John Davison Rockefeller - ông vua của đế chế dầu mỏ Mỹ

19:46 | 01/06/2020

2,667 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sáng lập và điều hành công ty đa quốc gia đầu tiên trên thế giới, John Davison Rockefeller (8/7/1839 - 23/5/1937) là một con người tài năng và tham vọng. Được ví là ông vua dầu mỏ, người thắp sáng nước nước Mỹ nửa cuối thế kỷ 19, John D. Rockefeller là giàu nhất thế giới và cũng là nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử ngành dầu mỏ Hoa Kỳ.
john davison rockefeller ong vua cua de che dau mo my
John Davison Rockefeller - ông vua của đế chế dầu mỏ Mỹ

Tố chất tiềm ẩn

Rockefeller sinh ra tại vùng nông thôn ở New York (Hoa Kỳ). Cha ông, William Rockefeller, là một nhà buôn gỗ và muối. Sau khi chuyển cả gia đình tới sống ở bang Ohio, nhà buôn này tự xưng là "bác sĩ William Rockefeller" để bán các bài thuốc thảo dược.

Lớn lên trong một gia đình chỉ vừa đủ sống và tài chính thường xuyên bấp bênh, phụ thuộc vào người cha, ông được mẹ dậy cho một lối sống cần kiệm và siêng năng. Trong khi đó, cha ông dạy các con các kỹ năng buôn bán từ rất sớm. Có người kể, cha ông từng khoe: "Tôi buôn bán với bọn trẻ, lừa chúng và đánh chúng bất cứ khi nào có thể. Tôi muốn mài giũa bọn chúng".

Với sự mài giũa của cha mẹ, tính cách của John D. Rockefeller đã được định hình là một người chuyên tâm, kiên trì, ngăn nắp và kỹ tính, chú ý đến từng tiểu tiết. Mặc dù ở trường ông khá nhạt nhòa với các bạn cùng lớp, tuy nhiên ông rất giỏi toán, đặc biệt là môn tính nhẩm. Ngay từ khi còn nhỏ ông đã bộc lộ bản chất doanh nhân và bản năng kinh doanh thiên tài của ông bằng cách bán bánh kẹo cho những trẻ em khác trong cùng khu vực để kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Với niềm đam mê những con số, năm 1855, ông bỏ ngang trung học, theo học khóa kế toán sơ cấp ngắn hạn. Sau một thời gian miệt mài xin việc, ngày 26/9/1855, ở tuổi 16, Rockefeller đã được hãng buôn Hewitt & Tuttle ở Cleveland nhận vào làm thư ký bàn giấy kiêm trợ lý kế toán.

Năm 1858, ở tuổi 19, sau khi học được các thủ thuật điều hành cũng như những ngóc ngách làm ăn trong vài năm làm cho Hewitt & Tuttle, Rockefeller hợp tác với bạn học Maurice B. Clark mở công ty buôn bán. Lúc này, ông đã học được cách bắt đồng tiền phải làm nô lệ cho mình.

Vòi bạch tuộc khổng lồ

26 tuổi, John D. Rockefeller điều hành một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất nước Mỹ.

31 tuổi, ông trở thành nhà kinh doanh dầu mỏ lớn nhất thế giới.

38 tuổi, ông chi phối 90% lượng dầu mỏ ở Mỹ.

Nghỉ hưu ở tuổi 58, ông là người giàu nhất nước Mỹ.

Cuối đời, ông trở thành người giàu nhất thế giới.

Năm 1862, sau 3 năm dầu hỏa được phát hiện tại Vùng đất dầu Pennsylvania, Rockefeller cùng Clark đầu tư vào nhà máy lọc dầu của Samuel Andrews, thành lập nên Công ty khai thác - kinh doanh dầu Andrews, Clark & Co. Dấu mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp của Rockefeller là vụ đấu giá vào tháng 1/1865, khi công ty Andrews, Clark & Co đã mua thêm một nhà máy lọc dầu và đứng trước bờ vực giải thể, ông và Maurice B. Clark quyết định đấu giá để mua lại công ty. Từ khởi điểm 500 đô la, giá tăng lên nhanh chóng và khi ông ra giá 72.500 đô la, Maurice Clark bỏ cuộc. Rockefeller trở thành người đứng đầu công ty ở tuổi 26.

Đổi tên thành Rockefeller & Andrews, Rockefeller tái tổ chức hoạt động kinh doanh. Năm 1867, công ty mua thêm một nhà máy lọc dầu. Đây là thương vụ đầu tiên trong loạt thương vụ sáp nhập mà Rockefeller “càn quét” lĩnh vực công nghiệp dầu nước Mỹ để cuối cùng tạo ra đại Công ty Standard Oil vào năm 1870, khi ông mới 31 tuổi.

Dưới sự điều hành tài ba của Rockefeller, Standard Oil tiếp tục dùng lợi thế của mình để hưởng những khoản khấu trừ thuế từ đường sắt. Công ty này còn khôn ngoan trong việc giành lấy "những khoản hoàn thuế từ các công ty khác.

Năm 1872, ngành dầu khí Mỹ gặp khủng hoảng và cũng chính là lúc Rockefeller thực hiện kế hoạch thân tóm các công ty về tay mình. Chỉ trong vòng 2 tháng, Standard Oil thâu tóm đến 22 trong 26 đối thủ tại Cleveland (Ohio). Thời điểm này Standard Oil trở thành hãng dầu khổng lồ sở hữu nhiều tàu dầu với tải trọng hàng trăm ngàn thùng, nhiều nhà kho, vô số nhà máy sản xuất sản phẩm hóa dầu và không ngừng tìm mọi cách “thôn tính” các công ty cạnh tranh.

Đến năm 1879, cuộc chiến này hầu như kết thúc. Standard Oil là người chiến thắng. Công ty này kiểm soát 90% lĩnh vực lọc dầu của nước Mỹ, đồng thời cũng thống lĩnh các đường ống, hệ thống đầu mối của Vùng đất dầu và làm chủ luôn cả hệ thống vận tải.

Năm 1882, khi 43 tuổi, Rockefeller lập ra Standard Oil Trust và giữ cổ phiếu tất cả công ty trực thuộc. Lúc này, báo chí Mỹ liên tục nói về sự bành trướng không mệt mỏi của Rockefeller. Người ta nói mỗi sáng thức dậy, tài sản Rockefeller lại phình to hơn, thậm chí từng giây. Rockefeller thực sự đã tạo ra một hình thái doanh nghiệp mới mà sức mạnh và ảnh hưởng của nó lên nền kinh tế Mỹ còn đáng gờm hơn cả ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. Cùng với đó, Rockefeller trở thành người giàu nhất thế giới. Người ta bắt đầu gọi Standard Oil là quái vật bạch tuộc khổng lồ vươn vòi thâu tóm và thao túng hệ thống kinh tế Mỹ.

Thắp sáng nước Mỹ

Mặc dù hoạt động theo những phương thức độc quyền, song Standard Oil đã mở ra một kỷ nguyên mới của những công ty phức hợp và toàn cầu. Trong quá trình đạt được sự thống trị lĩnh vực buôn bán dầu lửa, với mục tiêu “tối ưu sản phẩm”, Standard Oil đã đem lại thứ "ánh sáng mới" giá rẻ và nhiều sản phẩm hơn nữa tới những vùng xa xôi nhất. Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Standard Oil cung cấp tới hơn 90%, sản lượng dầu cho thắp sáng cho toàn nước Mỹ. Đó là những thứ mà tài năng của Rockefeller đã làm ra.

john davison rockefeller ong vua cua de che dau mo my

Người ta cũng thấy rõ rằng, không chỉ tổ chức điều hành doanh nghiệp cực kỳ hiệu quả, bén nhạy trong cạnh tranh và tinh quái trong giao dịch, Rockefeller còn tạo được niềm tin từ các ngân hàng bởi sự nổi tiếng về tinh thần tiết kiệm cũng như tư duy chia sẻ cộng đồng.

Dù làm gì và kiếm được bao nhiêu tiền, Rockefeller vẫn giữ lối sống cần kiệm. Ông kiên quyết mặc những bộ complet cũ cho tới khi chúng sờn rách. Gần như ông tích cóp và tái đầu tư mọi đồng lời có được. Đặc biệt, ông đã dành 40 năm cuối cuộc đời tập trung vào việc làm từ thiện. Rockefeller đã dành khối tài sản khổng lồ - lớn hơn bất kỳ nhà từ thiện nào - cho các hoạt động xã hội liên quan đến giáo dục và sức khỏe cộng đồng.

john davison rockefeller ong vua cua de che dau mo my
John Davison Rockefeller dành 40 cuối cuộc đời để làm từ thiện

Có người cho rằng ông làm từ thiện để lấy lại danh tiếng, song có người khẳng định đây là nếp sống “cho đi” mà ông đã được rèn giũa từ truyền thống gia đình. Trên những cuốn sổ “Ledger A” mà ông ghi lại từng khoản thu chi từ khi còn bé đã hiện diện những khoản “làm từ thiện”. Và một trong những cuốn sổ ấy cho biết, Rockefeller được trả 50USD cho hơn 3 tháng làm việc tại công ty đầu tiên và ông phải chi cho tiền thuê nhà, tiền giặt ủi, cũng như “25 xu cho một ông cụ nghèo” và “50 xu cho một bà cơ nhỡ”.

Dáng vẻ cao gầy, vẻ lặng lẽ khó lay chuyển cùng đôi mắt xanh sắc lạnh trên khuôn mặt nhọn và đầy góc cạnh Rockefeller đã tạo nên một ấn tượng mạnh mẽ về một người cô độc, lầm lì, lãnh đạm và khổ hạnh. Dường như người ta thấy ông có thể nhìn xuyên thấu họ, nhưng công chúng đã không thể nhìn xuyên thấu ông.

Trong mắt những người chỉ trích, Rockefeller là một nhà tư bản tàn nhẫn và tham lam, đã phá vỡ sự cạnh tranh và tạo ra sự độc quyền. Những người ủng hộ Rockefeller lại xem ông là thiên tài kinh doanh, ổn định được một ngành công nghiệp bất ổn, tạo ra công ăn việc làm, hạ giá dầu và là nhà từ thiện vĩ đại nhất lịch sử.

Sự thực, Rockefeller là nhân vật quan trọng nhất trong việc định hình ngành công nghiệp dầu lửa, đồng thời cũng nắm giữ vai trò tương tự trong lịch sử phát triển của nền công nghiệp Mỹ cũng như sự hình thành của loại hình doanh nghiệp hiện đại. Người đời sẽ cảm nhận rõ ràng di sản trường tồn của Rockefeller, xét về ảnh hưởng mạnh mẽ của ông đối với ngành công nghiệp dầu lửa, cũng như tác động của khoản từ thiện khổng lồ. Nhưng di sản đó còn là những hình ảnh và tỳ vết mà ông vĩnh viễn khắc vào tâm trí của công chúng.

Thanh Sơn