Đâu phải kịch đã "chết"!

11:19 | 14/09/2013

845 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hà Nội những đêm không ngủ... là những gì khán giả phải bật lên thành tiếng sau mỗi buổi công diễn kịch của Lưu Quang Vũ. Bởi ngay cả khi tấm màn nhung đã buông xuống, người xem vẫn còn thổn thức với những cảm xúc đan xen...

Rạp Đại Nam trong đêm công diễn “Nàng Sita” tưởng chừng như "vỡ trận", nườm nượp đoàn người hứng khởi kéo tới rạp. Tuy là vé mời nhưng rất nhiều khán giả không có vé vẫn đến cửa rạp để mong may mắn kiếm được một suất xem kịch Lưu Quang Vũ từ... vé chợ đen.

Cánh phóng viên thường ngày tha hồ được tác nghiệp cũng đột ngột bị thất sủng khi rạp quá đông... đành phải ngồi cửa chờ cho khách vào hết mới đến lượt. Người soát vé mong được cảm thông: Ưu tiên vé mời bởi không ngăn thì... vỡ rạp. Và tất nhiên, không ai thấy phiền vì điều đó, thậm chí là mừng lòng, bởi đã lâu rồi sân khấu kịch mới rộn ràng đến thế.

Liên hoan kịch Lưu Quang Vũ nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng

Điều đáng nói là cảnh tượng này cũng diễn ra tương tự ở các buổi công diễn trước đó. Rạp Đại Nam, rạp Công Nhân, rạp Nhà hát Tuổi Trẻ đêm diễn nào cũng không một ghế trống, người ta phải chen lấn nhau ngồi tràn cả lối đi, hành lang, thậm chí đứng lấp kín cửa ra vào... dù xem trong tình trạng ngó nghiêng, dù chỉ nhìn thấy nghệ sĩ lờ mờ trên sân khấu... nhưng như thế đã là quá đủ. Cảnh tượng này hoàn toàn khác những hờ hững với sân khấu kịch thời gian trước đó. Nên nhìn vào “hiện tượng” này người ta có thể mơ về sự trở lại thời kỳ hoàng kim của kịch nghệ.

Tầm nhìn xuyên thế kỷ

Điều gì khiến cho kịch của Lưu Quang Vũ sau 1/4 thế kỷ vẫn còn sức nóng? Có lẽ, phải tận mắt xem và cảm nhận mới có thể thấy hết được sức hút trong tác phẩm của nhà viết kịch tài hoa này. Ở đó là những nỗi lòng không của riêng ai, Lưu Quang Vũ biết khơi gợi cái tôi trong mỗi cá nhân thành cái tôi chung của muôn người, đi sâu khai thác những vấn đề của thời đại... Để rồi đến ngày hôm nay, nó vẫn vẹn nguyên thông điệp và triết lý sống.

Nó đúng như PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái đã nhận định: “Kịch của Lưu Quang Vũ còn sức sống đến ngày hôm nay vì bản thân nó ra đời trong hoàn cảnh đổi mới, phong cách mới mẻ đậm chất hiện thực. Nó phát hiện những vấn đề gai góc của xã hội rồi được đưa vào một thứ ngôn ngữ kịch đầy những xung đột nhưng đậm chất văn chương. Tính thời sự được lột tả nhưng không khiên cưỡng trong cách nhìn của một thi sĩ. Vậy nên, không khó lý giải tại sao cái thời của Lưu Quang Vũ qua đi bao nhiêu năm nhưng tính thời sự vẫn còn nguyên, thậm trí là có giá trị vĩnh viễn”.

Hồn Trương Ba, da hàng thịt vẫn còn đó những triết lý nhân văn sâu sắc

Kịch của Lưu Quang Vũ không khiến người ta phải gò bó, không mang tính răn dạy, cũng không ép phải sống sao cho đúng... Mà ông chủ trương đem đến sự tự suy ngẫm ngậm ngùi. Mỗi vở là một bức tranh với đầy đủ những hỷ, lộ, ái ố... được phơi trần, thức tỉnh rất con người.

Điển hình như trong vở diễn Ông không phải là bố tôi Lưu Quang Vũ đã thẳng thắn bóc trần trụi quy luật nhân - quả. Những câu chuyện rất đời của hơn 25 năm về trước, cái thời cải cách ruộng đất... nhưng vẫn vẹn nguyên thông điệp đến ngày hôm nay. Mở ra bằng những mối quan hệ: vợ - chồng, cha – con... tình thương máu mủ được đưa ra cân đo đóng đếm với những vụ lợi cá nhân một cách tự nhiên từ trong chính tâm sinh lý rất thường, rất đời. Cảm tưởng Lưu Quang Vũ đang đi guốc trong suy nghĩ mỗi người để vạch ta những ý nghĩ thầm kín nhất. Tất cả được đẩy đến cao trào đến độ dù có cài cắm những chi tiết hài, thì không ít khán giả vẫn ngậm đắng mà ngẫm ngợi rằng: Trong cuộc sống này liệu ta đã sống tốt hay chưa? ta đã đối xử với cha mẹ thế nào hay dạy dỗ con cái mình ra sao?

Còn trong Lời thề thứ 9 lại là sự bóc trần tội ác của những kẻ nắm quyền lực trong tay nhưng lại để dân ê chề trước nỗi thống khổ. Lưu Quang Vũ chủ trương đề cập đến sự phân hóa giàu nghèo, khi mà người nghèo vẫn còn “ngơ ngác” trước thời cuộc, thì kẻ giàu càng trở nên tinh vi và ngày càng nguy hiểm. Bởi vậy mới nói, kịch của Lưu Quang Vũ sau bao nhiêu năm vẫn vẹn nguyên hơi thở của thời đại. Và chắc chắn rằng, sau nhiều năm nữa, những thông điệp mà nhà viết kịch tài hoa này gửi gắm, vẫn cứ là tấm gương để mỗi người có dịp soi lại chính mình.

Người trẻ cũng... khóc

Một hiện tượng đáng mừng là kịch của Lưu Quang Vũ hút được giới trẻ. Trong số hàng trăm khán giả đến rạp mỗi buổi công diễn thì đối tượng thanh niên chiếm đa số. Họ rủ nhau tới rạp xem để được tận kiến sản phẩm của nhà viết kịch tài hoa mà bấy lâu họ chỉ biết qua sách vở. Lưu Quang Vũ quả là cũng rất chiều lòng đối tượng khán giả trẻ, bởi những câu chuyện ông viết ra nó như từ gan ruột họ. Không ít bạn trẻ bồi hồi khi thấy được cả mình trong kịch Lưu Quang Vũ.

Đã có những bạn trẻ lặng thinh giữa rạp bởi nhận thấy bóng dáng thủa học trò của mình trong Mùa hạ cuối cùng, đã có những giọt nước mắt cảm thương cho nàng Sita và cả tiếng nấc nghẹn ngào tiếc nuối cho nhân vật nam bạc nhược, tha hóa của Điều không thể mất...

Những bạn trẻ tuổi đời mới đôi mươi này, chẳng thể nào được chứng kiến thời hoàng kim của kịch Lưu Quang Vũ gần 30 năm về trước. Nên mỗi người sẽ có cách nhìn nhận của riêng mình. Nhưng lấy được nước mắt ở sự đồng cảm từ những người trẻ, quả đã là thành công trong kịch của Lưu Quang Vũ.

Một cảnh trong "Ông không phải bố tôi" làm thổn thức bao trái tim người trẻ

Sau buổi công diễn nàng Sita, bạn Vũ Minh Phương Học viện Báo chí chia sẻ: Rạp quá đông, thành thử chúng em đi cả lớp mà chỉ có em là đại diện được cử vào. Các bạn khác phải ngậm ngùi quay về. Đây là lần đầu tiên em được xem kịch của Lưu Quang Vũ, khi xem xong em mới hiểu, tại sao kịch của Lưu Quang Vũ vẫn mãi được mến yêu đến thế. Nó gần gũi bởi xem những vở kịch này chúng em cảm nhận được nhiều triết lý sống ở đời. Những buồn vui – xấu tốt được chuyển tải nhẹ nhàng nhưng rất nhân văn. Lời thoại trong từng vở kịch hóm hỉnh, nó có thể là tiếng cười giải trí, nhưng đọng lại còn là sự chua chát phơi bày cả hiện thực xã hội.

Những điều trên cho thấy, những gì thu được từ “hiện tượng” trong Liên hoan kịch của Lưu Quang Vũ không phải là tất cả. Nhưng nhìn vào đó để thấy rằng, không phải sân khấu kịch đã chết mà phải chăng người làm nghề chưa biết cách kéo khán giả đến với sân khấu của mình. Sự phát triển của sân khấu là phải để sân khấu đối thoại được với khán giả. Nhưng sự thật bấy lâu, sức sống èo uột của sân khấu đã không khỏi khiến các nghệ sĩ phiền lòng.

Trước đây, đã có những thời kỳ công chúng ùn ùn kéo tới rạp, xếp hàng và mua vé. Và những ngày qua, cũng có những khán giả sẵn sàng bỏ tiền ra để được xem kịch của Lưu Quang Vũ. Nên chăng sau hiện tượng này các nghệ sĩ sẽ có dịp nhìn lại sân khấu một lần nữa để đưa ra những định hướng mới. Còn về kịch của Lưu Quang Vũ, có lẽ tất cả câu chữ dường như không đủ để diễn tả những gì thuộc về tài năng của ông. Hơn điều gì, hình ảnh bè bạn và thế hệ trẻ lưu lại bên bàn thờ Lưu Quang Vũ được đặt trân trọng giữa rạp Đại Nam, thắp cho ông nén nhang tỏ lòng thành kính... đã nói lên tất cả. Rằng sau bao nhiêu năm, bằng những đứa con tinh thần ông để lại thì Lưu Quang Vũ vẫn sống trọn vẹn trong lòng hậu thế.

Huy An