Điều ít biết về vị tướng Pháp muốn được rải tro ở Điện Biên Phủ

09:47 | 05/05/2014

5,957 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trước khi qua đời, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, tướng 4 sao Marcel Bigeard, người từng đeo lon Trung tá, chỉ huy Tiểu đoàn dù số 6 tham chiến và thất bại ở Điện Biên Phủ, đã có một ước nguyện rằng, khi thân xác về với vĩnh hằng, một phần tro của ông sẽ được rải xuống cánh đồng Mường Thanh, để được gần với những người đồng đội đã nằm lại nơi này.

Trung tá Marcel Bigeard (giữa) tại Điện Biên Phủ năm 1954

Marcel Bigeard là một trong những chỉ huy quân sự được yêu mến, trọng vọng nhất ở Pháp bởi sự dũng cảm, gương mẫu và nhất mực trung thành với nước Pháp. Tên tuổi ông gắn liền với các cuộc chiến tranh bảo vệ thuộc địa của Pháp ở Algeria và Đông Dương. Mặc dù là một trong hơn 11.000 hàng binh Pháp tại trận địa Điện Biên Phủ năm 1954 nhưng sau khi hồi hương, ông vẫn được nước Pháp tôn vinh anh hùng. Với nhiều chiến công trên chiến trường châu Phi sau đó, ông đã được phong chức Đại tướng 4 sao, từng được cử làm Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng dưới thời Tổng thống Pháp Valéry Giscard d'Estaing.

Một lần, khi được hỏi ông muốn được gọi là “Tướng” hay “Bộ trưởng, Marcel Bigeard đã trả lời: "Tôi đã mất 30 năm để trở thành một vị tướng và 30 phút để trở thành một bộ trưởng, vì vậy, tôi thích được gọi là tướng hơn”.

Trong đời binh nghiệp, thắng thua là chuyện bình thường, nhưng dường như thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ luôn là nỗi ám ảnh đeo bám Marcel Bigeard tới tận cuối đời. Có lẽ vì vậy mà dù từng đi ngang dọc khắp các chiến trường châu Âu, châu Á, châu Phi… nhưng ước nguyện khi về với cát bụi của ông lại là được hòa mình vào lòng đất Điện Biên - nơi ông từng bị bắt làm tù binh. Ông từng nói: "Đó là một bi kịch và là một thảm kịch mà ta không thể nào quên”.

Viết trong cuốn hồi ký “Pour une parcelle de gloire” (Vì chút đỉnh vinh quang) xuất bản năm 1975 - kể về những ngày đầu nhập ngũ (1936) cho đến ngày giải ngũ (1975) của Bigeard, ông đã thuật lại quãng đời trong 9 năm với ba lần sang tham chiến ở Đông Dương. Quá nửa cuốn sách, tác giả viết về thời kỳ phục vụ ở Đông Dương lần thứ ba với cương vị chỉ huy Tiểu đoàn dù số 6 (từ tháng 10/1952 - tháng 5/1954). Tiểu đoàn dù số 6 dưới sự dẫn dắt của Bigeard, nổi tiếng về kỷ luật nghiêm, tinh thần gan dạ và ý thức tốt. Nhưng qua 52 ngày (16/3 - 7/5) nhảy dù xuống ứng cứu cho lực lượng phòng thủ Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vốn đang suy yếu và gần như tuyệt vọng, Tiểu đoàn 6 danh tiếng lẫy lừng của Bigeard đã rơi rụng từ gần 1.000 quân xuống còn lại 25 người mặc dù đã được nhiều lần bổ sung. Bigeard cay đắng thú nhận đây là những ngày bi thảm nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình.

“Tại sao tôi vẫn còn sống? Tại sao cái tiểu đoàn tuyệt vời của tôi lại vĩnh viễn biến mất trên những ngọn núi của vùng thượng du?” Đó là câu hỏi day dứt trong lòng Bigeard dù tự ông đã có câu trả lời.

Trong cuốn hồi ký của mình, Bigeard phê phán gay gắt chủ trương chiến lược của Navarre và Cogny. Ông cho rằng thảm bại Điện Biên Phủ là do lỗi của một bộ tổng tham mưu bất tài và những quyết định chính trị xa rời thực tế. "Tại Điện Biên Phủ, bộ tư lệnh bảo với chúng tôi rằng nếu quân Việt Minh tấn công, chúng ta sẽ bẻ gãy họ. Trên thực tế chính họ đã bẻ gãy chúng ta. Thật là xuẩn ngốc khi bỏ tất cả vào một lòng chảo", vị lão tướng cựu binh Pháp tại Đông Dương nói trong một cuộc phỏng vấn với AFP hồi năm 2004 – nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Bên cạnh đó, là người tự trọng và tôn trọng đối thủ, Bigeard biết đội quân viễn chinh Pháp và bản thân ông đã phải đối đầu với ai và thất bại là điều tất yếu của lịch sử.

Đó là vị Đại tướng - Tổng tư lệnh quân đội đối thủ mà bản thân ông cũng phải ngưỡng mộ, kính phục bởi tài năng và tầm nhìn chiến lược - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhìn lại cuộc chiến ở Điện Biên năm nào và theo dõi hành trình giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước sau này của Việt Nam, Bigeard viết trong hồi ký:Giáp từ ấy đã tồn tại hai mươi lăm năm, đã thua điểm đôi khi, thậm chí đo ván, nhưng ông luôn luôn rút ra bài học, giành lại ưu thế để đến chung cuộc trở thành một tướng lĩnh không ai bì kịp, sau khi đã canh tân, đã chỉ huy trong một phần tư thế kỷ cuộc chiến với người Pháp, người Mỹ. Xin ngả mũ chào ông, ông Giáp!”.

Và hơn hết,Bigeard hiểu rằng, không ai có thể đối đầu với cả một dân tộc yêu nước thiết tha và khát khao giành độc lập dân tộc cháy bỏng. Có lẽ vì thế mà lần sang Việt Nam thăm lại chiến trường cũ hồi năm 1993, trả lời một nhà quay phim nước ngoài, Bigeard đã có một câu nói nhiều ý nghĩa: “Nếu tôi là người Việt Nam, tôi cũng sẽ trở thành Việt Minh”.

Quay trở lại với ước nguyện được rải tro trên chiến trường cũ năm nào của Bigeard, ngay từ khi được biết về di chúc viết năm 1988 này của ông, cựu Tổng thống Pháp Valéry Giscard d'Estaing đã nói là không đồng ý, vì Tướng Bigeard là người Pháp yêu nước, khi mất phải chôn cất tại quê hương. Đến năm 2010, khi Bigeard trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 94, một lần nữa báo giới Pháp và quốc tế lại xôn xao lần nữa về câu chuyện này. Tuy nhiên, theo AFP, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã khước từ nguyện vọng nhạy cảm này của Tướng Bigeard vì không muốn “tạo ra một tiền lệ”.

Linh Phương