Tính cách kỳ quái làm nên thành công của ông vua dầu mỏ Mỹ

08:14 | 03/06/2020

1,820 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - John Davison Rockefeller được mệnh danh là ông vua dầu mỏ và là tỷ phú giàu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Rockefeller thành công không chỉ bởi trí thông minh bẩm sinh mà còn bởi những nét tính cách nổi bật và có phần kỳ quái của mình.

Kiên nhẫn

Sau khi tốt nghiệp khóa kế toán ngắn hạn, ở tuổi 16, với mong muốn tìm được một vị trí ở công ty lớn và danh tiếng để có cơ hội học hỏi và phát triển, Rockefeller đã tìm hiểu và lên một danh sách các doanh nghiệp, ngân hàng và công ty được đánh giá cao nhất. Mỗi ngày, chàng trai trẻ mặc bộ vest tối màu, cạo râu và đánh bóng giày đi tìm việc.

Thị trường lao động lúc này rất khắt khe và phản hồi Rockefeller nhận được không mấy khả quan. Nhưng Rockefeller không hề nhụt chí. Khi đã đi hết các công ty trong danh sách mà vẫn chưa tìm được việc, ông lại bắt đầu từ đầu danh sách. Có công ty ông còn đến tận 3 lần. Ông xem quá trình tìm việc như một công việc: "Ngày nào tôi cũng chăm chỉ làm việc - công việc của tôi là tìm việc. Tôi dành cả ngày để làm việc đó".

tinh cach ky quai lam nen thanh cong cua ong vua dau mo my
John Davison Rockefeller năm 18 tuổi

Từ sáng sớm đến chiều tối, 6 ngày một tuần, trong 6 tuần, Rockefeller kiên trì hành trình tìm việc. Cuối cùng, sự kiên trì giúp ông gặt hái được thành công. Vào ngày 26/9/1855, Công ty Hewitt & Tuttle đang cần gấp một trợ lý kế toán đã đồng ý tiếp nhận Rockefeller, ghi dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông.

Tự chủ

Sự tự chủ là một trong những nét tính cách nổi bật của Rockefeller. Ông không ngừng tự rèn luyện cách làm chủ cảm xúc, khao khát hướng tất cả những mong muốn của mình đến mục tiêu và tìm mọi cách thực hiện nó.

Rockefeller hiểu rằng nếu muốn trở thành ông chủ của chính mình, trước hết phải học cách làm chủ bản thân. Dường như có một nguyên tắc bao quát về thành công của ông trong châm ngôn: "Tôi thà kiểm soát chính mình còn hơn để người khác kiểm soát tôi".

Tự chủ cũng chính là động lực khiến ông kiên nhẫn đi xin việc để có thể tự kiếm tiền và làm chủ cuộc sống của mình thay vì phụ thuộc vào cha mẹ. Tự chủ cũng hiển thị trong tính cách giản dị đến khó tin của Rockefeller. Và mạnh mẽ hơn đó là cách ông làm chủ bản thân và mọi mục tiêu, biến đồng tiền thành nô lệ cho mình, thâu tóm không chỉ các giếng dầu, nhà máy lọc dầu mà còn cả hệ thống phân phối, vận chuyển…, tạo nên một đế chế công nghiệp dầu mỏ hùng mạnh.

Cần kiệm

Rockefeller nổi tiếng cần kiệm, ngay cả khi đã trở thành người giàu nhất nước Mỹ, Rockefeller vẫn duy trì tính căn cơ đến kỳ lạ. Bất chấp sự phản đối của gia đình, ông kiên quyết mặc những bộ comple cũ cho tới khi chúng sờn rách.

Sau khi qua đời, Rockefeller để lại tập nhật ký và quyển sổ chi dùng cá nhân. Từ quyển sổ chi dùng đó, có thể thấy bắt đầu từ năm 16 tuổi, khi xin được việc làm, cho tới khi chết, sự tiết kiệm của ông làm cho bất kỳ ai cũng phải kinh ngạc bởi ông ghi lại đầy đủ các khoản chi của mình từ năm 1826 đến năm 1872, không sót một khoản nào, từ cả khoản 3 xu để mua tem thư.

tinh cach ky quai lam nen thanh cong cua ong vua dau mo my
Rockefeller luôn giữ nguyên tắc tiết kiệm, nhưng đối với phúc lợi xã hội thì ông không bao giờ tỏ ra bủn xỉn.

Con trai ông cũng từng chia sẻ: “Bố tôi không bao giờ muốn thanh toán một hóa đơn khi chưa biết mọi khoản trên hóa đơn có chính xác hay không. Đối với một số người, bận tâm đến những thứ nhỏ nhặt dường như là bủn xỉn, nhưng đối với cha tôi, đó là cách thể hiện của một quy tắc sống”.

Chính tính căn cơ này đã góp phần làm nên một gia tài khổng lồ, một đế chế hùng mạnh. Điều lạ nữa là trong đời sống cá nhân và hoạt động kinh doanh, ông luôn giữ nguyên tắc tiết kiệm, nhưng đối với phúc lợi xã hội thì ông không bao giờ tỏ ra bủn xỉn.

Trung thực và đáng tin cậy

Mặc dù nổi lên là một người tham vọng và phá hủy sự cạnh tranh song Rockefeller không bao giờ làm sai số liệu hoặc sử dụng các từ ngữ mơ hồ để che đậy sự thật. Ông cũng không bao giờ trả nợ trễ hẹn, cùng với sự nổi tiếng về tính cần kiệm, là điều khiến các ngân hàng tin tưởng để cho ông vay tiền những lúc cần thiết.

Có nhiều trường hợp, việc kinh doanh của ông rơi vào khó khăn nhưng luôn nhận được sự hỗ trợ từ các ngân hàng vay vốn. Khi nhà máy lọc dầu của ông bị cháy, một giám đốc ngân hàng đã không ngần ngại chuyển tiền cho Rockefeller nhằm tạo điều kiện cho ông khôi phục nhà máy, thậm chí còn đề nghị gửi thêm tiền nếu cần.

Trong công việc hằng ngày ông cũng tuân thủ những nguyên tắc tạo nên sự rõ ràng và tin cậy. Chẳng hạn ông luôn tuân theo thời gian biểu - phân chia khoảng thời gian nhất định cho công việc, gia đình, niềm tin, sở thích và thực hiện đúng theo đó. Với những cuộc họp, ông luôn có ý thức đến đúng giờ, với một quan điểm hết sức bình đẳng: "Không ai có quyền vô cớ chiếm lấy thời gian của người khác".

Điềm tĩnh

Thời còn trẻ, “Vua dầu” Rockefeller rất nóng tính nhưng ông đã tự học cách kiểm soát và duy trì tới cuối đời thái độ bình thản đến đáng kinh ngạc. Người khác càng lo lắng, thì ông càng bình thản. Sự điềm tĩnh này góp phần gia tăng sức ảnh hưởng của ông trong phòng họp. Ông càng im lặng, sự hiện diện của ông càng có sức nặng.

Khi đối mặt với đối thủ, vẻ điềm tĩnh của Rockefeller khiến họ mất bình tĩnh. Khoảng lặng dài khi đàm phán thường khiến đối phương cảm thấy bối rối. Ông thường trả lời những câu chất vấn hóc búa một cách chậm rãi và đĩnh đạc, phá hỏng mục đích của đối phương.

Nắm được lợi thế của mình, Rockefeller đã sử dụng tính cách này như một bí quyết trong xử lý tình huống. Ông thích kể câu chuyện về một nhà cung cấp tức giận xông vào văn phòng ông và tuôn ra một tràng chỉ trích. Rockefeller ngồi quay mặt vào trong, khom lưng trước bàn làm việc cho tới khi người kia nói xong. Sau đó, ông quay lại và bình thản nói: "Tôi không nghe kịp những điều anh vừa nói. Anh vui lòng lặp lại giúp tôi được không?".

Kỹ tính, chặt chẽ với từng tiểu tiết

Rockefeller kỹ tính và ngăn nắp đến mức khiến nhiều người phát sợ. Nhưng đó cũng chính là tính cách mang đến thành công cho ông. Rockefeller từ chối làm bất cứ điều gì nếu chưa được nghiên cứu và xem xét một cách kỹ lưỡng. Là người đứng đầu của Standard Oil, ông đã viết hàng trăm nghìn bức thư kinh doanh với sự kỹ tính đến khó tin. Tính cách này của ông đã lan tỏa khắp công ty và biến nó thành một nét văn hóa doanh nghiệp tuyệt vời.

Đặc biệt, ông luôn tôn trọng những con số và sự kiện, bất kể nó nhỏ thế nào. Nếu có một lỗi nhỏ trong hóa đơn, ông nhận ra ngay. Dù sai sót chỉ đáng vài xu, ông cũng yêu cầu lỗi đó phải được sửa chữa. Ông cũng tự quản lý tài chính của công ty Standard Oil, không phụ thuộc vào báo cáo từ cấp dưới. Và đương nhiên, cộng thêm tính cần kiệm của mình, chi phí trong Standard Oil đều được tính toán đến nhiều số lẻ. Rockefeller tin rằng: "Thứ gì đo lường được thì quản lý được”.

Một số người cho rằng sự ám ảnh về tiểu tiết là quá mức và phí sức, nhưng Rockefeller biết rằng những sự điều chỉnh nhỏ có thể sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn. Có lần, ông thấy công nhân niêm phong thùng dầu bằng 40 giọt chất hàn. Ông yêu cầu thử 38 giọt thì có một vài thùng bị rỉ, nhưng khi tăng lên 39 giọt thì các thùng đều kín, vì thế họ đã thay đổi phương pháp để tiết kiệm hàng trăm nghìn đô la cho công ty.

Ở mặt nào đó, sự chặt chẽ của Rockefeller không hẳn là so đo tiền bạc - mà là một sự chỉn chu và cầu toàn, góp phần đưa ông đến ngôi vị “Vua dầu”.

Thanh Sơn