Cuộc cách mạng thứ hai của Bill Gates

10:17 | 15/12/2011

827 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hình ảnh Bill Gates sẽ không còn gắn với máy tính nữa thay vào đó là những ống vắcxin và nụ cười của trẻ em nghèo trên thế giới.

Để cung cấp vắc-xin cho hơn 250 triệu trẻ em nghèo trên toàn thế giới, Gates đã nỗ lực huy động hàng tỉ USD.

Phiên bản Bill Gates 1.0 từng làm nên thành công vang dội của Microsoft với các sản phẩm để đời như phần mềm hệ điều hành Windows, phần mềm ứng dụng văn phòng Microsoft Office hay thiết bị trò chơi điện tử Xbox, nay đã lui vào dĩ vãng. Phiên bản thay thế sẽ là Bill Gates 2.0 với hình ảnh một người tiên phong trong cuộc chiến chống bệnh tật và đói nghèo trên toàn thế giới, thông qua vũ khí chiến lược là vắc-xin ngừa bệnh.

Lật lại những quan niệm cũ

Trước đây, khi đánh giá về chất lượng của 2 lĩnh vực giáo dục và y tế, người ta dựa trên 2 công thức đơn giản:

Chất lượng học sinh = số lượng giáo viên/số lượng học sinh

Chất lượng y tế = tổng nguồn lực/dân số

Theo đó, để tăng chất lượng học sinh, căn cứ vào công thức trên, người ta sẽ chọn cách tăng số lượng giáo viên và/hoặc giảm số lượng học sinh. Sĩ số các lớp học theo mô hình này thường có quy mô nhỏ và không bao giờ vượt quá 20 học sinh/lớp. Gates từng ủng hộ mô hình này nhưng về sau chính bản thân ông cũng nghi ngờ tính hiệu quả của nó. Ông lật lại vấn đề và phát hiện, chính chất lượng giáo viên, chứ không phải số lượng giáo viên, mới đóng vai trò quyết định.

Từ phát hiện trong lĩnh vực giáo dục, Gates tiếp tục đặt nghi vấn về lĩnh vực y tế. Ông nhận thấy, ngoài việc tăng tổng nguồn lực, ở dạng các khoản tài trợ tiền, thuốc men, vắc-xin…, hiệu quả còn phụ thuộc vào việc giảm đà tăng dân số. Giải pháp này không mới bởi trước Gates, thế giới đã cho rằng dân số tăng chính là nguy cơ của đói nghèo, bệnh tật. Vì thế, để giải quyết tình trạng này, phải kìm hãm tốc độ tăng dân số. Nhưng nếu thế thì vì sao đến nay, đói nghèo, bệnh tật vẫn không được cải thiện? Tiếp tục đào sâu vấn đề, Gates tự hỏi: “Vì sao ở các nước nghèo, mỗi gia đình đều sinh nhiều con?”

Ông bắt đầu thu thập dữ liệu và giật mình phát hiện, ở một xã hội, khi tỉ lệ tử xuống dưới 1% thì tỉ lệ sinh cũng giảm. Tại điểm đó, dân số phát triển ổn định và hoàn toàn trong tầm kiểm soát. Ông còn phát hiện thấy ở những nước nghèo, sở dĩ các gia đình có nhiều con không phải vì họ muốn có một đại gia đình. Với họ, có nhiều con là một “giải pháp dự dòng”, bởi họ biết với điều kiện sống nghèo khó và nhiều bệnh tật như thế, một số đứa con của họ sẽ chết. Phát hiện điều này, Gates nỗ lực huy động hàng tỉ USD để giúp những đứa trẻ đã ra đời được sống. “Khi hiểu được điều này, chúng tôi chú trọng vào vắc-xin. Đây là giải pháp có tác động mạnh mẽ nhất và cũng có chi phí thấp nhất”, Gates cho biết.

Gates đã đóng góp 100 triệu USD cho Liên hiệp Quốc và số tiền này được tổ chức hoạt động trong lĩnh vực y tế PATH quản lý và mua vắc-xin cung cấp cho trẻ em các nước nghèo. Năm 1994, Gates thành lập quỹ Gates Foundation nhằm giải quyết 2 vấn đề: sức khỏe và các nhu cầu cộng đồng. Đến nay, tổng số tiền mà Quỹ nhận được là 36 tỉ USD, trong đó 25 tỉ USD đã được chi cho các dự án trên toàn thế giới.

Gần đây, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp Quốc (Unicef) thông báo số lượng trẻ em cần được tiêm chủng các vắc-xin cơ bản phòng bệnh bại liệt, bạch hầu, uốn ván đã tăng lên 3 lần. “Trẻ em các nước nghèo có nguy cơ tử vong vì những căn bệnh này cao gấp 50 lần trẻ em ở các nước giàu”, Gates cho biết.

Sức mạnh của một thị trường bền vững

Nhiều công ty dược như GlaxoSmithKline (GSK) có khả năng sản xuất ra nhiều vắc-xin cho trẻ em. Tuy nhiên, giá thành lại quá cao so với khả năng chi trả của người dân ở những quốc gia nghèo, dẫn đến những người cần vắc-xin nhất lại ít có khả năng tiếp cận nhất. Dĩ nhiên, các công ty này vẫn muốn trẻ em các nước nghèo được chủng ngừa, nhưng các thị trường này thường không đủ lớn và ổn định để họ có thể hoàn vốn. Họ mắc kẹt giữa 2 lựa chọn: tính nhân đạo và lợi nhuận.

Năm 1999, tại Bellagio (Ý), Gates cùng với Unicef, Ngân hàng Thế giới, Liên hiệp Quốc và các công ty dược đã thành lập GAVI Alliance (Liên minh toàn cầu về vắc-xin và chủng ngừa). Gates đóng góp 2,5 tỉ USD tiền mặt cho liên minh này cùng với ý chí và nhiệt huyết của ông.

GAVI hoạt động theo 2 tôn chỉ. Thứ nhất, tổ chức yêu cầu các nước đang phát triển cùng hỗ trợ tài chính cho chương trình vắc-xin, dù với mức giá tượng trưng chỉ 0,2 USD/liều. Thứ hai, các nước này phải có hệ thống lưu trữ và theo dõi để đảm bảo vắc-xin đến được với những trẻ em đang cần chúng, đồng thời xây dựng một hệ thống cung cấp vắc-xin bền vững. Hai yếu tố này sẽ tạo nên một thị trường bền vững thu hút các công ty dược nước ngoài đến đầu tư. Ngoài ra, để tăng tính cạnh tranh, mở rộng nguồn cung và giảm giá bán, GAVI khuyến khích các hãng dược từ Trung Quốc, Ấn Độ tham gia đấu thầu hợp đồng.

Thành quả đạt được rất ấn tượng. Trong 7 năm trở lại đây, giá bán loại vắc-xin chủng phòng ngừa 5 chứng bệnh: bại liệt, bạch hầu, uốn ván, ho gà và Hib (một loại vi khuẩn gây viêm phổi và viêm màng não ở trẻ em) đã giảm 40%. Giá vắc-xin ngừa viêm gan B cũng giảm đến 68% trong cùng khoảng thời gian. Kỷ lục giảm giá thuộc về vắc-xin Rotarix của GSK có tác dụng ngăn ngừa virus gây viêm ruột và dạ dày. Giá bán loại vắc-xin này giảm từ 102 USD/liều xuống chỉ còn 2,5 USD/liều và hãng dược Ấn Độ Bharat Biotech cho biết họ có thể giảm giá vắc-xin này xuống chỉ còn 1 USD/liều.

Với các loại vắc-xin mới và có giá bán cao hơn như vắc-xin ngừa viêm phổi, GAVI làm việc với các hãng dược lớn như Pfizer, Merck. Theo đó, tổ chức này đảm bảo mua một lượng vắc-xin đủ lớn để các công ty dược đạt được hiệu quả kinh tế, đổi lại, họ cam kết một mức giá trần cho các loại vắc-xin cung cấp cho GAVI trong dài hạn. Chẳng hạn như tại Mỹ, vắc-xin ngừa viêm phổi hiệu Prevnar của Pfizer được bán với giá 114 USD/liều, nhưng khi cung cấp cho GAVI, mức giá sẽ không được vượt quá 3,5 USD/liều.

Để cung cấp vắc-xin cho hơn 250 triệu trẻ em nghèo trên toàn thế giới, GAVI phải huy động hơn 3 tỉ USD từ chính phủ các nước Anh, Na Uy, Mỹ và Gates sẵn sàng rót 1 tỉ USD để dự án triển khai nhanh chóng. Kết quả thật mỹ mãn: 3,4 triệu trẻ em không còn mắc viêm gan B, 1,2 triệu trẻ không còn bị sởi, 560.000 trẻ được chủng ngừa vi khuẩn Hib, 474.000 trẻ được chủng ngừa bệnh ho gà, 140.000 được chủng ngừa bệnh sốt vàng da và 30.000 trẻ em được chủng ngừa bại liệt. Trong năm 2010, nhờ những sáng kiến mới mà hơn 9.000 mạng người được cứu sống khỏi viêm phổi và tiêu chảy.

Căn bệnh ám ảnh Gates lớn nhất là sốt rét. Hằng năm, căn bệnh này cướp đi sinh mạng của hơn 800.000 người. Đến nay, Gates đã chi hơn 200 triệu USD cho một loại vắc-xin do GSK phát triển, có khả năng giảm tỉ lệ lây nhiễm xuống còn một nửa. Mới đây, quỹ Gates Foundation tài trợ 1 triệu USD cho nhà khoa học Szabolcs Marka để tạo ra các thiết bị đuổi muỗi bằng bức tường ánh sáng hồng ngoại.

Khi được hỏi giữa 2 thành tựu lớn nhất đời mình là phần mềm máy tính và vắc-xin chủng ngừa, cái nào quan trọng hơn, Gates chia sẻ: “Thật khó mà so sánh bởi chúng thuộc 2 hệ quy chiếu khác nhau. Nhưng nếu xét trên hệ quy chiếu là những mảnh đời được cứu giúp, chiến thắng dành cho vắc-xin là điều không cần bàn cãi”.

Theo Nhịp cầu Đầu tư

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc