Đầu cơ tiền số - Cuộc chơi không dành cho người yếu tim

07:00 | 16/12/2023

495 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ra đời mới chỉ được khoảng hơn chục năm, các loại tiền ảo, tiền số như Bitcoin, ETH, Dogecoin, Litecoin, Solana... đã nhanh chóng được các nhà đầu tư mạo hiểm ưa chuộng. Tại Việt Nam, những miner (thợ đào Bitcoin), giới đầu cơ (coin thủ) cũng nhanh chóng tham gia cuộc chơi tiền điện tử. Nhiều người đã trở thành triệu phú, tỉ phú, song cũng có không ít người biến thành “chúa chổm”.
Đầu cơ tiền số - Cuộc chơi không dành cho người yếu tim

Một ngày của “coin thủ”

Thân hình mảnh dẻ, thường xuyên quần bò áo phông, giày da cổ cao, L - một trong những “coin thủ” đời đầu của Hà Nội - không hề có dáng vẻ của một “đại gia” chút nào, song đang sử dụng chiếc Macbook Pro “thửa” riêng từ nhà sản xuất có giá gần 200 triệu đồng, chiếc iPad Pro M2 giá khoảng 70 triệu đồng, rồi máy tính iMac, điện thoại iphone... đều là đời mới nhất, cấu hình mạnh nhất. Những nhà đầu cơ chuyên nghiệp như L đều xác định có những thời điểm “không thể bỏ lỡ” và việc thiết bị trục trặc đúng vào “giờ vàng” để mua vào hoặc bán ra là điều không thể chấp nhận.

Một ngày của L dường như rất khác so với phần đông nhân viên văn phòng hay những người làm ăn buôn bán khác. Nếu như mọi người sáng sáng phải sấp ngửa đưa con cái đi học, rồi lên cơ quan họp hành, làm việc, thì L vẫn đủng đỉnh “ngủ nướng”, con cái đã có người giúp việc lo.

Bao giờ cũng vậy, L ngủ dậy, ăn sáng, uống cà phê và lượn một vòng các website. Gần trưa, L sẽ “họp” với một nhóm nhà đầu cơ như mình để trao đổi thông tin, dự đoán tình hình tài chính, tiền tệ, hàng hóa... trên thế giới để có đối sách phù hợp. Sau đó, L có thể vào mạng đặt lệnh mua/bán một lượng nhỏ các đồng coin theo dạng tích sản. Buổi chiều, L tiếp tục thong dong uống cà phê với bạn bè, rồi đi tập gym, bơi lội... Buổi tối, L lại lượn một vòng các website để đọc tin tức về thị trường tài chính, hàng hóa của thế giới rồi mới yên tâm lên giường. Thỉnh thoảng cao hứng, L lại đặt vé đến các khu du lịch, nghỉ dưỡng để xả stress.

Đầu cơ tiền số - Cuộc chơi không dành cho người yếu tim

Song, cũng có những thời điểm L phải ngồi lỳ bên laptop, điện thoại 24/24h. L luôn có sẵn cả thùng cà phê rang xay, cà phê hòa tan cũng như các loại đồ ăn bổ dưỡng như chim câu hầm hạt sen, gà tần... để có thể “trực chiến”.

Vào những ngày đầu tháng 3-2023, khi liên tiếp thông tin về các ngân hàng bên kia đại dương như Silicon Vally Bank (SVB), Signature Bank... sụp đổ, thì L cũng như giới “coin thủ”, hay dân đầu cơ vàng, chứng khoán... ở Việt Nam cũng đều trong tình trạng sẵn sàng đặt lệnh mua bằng được hoặc... chạy mất dép. Họ hầu như phải online 24/24h để nắm bắt động thái của giới lãnh đạo chóp bu, giới tài phiệt các ngân hàng ở Mỹ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED)... nhằm kịp thời đưa ra quyết định đối phó với biến động “sốc” của thị trường tài chính thế giới.

Trong giới đầu cơ Bitcoin có nhiều người tạo được khối tài sản “khủng”, nhưng cũng có không ít người thua lỗ nặng nề do “mua đỉnh, bán đáy”. Bởi đây là kênh đầu tư rất mạo hiểm, giá dao động nhanh trong một thời gian ngắn. Đa phần dân đầu cơ dùng đòn bẩy (tiền đi vay) để “ốp” một nhát, chờ sóng lên rồi bán, hầu hết đều thua.

Còn nhớ dấu mốc năm 2008, khi ngân hàng hàng đầu nước Mỹ Lehman Brother sụp đổ, thị trường tài chính toàn cầu chấn động, thị trường chứng khoán giảm kỷ lục, còn giá vàng lập đỉnh. Thường khi các định chế tài chính lung lay thì các tài sản rủi ro như cổ phiếu, trái phiếu hay tiền kỹ thuật số cũng nhanh chóng bị bán tháo. Song lần này, với sự cố SVB sụp đổ, L cho rằng có thể khác.

So với thời điểm đỉnh cao (tháng 11-2021, thị giá Bitcoin lên tới gần 70 nghìn USD thì thời điểm đầu tháng 3-2023, giá của Bitcoin chỉ loanh quanh 21-23 nghìn USD/Bitcoin. Qua phân tích thông tin và “soi” đồ thị nến Nhật - L cùng một số người bạn cho rằng, giá Bitcoin đã chạm đáy và rất có thể sẽ bật mạnh sau khi “nhúng” thêm một chút nữa. Vậy là L quyết tâm rút trước hạn toàn bộ số tiền tiết kiệm, lại vác sổ đỏ, giấy tờ xe ôtô để “vay nóng” với lãi suất cao nhằm “bắt đáy”.

Trong vài ngày, L canh tiền về và chuyển tiền gom hàng trăm Bitcoin với giá loanh quanh 20 nghìn USD/Bitcoin. Chỉ sau 2 tuần, giá coin đã bật mạnh, chạm mốc 30 nghìn USD/Bitcoin. L đã ăn ngay 50% và vẫn chưa chốt hết. Kiên trì nắm giữ đến những ngày cuối tháng 11-2023, thị giá của Bitcoin đã tăng vọt lên 38 nghìn USD/Bitcoin, L cùng các chiến hữu đã có tỷ suất lợi nhuận lên đến gần 100% sau khoảng 8 tháng đầu tư.

“Rất có thể Bitcoin sẽ tới 70-100 nghìn USD/Bitcoin trong năm 2024” - L vừa nói, vừa cười nói rổn rảng. Chốt xong thương vụ, L lập tức đặt vé bay thẳng vào một resort tại Phú Quốc để xả stress, cho bõ những ngày tháng trực chiến 24/24h.

Hoàng V cũng là một “coin thủ” đời đầu. Ngay từ những năm 2011-2012, V đã mạo hiểm đầu tư hàng trăm triệu đồng để “build” một hệ thống máy tính đào Bitcoin. Khi đã tích được một lượng Bitcoin không nhỏ, V không bán hết mà luôn trữ một nửa tại một tài khoản phụ, ít khi ngó ngàng đến. Khi cơn sốt Bitcoin lên cao thời điểm năm 2021, V lôi số Bitcoin này ra bán được cả triệu USD và quy bớt sang bất động sản, vàng... Hiện tại, V chủ yếu đầu cơ Bitcoin và nhiều loại coin khác.

Đầu cơ tiền số - Cuộc chơi không dành cho người yếu tim
Nhiều coin thủ có cuộc sống “nhàn nhã”, thỉnh thoảng lại vi vu các resort

Giới “coin thủ” ở Việt Nam dường như có dấu hiệu càng ngày càng tăng. Theo Báo cáo thị trường crypto Việt Nam 2022 được Coin98 (một sàn giao dịch tiền kỹ thuật số nổi tiếng) phát hành vào tháng 2-2023, Việt Nam có tỷ lệ người nắm giữ tiền điện tử lớn thứ 2 ASEAN, sau Thái Lan. Đặc biệt, đa số những “coin thủ” tuổi đời còn rất trẻ, sức chịu đựng rủi ro cũng hơn hẳn bậc cha anh.

Trong số những “coin thủ” đời đầu, những người có tài sản lên đến cả trăm tỉ đồng không phải là hiếm. Bề ngoài trông rất bình thường, song họ giắt lưng khối tài sản gồm vàng, bất động sản, USD... mà nhiều người phải mơ ước. Có người còn có cả bộ sưu tập siêu xe. Cũng bởi giá trị của Bitcoin tăng với tốc độ phi mã.

Nếu như vào thời điểm khai sinh (năm 2009), 1 USD mua được 1.000 Bitcoin, thì chỉ sau chừng 4 năm, giá 1 Bitcoin đã vượt qua mốc 1.000 USD. Nghĩa là năm 2009, nếu ai bỏ ra 1 USD mua Bitcoin thì đến năm 2013, khi bán số Bitcoin này, họ đã có trong tay cả triệu USD. Đó là phần thưởng cho những “coin thủ” thuộc dạng “khai quốc công thần”.

Còn những người đã mạo hiểm bỏ ra khoảng 1.000 USD để mua 1 Bitcoin năm 2013, đến thời điểm hiện nay, họ đã lãi gấp 30 lần sau 10 năm. Còn trong các con sóng “ngắn” hơn, ai nắm giữ Bitcoin thời điểm cuối năm 2020, chỉ 1 tháng sau (tháng 1-2021), từ giá 20 nghìn USD/ đã vọt lên gần 60 nghìn USD/Bitcoin, gấp 3 lần.

Những cú “đi tàu lượn” của tiền điện tử

Đầu năm 2021, Elon Musk - CEO Tesla - liên tục có những dòng trên Tweet về Dogecoin và khiến giá trị của nó tăng đến 12.000%. Tuy nhiên, sau khi Tesla ngưng việc cho khách hàng mua xe bằng Bitcoin, đồng Dogecoin đã mất ngay 32% giá trị chỉ trong 1 ngày.

Đầu tháng 4-2023, Elon Musk đã thay đổi logo “chim xanh” nổi tiếng của nền tảng Twitter bằng hình ảnh chú chó shiba, đại diện cho đồng tiền ảo Dogecoin, vốn đã gắn liền với hình ảnh của vị tỉ phú trong thời gian gần đây. Giá trị của đồng tiền ảo này đã tăng vọt 25% chỉ trong khoảng 30 phút.

Người lên đỉnh cao, kẻ về vực sâu

Có thể nói, trong giới đầu cơ Bitcoin có nhiều người tạo được khối tài sản “khủng”, nhưng cũng có không ít người thua lỗ nặng nề do “mua đỉnh, bán đáy”. Cũng bởi đây là kênh đầu tư rất mạo hiểm, giá dao động nhanh trong một thời gian ngắn. Những “coin thủ” đầu tư theo kiểu “tích sản” trong một thời gian dài, thỉnh thoảng mua một ít thì mới có cơ hội thắng. Còn đa phần dân đầu cơ dùng đòn bẩy (tiền đi vay) để “ốp” một nhát, chờ sóng lên rồi bán, đa số đều thua.

Hoàng Hải - một GenZ từng ăn đậm trong giai đoạn Bitcoin lên đỉnh, cuối cùng thua đậm - kể: Sau vài năm lên xuống với Bitcoin, Hải có trong tài khoản nhiều tỉ đồng. Cuối năm 2021, khi giá Bitcoin liên tiếp lập đỉnh với 50 nghìn, rồi 60 nghìn, 65 nghìn USD/Bitcoin, Hải “tất tay” số tiền trong tài khoản. Ngoài ra, Hải còn đi vay nóng của nhiều đối tượng ngoài xã hội với lãi suất 10-20 nghìn đồng/triệu/ngày. Song chẳng ngờ, chỉ vài ngày sau, giá Bitcoin tụt dốc không phanh. Tháng 1-2022, Hải đã lỗ đến 50% mà vẫn chưa chịu bán. Chỉ khi giá Bitcoin chạm đáy 19 nghìn USD/Bitcoin, Hải đành cắn răng chịu lỗ đến 70%.

Với một bộ phận GenZ đầu tư vào việc mua bán các đồng tiền mã hóa, rủi ro thấp hơn, song cũng rất “đắng” nếu như dùng đòn bẩy tài chính.

Hoài Thương, nhân viên một ngân hàng tại Hà Nội, được bạn bè rủ tham gia “bắt đáy” đồng Bitcoin vào tháng 7-2021. Thời điểm đó, đồng tiền mạnh nhất thế giới đã mất giá một nửa từ mốc 60 nghìn USD xuống còn khoảng 30 nghìn USD/Bitcoin. Lúc đầu, Thương chỉ dám mua 2 đồng Bitcoin.

Đầu cơ tiền số - Cuộc chơi không dành cho người yếu tim
Bitcoin đã khiến cho nhiều coin thủ “lên voi xuống chó”

Song, chỉ vài tuần sau, đồng Bitcoin lên giá mạnh, tài khoản được lãi lên tới 25%. Cùng lúc thấy bạn bè khoe lãi, đua nhau mua ôtô Mercedes, Audi..., Thương quyết rót thêm tiền. Ngày 4-12-2021, khi giá tụt về 54 nghìn USD/Bitcoin, Thương vay nóng với lãi suất 10 nghìn đồng/triệu/ngày để “bắt đáy”. Chẳng ngờ đó lại là một cú “bắt dao rơi”. Chỉ vài tiếng sau đó, Bitcoin tiếp tục mất giá thêm, chỉ còn 46 nghìn USD/Bitcoin và loanh quanh mức giá này trong cả tháng 12-2021. Tiếp đà rơi trong suốt năm 2022, Bitcoin có lúc đã xuống đến dưới 20 nghìn USD/Bitcoin. Nhà đầu tư trẻ tuổi này đã cháy sạch tài khoản và còn một món nợ khổng lồ chưa biết khi nào mới trả được.

“Nhà đầu tư tiền mã hóa luôn phải trải qua những cú đau tim, phải đi tàu lượn chóng mặt” - Thế Anh, một GenZ nhận định. Điển hình như việc Thế Anh tham gia đầu tư đồng tiền Dogecoin. Theo đó, chỉ sau 6 tháng, Dogecoin tăng chóng mặt hơn 14.600%, từ xấp xỉ 0,004 USD/Dogecoin lên 0,585 USD/Dogecoin. Tài khoản của Thế Anh từ vài chục triệu đồng đã nhảy lên vài tỉ đồng.

Đầu cơ tiền số - Cuộc chơi không dành cho người yếu tim
Một dàn máy đào coin tại Việt Nam

Tuy nhiên, cũng chỉ sau một đêm, đồng Solana đã mất đến 99%, từ giá 1 Solana đổi 1 USD chỉ còn đổi được 0,1 USD. Cú rơi này đã khiến cho hàng nghìn “coin thủ” bị “cháy” tài khoản.

Theo David Kimberley, một chuyên gia kinh tế người Anh, sự tăng giá của Dogecoin là một ví dụ kinh điển của lý thuyết về “kẻ ngốc hơn” (Greater Fool Theory). Mọi người mua tiền điện tử, không phải vì nó có giá trị như thế nào, mà vì họ hy vọng những người khác sẽ mua, đẩy giá lên và họ có thể kiếm tiền nhanh chóng. Bong bóng cuối cùng cũng phải vỡ và “kẻ ngốc” sẽ bị bỏ lại nếu không thoát ra kịp thời.

Sớm hoàn thiện các quy định pháp luật về tiền ảo, tiền số

Gần đây cử tri đã có kiến nghị gửi Bộ Tài chính về việc cần sớm có quy định về quản lý, xử lý với tiền ảo, tiền số theo đề án mà Chính phủ đã phê duyệt.

Theo Bộ Tài chính, trên cơ sở trao đổi, thống nhất với các bộ, ngành, Bộ Tài chính sẽ có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc phân công thực hiện nhiệm vụ cụ thể nhằm hoàn thiện khung pháp lý để quản lý tiền ảo, tiền số.

Bộ Tài chính đã khuyến cáo nhà đầu tư cẩn trọng khi đầu tư vào các loại tiền kỹ thuật số, đầu tư chứng khoán trên các sàn giao dịch không phải do Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tổ chức, vận hành. Đồng thời, Bộ Tài chính yêu cầu các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các quỹ đầu tư chứng khoán không thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật và tuân thủ các quy định về phòng chống rửa tiền.

Tỷ phú Elon Musk bị kiện đòi 258 tỷ USD vì Tỷ phú Elon Musk bị kiện đòi 258 tỷ USD vì "chiêu trò" với đồng dogecoin
Thị trường tiền số khủng hoảng, bitcoin giảm về 19.000 USDThị trường tiền số khủng hoảng, bitcoin giảm về 19.000 USD
Hãng cho vay tiền số lớn nhất thế giới phá sản: Hãng cho vay tiền số lớn nhất thế giới phá sản: "Bữa tiệc tiền số" sắp tàn?

Minh Tiến