Dầu lửa đã khơi mào cuộc khủng hoảng kênh Suez

09:39 | 12/05/2011

1,511 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nguyên nhân nào đã khiến liên quân Anh, Pháp và Israel mở cuộc tấn công Ai Cập vào năm 1956. Kênh đào Suez đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với quyền lợi và an ninh kinh tế của các nước Tây Âu?

Kỳ I

Ngày 29-10-1956, sau hơn 3 tháng kể từ khi Tổng thống Ai Cập Gamel Abdel Nasser tuyên bố quốc hữu hóa kênh đào Suez, Israel bất ngờ tấn công bán đảo Sinai, mở màn "Chiến dịch Kadesh” chống lại Ai Cập. Hai ngày sau, Anh và Pháp tấn công chiếm thành phố Port Said – cửa ngõ vào kênh đào Suez.

Ngược dòng lịch sử

Khoảng từ năm 1878 đến 1839 trước Công nguyên, Vua Senusret III đã cho đào một con kênh đông tây nối sông Nin với Biển Đỏ phục vụ giao thông đường thủy. Thời kỳ đó, tuyến đường này chỉ vừa đủ cho những con thuyền đáy bằng đẩy sào thực hiện giao thương giữa Biển Đỏ và Địa Trung Hải. Có nhiều dấu vết cho thấy con kênh này đã tồn tại vào thế kỷ XIII trước Công nguyên vào thời kỳ Vua Ramesses II.

Con kênh đào này đã không đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Ai Cập lúc bấy giờ và nhanh chóng bị lãng quên. Theo sử sách Hy Lạp, vào khoảng những năm 600 trước Công nguyên, Vua Necho II đã nhận thấy tầm quan trọng của kênh này và cho tu sửa lại nó. Tuy nhiên, con kênh chính thức được hoàn thành bởi Vua Darius I của Ba Tư. Ông đã hoàn thành con kênh sau khi chiếm Ai Cập và đã mở rộng đủ cho hai chiếc thuyền ba hàng chèo tránh nhau và hành trình qua kênh mất 4 ngày. Tuy nhiên, vì chưa thực sự có vai trò quan trọng nên theo thời gian, con kênh bị cát bùn lấp nghẽn và người ta dần lãng quên tuyến đường này.

Càng về sau, khi việc trao đổi, buôn bán hàng hóa giữa các quốc gia trên thế giới phát triển mạnh thì việc thông thương bằng đường biển ngày càng đóng vai trò quan trọng. Từ giữa thế kỷ XVIII trở về trước, các tàu buôn đi từ Đại Tây Dương đến các cảng phía nam châu Á, cảng phía đông châu Phi và châu Đại Dương đều phải đi theo một tuyến đường duy nhất, đó là vòng qua mũi Hảo Vọng của Nam Phi.

So sánh chặng đường vòng qua mũi Hảo Vọng và đi tắt qua kênh Suez

Sau khi thôn tính hoàn toàn Ai Cập vào cuối thế kỷ XVII và trở thành Hoàng đế nước Pháp vào năm 1804, với tầm nhìn chiến lược của một thiên tài quân sự và mang thêm một chút sắc thái kinh tế, Napoléon nhận thấy rằng, nếu có một tuyến đường thủy nối liền thành phố cảng Port Said trên bờ Địa Trung Hải và thành phố cảng Suez trên bờ Biển Đỏ để qua Ấn Độ Dương và ngược lại thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc. Đi theo lối này, con đường biển từ London (Anh) đến Mumbai

(Ấn Độ) sẽ rút ngắn được khoảng 12.000km so với con đường vòng qua mũi Hảo Vọng. Để biến ý tưởng thành hiện thực, Napoléon đã lệnh cho các kiến trúc sư tiến hành khảo sát những vết tích của con kênh đào cổ đại để lập dự án xây dựng một con kênh mới nối liền Địa Trung Hải và Biển Đỏ. Tuy nhiên, dự án của ông đã phải bỏ dở khi mà các nghiên cứu cho thấy mực nước ở Biển Đỏ cao hơn mực nước Địa Trung Hải xấp xỉ 10m và chi phí ước tính cho việc xây dựng quá cao.

Vào giữa thế kỷ XVIII, Chính phủ Ai Cập được Pháp bảo hộ muốn phát triển một đội thương thuyền riêng nên đã liên doanh với Pháp thành lập Công ty kênh đào Suez và khởi động lại dự án kênh đào theo thiết kế của kiến trúc sư người Áo là Alois Negrelli. Khảo sát lần này cho thấy, kết quả nghiên cứu lần trước là không chính xác và khẳng định có thể xây dựng một con kênh nối liền Địa Trung Hải với Biển Đỏ với chi phí không quá cao. Ngày 25-4-1859, Công ty Suez chính thức bắt tay xây dựng con kênh đào dưới sự chỉ huy của viên kỹ sư người Pháp Ferdinand de Lesseps. Trải qua gần 11 năm xây dựng với sự tham gia của khoảng 2,4 triệu công nhân Ai Cập, trong đó hơn 120.000 người phải bỏ mạng. Ngày 17-11-1869, kênh đào Suez dài 162,5km, bề mặt rộng 58m, đáy rộng 22m và sâu 8m chính thức được khánh thành với chi phí lớn gấp hai lần. Sau khi hoàn thành, Ai Cập nắm 44% cổ phần và phần còn lại thuộc về Pháp. Công ty kênh đào Suez có thời hạn hoạt động là 99 năm. Sau thời gian đó, quyền sở hữu sẽ thuộc về Ai Cập.

Năm 1875, trước những món nợ khổng lồ của Công ty kênh đào Suez và do mắc nợ nước ngoài, Ai Cập đã buộc phải nhượng lại toàn bộ cổ phần của mình cho Anh trị giá 4 triệu bảng. Mặc dù vậy, Pháp vẫn nắm cổ phần chi phối. Năm 1888, tàu bè của tất cả các nước trên thế giới đều được phép quá cảnh kênh Suez. Kể từ đó, con kênh đã mang lại khoản lợi nhuận rất lớn, đến 25 triệu USD hàng năm (tương đương hơn 200 triệu USD ngày nay).

Kể từ khi được vận hành, kênh đào Suez đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thông thương giữa các khu vực trên thế giới nói chung và có ý nghĩa chiến lược đối với Vương quốc Anh nói riêng, không phải vì khoản lợi nhuận thu được từ số cổ phần do Ai Cập nhượng lại, mà đó là thuộc địa Ấn Độ. Nó là tuyến đường huyết mạch nối Anh với Ấn Độ và vùng Viễn Đông. Như đã nói ở trên, quãng đường biển từ Anh tới Ấn Độ đã rút ngắn được hơn chục ngàn cây số nhờ đi qua con kênh này. Đó mới thực sự là mối lợi lớn nhất đối với người Anh trong việc duy trì thuộc địa Ấn Độ. Chính vì vậy, trước nguy cơ bị cắt đứt con đường biển này bởi các cuộc nội chiến liên miên ở Ai Cập và lấy cớ quyền lợi trong Công ty Suez bị đe dọa, tháng 8-1882, Anh đổ bộ vào Ai Cập, chiếm giữ các thành phố dọc con kênh, bao gồm Port Said, Ismailia và Suez. Việc chiếm đóng của Anh được chính thức hóa bằng Hội nghị Constantinoque năm 1888. Theo đó, kênh Suez là một khu vực trung lập và quân đội Anh sẽ bảo vệ con kênh trong suốt thời gian nội chiến.

Ngày 28-6-1936 hai Chính phủ Ai Cập và Anh đã ký một bản Hiệp ước liên minh mới có thời hạn 20 năm. Anh đồng ý rút hết quân khỏi Ai Cập, chỉ còn để lại một lực lượng đóng quân dọc kênh Suez. Tuy nhiên, trước hiểm họa xâm lăng của người Ý, Anh được yêu cầu huấn luyện và cung cấp quân nhu, đạn dược cho quân đội Ai Cập và sẽ cứu viện nếu Ai Cập bị tấn công. Vì vậy, trong suốt thế chiến thứ II, Ai Cập đã trở thành hậu cứ quan trọng của Anh để chống lại phe Trục ở Bắc Phi.

Tuyến đường của tàu chở dầu

Sau 4 năm kể từ ngày mở cửa kênh đào cho tàu bè của tất cả các quốc gia, ngày 24-8-1892, con tàu chở dầu Murex của Hãng Shell có trọng tải 5.010 tấn trở thành tàu dầu đầu tiên trên thế giới được phép đi qua kênh Suez. Kể từ đó, kênh Suez trở thành tuyến vận chuyển dầu chính từ Trung Đông và Đông Nam Á về châu Âu. Sau nhiều lần được nạo vét và mở rộng, vào năm 1955, những con tàu chở dầu trọng tải đến 150.000 tấn có thể đi qua. Với mỗi con tàu chở dầu cỡ 50.000 tấn, chi phí cho mỗi ngày hoạt động trên biển tốn cả trăm ngàn USD vì vậy, ngày càng nhiều tàu chở dầu quá cảnh kênh đào Suez.

Tàu chở Dầu Murex - Con tàu dầu đầu tiên đi qua kênh Suez

Sau Chiến tranh thế giới thứ II, các nước Tây Âu, nhất là các nước trong phe đồng minh nỗ lực khôi phục lại sau khi bị tổn thất nặng nề nên phụ thuộc rất nhiều vào nguồn dầu lửa nhập khẩu, hơn 2/3 trong tổng lượng dầu nhập khẩu đó đi qua ngả kênh đào Suez. Năm 1955, mỗi ngày các nước Tây Âu nhập khẩu 2 triệu thùng dầu từ Trung Đông thì có đến 1,2 triệu thùng được chở qua con kênh này. Ngoài lượng dầu của các nước Tây Âu, mỗi ngày Mỹ còn nhập khẩu 300.000 thùng từ Trung đông và cũng vận chuyển qua con đường này. Vậy là kênh Suez đã trở nên quan trọng với dầu lửa biết nhường nào.

Bất ổn và mầm mống xung đột

Tại Ai Cập, Gamel Abdel Nasser – một quân nhân theo chủ nghĩa dân tộc đã lật đổ chế độ quân chủ của Tổng thống Mohammed Naguib và trở thành Tổng thống dân cử vào ngày 14-11-1954. Là người theo chủ nghĩa dân tộc, Nasser cảm thấy như bị sỉ nhục khi phần lớn nguồn lợi thu được từ hoạt động hoa tiêu dẫn dắt tàu và phí quá cảnh qua kênh Suez đều rơi vào tay người Anh và Pháp. Nasser lập luận rằng, nếu Ai Cập nắm quyền kiểm soát hoàn toàn con kênh thì những khoản thu trên sẽ trở thành một nguồn thu lớn cho quốc gia đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, cái khó cho Nasser là thời hạn hoạt động của Công ty kênh đào Suez chỉ chấm dứt vào cuối thập niên 50 hoặc đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Ngoài ra, theo Hiệp ước năm 1936 giữa Chính phủ Anh và Ai Cập thì Anh vẫn có quyền duy trì một số đơn vị quân đội đóng dọc kênh đến cuối năm 1956.

Từ đầu năm 1955, người Anh bắt đầu cảm thấy bất an khi Ai Cập tiến hành những hoạt động quấy rối và chống đối lực lượng đồn trú. Song song với hoạt động đó, Nasser còn có chiều hướng ngả sang phe xã hội chủ nghĩa để nhận được trợ giúp kinh tế cũng như khí tài quân sự. Trước động thái của Ai Cập, các quốc gia phương Tây lo ngại kênh đào Suez sẽ đóng cửa đối với tàu chở dầu và tàu hải quân của họ. Nhằm tháo gỡ nguy cơ tiềm ẩn, Ngoại trưởng Anh Selwyn Lloyd đã đến Ai Cập vào mùa thu năm 1955. Tại cuộc hội đàm với Nasser, Lloyd nhấn mạnh rằng “Kênh đào Suez là một phần quan trọng trong ngành công nghiệp dầu lửa của Trung Đông – là lĩnh vực có ý nghĩa sống còn đối với nước Anh”. Đáp lại, Nasser đưa ra so sánh, rằng các quốc gia sản xuất dầu lửa ở Trung Đông thu được đến 50% lợi nhuận từ dầu của họ, trong khi đó, Suez là con kênh của Ai Cập mà Chính phủ Ai Cập không nhận được 50% lợi nhuận thu được từ phí tàu bè thì quả là bất công và phi lý. Sau đó Nasser tuyên bố: “Nếu Anh coi kênh Suez là một phần không thể thiếu của ngành công nghiệp dầu lửa Trung Đông, thì Ai Cập cũng coi việc được chia 50% lợi nhuận là điều đương nhiên”.

Một trong nỗ lực phát triển kinh tế của Tổng thống Nasser, đó là việc quyết định xây dựng đập thủy điện khổng lồ trên sông Nil tại Aswan. Do kinh phí xây dựng quá lớn nên Chính phủ Ai Cập phải kêu gọi sự giúp đỡ tài chính từ tất cả các nước phát triển. Với nỗ lực xoa dịu Nasser, Anh và Mỹ đã phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới xem xét khoản vay để Ai Cập thực hiện kế hoạch xây dựng đạp Aswan. Tuy nhiên, việc thân phe xã hội chủ nghĩa và những thỏa thuận mua sắm vũ khí từ Liên Xô cùng một số nước Đông Âu đã khiến Mỹ có thái độ xa lánh Ai Cập. Mỹ lo sợ rằng Ai Cập sẽ dùng một phần khoản vay để trả cho những hợp đồng mua vũ khí đó. Ngoài ra, việc cấp khoản vay cho Dự án Aswan còn vấp phải sự chống đối của Thượng nghị sĩ các bang miền Nam. Họ cho rằng, Dự án Aswan sẽ giúp Ai Cập có được những mùa bông bội thu và sẽ cạnh tranh với bông xuất khẩu của Mỹ. Thêm vào đó, việc Ai Cập công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong thời kỳ đỉnh điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan đã đưa Mỹ, với sự đồng tình của Anh, hủy bỏ kế hoạch cho Ai Cập vay tiền vào ngày 19-7-1956.

Tức giận vì sự trở mặt của Mỹ và các nước phương Tây, Nasser cảm thấy bị xúc phạm và muốn có hành động trả đũa. Để có tiền xây dựng đập Aswan, Ai Cập phải nắm quyền thu phí tàu bè qua lại kênh Suez. Ngày 26-7-1956, một tuần sau khi khoản vay bị hủy bỏ, Tổng thống Nasser tuyên bố quốc hữu hóa kênh đào Suez.

Có lẽ, khi đưa ra quyết định quốc hữu hóa, có thể Nasser mới chỉ dự tính đến sự phản ứng của Anh và Pháp trước việc mất mát khoản thu từ phí quá cảnh và dẫn dắt tàu bè qua kênh Suez, chứ không hề tính đến phản ứng trước nguy cơ tuyến đường vận chuyển dầu lửa của họ bị cắt đứt…

(Còn tiếp)

Nguyễn Hoài Giang