Đảm bảo an toàn cho du lịch đường thủy: Bao giờ hết cảnh "phạt cho tồn tại"

09:21 | 28/06/2011

508 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm lật thuyền, chìm tàu… với số người chết lên tới hàng chục người. Sau mỗi vụ tai nạn thương tâm như thế, dư luận rộ lên một hồi… rồi cũng lặng lẽ chìm xuống. Đã nhiều lần, các cơ quan quản lý cùng ngồi lại với nhau tìm cách đảm bảo an toàn cho du lịch đường thủy, song đụng đâu khó đó, bởi các hoạt động hiện tại mang tính chất tự phát, thiếu quy chuẩn trong đăng kiểm, đội ngũ lao động thiếu kiến thức…

Những kẽ hở trong quản lý

Đỉnh điểm của những tai nạn du lịch đường thủy thương tâm xảy ra trong thời gian gần đây là vụ chìm tàu Dìn Ký trên sông Sài Gòn tối ngày 20-5, khiến 16 người thiệt mạng. Trong số những người xấu số đó, đa phần là phụ nữ và trẻ em. Khi tàu chìm, Cơ quan điều tra vào cuộc, mới hay, thuyền trưởng không hề có bằng lái, cũng chưa được tốt nghiệp bất cứ khóa đào tạo chuyên ngành nào. Và điều đáng nói hơn cả, trong khi tàu chìm, thì nhân viên phục vụ thay vì phải hướng dẫn khách cách thoát hiểm thì lại mạnh ai nấy chạy. Thành ra, những người xấu số đều là khách cả.

Trước đó, vào rạng sáng ngày 17-2, chiếc tàu Trường Hải mang số hiệu QN-5198 chở 21 du khách nước ngoài và 6 thuyền viên đã bất ngờ bị chìm tại khu vực đảo Ti Tốp (Hạ Long) khiến 12 du khách nước ngoài thiệt mạng. Lần này, trách nhiệm thuộc về những người điều khiển tàu khi quên đóng các van ở ống thông sông, lấy nước hai bên mạn tàu, dẫn đến nước chảy vào khoang buồng máy và chỉ khi nước tràn sâu mới phát hiện ra… Lúc đó đã quá muộn.

Tàu Dìn Ký chìm, Cơ quan quản lý giật mình về sự an toàn cho du khách

Theo một thống kê từ Tổng cục Du lịch, nếu như trước năm 2001, số lượng tàu, thuyền hoạt động trong lĩnh vực du lịch chỉ có vài trăm chiếc thì đến nay con số này đã lên đến khoảng 10 ngàn chiếc. Tàu lưu trú 173 chiếc, vận chuyển 9.707 chiếc, nhà hàng 120 chiếc. Nhà hàng nổi và tàu thuyền vận chuyển khách du lịch hầu hết các tỉnh, thành phố đều có, riêng tàu lưu trú du lịch chỉ tập trung ở 6 địa phương là Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Cần Thơ, Thừa Thiên – Huế và Tuyên Quang. Tàu, thuyền du lịch trước đây chỉ đơn thuần phục vụ chở khách tham quan trong ngày thì đến nay xuất hiện nhiều tàu ngủ đêm kèm theo đó là các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí như hát karaoke, dancing, dạy nấu ăn, massage…

Phát triển nhanh và thậm chí đã trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của nhiều địa phương, song chỉ tới khi có quá nhiều vụ tai nạn đường thủy thương tâm liên tiếp xảy ra đối với tàu du lịch thì các cơ quan quản lý mới chợt giật mình và nhận ra, có quá nhiều kẽ hở trong công tác quản lý loại phương tiện đặc biệt này.

Đụng đâu thiếu đấy

Hiện, tàu du lịch ngoài chức năng chở khách còn kèm thêm nhiều dịch vụ khác nhau như kinh doanh ăn uống, vui chơi giải trí, dịch vụ lưu trú qua đêm… song cho tới thời điểm này, tiêu chí xét đăng kiểm của tàu du lịch hay tàu chở khách đều… giống nhau. Bên cạnh đó, phương tiện thủy nội địa phục vụ tham quan, du lịch chủ yếu chịu sự điều chính của Luật Giao thông đường thủy nội địa, mà chưa thấy có bóng dáng của Luật Du lịch. Cách thức quản lý phương tiện thủy nội địa hoạt động du lịch mỗi địa phương một kiểu, không rõ sự phân cấp. Ví dụ như việc quản lý phương tiện ra vào bến, có nơi do cảng vụ cấp phép, có nơi do đơn vị kinh doanh bến cấp, nhiều nơi thậm chí không có Cơ quan quản lý.

Cái thiếu nữa là tiêu chuẩn cụ thể thế nào là tàu du lịch, thế nào là tàu được phép tham gia chở khách. Trong khi Luật Giao thông đường thủy nội địa, Bộ Luật Hàng hải chưa điều chỉnh chuyên biệt loại hình này. Hệ thống bến, nhà hàng nổi phục vụ du lịch trên đường thủy không được điều chỉnh bởi các quy định chuyên biệt của pháp luật… Quan trọng nhất, yếu tố con người, đào tạo nhân lực cũng chưa được coi trọng đúng mức. Vì thế mới nảy sinh chuyện, tàu chưa kiểm định đã hạ thủy, chưa có bằng đã thành thuyền trưởng, nhân viên phục vụ trên tàu nhiều người còn chưa biết bơi…

Theo ông Nguyễn Anh Thắng – Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy – Bộ Công an thì lĩnh vực kinh doanh đặc biệt này đã có nhiều yếu tố mới, khiến hệ thống văn bản pháp luật trở nên lạc hậu với nhiều điểm không theo kịp thực tế. Không chỉ dừng lại ở vấn đề chế tài xử phạt chưa nghiêm khắc mà ngay cả công tác tuyên truyền ý thức của du khách cũng chưa tốt. Chính vì thế mà “tàu chìm, người chìm nhưng áo phao thì lại nổi”. Còn theo ông Đỗ Văn Lực – Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, thiết kế các tàu du lịch hiện nay rất có “vấn đề”.

Ví dụ điển hình như các tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long chẳng hạn, phần lớn chúng được thiết kế theo hướng tận dụng chiều cao để tạo không gian cho khách du lịch trong khi mớn nước, một trong những yếu tố đảm bảo độ an toàn của tàu lại bị bỏ qua. Thêm nữa, các chủ phương tiện thường chỉ tập trung đầu tư hình thức buồng phòng trên tàu mà lại quên tới yếu tố an toàn phòng cháy chữa cháy khi sử dụng nhiều vật dụng không có độ bền nhiệt cao… với lý do không có quy định nào bắt buộc.

Tuy nhiên, nguyên nhân của phần lớn các vụ tai nạn du lịch đường thủy cho tới thời điểm này được các cơ quan chức năng đưa ra đều mang nặng yếu tố con người. Ông Nguyễn Anh Thắng cho biết thêm, với người lái xe khách, tiêu chí đưa ra là phải ngoài 35 tuổi để đảm bảo độ chín chắn, vậy thì với thuyền trưởng, nắm sinh mạng của hàng chục người trong tay thì cũng cần phải quy định độ tuổi phù hợp. Thêm nữa, theo đề xuất của lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng thì ngoài việc trang bị các thiết bị cứu hộ thì khi hành khách lên tàu, các nhân viên phải có trách nhiệm hướng dẫn họ cách sử dụng phao, cách xử trí trong các trường hợp nguy hiểm. Cùng đó, cũng có nhiều ý kiến đề xuất việc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ban hành quy định đối với các nhân viên, thuyền viên, thuyền trưởng… phục vụ trên tàu du lịch để họ có thể trở thành những nhân viên cứu hộ trong các trường hợp nguy cấp.

Còn theo bà Nguyễn Hoàng Điệp, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du Lịch thì bài học kinh nghiệp rút ra từ các sự cố của 3 vụ tai nạn điển hình gần đây là cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý các cấp và các địa phương, quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan này, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Khi phát hiện vi phạm các quy định của pháp luật thì kiên quyết xử lý triệt để, không để lặp lại tình trạng “phạt cho tồn tại”. Đối với các loại tàu, thuyền phục vụ khách du lịch, yêu cầu về đăng kiểm phương tiện cần nghiên cứu điều chỉnh theo hướng tăng lên cả về định tính và định lượng.

Quang Anh

Năng lượng Mới