Cuộc chiến với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ X)

09:00 | 14/01/2019

10,578 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ra tới bờ kênh, cả bọn đứng dừng lại, đặt Sến xuống. Đường cẩn thận còn sờ ngực Sến xem đã chết hẳn chưa, rồi mới lăn xác Sến xuống kênh vàng khè phù sa đang chảy cuồn cuộn.
Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ IX)
Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ VIII)
Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ VII)
Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ VI)
Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ V)
Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ IV)
Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ III)
Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ II)
Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường

Truyện ký của Nguyễn Như Phong

Nhưng cái buồn đến với Bạch Hải Đường không lâu. Chỉ qua ngày hôm sau, mọi người lại nghe thấy hắn nghêu ngao hát lăng nhăng hết bài này đến bài khác, vẫn là những bài nhạc vàng cũ rích. Không những thế, trong những lần bị hỏi cung, hắn còn hào hứng kể cho cán bộ điều tra về những mối tình, những cuộc ăn chơi, và đặc biệt là hắn thích cởi áo, khoe những dòng chữ xăm chằng chịt.

Trên người Bạch Hải Đường, dòng chữ hắn xăm đầu tiên trên ngực là “Phụ mẫu tri ân”; rồi khi bị vợ hai là Lệ phản bội, hắn xăm một lưỡi dao đâm xuyên trái tim và có dòng chữ “Thương người quân tử – Hận kẻ bạc tình”; rồi “Xa quê hương, nhớ mẹ hiền”. Hai bên đùi, hắn xăm đôi câu đối: “Tiền đồng tịch, kim bằng cộng lạc” và “Hậu lâm nguy, bất kiến đệ huynh”. Bên cánh tay trái, hắn xăm dòng chữ: “Kiếp giang hồ, tìm bạn bốn phương” còn tay phải xăm “Tạo hóa ơi, bao giờ con hết khổ”.

Có một điều mà Bạch Hải Đường luôn tự bào chữa cho mình là hắn không bao giờ nhận tội cướp mà chỉ nhận tội trộm. Bạch Hải Đường cũng khẳng định là hắn chưa bao giờ giết ai, mà các vụ giết người là do các băng nhóm khác gây ra, nhưng lại đổ vạ cho hắn. Đường cũng thề sống thề chết là chưa làm hại ai và còn khoe việc đã cứu giúp một số người nghèo.

cuoc chien voi tuong cuop bach hai duong (ky x)

Ông Nguyễn Văn Bê, Nguyên chỉ huy trưởng Công an thị xã Long Xuyên, là người trực tiếp chỉ huy cuộc vây bắt Bạch Hải Đường

Đã bắt đầu vào mùa mưa. Những cơn mưa đầu tiên ập xuống hung hãn. Vào một buổi sáng sớm, khi ánh nắng soi rõ căn phòng, hắn bỗng thấy bức tường quét vôi vàng có màu khang khác. Hắn nhìn kỹ thấy đó là vệt loang của nước mưa ngấm vào. Người hắn run lên khi thấy vệt loang đó. Hắn gõ nhẹ vào tường và nghe thấy tiếng kêu bở bục của lớp vữa già nua. Cái nhà giam này Đường chả còn lạ gì. Ngày trước, đã có lần hắn đột nhập vào đây để cứu một đệ tử. Ngoài khu trại chỉ có hai hàng rào dây thép gai và một con hào nhỏ cắm chông. Nhà giam này được xây từ thưở Tây mũi lõ, chỉ có người già mới nhớ được là xây vào khoảng năm nào.

Hôm sau, trong lúc được đi dạo quanh sân, hắn nhặt được chiếc đinh mười phân đã hoen gỉ. Và không chờ đợi gì thêm, ngay đêm ấy, hắn tìm cách vượt trại.Với chiếc đinh, hắn dễ dàng nạy lớp vữa moi ra từng viên đá đủ thành một lỗ hổng vừa chui lọt… Đúng lúc ấy, trời đổ mưa, thật là cơ hội ngàn năm có một, hắn nhanh nhẹn lủi ra tới hàng rào dây thép gai. Nhưng vừa đặt tay vào hàng rào dây thép, hắn chợt nhớ tới Tư Đen, Hóa và Sến. Hóa và Tư Đen cần phải cứu vì đó là những cánh tay của hắn, còn Sến cũng phải đưa hắn ra khỏi đây để trị cái tội phản bội của hắn.

Dưới trời mưa như trút, hắn tìm được một cây gỗ dài. Hắn dựa cây gỗ vào tường và trèo lên mái ngói, dưới ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn bảo vệ, hắn thấy ba tên đang ôm nhau ngủ ngon lành. Dỡ thêm mấy viên nữa, hắn chui vào ngồi trên thanh xà nhà bằng thép chữ V. Nước mưa lọt qua lỗ hổng rơi vào mặt, chúng tỉnh giấc. Tư Đen lầu bầu:

- Mẹ nó, đang mơ được uống cà phê với em út thì mưa…

Cả Sến và Hóa ngồi dậy dụi mắt rồi ngẩng nhìn lên mái nhà:

- Xuỵt! Anh Hai đây.

Đường cúi xuống nói khẽ. Lập tức cả ba tên nhìn như dán vào con người bé nhỏ đang ngồi ở thanh xà ngang làm bằng thép chữ V.

- Anh Hai hả?

- Ờ, trèo lên đây! – Đường nói.

- Sao leo lên được? – Tư Đen hỏi lại.

- Công kênh.

Hai chữ đó làm cả bọn mừng quýnh. Tư Đen to khỏe nhất đứng dưới, tiếp đến là Hóa và Sến lên đầu tiên. Cả ba thằng công kênh nhau mà chưa lên tới mép tường. Đường phải cúi xuống kéo Sến lên. Rất nhanh, Đường cởi quần áo của mình và của Sến xoắn lại thành sợi dây dài thả xuống kéo Hóa lên. Cởi quần áo Hóa nối thêm, đủ kéo nốt cả Tư Đen. Cả bốn thằng ngồi trên thanh xà. Sến cứ run bắn, hai hàm răng gõ vào nhau lập cập vì sợ hãi. Cả bọn chui ra, mưa vẫn quất rào rào, át hết mọi tiếng động.

Mười phút sau, cả bọn đã ra ngoài cánh đồng. Mưa vẫn như trút nước. Bạch Hải Đường lầm lũi đi, không nói một câu. Trời tối đen như mực mà hai chân hắn vẫn bước thoăn thoắt, tưởng như mắt hắn để ở bàn chân. Thái độ lầm lì của Đường làm cả bọn thấy sợ hãi. Tư Đen lờ mờ hiểu rằng, đằng sau sự im lặng kia là cả cơn giông bão sắp nổi lên.

Quả nhiên, đi được chừng mười cây số, Đường dừng lại, không nói, không rằng, hắn túm tóc Sến, mặc dù Sến cao hơn hắn gần một cái đầu:

- Sến, sao mày phản tao? – Đường quật Sến xuống đất, đầu gối trái chẹn cánh tay, đầu gối phải thúc vào mỏ ác, hai tay bóp lấy cổ Sến.

- Sao… sao đại ca lại nghi oan cho đàn em? – Sến líu lưỡi, nói không ra tiếng.

- Em xin thề… Em thề.

- Mày đừng hòng qua mắt tao nghe con. Nghe tao nói đây. Tại sao mày làm đầy năm con mày mà lại đuổi vợ con mày về bên ngoại?

- Ối… dạ! Em sợ chúng ở nhà, gây ồn ào dễ lộ.

- Tại sao mày dám nói dối tao là cho người canh chừng, vậy sao khi bộ đội đến, không thấy báo?

Sến cứng lưỡi không biết trả lời ra sao, bởi vì trước khi vào buổi nhậu, Đường đã nhắc Sến phải cắt cử người canh gác nhưng hắn đã chủ quan, không làm mà lại nói dối để cho Đường yên tâm.

- Thấy chưa, vì mày mà suýt nữa tao tiêu mạng với công an. Tao không thể tha mày được nữa.

Dứt lời, Đường xiết mạnh tay. Sến vùng vẫy nhưng hai bàn chân đã bị Tư Đen ngồi giữ chặt và hai tay bị Hóa bẻ ngược lên.

Năm phút sau, Đường thở hắt ra đứng lên, nhìn Sến nằm sóng sượt, rồi ra hiệu cho Tư Đen vác lên vai. Ra tới bờ kênh, cả bọn đứng dừng lại, đặt Sến xuống. Đường cẩn thận còn sờ ngực Sến xem đã chết hẳn chưa, rồi mới lăn xác Sến xuống kênh vàng khè phù sa đang chảy cuồn cuộn. Dòng nước cuốn biến mất Sến, mà Đường vẫn đứng lặng, mặt hắn thần ra. Bỗng Đường quỳ thụp xuống rên rỉ:

- Sến ơi, tao đâu có muốn giết mày… mày sống khôn chết thiêng, đừng có oán tao nghen, đời người ai chả chết một lần…

Cả bọn lại lầm lũi đi. Bọn chúng cứ băng đồng đi cho tới lúc cơn mưa dứt thì trời cũng vừa tảng sáng.

- Đi đâu bây giờ anh Hai? – Hóa hỏi

Đường đắn đo ít phút rồi bảo:

- Không ở đất An Giang này được nữa, phải về Sóc Trăng thôi. Ở đó, có đứa em vợ tao. Bây giờ lảng vảng ở An Giang là tiêu đời ngay.

Ngừng một lát, Đường bỗng nổi khùng, hắn túm cổ Tư Đen tát liên hồi vào mặt khiến Tư Đen cứ rúm lại.

- Vì mày… vì mày mà tao giết oan thằng Sến. Mày… chính mày đã đem thằng công an giả danh đó về… Đúng rồi, vì sao trước lúc bộ đội đến bắt tao, hắn lại bỏ đi.

Tư Đen im lặng, hắn cố chịu đòn không dám cãi, vì hắn biết cãi bây giờ khác nào đổ xăng vào đống củi đang cháy.

- Từ bữa trước, tao đã nghi cái thằng chó đẻ đó, nhưng mày cứ một sống hai chết kêu là nó trung thành, nó thật lòng theo tao… Trời ơi, nó lừa tao…

Đường rít lên. Quai hàm bạnh ra, hắn đấm vào ngực bình bịch:

- Thế nào tao cũng phải lột da thằng công an đó, tao sẽ đem mìn cho nổ tung bọn công an hình sự, tao sẽ giết Năm Sang. Mày, mày phải tìm mọi cách trong mười ngày lôi được thằng công an đó về đây cho tao.

***

Theo lệnh của đại ca Năm Nhỏ, tối nay bọn du đãng, bụi đời và bọn đầu trộm đuôi cướp ở khu vực thị xã Long Xuyên tập trung trên tầng thượng của khách sạn Miền Tây.

Thường vào tối thứ Bảy, Chủ nhật, khách sạn mới tổ chức bán đồ giải khát trên tầng thượng. Khách lên đo,ù ngoài cái thú được ngắm trăng sao, được hưởng những cơn gió trời mát rượi còn được ngắm nhìn cả thị xã Long Xuyên và thêm nữa là được nghe nhạc Trịnh Công Sơn, nghe giọng hát Thanh Huyền, Khánh Ly hoặc các giọng ca vọng cổ của Út Trà Ôn, Thành Được, Lệ Thủy. Những cái thú đó được khách sạn tính thêm tiền vào các ly nước giải khát.

Trời chưa tối hẳn, các cô phục vụ đã thấy xuất hiện những gương mặt không mấy thiện cảm mà các cô đã quen. Khi thị xã lên đèn thì toàn bộ lầu thượng đã chật kín bọn du đãng. Chúng gọi cà phê, đá chanh, hoặc sirô rồi lặng lẽ ngồi. Nhìn khắp lượt, các cô phục vụ không sao hiểu nổi bỗng dưng chúng lại hiền lành như vậy. Tất cả bọn chúng, tên nào cũng có vẻ bồn chồn, chờ đợi. Khi thấy chúng lên quá đông, một nhân viên đã gọi trực ban của Công an tỉnh và sau đó ít phút đã được thông báo: “Cứ bán hàng và phục vụ chúng một cách chu đáo. Nếu có chuyện gì xảy ra thì Phòng Cảnh sát hình sự sẽ bồi thường”.

Thuận “đại hàn”, Tuấn “búa” và Phát “mẽo” ngồi một bàn, chúng uống bia 33. Phát “mẽo” dè dặt:

- Tụi bay biết Năm Nhỏ kêu tất cả mọi người lại có chuyện gì không? Thuận “đại hàn” hơi ngạc nhiên:

- Ủa, mày chưa rõ anh Năm sao?

- Tao có nghe láng máng anh Năm đâu là Công an hình sự. Đàn em nó gặp ảnh vô Ty Công an…

Tuấn “búa” gật gù:

- Cũng có đứa bảo tao như vậy. Ngẫm lại thấy có lý. Tụi mày xét thử coi, từ ngày mình kéo nhau về dưới quyền cai quản Năm Nhỏ, tuy chưa có thằng nào bị vào tù ra tội, nhưng lại đói. Bao nhiêu phi vụ mình tính đều đổ bể hết. Công an cứ như có mắt… nè, vụ nhà lão chủ cửa hàng gạo ở Phú Châu, khi mình chuẩn bị thì có mấy cha dân phòng đến đóng “bót” tại đó. Vụ tiệm may con mẹ Tám Oanh, chưa kịp vô thì cảnh sát đi xe Zeép tới kiểm tra hành chánh… Tao ngẫm rồi, những chuyện đó tưởng chừng như vô tình nhưng đâu có phải. Bàn tay Năm Nhỏ xía ngang đó. Thú thiệt với tụi bay, đôi lúc đói quá, tao phải lén anh Năm đi kiếm vặt.

cuoc chien voi tuong cuop bach hai duong (ky x)

Thẻ hồ sơ Bạch Hải Đường

Phát “mẽo” rụt rè:

- Tao cũng vậy, thỉnh thoảng kiếm chút đỉnh xài đỡ. Một lần tao giật đồ của một bà đi lãnh thùng từ Mỹ gởi qua, ai dè chạm mặt Năm Nhỏ. Bữa đó tao tưởng ảnh “oánh” tao nhìn thấy cố nội… Nhưng không, ảnh kêu tao đem trả cho bả và biểu: “Mày cứ từ từ, rồi tao sẽ bày cho cách làm ăn, chớ có dại đem đút đầu vô còng Năm Sang”. Biết tao đói, ảnh đưa tao đi ăn bánh mỳ rồi cho tao năm chục bạc. Mãi cả tuần sau đó, con bồ nhí của tao cho hay là bữa đó Năm Nhỏ bán một mảnh vải “pho”.

Ngừng một lát rồi Phát “mẽo” nói tiếp:

- Tao hỏi tụi bay, nếu bay nghi Năm Nhỏ là cảnh sát, sao Năm Nhỏ không cho túm đầu tụi bay nhét vô trại… thế là xong.

Mậu “pêđê” ngồi im lặng từ đầu, dường như hắn suy nghĩ điều gì lung lắm nên ly cà phê vẫn chưa vơi, giờ mới nêu ý kiến:

- Năm Nhỏ là công an giả danh, đó là cái chắc. Chỉ có điều tụi bay tính sao bây giờ? Bỏ trốn ư? Có mà chạy xuống âm phủ cảnh sát cũng lôi lên. Bay thấy vụ Tư Rỗ, Bảy Khê rồi đó… Còn ngồi chờ Năm Nhỏ cho cảnh sát đến tóm đầu từng tên ư? Thật là hèn nhát. Tao tính thế này, sớm muộn thế nào Năm Nhỏ cũng đưa tụi mình vô trại vì ảnh quá rành tội lỗi của tụi mình rồi, nếu tránh mặt Năm Nhỏ lúc này là chọc vô ổ kiến càng, còn ở lại gặp tao thấy khó quá hà. Vì vậy, tốt hơn hết là mình viết thơ gởi lại ảnh Năm, nói rõ mình biết anh là công an và nói ảnh vì tình nghĩa những ngày anh em sống với nhau mà xin ông Năm Sang tha đừng bắt, rồi tụi mình “chém vè” đâu đó ít ngày cho mọi chuyện nguôi ngoai đi, sau hẵng hay.

Thuận “đại hàn” khoát tay:

- Khỏi đi tụi bay. Nếu Năm Nhỏ tính bắt tụi mình, đâu có khó gì, nay thộp một, mai thộp một, mà ảnh đã đủ mưu mẹo để trở thành thủ lãnh đám du đãng thì có khó gì mà không nghĩ ra cách bắt êm từng đứa. Theo tao, ta cứ ở đây chờ ảnh đến xem sao. Nếu ảnh là con người nghĩa khí, trọng tình chiến hữu, ta sẽ đối xử khác, còn nếu ảnh đưa mình vô tù ra tội… Hừ! Ta coi đó là một sự phản bội, kiếp này ta không trả được hận thì truyền cho con cháu nhớ lời mà tính.

Có tiếng “chào anh Năm” làm cả bọn giật mình quay lại. Chúng dụi mắt nhìn khi thấy anh Năm Nhỏ chỉnh tề trong bộ đồ cảnh sát gắn hàm Trung úy. Phạm Thanh Sơn nói lớn:

- Chào các anh em!

- Dạ, chào… chào anh Năm!

- Chào… đại ca!

Những đôi mắt kinh ngạc, những cái miệng há hốc, bọn chúng lắp bắp không nên lời.

Phạm Thanh Sơn phì cười khi nghe hai chữ “đại ca”. Giá như anh không mặc đồ cảnh sát, thì chẳng sao, anh đến bên bọn Thuận, Tuấn… và vỗ vai Phát “mẽo”.

- Coi anh Năm lạ quá ta! Tụi bay xoàng lắm, lẽ ra phải biết anh Năm là cảnh sát từ lâu rồi chớ – Sơn khoát tay – Thôi các anh em, bữa nay tôi có vài lời nói với các anh em. Trước hết, các anh em đừng thấy tôi mặc bộ đồ này mà nghĩ bậy. Ta nói chuyện với nhau như bạn bè, như anh em.

Cả bọn nhốn nháo xô ghế đứng dậy đến gần Phạm Thanh Sơn, còn mấy cô phục vụ thấy cảnh đó cũng tròn mắt ngạc nhiên. Với Phạm Thanh Sơn, các cô còn lạ gì khi đã bao nhiêu lần anh có mặt ở đây với mái tóc dài cồm cộp, bẩn thỉu và với tư cách là tên trùm du đãng.

- Lẽ ra tôi không phải đóng vai du đãng như trước, bởi vì tôi là công an, quân của ông Năm Sang, người mà các anh em biết quá rành. Thẻ công an của tôi đây, ai không tin coi thử. Sơn rút tấm thẻ đỏ trong túi ra giơ cao – Nhưng ngặt vì nỗi cấp trên giao cho tôi phải làm như vậy vì đất An Giang này đạo tặc nhiều quá. Anh em thấy đó, không có ngày nào là không có cướp giật, trộm cắp, giết người… Nhiệm vụ của chúng tôi là phải dẹp đám đó, đem lại bình yên cho các bà con, cô bác, trong đó có gia đình của các anh em. Trong những ngày qua, nhờ có sự giúp đỡ của các anh em mà công an chúng tôi đã bắn chết Tư Rỗ, Bảy Khê, đã bắt sống được băng cướp của tên Soi Kha, bắt bọn cướp ở biên giới và hiện nay chúng tôi đã bắt được tên Bạch Hải Đường, và khám phá ra nhiều vụ án còn lại từ trước. Sự giúp đỡ của anh em, đã được cấp trên ghi nhận. Ông Mười Việt Trưởng ty Công an và ông Năm Sang nhờ tôi chuyển tới anh em lời cảm ơn. Số anh em đã cung cấp cho Cơ quan Công an những tin tức về bọn cướp của, giết người sẽ được xét thưởng.

Thưa các anh em. Tôi biết các anh em là những người nghèo khó, gia đình cơ cực, vì lẽ này, lẽ khác nên mới phải lang thang bụi đời rồi thành du đãng, trộm cướp. Cái này, lỗi là do anh em một phần không chịu lao động làm ăn lương thiện, một phần do chế độ cũ để lại và một phần do nền kinh tế nước nhà sau chiến tranh chưa thể hồi phục được…

Từ bữa nay trở đi, tôi khuyên anh em nên trở về quê quán hoặc tìm công việc mà làm ăn, đừng đi theo con đường này nữa. Còn các anh em, nếu ai cần gì mà trong phạm vi Năm Nhỏ này giúp đỡ được xin cứ tới trụ sở, tôi sẽ gắng giúp.

Phạm Thanh Sơn ngừng lời. Một bầu không khí im lặng nặng nề đè lên vai những “đệ tử”. Mậu “pêđê” ấp úng:

- Anh Năm hứa thiệt chớ?

- Thiệt! Từ xưa tới nay Năm Nhỏ chưa để mất chữ tín.

Nghe Sơn nói chắc chắn, bầu không khí im lặng bị vỡ ra.

- Anh Năm hứa thiệt bay ơi!

- Anh Năm bỏ qua cho đàn em nghe!

- Vậy chớ em xin đi học được không anh Năm?

Những đứa trẻ xúm lại, chúng sờ áo, sờ quần của anh:

- Chà, anh Năm có bộ đồ mới dữ, còn thơm mùi vải.

- Anh Năm hết sảy!

(Xem tiếp kỳ sau)

N.N.P

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc