Dầu nhiên liệu của Nga: "Miếng ngon khó cưỡng" với Ả Rập Xê-út

09:48 | 18/07/2022

1,184 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Xuất khẩu dầu nhiên liệu của Nga sang Ả Rập Xê-út đã tăng gần gấp đôi trong quý II do Vương quốc này tìm cách giải phóng thêm dầu thô trong nước để xuất khẩu trong khi sử dụng dầu nhập khẩu có mức chiết khấu cao để sản xuất điện.
Dầu nhiên liệu của Nga:

Theo dữ liệu của Reuters, Ả Rập Xê-út đã nhập khẩu khoảng 647.000 tấn dầu nhiên liệu của Nga từ tháng 4 đến tháng 6, so với 320.000 tấn của một năm trước đó.

Ả Rập Xê-út là một trong những quốc gia tương đối ít sử dụng dầu thô để sản xuất điện, mặc dù họ đã thực hiện các bước để giảm lượng dầu này bằng cách tăng sản lượng khí đốt tự nhiên và chuyển các nhà máy điện sang sử dụng khí đốt. Do đó, lượng dầu thô còn lại nhiều hơn để xuất khẩu.

Việc giảm giá xuất khẩu dầu và nhiên liệu của Nga do các lệnh trừng phạt đã khiến dầu nhiên liệu của nước này trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu ưu tiên cho các kế hoạch điện trong mùa nhu cầu cao điểm hè của Ả Rập Xê-út.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nhiên liệu của Nga có thể khiến nhiệm vụ của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc thuyết phục Ả Rập Xê-út tham gia giới hạn giá dầu đối với dầu và nhiên liệu của Nga càng trở nên khó khăn hơn.

Trên thực tế, Ả Rập Xê-út đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Nga và việc tham gia áp giá trần dầu thô do Mỹ khởi xướng sẽ giết chết mối quan hệ này.

Ả Rập Xê-út không phải là nước duy nhất tăng nhập khẩu nhiên liệu của Nga. Bloomberg đưa tin vào đầu tuần này rằng, dầu diesel của Nga và các loại nhiên liệu khác bị người mua châu Âu xa lánh đang được chuyển hướng sang Trung Đông.

Một số nhà phân tích kỳ vọng dòng nhiên liệu từ Nga sang Trung Đông cũng sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm nay. Tính đến tháng 6, xuất khẩu nhiên liệu của Nga sang Trung Đông đã đạt 155.000 thùng/ngày, sau khi tăng trong 5 tháng liên tiếp, Bloomberg dẫn số liệu của Vortexa cho biết.

Cho đến nay, các chuyến hàng nhiên liệu từ Nga đến các khách hàng Trung Đông đang ở mức trung bình 220.000 thùng/ngày.

Bình An