Công nghiệp Việt Nam với sứ mệnh tăng trưởng "hai con số"
Trong Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2025, lần lượt các mức tăng trưởng GDP là 6,5-7%, 8% và 10%. Trong đó, ngành Công nghiệp vẫn là chủ lực có tính dẫn dắt nền kinh tế nước ta có ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
![]() |
Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trên diện rộng trong năm 2024, hứa hẹn sẽ là động lực phát triển chính của cả nước trong năm 2025. |
Tại kịch bản tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2025 tăng 6,5-7% thì tăng trưởng của ngành công nghiệp sẽ đạt mức 6,6-7,5% so với năm 2024. Cụ thể, tăng trưởng công nghiệp quý I/2024 sẽ là 6,4-6,9%; quý II là 6,7-7,6%; quý III là 6,8-7,6% và quý IV là 6,9-7,7%. Ở kịch bản này, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến sẽ có mức tăng trưởng 7,4-8,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng trưởng từ 9,9-10,6%.
Ở kịch bản GDP tăng trưởng 8% trong năm 2024, ngành công nghiệp sẽ có mức tăng trưởng 9,3% trong năm 2025. Trong đó, quý I tăng 8,8%; quý II 9,4%; quý III 9,2% và quý IV 9,6%. Ở kịch bản này, ngành Công nghiệp chế biến chế tạo có thể đạt mức tăng 11% và ngành sản xuất, phân phối điện có mức tăng dự kiến là 11,3%.
Tại kịch bản cao nhất, dự kiến tăng trưởng GDP tăng 10% so với năm 2024, ngành công nghiệp dự kiến sẽ có mức tăng 11,9%. Trong đó, quý I/2025 tăng 11%; quý II/2025 tăng 11,9%; quý III tăng 11,8% và quý IV tăng 12,6%. Ở kịch bản này, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến đạt mức tăng 12,5% và ngành sản xuất, phân phối điện đạt mức tăng 14,1%.
Nghị quyết số 01/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 được ban hành vào ngày 8/1 cũng nêu rõ, năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để Việt Nam tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Theo đó, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và cả giai đoạn 2021-2025, Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu 2 con số trong điều kiện thuận lợi hơn.
Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ giao mục tiêu cụ thể cho Bộ Công Thương trong một số ngành, lĩnh vực. Trong đó, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 12%, phấn đấu khoảng 14%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10%, phấn đấu khoảng 12%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9-10%, phấn đấu khoảng 12,5%; tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C 20-22%; tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử đạt từ 60-62%...
Có thể thấy rằng, cùng với sự quyết liệt của Đảng và Chính phủ trong công tác tổ chức cán bộ trên cả nước, sự tinh giản các nguồn lực để tập trung cho phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân chắc chắn trong năm 2025, kinh tế nước ta sẽ có bước "chuyển mình" mạnh mẽ thực sự chứ không còn là mong đợi hay trên lý thuyết xuông.
Tùng Dương
-
5 địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế trong quý I/2025
-
Tin tức kinh tế ngày 12/4: Chính phủ giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng từ 8%
-
Petrovietnam: Tiên phong trong chuyển dịch năng lượng và tăng trưởng xanh bền vững
-
Tin tức kinh tế ngày 9/4: ADB dự báo kinh tế Việt Nam năm 2025 tăng trưởng 6,6%
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025
-
Thị trường vàng tăng "nóng", Phó Thủ tướng chỉ đạo khẩn
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 18/4: Mỹ tiếp tục trừng phạt ngành dầu mỏ Iran
-
Kỳ vọng và lo ngại của ngành dầu khí Mỹ dưới thời ông Trump
-
Tin tức kinh tế ngày 17/4: Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trở lại vị trí số 1