Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung Quốc mở màn

08:22 | 06/07/2023

572 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trung Quốc đã quyết định hạn chế xuất khẩu những kim loại quan trọng trong hoạt động sản xuất chip điện tử và xe điện, gây nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Biện pháp này được cho là cách phản ứng với những hạn chế mà Washington áp đặt vào ngành công nghệ của Trung Quốc.
Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung Quốc mở màn

Theo thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 3/7, vì lý do an ninh quốc gia, nước này sẽ hạn chế xuất khẩu 8 sản phẩm chứa gallium - dẫn xuất của nhôm, kẽm và 6 sản phẩm chứa germanium - chiết xuất kim loại hiếm, kể từ ngày 1/8.

Các nhà phân tích cho rằng động thái này rõ ràng nhằm gửi một thông điệp tới Tổng thống Joe Biden, đã “đàn áp” ngành công nghiệp chip của Trung Quốc và thúc đẩy các đồng minh như Nhật Bản và Hà Lan làm điều tương tự.

Dù Bắc Kinh không đề cập thẳng, nhưng giới chuyên gia xem đây là động thái đáp trả những hạn chế do Washington và một số đồng minh áp đặt lên hoạt động xuất khẩu chất bán dẫn của Trung Quốc.

Thông báo của Bộ Thương mại ngay lập tức đẩy giá gallium và germanium tăng vọt và gây lo ngại cho những công ty sử dụng chúng. Ông Peter Arkell - chủ tịch Hiệp hội Khai thác Toàn cầu tại Trung Quốc (GMAC), cho biết: “Trung Quốc đánh đâu trúng đó”.

Động thái của Trung Quốc cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng hạn chế xuất khẩu đất hiếm, khi Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản 12 năm trước do tranh chấp với Tokyo.

Trung Quốc là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới, đặc biệt được sử dụng trong xe điện và thiết bị quân sự.

Biện pháp đối phó thứ hai này của Trung Quốc được các nhà phân tích coi là quan trọng nhất trong cuộc chiến công nghệ lâu dài giữa Mỹ và Trung Quốc.

Peter Arkell cho rằng: “Mong chờ có một quốc gia khác có thể thay thế Trung Quốc (trên thị trường kim loại hiếm) trong ngắn hạn hay trong trung hạn, là một suy nghĩ rất hão huyền”.

Mặt khác, Trung Quốc đã phát động cuộc “phản công công nghệ” trong thời điểm Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen chuẩn bị ​​đến thăm Bắc Kinh trong tuần này. Giới truyền thông xem đây là một thông điệp rõ ràng gửi đến Washington.

Tuy nhiên, Mỹ không phải là nước nhập khẩu gallium và germanium lớn nhất của Trung Quốc. Theo dữ liệu từ chuyên trang Caixin, những khách hàng nhập khẩu gallium lớn nhất của Trung Quốc là Nhật Bản, Đức và Hà Lan; còn đối với germanium, thì là Nhật Bản, Pháp, Đức và Mỹ.

Để tiếp tục nhập khẩu, các công ty nước ngoài sẽ phải chờ doanh nghiệp Trung Quốc xin giấy phép xuất khẩu, vốn cần đến 2 tháng để cấp.

Tuy nhiều doanh nghiệp đã tiên lượng được khả năng Trung Quốc áp đặt hạn chế, thời điểm đưa quyết định này vẫn làm họ bất ngờ. Theo nhận xét của một người đại diện ẩn danh cho một công ty khai thác germanium tại Trung Quốc, giá tăng đột biến sẽ làm chi phí sản xuất tăng vọt. Có khả năng nhiều công ty dọc theo chuỗi sẽ bị mất doanh thu.

Các quan chức Đài Loan và Hàn Quốc thì ít lo lắng hơn, vì họ cho rằng biện pháp này chỉ có tác động trong thời gian ngắn.

Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng nước này có đủ trữ lượng gallium và có nhiều nguồn cung thay thế cho germanium.

Tổng thống Biden 100 ngày cầm quyền: Giữ trừng phạt thời Trump và tìm bạn bè trong cuộc chiến công nghệ với Trung QuốcTổng thống Biden 100 ngày cầm quyền: Giữ trừng phạt thời Trump và tìm bạn bè trong cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc

Ngọc Duyên

AFP