Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam: Đừng tự… giết mình!?
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc tại Diễn đàn CEO 2015 khi đề cập đến những thách thức mà nền kinh tế đang phải đối diện trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đã thẳng thắn nêu quan điểm: Với việc có tới 96% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nền kinh tế đang rơi vào hội chứng doanh nghiệp cỡ vừa. Trong khi đó, thực tế phát triển kinh tế các nước cho thấy, doanh nghiệp cỡ vừa chính là mắt xích vô cùng quan trọng để nền kinh tế có thể kết nối vào giá trị toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu những doanh nghiệp cỡ lớn (chỉ có khoảng 2% doanh nghiệp lớn). Và nếu quá nhỏ thì sẽ không đủ năng lực về vốn, công nghệ, quản trị để có thể đạt chuẩn giá trị quốc tế, tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu.
![]() |
Dệt may Việt Nam chủ yếu là gia công cắt, may |
“Trong số các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động thì doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, doanh nghiệp vừa chiếm 2%, còn lại 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Quy mô nhỏ, tính chất phi chính thức lớn, quản trị yếu kém, công nghệ thấp, khó tiếp cận nguồn vốn, khó tiếp cận thị trường, sức cạnh tranh không cao… đang là thực trạng phổ biến của các doanh nghiệp tư nhân trong nước” - Chủ tịch VCCI nói.
Trong khi đó, ông Đặng Đức Thành-Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế (VEC), Ủy viên Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khi đề cập tới sự thiếu hụt doanh nghiệp “đủ tầm” trong nền kinh tế đã ví von rằng: “Nhà nước chỉ huy trận đánh kinh tế nhưng như “tướng không có quân”, không có những người lính làm kinh tế. Nguồn gốc sâu xa của các bất ổn về kinh tế; về nợ công tăng; bội chi ngân sách hằng năm tăng… đó chính là bắt nguồn từ doanh nghiệp chưa đủ về cả số lượng lẫn chất lượng (hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả). Đã không đủ số lượng và chất lượng doanh nghiệp lại rơi rụng dần, hoạt động bấp bênh”.
Nói vậy để thấy rằng, vị trí và vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế, đưa nền kinh tế tham gia sau vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu là vô cùng lớn. Nhưng vì sao Việt Nam lại thiếu hụt một cách nghiêm trọng những doanh nghiệp đủ tầm, có quy mô, năng lực và trình độ quản trị biến lợi thế từ quá trình hội nhập kinh tế thành cơ hội phát triển đất nước như vậy?...
Câu trả lời cho những nội dung trên là không, thậm chí, trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng, Chính phủ đã ban hành và thực thi rất nhiều các chính sách hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Chúng ta có thể kể đến các chiến lược phát triển ngành Dệt may, da giày, ôtô… hay như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, rồi các chính sách ưu đãi thuế như thuế đất, thuế doanh nghiệp… Tất cả những chính sách đó được ban hành đều nhằm mục đích thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực phát triển, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, nâng cao năng lực trình độ khoa học công nghệ... Nhưng như đã nói, sau 30 năm mở cửa hội nhập, Việt Nam hiện mới có chừng 400 ngàn doanh nghiệp và phần lớn trong số đó là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ!
Tại sao lại có tình trạng này?
Trước tiên chúng ta phải thấy rằng, doanh nghiệp Việt Nam “mãi không chịu” lớn, cứ nhỏ và siêu nhỏ là do lối tư duy làm ăn chụp giật, thiếu định hướng, thiếu chiến lược đầu tư dài hạn.
Chúng ta không khó để nhận ra lối tư duy này vào những năm 2006 - 2008 khi thị trường bất động sản sôi động, khả năng sinh lời cao. Doanh nghiệp bất kể là đang hoạt động ở ngành nghề kinh doanh hay lĩnh vực nào cũng nhao vào đầu tư các dự án bất động sản. Nhỏ thì làm 1, 2 tòa đơn lẻ, còn lớn hơn chút, có tiềm lực một chút thì nhao vào đầu tư cả khu, cả cụm khu đô thị. Trong xu hướng đó, có không ít doanh nghiệp đã vượt lên, vươn mình trở thành đại gia, tổng công ty, tập đoàn lớn của nền kinh tế nhưng cũng có không ít doanh nghiệp đã phải “bỏ mạng” trong cuộc chơi đó. Những con số thống kê về số doanh nghiệp phải giải thể, phá sản của các cơ quan chức năng đưa ra thời gian qua đã cho thấy điều đó. Và họ “chết” phần lớn là vì đầu tư theo kiểu chạy theo trào lưu chứ không phải chiến lược. Những chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của Đảng, Chính phủ đưa ra đã vì thế cũng mang lại hiệu quả hết sức khiêm tốn.
Không chỉ hạn chế về quy mô, kém về năng lực, tư duy làm ăn “nông dân”, tính liên kết của các doanh nghiệp Việt Nam trong một ngành, một lĩnh vực rất hạn chế. Và nó cũng xuất phát từ thói quen làm ăn chụp giật, ăn xổi ở thì của hầu hết các doanh nghiệp. Doanh nghiệp khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực nào cũng chỉ nhăm nhăm chọn cho mình khâu có khả năng sinh lời cao nhất, nhanh nhất mà không một ai tính đến việc đầu tư vào các khâu, các mắt xích khác của chuỗi sản xuất hoặc chia sẻ lợi nhuận với các khâu khác để tạo sự phát triển bền vững cả. Và câu chuyện của ngành dệt may chính là minh chứng rõ nhất cho nhận định trên.
Theo đó, hoạt động của ngành dệt may trải dài qua nhiều khâu như sản xuất xơ, sợi, kéo sợi, dệt vải, nhuộm, may mặc… Việc hoàn thiện và phát triển chuỗi sản xuất này được xác định là điều kiện tiên quyết để ngành công nghiệp dệt may phát triển. Tuy nhiên, thực tế thì sao, sau 6 năm triển khai “Chiến lược phát triển, ngành công nghiệp dệt may” vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Giám đốc một doanh nghiệp dệt may lớn ở Hà Nội từng thông tin rằng, phần lớn nguyên phụ liệu dệt may hiện nay là đi nhập khẩu, cá biệt có những phụ liệu các doanh nghiệp phải nhập tới 90%. Vải dùng cho may mặc xuất khẩu thì toàn là vải nhập khẩu, vải sản xuất trong nước nếu có thì cũng chỉ may được quần áo bán trong nước, cùng lắm là bán sang các nước như Lào, Campuchia. Doanh nghiệp nào khi tham gia chuỗi cung ứng này cũng đều nhăm nhăm chọn đầu tư vào khâu may mặc mà không chú ý đến các khâu khác vì tỉ suất lợi nhuận ở khâu này là cao nhất.
Nhưng cũng chính bởi tư duy, cách làm như vậy nên giờ đây, khi quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương được ký kết có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với nguy cơ rủi ro rất lớn. Như ngành dệt may, việc không đáp ứng được yêu cầu xuất xứ nguyên phụ liệu sẽ khiến các doanh nghiệp dệt may không được hưởng thuế xuất 0% vào thị trường Hoa Kỳ - thị trường được kỳ vọng sẽ mang lại cho dệt may Việt Nam hàng tỉ USD.
Không phát triển, mở rộng được thị trường đã đành nhưng các doanh nghiệp Việt Nam còn phải đối diện với nguy cơ thua ngay trên sân nhà bởi cùng với việc mở rộng phát triển thị trường, họ sẽ phải chịu sự cạnh tranh hết sức khốc liệt từ các doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế khác. Mà có một điều chắc chắn, nếu xét về năng lực, trình độ thì những doanh nghiệp đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước EU sẽ cao hơn Việt Nam rất nhiều.
Yêu cầu đổi mới tư duy quản lý, làm ăn kinh tế đang cấp bách hơn bao giờ hết và nếu không có những sự thay đổi kịp thời, chắc chắn, trong dòng chảy hội nhập kinh tế, doanh nghiệp sẽ bị nhấn chìm bất kỳ lúc nào!
Thanh Ngọc
Năng lượng Mới 510
-
Giá vàng hôm nay (12/5): Tiếp tục duy trì ở mức cao
-
Giá dầu hôm nay (12/5): Dầu thô tăng trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 12/5: Nord Stream 2 trước những biến động mới
-
Thống nhất thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả các loại hình báo chí
-
Tối hậu thư từ châu Âu: Nga không ngừng bắn, Nord Stream 2 sẽ bị khai tử