Đất nước Chùa Tháp - những tháng ngày chưa xa

07:00 | 07/01/2014

3,453 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thấm thoắt đã 25 năm trôi qua kể từ ngày cùng “Đội quân nhà Phật” chia tay đất nước Chùa Tháp, tôi vẫn cảm thấy những ngày tháng ấy chưa xa!

Năng lượng Mới số 289

Tôi có mặt ở vùng biên giới Tây Nam Campuchia ngay sau chiến dịch tấn công truy quét cụm phòng thủ của tàn quân Pôn Pốt. Đó là chiến dịch K9.

 Mùa khô năm 1984-1985, bọn tàn quân Pôn Pốt từ các nơi tụ tập về xây dựng một căn cứ khá mạnh ở dọc biên giới Campuchia - Thái Lan. Chúng tiếp tục âm mưu quấy phá và phản công lại quân đội Việt Nam và Campuchia. Thỉnh thoảng chúng tổ chức một cuộc hành quân, đánh nhỏ lẻ kiểu chiến tranh du kích nhằm tiêu hao lực lượng ta. Có lần, chúng liều lĩnh mở cuộc tập kích chớp nhoáng ban đêm vào trung đoàn pháo cao xạ bảo vệ sân bay Siêm Riệp thuộc Mặt trận 479. Trước tình thế đó, quân đội Việt Nam đã quyết định mở đợt tấn công quy mô lớn để tiêu diệt đám tàn quân hung hăng, khát máu này của Pôn Pốt ở miền Tây Campuchia.

Chiến dịch mùa khô năm ấy diễn ra khá ác liệt. Kinh nghiệm chiến đấu dày dạn và với tinh thần giúp bạn là tự giúp mình, các cánh quân của ta phối hợp với quân đội bạn đã nhanh chóng áp đảo địch. Tại đây, chúng đã xây dựng đầy đủ hầm hào, công sự, trận địa pháo và còn được sự hỗ trợ của một vài nước trong khu vực. Khi bị đánh tả tơi, chúng tháo chạy sang bên kia biên giới thuộc đất Thái Lan. Từ thời điểm đó trở đi, lính Pôn Pốt không còn tổ chức được những đợt phản công nào đáng kể trên khắp đất nước Campuchia. Tuy nhiên, chúng vẫn còn những nhóm nhỏ, trà trộn trong dân hoặc ẩn nấp trong rừng, đánh lén những đơn vị nhỏ lẻ hoặc bắn cháy xe quân sự của Việt Nam và Campuchia trên các nẻo đường vắng.

Quân tình nguyện Việt Nam diễu hành qua Hoàng cung thủ đô Phnôm Pênh

Tháng 9/1985, chúng tôi từ Mặt trận 479 về Sư đoàn 5 (Quân khu 7) đóng ở Xi xô phôn. Chiếc xe ôtô đưa 3 phóng viên chúng tôi đi là loại xe tải Zin 130 của Liên Xô. Bảo vệ chúng tôi là hai chiến sĩ, mang theo súng AK và một số lựu đạn đứng trên thùng xe để sẵn sàng chiến đấu nếu gặp địch trên đường đi. Tôi thắc mắc là tại sao không dùng chiếc xe con cho tiết kiệm và cơ động hơn thì được các đồng chí sĩ quan tham mưu ở Mặt trận 479 giải thích rằng: Bọn tàn quân Pôn Pốt xác định xe con là xe chở “Lục thum” (tức quan to) nên chúng rất chú ý theo dõi và bắn trộm ở dọc đường. Còn loại xe to là chở lính tráng và hàng hóa nên ít bắn hơn; nhất là xe có đông lính đi cùng thì chúng dễ bị phản kích, tiêu diệt gọn. Nhưng xe to thì dễ bị dính mìn hơn. Còn xe con trọng tải nhẹ, chạy nhanh hơn, có đè phải mìn cũng không đủ sức kích nổ. Lính Pôn Pốt cũng rất nham hiểm.

Lúc đầu, chúng chôn một quả mìn Mo (loại mìn chống tăng và xe cơ giới hạng nặng). Nhưng một quả nổ thường chỉ làm xe hư hỏng nên về sau chúng chôn hai quả chồng lên nhau. Khi cả hai quả cùng nổ thì sức công phá lớn, xe cháy và bị hất văng sang hai bên đường. Suốt 5 năm đầu, ta bị chúng phục ở các ngả đường vắng, bắn cháy và đánh mìn mất hàng trăm xe cơ giới các loại. Vì vậy, trên các ngả đường chúng tôi từng đi qua, thỉnh thoảng lại thấy một xác xe ôtô của ta nằm chỏng chơ ven đường, cháy đen thui. Bọn lính Pôn Pốt không mang quân phục mà chỉ vận quần đùi, cởi trần. Chúng đóng giả dân thường đi làm nương, làm ruộng và mang theo mìn, súng B41. Khi phát hiện xe đi qua, chúng nấp trong những bụi cây lúp xúp gần mặt đường, bắn rồi lủi nhanh vào rừng. Vì thế, các loại xe quân sự hoạt động ở Campuchia đều không đeo biển số, sĩ quan không mang quân hàm khi đi đường.

Đường xá của Campuchia thời đó rất xấu, nham nhở ổ voi, ổ gà. Vào mùa mưa, chạy gần 1 ngày mới được quãng đường 100km. Có lần chúng tôi đi đúng đến đoạn đường có một trung tâm Công xã (mô hình cụm dân cư và sản xuất nông nghiệp tập trung do chính quyền Pôn Pốt lập ra) thì ôtô gặp phải một ổ voi. Trời vừa mưa lớn, bùn đất nhão nhoét, xe rồ ga nhả khói mù mịt mà các bánh cứ quay tít, bắn tung bùn đất. Đây cũng là một địa điểm mà lính Pôn Pốt rất hay phục kích. Chúng tôi nhờ mấy người dân qua đường cùng xúm vào đẩy xe nhưng không thể nào nhích lên khỏi vũng lầy. Rất may, khoảng 15 phút sau thì có chiếc xe tải chở gạo của người dân Campuchia chạy cùng chiều tới.

Thấy bộ đội Việt Nam vẫy tay, chiếc xe dừng ngay. Hai người đàn ông và một phụ nữ nhảy từ ca-bin xuống. Họ nhanh nhẹn lấy cuộn dây cáp ra, buộc vào xe của chúng tôi và kéo qua vũng lầy. Mừng quá, mấy anh em chúng tôi hồ hởi bắt tay ba người bạn Campuchia và nói: “O cun, o cun” (cảm ơn). Vì trời mưa nên hôm đó chúng tôi về tới đơn vị thì trời đã tối hẳn. Đồng chí lái xe nói: “May mà chiều nay gặp xe của bà con Campuchia chứ đêm nằm lại đấy, thế nào cũng bị lính Pôn Pốt bắn cháy xe”.

Tượng đài quân tình nguyện Việt Nam tại thủ đô Phnôm Pênh

Một hôm tôi gặp đồng chí Tấn lái xe con của tiền phương Tổng cục Chính trị, thuộc Mặt trận 719. Nét mặt gầy xanh xám, một mảng tóc cháy xém và vành tai trái anh bị bỏng rộp. Hỏi ra mới biết, hôm trước Tấn đưa một đồng chí cán bộ của Cục Địch vận đi công tác ở cơ sở, bị lính Pôn Pốt bắn B41. Quả thứ nhất bắn vụt qua đuôi xe. Quả thứ hai bắn đón đầu xe nhưng lại vọt lên phía trước mũi xe. Tuy thế, luồng lửa của đạn B41 đã tạt vào cửa xe ở buồng lái nên Tấn bị bỏng và cháy tóc.

Anh em lái xe nhiều năm lăn lộn ở chiến trường Campuchia nên đã có kinh nghiệm. Hôm ấy chúng tôi đi từ Xi xô phôn về Xiêm Riệp. Giữa đường, xe dừng lại ăn trưa ở một phum nhỏ ven đường. Nơi ấy có ngã tư. Thông thường thì xe chỉ dừng lại ngay trước cửa quán để ăn xong lại chạy tiếp, đi thẳng. Nhưng đồng chí lái xe đã cho xe rẽ vào nhánh đường bên tay phải chừng 50m mới đỗ.

Tôi hỏi sao không dừng ở cửa quán thì đồng chí ấy giải thích: “Bọn Pôn Pốt thường theo dõi hướng đi của xe. Mình đỗ ở đây là thế nào lát nữa chúng cũng gài mìn trên phía đường này, chỉ cách đây chừng một vài cây số. Lát nữa anh em ăn xong, em cho xe quay đầu ra, ta đi tiếp về sẽ an toàn”. Sau đó chừng một tháng, cũng có 2 xe tải chở quân từ biên giới về. Do lái xe chưa có kinh nghiệm, đã dính mìn, nổ tung một chiếc đi trước, gần chục chiến sĩ thương vong. Chiếc xe thứ hai an toàn và trên chuyến xe đó có nhà văn Nguyễn Trí Huân (lúc đó là phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội) đi cùng.

Cán bộ lãnh đạo chỉ huy ở các mặt trận rất quan tâm và ưu ái phóng viên báo chí. Những chuyến bay thị sát mặt trận hoặc những chuyến công tác về Việt Nam, các vị tướng lĩnh thường cho phóng viên đi cùng. Cuối năm 1985, Đại tướng Lê Đức Anh - Tư lệnh Quân tình nguyện đến Mặt trận 479 chia tay cán bộ, chiến sĩ để về nước nhận nhiệm vụ mới. Văn phòng Mặt trận đã bố trí cho chúng tôi bay cùng chuyến máy bay AN-26 với Đại tướng về Phnôm Pênh. Hai lần khác về TP Hồ Chí Minh, chúng tôi được đi cùng với Thiếu tướng Lê Nam Phong, Phó tham mưu trưởng và Thiếu tướng Lê Khả Phiêu, Chủ nhiệm chính trị Mặt trận 719.

 Người dân Campuchia rất thật thà, chất phác. Ai cũng hiểu rõ một điều: Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đánh đuổi Pôn Pốt, giúp cho dân tộc Campuchia thoát họa diệt chủng. Họ gọi bộ đội Việt Nam là “đội quân nhà Phật”. Vì vậy, đóng quân ở đâu, bộ đội Việt Nam cũng được bà con quý mến, gần gũi, coi như con em mình. Một lần tôi và anh Phùng Huy Thịnh, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Campuchia (gọi là SPK) có việc đến Trường đại học Tổng hợp ở ngoại thành Phnôm Pênh vào buổi tối. Chúng tôi đi bằng chiếc xe Lada 4 chỗ của SPK. Giữa đường xe hết xăng, chúng tôi dừng đúng chỗ một bác thợ chữa xe đạp có bán xăng lẻ. Chúng tôi mua can xăng 5 lít đổ vào xe nhưng khi trả tiền, bác đó nói rằng, ủng hộ cán bộ Việt Nam nên chỉ lấy một nửa số tiền thôi. Phải nói mãi bác mới nhận cả. Có cán bộ còn kể lại, cùng đi xe ôtô trên đường, xe của Việt Nam hết xăng, vẫy xin xăng của xe ôtô bạn thì bạn vô tư xách ngay cả can xăng 20 lít xuống rót cho chứ không lấy tiền.

Nhân dân Campuchia lưu luyến tặng quà cho quân tình nguyện Việt Nam (năm 1989)

Lần quân tình nguyện Việt Nam rút quân lần cuối cùng vào cuối năm 1989, chúng tôi ở nhà khách của Mặt trận 979 (Quân khu 9) ở cách Phnôm Pênh khoảng 10 cây số. Cùng ở đó có Thượng tướng Lê Ngọc Hiền và Trung tướng Lê Hai. Gần nhà khách có một quán giải khát của một phụ nữ Campuchia. Chị khoảng 35 tuổi, hình thức ưa nhìn, nhanh nhảu, có một con nhỏ khoảng 10 tuổi. Chồng chị bị Pôn Pốt sát hại khi chị mới sinh con. Cứ nhắc đến thời Pôn Pốt là chị lại nhún vai, rùng mình, nét mặt hoảng hốt. Chị tâm sự rất chân tình: “Bộ đội Việt Nam về nước, chúng tôi nhớ lắm nhưng cũng lo lắm. Bà con Campuchia chỉ sợ giặc Pôn Pốt lại kéo về sát hại đồng bào như trước. Nhiều người chỉ muốn đi cùng bộ đội Việt Nam để sang sinh sống, làm ăn bên đó”. Cứ thấy anh em người Việt Nam vào ăn uống ở quán, chị lấy rất rẻ, nói là lấy vốn thôi chứ không lấy lãi.

Các thành phố lớn ở Campuchia thời ấy như Phnôm Pênh, Xiêm Riệp, Bát đom boong, Xi ha núc vin đều có chợ lớn, buôn bán sầm uất. Hàng hóa chủ yếu nhập từ Thái Lan, giá rẻ bằng 2/3 ở Việt Nam. Có một số mặt hàng khác nhập từ Singapore, Việt Nam. Cán bộ, bộ đội sang công tác, ai cũng tranh thủ mua hàng Thái Lan về làm quà hoặc bán kiếm chút tiền chênh lệch chi phí cho chuyến đi. Những người quen đã đành nhưng có người vừa mới đến mua hàng lần đầu, các bà, các chị đều chào mời rất nhiệt tình, niềm nở; miệng lúc nào cũng cười tươi như hoa. Họ mời chào khách nhiều nhất là ở các quầy hàng bán dầu gió, gọi là dầu xanh (nước màu xanh, nhập từ Singapore). Họ còn hỏi kỹ xem người mua mang hàng về đâu, Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh để lấy những loại hàng được giá nhất.

Khi ấy điện thoại còn khó khăn, chưa có máy di động, nhưng không hiểu sao bà con bán hàng ở chợ nắm rất rõ giá từng loại hàng ở Việt Nam trong ngày là bao nhiêu. Chẳng hạn, một chiếc quần bò Levis bên Campuchia là 100 nghìn thì họ nói luôn ở Hà Nội hôm nay là 170 nghìn, ở TP Hồ Chí Minh là 150 nghìn. Ai mua nhiều mà thiếu tiền, họ đưa cho cuốn sổ tay ghi tên, số tiền nợ và và ký vào đó, dặn lần sau đến trả. Và trên các chuyến xe, máy bay về Việt Nam, ai cũng mang những balô hoặc túi du lịch cồng kềnh, đủ loại hàng hóa như quần bò, áo phông (cành mai, cá sấu), son, phấn, kem, vải, thuốc lá ngoại.

Vào các chợ ở Campuchia ngày ấy còn có những điều thú vị: người dân biết nói mấy thứ tiếng nước ngoài. Khách hàng dùng tiếng Trung Quốc, Nga, Thái Lan, Lào hay Việt Nam, họ đều hiểu và trả lời được. Rồi việc lưu thông tiền tệ, ai trả bằng tiền gì cũng được, không phải đổi sang tiền Campuchia. Và mua bán vàng cũng rất độc đáo. Ai bán vàng, người chủ hiệu chỉ lấy món kim loại bằng vàng của khách mài vào hòn đá sỏi to bằng nắm tay, nhìn màu sắc là đọc được tuổi vàng và tính ngay ra tiền.

Đoàn cán bộ báo chí và văn nghệ sĩ sang dự lễ tiễn quân tình nguyện Việt Nam năm 1989 có nhạc sĩ Thuận Yến. Lần đầu tiên sang Campuchia nên ông rất háo hức. Ông cứ nhắc đi nhắc lại rằng: “Mình vừa sáng tác xong bài hát “Tạm biệt Ápsara” mà sao ông Chí Trung lại không muốn cho mình sang Campuchia nhỉ?”. Hôm ra chợ Ô Xây ở Phnôm Pênh, theo lời dặn của con gái (ca sĩ Thanh Lam), ông mua 1 chiếc quần bò và mấy cái áo phông cành mai. Khi về nhà khách, ông ngắm nghía lại chiếc quần bò rồi hốt hoảng nói: “Chết cha tôi rồi, mình quên không hỏi con gái xem nó mặc quần số mấy. Cái này nhỏ quá, con bé mặc sao vừa”. Rồi ông ngẩn người ra lo nghĩ. Tôi hỏi ông có nhớ mua ở quầy nào không? Ông nói ra chợ thì nhớ được. Tôi động viên ông yên tâm, chiều đi cùng mấy anh em ra đổi không khó khăn gì. Và chiều hôm ấy, ông đổi được chiếc quần bò, tính khí vui vẻ hẳn lên.

Đón tiếp quân tình nguyện hành quân qua Phum

Thập niên 80 của thế kỷ trước, ở Campuchia đã có xe ôm và xe lôi, một phương tiện rất phổ biến và giá rẻ, thuận lợi cho mọi người đi lại ở các tỉnh và thành phố. Các tài xế xe ôm, xe lôi chở cán bộ, bộ đội Việt Nam chỉ lấy số tiền ít hơn so với người khác. Họ còn nhiệt tình đến mức, trên đường đi, khách có việc rẽ vào địa điểm nào đó chừng 15-20 phút cũng vui vẻ đứng ngoài cổng chờ.

Một hôm vào chiều Chủ nhật, tôi thuê một bác xe ôm đưa đi thăm đền Ăng Co Vát. Bác xe ôm rất cẩn thận dặn tôi chỉ nên vào Ăng Co Vát chứ không nên vào Ăng Co Thom, trong ấy rất vắng. Vì tôi là “coong tóp” (bộ đội) Việt Nam, dễ bị tàn quân Pôn Pốt ẩn nấp trong đó bắn trộm. Bác kiên nhẫn chờ tôi khoảng gần 2 giờ đồng hồ rồi lại đón về Mặt trận 479.

 Đợt rút quân tình nguyện Việt Nam cuối cùng năm 1989 là cuộc tiễn đưa đầy cảm động, gây ấn tượng mạnh không chỉ với nhân dân Campuchia mà còn với khách quốc tế. Từ 3 giờ sáng, tôi và nhà văn Chí Trung đi trên chiếc xe U-oát từ điện Chamcamon (dinh thự của Quốc vương Sihanouk trước kia) chạy một vòng quanh thủ đô Phnôm Pênh. Các tầng lớp nhân dân bạn đã í ới gọi nhau đi tiễn bộ đội Việt Nam. Hàng ngàn chiếc xe quân sự các loại đã tập kết từ các mặt trận về vùng ven đô. Cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện thức suốt đêm liên hoan văn nghệ cùng bà con Khmer.

5 giờ sáng, hệ thống loa truyền thanh khắp thành phố vang lên khúc nhạc Rom Vong và những bài hát ca ngợi tình đoàn kết chiến đấu giữa hai đất nước. 6 giờ, những tia nắng vàng giữa mùa khô bắt đầu chiếu xuống Quảng trường sông Tông Lê Sáp trước Hoàng cung. Cả thành phố là một rừng cờ đỏ sao vàng và cờ 5 tháp. Hàng ngàn thiếu nữ Campuchia lộng lẫy trong bộ sà rông dân tộc sặc sỡ, ôm hoa tươi đứng dọc hai bên đường đón chào đoàn quân đi qua. Suốt chặng đường dài hơn 100km từ Phnôm Pênh về đến biên giới Việt Nam, người dân đứng kín hai bên, vẫy cờ hai nước. Các đoàn nghệ thuật từ trung ương đến địa phương đều đổ ra đường múa hát chào mừng quân tình nguyện. Tôi nhớ mãi một điệp khúc của bài hát do hai diễn viên nam nữ Campuchia trình bày: “Việt Nam - Camphuchia, xa ma khi, xa ma khi…” (hữu nghị). Họ đứng ở quảng trường, sát đường đi, hát rất khỏe và hát liên tục với dàn nhạc cực mạnh từ 7 giờ sáng đến hơn 11 giờ trưa.

Các mẹ, các chị em mang theo rất nhiều khăn cà ma (giống khăn rằn Nam Bộ) khoác lên vai các chiến sĩ tình nguyện. Giữa rừng người và cờ hoa là rừng cánh tay vẫy, kèm theo tiếng hô vang: “Xôm lia coong top Việt Nam” (Tạm biệt bộ đội Việt Nam). Đoàn xe nối đuôi nhau theo đội hình hàng một lần lượt diễu qua lễ đài, tạm biệt các vị lãnh đạo và nhân dân Campuchia, tạm biệt Hoàng cung và đất nước Chùa Tháp, qua cầu Mô Ni Vông trên sông Mê Công rồi tiến thẳng về hướng cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt bà con. Quân tình nguyện nhoài hẳn người ra hai bên thành xe vẫy lại…

12 giờ trưa, tôi ra sân bay Pô Chen Tông, lên chiếc máy bay AN-26 cuối cùng vận chuyển thương binh nặng trở về Việt Nam.

Thấm thoắt đã 25 năm trôi qua kể từ ngày cùng “Đội quân nhà Phật” chia tay đất nước Chùa Tháp, tôi vẫn cảm thấy những ngày tháng ấy chưa xa!

Ghi chép của Bùi Đức Toàn