Cứu người nhưng lại bị… người đánh!

10:00 | 02/03/2018

365 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thật là buồn cho ngành y tế vì ngay đầu năm đã gặp chuyện không hay khi 2 bác sĩ sản ở Bệnh viện Sản nhi Yên Bái bị hành hung vỡ đầu phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái. Đây không phải là lần đầu tiên, bởi năm ngoái đã liên tiếp xảy ra những vụ tương tự, đến mức Bộ Y tế đã phải lên tiếng nhiều lần.  

Cứu bệnh nhân còn bị đánh rách đầu

Vụ hành hung 2 bác sĩ Phạm Hải Ninh, Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức và Hoàng Đức Trung, Khoa Sản, Bệnh viện Sản nhi Yên Bái xảy ra với nguyên nhân… lãng xẹt. Ngày 20-2, tức ngày mùng 5 tết, sản phụ Quách Thị Phương Thảo được chồng là Lê Hồng Nam đưa đến Bệnh viện Sản nhi Yên Bái để mổ đẻ. Trong quá trình các bác sĩ phẫu thuật bắt thai cho bệnh nhân, chồng bệnh nhân đã trèo tường, leo lên lan can cửa phòng mổ để quay phim, chụp ảnh lại cảnh này. Thấy vậy, các bác sĩ và bảo vệ ở đây nhắc nhở.

Không những không chấm dứt hành động của mình, Lê Hồng Nam còn thể hiện thái độ thách thức, chửi bới, đồng thời đe dọa kíp mổ sau khi phẫu thuật xong sẽ hành hung. Và quả thật, khi vừa từ phòng mổ bước ra, bác sĩ Ninh và bác sĩ Trung đã bị Nam cùng một số đối tượng lao vào hành hung gây thương tích nặng. Nam đã sử dụng đèn pin chuẩn bị trước đó đánh nhiều nhát vào vùng đầu, mặt bác sĩ Ninh, làm bác sĩ rách mi mắt trái, đầu… phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái. Còn bác sĩ Nam bị trọng thương.

cuu nguoi nhung lai bi nguoi danh
Bác sĩ Ninh, Bệnh viện Sản nhi Yên Bái cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "cố ý gây thương tích" xảy ra tại Bệnh viện Sản nhi (TP Yên Bái) vào ngày 20-2, đồng thời truy nã Lê Hồng Nam về tội này. Vì sau khi hành hung bác sĩ, Nam đã bỏ trốn.

Cuối năm ngoái, một vụ việc tương tự cũng đã xảy ra tại Trung tâm Cấp cứu 115 Thái Bình. Tối ngày 25-12, Trung tâm nhận cuộc điện thoại từ Trạm Y tế xã Đông Tân (huyện Đông Hưng) về một tai nạn giao thông xảy ra gần đó, đề nghị đưa một xe cấp cứu đến. Bác sĩ Đỗ Chính Nghĩa của Trung tâm Cấp cứu 115 cùng kíp trực đã có mặt tại hiện trường là vệ đường. Ở đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị gãy hở xương cẳng chân, phải đưa đi cấp cứu bệnh viện. Tuy nhiên, trước khi bệnh nhân được đưa đến bệnh viện, bác sĩ phải giảm đau để chống sốc và băng vô khuẩn, băng nẹp cố định cho bệnh nhân. Dù đã cố gắng giải thích với người nhà bệnh nhân điều này, nhưng khi đi lấy morphine để giảm đau cho bệnh nhân ở xe cấp cứu, bác sĩ Nghĩa đã bất ngờ bị một người, sau được xác định là người nhà bệnh nhân xông vào đấm liên tiếp vào vùng mắt, mũi, đầu, làm gãy kính, gãy xương mũi, tổn thương sưng nề vùng mặt và mắt trái, xước giác mạc… Bác sĩ Nghĩa phải nhập viện điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã phải thốt lên: “Đối với bác sĩ, giờ nhiều đối tượng manh động quá”. Nguyên nhân được ngành y tế phân tích chính là do thủ phạm của những vụ hành hung này chưa được xử lý nghiêm minh, quyết liệt nên không đủ sức răn đe, phòng ngừa. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì ngậm ngùi: "Ngành y tế quá đơn độc trong việc chống lại bạo hành bệnh viện".

Phải xử lý nghiêm

Để giải quyết vấn đề này, ngay dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, yêu cầu chính quyền các địa phương, ngành chức năng phải có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp xâm phạm nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe của thầy thuốc và nhân viên của ngành y tế. Các cơ quan chức năng, nhất là ngành công an điều tra, xử lý nghiêm những hành động gây thương tích cho các cán bộ ngành y tế. Thủ tướng cũng lưu ý việc quản trị bệnh viện, bảo đảm an ninh, an toàn trong bệnh viện, không để xảy ra những vụ việc không đáng có, trong đó sớm khắc phục một số tiêu cực trong một số bệnh viện như độc quyền cung cấp dịch vụ hậu cần bệnh viện (xe cứu thương, xe taxi, dịch vụ ăn uống, dịch vụ an ninh…).

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, bên cạnh sự tôn vinh, bày tỏ sự trân trọng với các thầy thuốc Việt Nam, cũng mong ngành y tế Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân, khắc phục những hạn chế về y đức, giảm tải bệnh viện, lạm dụng thuốc kháng sinh, xét nghiệm; cải cách hành chính, quản lý trang thiết bị y tế, quản lý thuốc...

Mới đây, để xử lý nghiêm những vụ hành hung bác sĩ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung Điều 134 về tình tiết tăng nặng khi hành hung người "đang chăm sóc sức khỏe cho mình". Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác, đặc biệt là "người chữa bệnh cho mình", sẽ bị xử lý hình sự, mức phạt tối đa lên tới 3 năm tù.

Để chủ động phòng ngừa và bảo vệ bác sĩ, nhân viên y tế, mỗi bệnh viện cũng đã thực hiện những biện pháp riêng như Bệnh viện Bạch Mai, Ban Giám đốc Bệnh viện đã tăng cường lực lượng bảo vệ ở các điểm nóng, đồng thời phối hợp với công an phường, Cảnh sát giao thông tăng cường an ninh khu vực ngoài bệnh viện. Dĩ nhiên, việc tăng cường này cũng không thể bảo đảm chắc chắn việc loại bỏ hoàn toàn các hành vi bạo lực trong môi trường y tế, nhưng ở các điểm nóng như khu vực cấp cứu cũng sẽ hạn chế được tình trạng này.

Để hạn chế tình trạng bác sĩ bị hành hung thì các bệnh viện phải tăng cường lực lượng bảo vệ ở các điểm nóng, kiểm soát trật tự trong bệnh viện. Các cơ quan chức năng, nhất là ngành công an cần điều tra, xử lý nghiêm những hành động gây thương tích cho các cán bộ ngành y tế.

Nguyễn Bách

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc