Xuất nhập khẩu điện tử, máy tính và linh kiện - Động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế

12:27 | 09/10/2024

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, sự phát triển của mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện có ảnh hưởng khá lớn đến phát triển chung của xuất khẩu cả nước.

Theo Tổng cục Thống kê, công nghiệp điện tử là ngành sản xuất, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh đến các ngành công nghiệp khác, đồng thời là thước đo trình độ phát triển kinh tế - kỹ thuật của mọi quốc gia trên thế giới. Những năm qua, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Các doanh nghiệp điện tử hoạt động tại Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI) hiện đã sản xuất được hầu hết các sản phẩm điện tử thiết yếu như điều hòa nhiệt độ, tivi, máy giặt, điện thoại, máy in… Các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước đa dạng về chủng loại, màu sắc, mẫu mã, có chất lượng tốt, đáp ứng được phần lớn nhu cầu trong nước và đã xuất khẩu đi một số quốc gia trên thế giới. Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng khoảng 18% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.

Xuất nhập khẩu điện tử, máy tính và linh kiện - Động lực tăn trưởng quan trọng của nền kinh tế
Trong giai đoạn từ năm 2011-2023, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Để thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử phát triển nhanh, bền vững, cần xác định rõ chiến lược phát triển của ngành; trong đó, chú trọng tới việc xác định sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá. Nắm bắt được tầm quan trọng đó, nên các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng tăng, nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn, Fukang Technology, LG Display Hải Phòng. Các sản phẩm máy vi tính và linh kiện điện tử ngày càng đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, cơ cấu xuất khẩu sản phẩm điện tử có sự chuyển biến tích cực, trong đó tỷ trọng nhóm hàng nguyên chiếc và bán thành phẩm có xu hướng ngày càng tăng.

Là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, sự phát triển của mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện có ảnh hưởng khá lớn đến phát triển chung của xuất khẩu cả nước. Nếu như năm 2011, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện mới chỉ chiếm 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2015 tỷ trọng đã gấp 2 lần, chiếm 9,6% và luôn duy trì mức trên 10% từ đó đến nay (2016 chiếm 10,7%; 2017 chiếm 12,2%; 2018 chiếm 12,1%; 2019 chiếm 13,7%; 2020 chiếm 15,8%; năm 2021 chiếm 15,1%; năm 2022 chiếm 14,9% và sơ bộ năm 2023 chiếm 16,3%, là nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu). Năm 2022, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện vươn lên đứng thứ 2 trong 8 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD của Việt Nam. Đến năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này đã chiếm vị trí dẫn đầu trong tổng số 7 mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD (giảm 1 mặt hàng là thủy sản), đạt 57,3 tỷ USD; tiếp sau là điện thoại và linh kiện đạt 52,4 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 43,1 tỷ USD; dệt may đạt 33,3 tỷ USD; giầy dép đạt 20,2 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 14,2 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,5 tỷ USD.

Trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng lần lượt các năm là: 2011 tăng 29,9%; năm 2012 tăng 68,4%; năm 2013 tăng 35,5%; năm 2014 tăng 7,5%; năm 2015 tăng 36,5%; năm 2016 tăng 21,5%; năm 2017 tăng 38,6%; năm 2018 tăng 12,5%; năm 2019 và năm 2020 cùng tăng 22,8%; năm 2021 tăng 13,5%; năm 2022 tăng 9,7%; riêng năm 2023 ước tính tăng thấp 3,2% do bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu suy giảm. Bình quân cả giai đoạn 2011-2023 tăng 23,8%. Đây là mức tăng rất ấn tượng đối với một mặt hàng xuất khẩu trong hơn 10 năm qua.

Xuất nhập khẩu điện tử, máy tính và linh kiện - Động lực tăn trưởng quan trọng của nền kinh tế
Giá trị xuất khẩu mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện giai đoạn 2011-2023 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Nhờ có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nên giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện vượt qua mặt hàng dệt may và trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực lớn thứ 2 của Việt Nam vào năm 2022. Từ tháng 5/2023, mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã tiếp tục vượt qua mặt hàng điện thoại và linh kiện để trở thành nhóm hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất (đạt 20,5 tỷ USD, vượt qua điện thoại và linh kiện đạt 20,2 tỷ USD).

Nhập khẩu mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện cũng đạt những con số ấn tượng trong hơn 10 năm qua. Nếu như năm 2010, nhập khẩu điện tử, máy tính và linh kiện mới chỉ chiếm 6,1% tổng kim ngạch nhập khẩu thì đến năm 2015 tỷ trọng đã gấp hơn 2 lần, chiếm 14% và liên tục tăng cao từ đó đến nay (2016 chiếm 16%; 2017 chiếm 17,7%; 2018 chiếm 18,2%; 2019 chiếm 20,3%; 2020 chiếm 24,3%; năm 2021 chiếm 22,7%; năm 2022 chiếm 22,8% và sơ bộ năm 2023 chiếm 27%, là nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch nhập khẩu).

Năm 2010, mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện chỉ đứng thứ 3 về giá trị trong tổng số các mặt hàng nhập khẩu, đạt 5,2 tỷ USD (sau sắt thép 6,2 tỷ USD và vải 5,4 tỷ USD). Đến năm 2011, mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã vươn lên dẫn đầu với kim ngạch nhập khẩu đạt 7,9 tỷ USD, chiếm 7,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Trong giai đoạn từ 2011 đến 2022, giá trị nhập khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao. Tốc độ tăng lần lượt các năm là: 2011 tăng 51,2%; năm 2012 tăng 67,2%; năm 2013 tăng 35,1%; năm 2014 tăng 5,8%; năm 2015 tăng 23,3%; năm 2016 tăng 20,9%; năm 2017 tăng 34,6%; năm 2018 tăng 14,4%; năm 2019 tăng 19,4%; năm 2020 tăng 24%; năm 2021 tăng 18,1%; năm 2022 tăng 8,4% và năm 2023 ước tính tăng 7,4%. Bình quân cả giai đoạn 2011-2023 tăng 24,3%.

Xuất nhập khẩu điện tử, máy tính và linh kiện - Động lực tăn trưởng quan trọng của nền kinh tế
Trị giá nhập khẩu mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện giai đoạn 2011-2023 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Trong 2 năm 2022 và 2023, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn do hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 và những khủng hoảng chính trị, quân sự trên thế giới nên mức tăng thấp hơn các năm trước. Sang năm 2024, hoạt động xuất, nhập khẩu nói chung và xuất, nhập khẩu mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện nói riêng đã phục hồi ấn tượng. Trong 9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,4%; nhập khẩu tăng 17,3%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,79 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu điện tử, máy tính và linh kiện - Động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế
Xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2024 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Tính chung 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 83,47 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 216,16 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 72,1%. Trong 9 tháng năm 2024 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%). Điện tử, máy tính và linh kiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong khi nhiều ngành sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đang nỗ lực hồi phục sau dịch Covid-19, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện sơ bộ đạt 52,8 tỷ USD, chiếm 17,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng mạnh 27,4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong nhóm các mặt hàng có giá trị xuất khẩu dẫn đầu. Các thị trường xuất khẩu lớn của nhóm hàng này là chủ yếu vẫn là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc.

Về nhập khẩu, tính chung 9 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 278,84 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 100,85 tỷ USD, tăng 18,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 177,99 tỷ USD, tăng 16,5%. Trong chín tháng năm 2024 có 40 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 91,5% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 3 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 45%). Trị giá nhập khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện sơ bộ đạt 79,1 tỷ USD, chiếm tới 28,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng mạnh 25,8% so với cùng kỳ năm trước, cũng là mức tăng cao nhất trong nhóm các mặt hàng có giá trị xuất khẩu dẫn đầu.

Như vậy sau 9 tháng năm 2024, mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã xuất khẩu 52,8 tỷ USD, nhập khẩu 79,1 tỷ USD, tổng giá trị xuất, nhập khẩu đạt 131,9 tỷ USD. Với giá trị nhập khẩu đã đạt được và tốc độ tăng cao như hiện tại, hoàn toàn có cơ sở để hy vọng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện là mặt hàng đầu tiên trong lịch sử đạt giá trị nhập khẩu 100 tỷ USD vào năm 2024.

Trong thời gian gần đây, đặc biệt kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chính thức nổ ra đầu năm 2018 thì triển vọng phát triển của ngành sản xuất điện tử, máy tính và linh kiện được nhiều chuyên gia đánh giá là sáng sủa khi Việt Nam có cơ hội đón sóng đầu tư của các tập đoàn công nghệ lớn. Trong 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng chung 8,6% của toàn ngành công nghiệp, trong đó sản xuất linh kiện điện tử tăng 10,5%. Đây là một tín hiệu tích cực về sự phục hồi của sản xuất cũng như xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện trong năm 2024, dự báo một năm tăng trưởng mạnh mẽ và đóng góp tích cực của ngành này vào sự phục hồi của cả nền kinh tế Việt Nam.

Mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam chưa hướng mạnh vào chế biến sâu, chưa phát triển sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, tỷ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao còn thấp. Năng lực các doanh nghiệp nội địa trong ngành vẫn còn hạn chế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp điện tử nội địa có tiếng trước đây đang phát triển chậm lại hoặc mất dần thương hiệu và chiếm thị phần nhỏ. Mặc dù có một số nhãn hiệu điện tử trong nước mới nổi, tuy nhiên thị trường điện - điện tử dân dụng trong nước chủ yếu do các thương hiệu nước ngoài chiếm lĩnh.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế, các doanh nghiệp FDI đã có những chính sách nhất định nhằm hỗ trợ các nhà cung ứng nội địa và bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng rất nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để tận dụng cơ hội và thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp ngành điện tử cần nâng cao năng lực để có thể tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu chuỗi đang hoạt động tại Việt Nam và tăng cường tham gia các hoạt động, sự kiện kết nối kinh doanh để có thể tận dụng được những cơ hội kết nối với doanh nghiệp điện tử EU.

Ngoài ra, để chủ động và phát triển nhanh, bền vững cho ngành công nghiệp điện tử hiện nay, cần xây dựng các biện pháp bảo vệ thị trường điện - điện tử tiêu dùng (như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhập lậu…). Đồng thời tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện - điện tử gia dụng.

Ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển khi Việt Nam có vị trí địa lý nằm trong khu vực có nền công nghiệp phát triển nhanh và năng động. Thêm vào đó là thị trường nội địa hơn 100 triệu dân và khả năng tiếp cận trực tiếp với thị trường 600 triệu dân của khu vực ASEAN, thị trường xuất khẩu quốc tế rộng lớn nhờ tham gia vào các hiệp định thương mại tự do.

Ngoài ra, Việt Nam còn sở hữu nguồn lao động dồi dào và được đánh giá là học hỏi nhanh trong khai thác, sử dụng và lắp ráp các thiết bị điện tử, kể cả các thiết bị điện tử hiện đại. Chi phí nhân công lao động tương đối thấp tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp so với các doanh nghiệp trong khu vực…

Việt Nam cũng là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng cần thiết để phát triển công nghiệp vật liệu điện tử như: quặng sắt, đất hiếm, titan, rutin, barit, ilmenit… Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có an ninh chính trị ổn định, đây là yếu tố quan trọng bậc nhất với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Điều này đã tạo lòng tin cho các nhà đầu tư nước ngoài về một môi trường đầu tư an toàn, cùng với khuôn khổ pháp lý và thể chế được cải thiện đáng kể đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian qua.

D.Q