Dịch chồng lên dịch

07:00 | 07/06/2014

1,490 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với diễn biến phức tạp và liên tiếp xuất hiện các bệnh dịch từ đầu năm đến nay, có thể nói đây là một năm dịch bệnh mà đối tượng tập trung chủ yếu là trẻ em. Đã có gần 200 bệnh nhi tử vong ở tất cả các bệnh dịch tính từ đầu năm theo thống kê của Bộ Y tế. Và có thể con số này chưa phải là cuối cùng. Bởi tại TP Hồ Chí Minh, sốt xuất huyết, chân - tay - miệng… đang có chiều hướng gia tăng mạnh.

Năng lượng Mới số 328

Nhiều dịch bệnh tăng cao

Chỉ tính những tháng đầu năm, riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có gần 1.400 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 800 ca phải nhập viện, trong đó có 3 ca tử vong. Còn lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại viện lúc nào cũng ở mức 50-70 ca.

Tại Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh thì lượng bệnh nhân sốt xuất huyết còn cao hơn, thậm chí dẫn đầu cả nước khi có 1.700 ca nhập viện. Bệnh viện Nhi đồng 2 thấp nhất nhưng cũng có đến 700 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị. Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã tăng 30% so với mức thông thường và chiếm khoảng 45% tổng số bệnh nhân bị sốt xuất huyết trên toàn quốc. Bởi tính đến nay số ca mắc căn bệnh được coi là một trong những bệnh thuộc chương trình mục tiêu quốc gia này đã lên đến 9.500 ca ở 42 tỉnh, thành, trong đó 5 ca đã tử vong gồm ở Bình Dương, Bình Phước và TP Hồ Chí Minh như đã nói. Bộ Y tế đã nhận định, sốt xuất huyết lưu hành tập trung chủ yếu ở miền Nam (với khoảng 84% số mắc cả nước) miền Trung, mỗi năm ghi nhận khoảng 100 nghìn trường hợp mắc và có khoảng 100 trường hợp tử vong.

Tương tự, chân tay miệng cũng đang gia tăng đáng kể khi số ca mắc bệnh cao hơn cùng kỳ năm ngoái tới 30%. Theo Cục Y tế dự phòng, hiện số bệnh nhân mắc chân tay miệng tại phía nam đang là 16.473 bệnh nhân, chiếm 80% trường hợp mắc trong cả nước. Trong đó, có 2 trường hợp đã tử vong. Còn tính trên cả nước đến ngày 18-5-2014, mặc dù chưa hết 6 tháng đầu năm nhưng số bệnh nhân mắc chân tay miệng ghi nhận đã có: 20.500 trường hợp với tỷ lệ tăng cao nằm ở các tỉnh, thành như: TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Bình Dương, Kon Tum. 

Không chỉ sốt xuất huyết, chân tay miệng, thủy đậu cũng đang có chiều hướng tăng mạnh tại các tỉnh phía nam, sau khi đã “hoành hành” tại các tỉnh miền Bắc hồi đầu năm. Từ đầu năm tới nay, trên cả nước đã có khoảng 16.400 trường hợp mắc thủy đậu, cao hơn hẳn năm 2013 tới 8.000 ca. Mặc dù đây là bệnh “lành tính” nhưng năm nay, bệnh đã có những diễn biến phức tạp khi biến chứng vào phổi, gây suy hô hấp, thậm chí dẫn đến tử vong.

Tuy đã “khống chế” được và số lượng bệnh nhân giảm đáng kể song sởi vẫn là bệnh dịch không thể chủ quan lơ là, thiếu kiểm soát. Bởi trong thời gian qua liên tiếp 145 trẻ tử vong và hơn 21 nghìn người mắc bệnh, trong đó 76% là trẻ em dưới 10 tuổi, 12,5% là trẻ dưới 9 tháng tuổi đã là bài học đắt giá cho các bà mẹ chủ quan trong việc nuôi con và cho ngành y tế về những giải pháp cấp thiết phòng chống dịch bệnh. Ghi nhận tại các bệnh viện thì đỉnh điểm của dịch sởi năm nay diễn ra vào tuần thứ 10 của tháng 3 với 400-500 ca mắc. Nhưng sau khi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch thì đến nay số lượng bệnh nhân sởi giảm chỉ còn khoảng 200 bệnh nhân mỗi tuần. Riêng trong ngày 18-5-2014, 35 tỉnh, thành báo cáo không ghi nhận trường hợp nghi sởi mới.

Bệnh nhi sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh

Chỉ vì thói quen xấu trong sinh hoạt

Với các bệnh dịch trên đây, xét về căn bản thì khó có thể coi là bệnh trọng. Bởi vào những thời tiết nhất định, bệnh thường diễn ra như định kỳ, chẳng hạn đông - xuân là mùa của bệnh sởi, thủy đậu; hè là mùa thuận lợi cho virus gây sốt xuất huyết… nghĩa là năm nào cũng có bệnh nhân mắc và tỷ lệ chữa khỏi bệnh cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tử vong. Chưa kể đến mỗi loại bệnh đều có vắc-xin phòng bệnh (trừ bệnh sốt xuất huyết) và phòng bệnh hiệu quả rõ rệt. Thế nhưng những năm gần đây, diễn biến của những bệnh này phức tạp hẳn đến nỗi công tác ứng phó thậm chí không theo kịp. Như bệnh chân tay miệng, qua xét nghiệm chủ yếu là virus EV71, là loại có độc lực gây tử vong cao nhất. Hay sốt xuất huyết virus D1 là nguyên nhân gây bệnh đến nay đã biến đổi phức tạp hơn nhiều so với trước đây. Vậy vì sao các virus lại biến đổi như vậy? GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương giải thích: “Sở dĩ các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam có xu hướng tăng là do sự biến đổi môi trường, sự phát triển kinh tế toàn cầu đã dẫn tới sự thay đổi mô hình bệnh tật. Bên cạnh đó, thói quen vệ sinh cá nhân và vệ sinh an toàn thực phẩm của một bộ phận người dân chưa được tốt, vẫn còn nhiều hành vi, thói quen tiềm ẩn nguy cơ, dẫn tới nhiều dịch bệnh đã được khống chế nay xuất hiện trở lại”. Tuy nhiên, đó là nguyên nhân tổng thể của các dịch bệnh, còn từng loại lại có những nguyên nhân riêng theo từng thời điểm, cụ thể như sởi, nguyên nhân chính được Bộ Y tế cho rằng, bùng phát mạnh trong thời gian qua là do phần lớn các trường hợp không được tiêm phòng sởi hoặc không được tiêm phòng đủ 2 lần. Thêm vào đó tình trạng bệnh nhân tập trung khám và điều trị tại bệnh viện tuyến Trung ương quá đông gây nên tình trạng quá tải và làm gia tăng lây nhiễm chéo.

Bệnh sốt xuất huyết thì nguyên nhân được đánh giá bắt đầu từ thói quen trữ nước tại nhiều địa phương dẫn đến sinh ra bọ gậy, loăng quăng, sinh vật tiền thân của loại muỗi gây sốt xuất huyết. Bệnh chưa có thuốc đặc trị và vắc xin phòng bệnh nên càng là nguyên nhân gây ra dịch lớn.

Chân tay miệng lại khác hẳn khi có nguyên nhân phần lớn từ thói quen vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Vì thực hiện không tốt những thói quen ấy lại thêm chưa có thuốc điều trị cũng như không có vắc-xin tiêm phòng, bệnh càng gia tăng nhanh kể từ ngày hình thành...

Để phòng chống dịch bệnh

Theo Bộ Y tế, để phòng chống các bệnh dịch trên một cách hiệu quả và bền vững thì trước hết phải đảm bảo tiêm phòng 100% (đối với những loại có vắc-xin), nhất là với những đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em; Xây dựng, duy trì nếp sống sạch sẽ, an toàn vệ sinh trong sinh hoạt hằng ngày và môi trường sống xung quanh như rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn uống, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống diệt bọ gậy, loăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi tại các điểm nguy cơ, xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện để giảm tối đa số bệnh nhân mắc, tử vong… Bà Carol Lai, chuyên gia y tế về bệnh sốt xuất huyết còn cụ thể hơn nữa khi khuyến cáo: “Chỉ có một cách duy nhất để phòng chống sốt xuất huyết là tự bảo vệ mình không bị muỗi đốt. Khi tất cả mọi người cùng đồng lòng hành động, hiệu quả sẽ tốt hơn. Nếu không tạo cơ hội cho muỗi sản sinh, tấn công da, hút máu người thì sẽ không có sốt xuất huyết”.

Tại khu vực Tây Thái Bình dương, năm 2013 đã có gần 40 nghìn ca mắc sởi, tăng gấp 3 lần năm 2012. Năm 2014, dịch sởi đã ghi nhận tại 133/192 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó những nước có tỷ lệ mắc cao là Trung Quốc, Philippines… Năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới thống kê: so với cùng kỳ năm ngoái, bệnh chân - tay - miệng ở vùng Tây Thái Bình dương tăng hơn, cụ thể Ma Cao tăng 47,8%, Singapore tăng 10%, Trung Quốc: 40%.

Khu vực Châu Á - Thái Bình dương, tỷ lệ mắc bệnh chân tay miệng gia tăng rất nhanh, như năm 2013, Trung Quốc có hơn 2 triệu ca, trong đó 550 ca tử vong; Nhật Bản có 68 nghìn ca, Singapore: 37 nghìn ca. 

Bệnh sốt xuất huyết cũng tăng mạnh ở các nước so với năm ngoái  như Australia tăng 14%, Malaysia: 313%, Singapore: hơn 10%. Ngoài ra còn có các nước: Lào, Campuchia, Philippines, New Caledonia…

Xuân Bách