảo lưu di sản văn hóa nói chung của chúng ta còn thấp, chưa trở thành một dòng chảy chủ lưu trong văn hóa Việt.

Với cách quản lý di tích như hiện nay, việc các công trình di tích cứ lần lượt hư hoại, biến mất cũng không là điều quá ngạc nhiên.

Trúc Vân