Đến với xứ sở huyền thoại Ba Tư (Kỳ 1)

07:00 | 23/03/2016

9,741 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đối với người Việt Nam, sự hiểu biết về nước Cộng hòa Hồi giáo Iran hay chúng ta vẫn thường gọi là Ba Tư, có lẽ hầu hết chỉ biết qua tác phẩm “Nghìn lẻ một đêm”. Gần đây thì được biết thêm rằng, Iran là một quốc gia có nhiều dầu mỏ, chống Mỹ quyết liệt và là kẻ thù không đội trời chung với Israel. Rồi người ta nhìn vào Iran như một quốc gia có chế độ luật pháp hà khắc, nghiệt ngã… nhưng không mấy người thấy rằng Iran hiện nay đang là quốc gia có cuộc sống yên bình nhất ở khu vực Trung Đông và Tây Á. Đấy mới là điều lạ. Phóng sự này sẽ giúp các bạn hiểu thêm đôi điều về xứ sở của “Aladin và cây đèn thần”.  

Cất cánh từ sân bay Dubai, chỉ sau 10 phút bay thẳng về hướng Bắc, vượt qua vịnh Pecxich là tới lãnh thổ Iran.

Trong sử sách thì cái tên Iran mới chỉ có từ năm 1935, còn xưa kia, thì gọi là Persia - gọi theo âm Hán Việt là Ba Tư. Đây là một quốc gia có nền văn minh rực rỡ và cũng đã có thời là một đế quốc hùng mạnh. Nếu như không có cuộc chinh phạt của Thành Cát Tư Hãn và các thế hệ con cháu sau này, thì chưa biết chừng, đế quốc Ba Tư và đạo Hồi đã làm bá chủ thế giới.

Nhìn qua cửa sổ mà thấy dựng hết cả tóc gáy, bởi lẽ dưới cánh máy bay rặt là những đồi núi và không một bóng cây xanh.

den voi xu so huyen thoai ba tu ky 1
Phụ nữ Iran

Núi dựng lên như gươm, như giáo. Núi nối đuôi nhau cuồn cuộn như thác trên sông; núi dựng thành, dựng lũy như một trận đồ bát quái… Tất cả đều là một màu vàng nhạt, vàng xám, màu chì, màu đen sạm, màu vàng ệch của núi và của những sa mạc. Và điều kinh hãi hơn nữa đó là máy bay bay cả hơn tiếng đồng hồ mà không hề thấy có một bóng cây. Thi thoảng lắm mới nhìn thấy một con đường chạy như sợi chỉ băng qua một màu vàng cằn cỗi, chết chóc. Chỉ khi tới gần thủ đô Tehran còn chừng khoảng 5-7 phút bay thì mới nhìn thấy những vạt màu xanh của những cánh đồng rau.

Tôi cứ tự hỏi, không hiểu vì sao người ta lại có thể sống được ở những nơi như thế này. Nhưng hình như ông trời có mắt, được cái này mất cái kia, vì không có thiên nhiên ưu đãi, không có rừng rậm, sông dài thì bù lại Iran lại là một quốc gia có trữ lượng dầu khổng lồ.

Theo các tài liệu đã được công bố, Iran nằm ở khu vực Trung Đông - nơi có trữ lượng dầu và khí đốt lớn nhất thế giới. Cộng hòa Hồi giáo Iran đang sở hữu nguồn tài nguyên năng lượng quý giá với trữ lượng phong phú. Theo đánh giá thống kê năng lượng của BP tháng 6-2011, trữ lượng dầu của Iran năm 2010 ước tính 137 tỉ thùng, chiếm gần 10% tổng trữ lượng dầu thế giới, còn trữ lượng khí đốt của Iran năm 2010 ước tính 1.045,7 tỉ tỉ m3 chiếm 15,8% tổng trữ lượng khí đốt thế giới.

den voi xu so huyen thoai ba tu ky 1
Phụ nữ Iran

Về trữ lượng dầu mỏ, Iran đứng vị trí thứ tư trên thế giới, sau Arập Xêút, Venezuela và Canada, đứng vị trí thứ ba trong OPEC và vị trí thứ hai tại khu vực Trung Đông. Masjid-i-Sulaiman là khu vực đầu tiên ở Iran phát hiện có trữ lượng dầu thô lớn vào năm 1908.

Gần 80% trữ lượng dầu thô của Iran được phát hiện trước năm 1965. Tính đến cuối năm 1990, trữ lượng dầu của Iran chỉ đạt 92,9 tỉ thùng, nhưng đến cuối năm 2000 đạt 99,5 tỉ thùng, đặc biệt đến cuối năm 2009 đã tăng gần 14%, đạt 137 tỉ thùng nhờ gia tăng đầu tư vào các dự án thăm dò và khai thác dầu của Iran.

Cho đến nay, Iran đã phát hiện hơn 40 mỏ dầu, trong đó có 27 mỏ dầu trên đất liền và 13 mỏ dầu ngoài khơi có trữ lượng dầu thô lớn nằm ở miền Tây Nam Khuzestan, sát biên giới với Iraq và khu vực Bắc Caspi. Đây chính là nguyên nhân bùng nổ cuộc chiến Iran - Iraq năm 1980 và các tranh chấp khác.

Về  khí đốt, Iran đứng vị trí thứ hai trên thế giới sau Nga (1.580,8 tỉ tỉ m3, chiếm 23,9% tổng trữ lượng khí đốt thế giới) và chiếm vị trí hàng đầu tại khu vực Trung Đông. Cụ thể, trữ lượng khí đốt của Iran tính đến cuối năm 1990 mới đạt 17 tỉ tỉ m3, đến cuối năm 2000 tăng hơn 9 tỉ tỉ m3

Hơn 2/3 trữ lượng khí đốt của Iran nằm rải rác và chưa được phát triển. Các mỏ khí đốt lớn của Iran là Nam và Bắc Pars, Kish và Kangan-Nar. Từ khi kế hoạch phát triển dầu khí Iran khởi động năm 2005, 8 mỏ khí đốt mới đã được phát hiện. Tính đến cuối năm 2009, trữ lượng khí đốt của Iran đạt 29,6 tỉ tỉ m3.

 Việc áp dụng và đầu tư công nghệ hiện đại trong thăm dò và khai thác khí đốt đã giúp Iran tìm ra các mỏ khí đốt có trữ lượng khổng lồ, tính đến cuối năm 2010 trữ lượng khí đốt của Iran đạt 1.045,7 tỉ tỉ m3.

Từ sân bay đi về trung tâm thủ đô Tehran khoảng hơn 70 cây số, bình thường người ta sẽ phải đi trên dưới 3 tiếng đồng hồ, bởi lẽ nạn kẹt xe đang thực sự là một nỗi kinh hoàng với tất cả người dân thủ đô Tehran. Không kẹt xe làm sao được khi một thủ đô rộng 1.500km2, có hơn khoảng 12 triệu dân, nhưng có tới 6 triệu ôtô. Tehran là thành phố lớn nhất ở vùng Tây Á và cũng là một trong những thành phố lớn trên thế giới. Tehran nằm trong tỉnh Tehran và thành phố này tập trung rất nhiều điện thờ của các giáo phái, trong đó nổi tiếng nhất là các nhà thờ của Hồi giáo và Bái Hỏa giáo.

 Và điều kỳ lạ là ở ngoại thành đồi núi hoang vu nhưng vào càng gần trung tâm thì cây cối càng nhiều, ở đây đặc biệt nhiều là cây phong. Đường phố ở Tehran hầu hết là đường một chiều và không nhiều đại lộ, đường lớn. Thành phố thì nằm trên khu vực đồi núi, trông giống như ở Đà Lạt. Xe máy ở Tehran không nhiều nhưng chạy “láo” thì cũng không kém gì dân Hà Nội. Cũng đầu trần, cũng chở ba, chở bốn, cũng lạng lách, đánh võng và nhấp nhổm vượt đèn đỏ.

den voi xu so huyen thoai ba tu ky 1
Nhân viên của PVEP tại Tehran

Kiến trúc ở Tehran thì ngoài những cung điện, đền thờ là rất đặc sắc, còn lại hầu hết khô khan, nghèo nàn. Chẳng hiểu có phải ảnh hưởng của cấm vận mà hệ thống Internet của Tehran rất chán. Sòng phẳng mà nói thì thua Việt Nam ta rất xa. Ngay những khách sạn cỡ 5 sao, Internet cũng rất kém và để có được mật khẩu sử dụng Wifi thì cũng phải khai báo rất nhiêu khê và ngày nào cấp mật khẩu ngày ấy.

Tehran - theo tiếng Ba Tư cổ thì có nghĩa là “mảnh đất ấm áp”. Chả biết ở đây ấm áp đến thế nào nhưng vào giữa tháng 3 này, khi mà trên những núi vây quanh thành phố vẫn phủ tuyết thì ở dưới nhiệt độ vẫn gần 200C.

 Cuộc sống ở Tehran cũng thật lạ. Buổi sáng, các nhà hàng, cửa hiệu, công sở bắt đầu từ 9 giờ, còn buổi tối thì họ cũng thức rất khuya. Người dân Iran ăn muộn và ở Tehran có rất nhiều những trung tâm ăn uống. Ở Tehran có những nhà hàng nom giản dị, tuyềnh toàng, những lại có tới cả hơn 100 năm tuổi thọ. Và một nhà hàng nổi tiếng nhất là Shandiz, được thành lập từ năm 1915. Nhà hàng này lừng danh bởi món thịt cừu nướng và để được thưởng thức món cừu nướng ở đây, thực khách nên đặt trước… 2 hoặc 3 ngày. Còn nếu đến ăn bất chợt thì chờ… 1 tiếng đồng hồ là chuyện bình thường.

Cũng phải nói thêm rằng, các nhà hàng ở Tehran rất nhiều, sang trọng, phục vụ rất chu đáo. Nhưng chốn chơi thì hầu như không có. Không có vũ trường, không có những nơi để nam thanh nữ tú vui đùa nhảy nhót. Các nhà hàng rất sang trọng nhưng tuyệt nhiên không hề có rượu mà chỉ có bia không độ. Uống bia này cũng nhang nhác như một thứ nước ngọt vậy. Rượu bia ở Iran là thứ bị cấm ngặt. Người nước ngoài tới Iran nếu bị hải quan sân bay phát hiện mang theo rượu bia thì sẽ bị đập ngay chai rượu đó trước mặt, còn mang nhiều hơn nữa không khéo còn bị ngồi tù.

Nghe nói ngày xưa, Tehran được coi là “thiên đường dưới hạ giới” với các thú ăn chơi hưởng lạc cực kỳ độc đáo của giới nhà giàu. Đây cũng là điều hơi lạ, bởi lẽ đàn ông Hồi giáo thường sống và sinh hoạt khá nghiêm cẩn. Nhưng có một nguyên nhân sâu sa là từ chuyện giới nhà giàu lo không được lên thiên đường.

Số là trong Kinh Coran có nói rõ là, những ai nghèo khổ, sống lương thiện, luôn tuân theo lời Thánh Ala thì sẽ sớm được lên thiên đường. Mà trên thiên đường thì cuộc sống tuyệt vời lắm. Có suối sữa, suối mật, có các loại rượu ngọn tuyệt hảo (trong khi dưới hạ giới cấm uống rượu) và mỗi gã đàn ông được tới 72 trinh nữ phục vụ… Còn những kẻ giàu có thì khi chết đi, phải chờ Thánh Ala xem xét rất lâu rồi mới quyết định cho lên “thiên đường” hay xuống “địa ngục”.

Chính vì vậy, những kẻ giàu có buồn rầu bảo nhau: “Thôi, không hy vọng gì được lên thiên đường, vậy ta hãy xây dựng “thiên đường” ngay dưới trần vậy”. Cho nên, các đại gia Hồi giáo ở Trung Á, Tây Á và Trung Đông, thường là những người ăn chơi khét tiếng.

den voi xu so huyen thoai ba tu ky 1
Đường phố tại Iran

Đi vào các nhà hàng, điều dễ nhận thấy nhất là con gái ở Iran quả thực quá đẹp. Không biết đã có một cuộc bình chọn nào chưa và hình như từ xưa đến nay con gái Hồi giáo không được tham dự các cuộc thi hoa hậu. Chứ nếu phụ nữ Hồi giáo ở Trung Đông được thi hoa hậu thì chắc chắn những quốc gia như Venezuela khó có thể giữ ngôi đầu bảng nhiều năm như vậy.

Người mà xác nhận con gái Trung Đông đẹp nhất thế giới đó chính là nhà tiên tri Mohammed. Với sống mũi cao, khuôn mặt thanh tú, nước da trắng và ánh mắt quyến rũ, sâu thăm thẳm, sẵn sàng nhấn chìm tất cả giới mày râu vào trong ánh mắt ấy, cho nên nhà tiên tri Mohammed mới quy định rằng phụ nữ Hồi giáo ra đường phải che mặt, để đàn ông không bị quyến rũ, còn tập trung sức lực làm việc khác.

Nói về sắc đẹp của phụ nữ Trung Đông, Trung Á, tôi nhớ lại một chuyện cách đây 15 năm, vào tháng 10-2001, khi Mỹ tấn công Afghanistan, tôi và nhà văn Nguyễn Quang Thiều sang Pakistan và có lần chúng tôi đi ăn ở nhà hàng phải đổi chỗ cho nhau để ngắm một cô gái, mà nói như lời Quang Thiều: “Không ngắm thì quá thiệt”.

Luật Hồi giáo nghiêm lắm, cho nên ở Iran chuyện trai gái ngoại tình là cực kỳ hiếm. Và phụ nữ ngoại tình không khéo vẫn bị ném đá đến chết. Tuy hà khắc như vậy, nhưng chúng tôi thấy phụ nữ Iran cũng khá cởi mở với người lạ. Bằng chứng là khi chúng tôi đến xin chụp ảnh, rất nhiều phụ nữ vẫn đứng làm dáng cho chúng tôi chụp rất vui vẻ. Nhưng nghe nói, chớ có dại mà tán tỉnh hay cầm tay, đụng chạm vì không khéo sẽ bị đem ra tòa án tôn giáo và có thể trở thành chồng cô ta ngay, nếu như không muốn ngồi tù.

den voi xu so huyen thoai ba tu ky 1
Một góc nhà hàng Shandiz

Nhiều người ví rằng, giữa một vùng lò lửa Trung Đông hiện nay đầy rẫy những bất ổn, nào là Iraq, Siri, rồi Pakistan, Afghanistan, vùng Trung Đông, Trung Á thì đầy rẫy những vụ khủng bố, bạo loạn, xung đột sắc tộc, nơi nào có Mỹ và bàn tay phương Tây thò vào thì nơi ấy sinh chuyện, nhưng Iran vẫn vững vàng, ổn định và kiên cường chống chọi với lệnh cấm vận của Mỹ suốt mấy chục năm qua, đặc biệt là từ năm 2009 cho đến nay. Đúng là kinh tế Iran bị sa sút nhiều. Nhưng Iran vẫn là một nước có nền chính trị ổn định nhất; người dân rất tin vào Chính phủ. Và thực sự Iran đang là một quốc gia mà không một thế lực nào trên thế giới dám xem thường. Có hai nước cay cú với Iran nhất, đó là Mỹ và Israel. Về nguyên nhân tại sao Israel luôn luôn hục hặc với Iran và hết sức lo sợ trước sự phát triển vũ khí hạt nhân của Iran, nguyên nhân sâu xa là xung đột về tôn giáo từ khi đạo Hồi mới hình thành. Và cho đến bây giờ, những người theo Hồi giáo vẫn tuyệt đối tuân theo Kinh Coral, mà trong Kinh Coral đã nói rất rõ: Không được làm bạn với những người Do Thái.

Trong lịch sử, Iran và Iraq là cái nôi của văn minh Lưỡng Hà và đã có những thời kỳ vàng son rực rỡ. Người Trung Đông vốn nổi tiếng về khéo tay và tài buôn bán. Điều đó có thể dễ nhận thấy mỗi khi bạn đến một cửa hàng, cửa hiệu ở Tehran, người bán hàng có thể chiều khách đến mức luôn nở những nụ cười tươi rói. Họ không bao giờ khó chịu khi khách đòi hỏi xem mặt hàng này, mặt hàng kia.

Ở những cửa hàng bán thảm Ba  Tư, người ta có thể lục tung cả một đống thảm lên để giới thiệu với khách. Khi khách không mua họ vẫn tiễn chân và kèm theo nụ cười hẹn gặp lại. Sự nồng nhiệt, tận tình, mến khách của họ khiến người mua sẽ cảm thấy “áy náy” nếu như đã bước chân vào cửa hàng mà lại chỉ xem mà không mua gì.

Nói đến thảm và tranh thảm thì không một loại thảm nào trên thế giới có thể so sánh ngang hàng được với thảm Ba Tư. Bây giờ, người ta cũng sản xuất thảm Ba Tư  công nghiệp - nghĩa là dệt máy. Và với những người không rành lắm về thảm thì phân biệt được bức thảm dệt thủ công hay dệt máy là không dễ. Những bức tranh thảm hoặc các tấm thảm trải nền nhà, treo tường, phủ bàn… thường là những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Các nghệ nhân sản xuất thảm không chỉ có bàn tay khéo léo mà còn là những họa sĩ và họ cẩn trọng tới từng chi tiết nhỏ nhất. Thảm Ba Tư có chất liệu từ len, sợi cotton và lụa. Các tấm thảm dệt thủ công có giá cao gấp 5 đến 10 lần so với thảm dệt máy. Cũng đã có hai cuộc triển lãm thảm Ba Tư được tổ chức ở Hà Nội vào mấy năm trước và người xem từng “choáng” với những tấm thảm trị giá cả triệu USD. Vì mỗi tấm thảm, hoặc tranh thảm Ba Tư là một tác phẩm nghệ thuật cho nên cũng khá kén người chơi. Bởi lẽ, muốn thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật thì phải có sự hiểu biết, có tầm văn hóa nhất định nào đó, và cũng phải có điều kiện để mà bày, mà treo. Thảm Ba Tư không chịu được  ẩm ướt, cho nên muốn sử dụng lâu dài cũng phải rất cẩn thận.

 Cũng có lẽ do nặng tư duy buôn bán nên nói thách giá ở Tehran khá phổ biến. Thông thường các loại hàng hóa ở đây đều bị nói thách lên 30-35%. Chính vì thế, mà khi đi mua bán ở Tehran, phải biết kiên nhẫn trả giá. Và khi người đã ra giá thì đừng vội “xuống thang”, bởi lẽ, người bán hàng biết rõ hơn ai hết giá trị thực của món hàng.

Có điều lạ là ở Tehran, thẻ tín dụng chỉ dành cho người dân bản xứ, hầu hết họ thanh toán bằng thẻ, hiếm khi dùng tiền mặt, mua bán gì dù chỉ là vài chai nước ngọt cũng có hóa đơn. Cơ quan thuế sẽ phạt cực nặng những hành vi mua bán không có hóa đơn. Một ngón võ mà nhân viên thuế hay sử dụng đó là giả vờ làm người mua hàng, đến mua bằng tiền mặt mà không lấy hóa đơn. Cửa hàng nào vô phúc mà bị sập bẫy thì cầm chắc khuynh gia bại sản. Nhưng khách nước ngoài đến đây  lại không được dùng thẻ mà phải dùng tiền mặt. Và việc mua bán cũng cực kỳ thoải mái. Thanh toán bằng USD cũng được, bằng euro cũng xong, mà tiền bản xứ cũng tốt và chẳng cần hóa đơn. Tôi cũng chưa có điều kiện tìm hiểu tại sao lại có quy định ngược như vậy.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

Năng lượng Mới 507