Giải quyết việc làm, tăng hỗ trợ người lao động

13:34 | 23/08/2023

223 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Để giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động (NLĐ), doanh nghiệp (DN) tại TP HCM đang nỗ lực vượt qua khó khăn, tăng “sức khỏe”, hiệu quả hoạt động... Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP HCM cũng có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP HCM - đã có những chia sẻ cụ thể về vấn đề này.

PV: Ông có thể chia sẻ vài nét về tình hình lao động trên địa bàn TP HCM từ đầu năm 2023 đến nay?

Giải quyết việc làm, tăng hỗ trợ người lao động
Ông Lê Văn Thinh

Ông Lê Văn Thinh: Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở LĐ-TB&XH đã tiếp nhận thông báo cho NLĐ thôi việc của 23 DN, trong đó có 14 DN FDI, 8 DN tư nhân và 1 đơn vị sự nghiệp, với số lao động mất việc là 1.137/20.405 người (tăng 9 DN so với cùng kỳ năm 2022, tăng 1.065 lao động mất việc). Tổng số tiền trợ cấp mất việc cho NLĐ là trên 28,515 tỉ đồng theo quy định tại Điều 47 Bộ luật Lao động năm 2019. Bên cạnh đó, số lao động nghỉ việc tại các DN và đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp là 64.860 trường hợp.

Từ đầu năm 2023 đến nay, TP HCM đã giải quyết việc làm cho trên 163.000 lao động (đạt 54,3% kế hoạch), trong đó việc làm mới gần 80.000 vị trí (đạt 52,1% kế hoạch). So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 0,21%, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 0,25%...

PV: Sở LĐ-TB&XH đã có những giải pháp gì hỗ trợ DN cũng như NLĐ gặp khó?

Ông Lê Văn Thinh: Đối với NLĐ bị ngừng việc, thất nghiệp, Sở LĐ-TB&XH phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện để nắm tình hình thông qua các cơ chế kiểm tra giám sát cũng như thông tin của các đoàn thể, đặc biệt là Liên đoàn Lao động TP HCM, Liên đoàn Lao động các quận, huyện để nắm được tình hình “sức khỏe” DN, qua đó tiếp cận, làm việc, nắm bắt những khó khăn của DN.

Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM tiếp cận các DN để nắm bắt số lượng NLĐ bị ngừng, nghỉ việc cũng như ngành nghề, công việc có số đông NLĐ nghỉ việc, đồng thời kết nối với các DN có nhu cầu tuyển dụng. Trách nhiệm của trung tâm là nắm bắt nhu cầu lao động của DN có nhu cầu tuyển và tình hình biến động giảm lao động để kết nối nguồn lực lao động, giới thiệu đến các DN có nhu cầu, để NLĐ và nhà tuyển dụng gặp gỡ nhau.

Thực tế trong những tháng đầu năm 2023, một số DN trên địa bàn thành phố phải cắt giảm quy mô sản xuất, cắt giảm lao động..., đơn cử như Pouyuen Việt Nam. Vì vậy, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM đã thực hiện chỉ đạo này rất nghiêm túc và bước đầu mang lại những hiệu quả nhất định cho NLĐ.

Từ đầu năm 2023 đến nay, TP HCM đã giải quyết việc làm cho trên 163.000 lao động (đạt 54,3% kế hoạch), trong đó việc làm mới gần 80.000 vị trí (đạt 52,1% kế hoạch). So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 0,21%, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 0,25%...

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Liên đoàn Lao động TP HCM thực hiện các chính sách chăm lo, hỗ trợ, chia sẻ với các trường hợp công nhân khó khăn. Mặt khác, Sở LĐ-TB&XH cũng đề nghị các quận, huyện quan tâm các trường hợp công nhân thuê nhà trên địa bàn để có những chính sách hỗ trợ giảm, miễn tiền thuê nhà cho công nhân vượt qua khó khăn.

Không chỉ NLĐ nghỉ việc gặp khó khăn mà chính các DN cũng đang gặp khó khăn. Khó khăn của DN tác động đến NLĐ. Vì vậy, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo để tiếp cận, nắm thông tin của các DN và sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho các DN để phục hồi sản xuất trong thẩm quyền của Sở.

Giải quyết việc làm, tăng hỗ trợ người lao động
Công nhân thất nghiệp sẽ được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm

PV: Đến nay, bao nhiêu NLĐ đã được hỗ trợ việc làm, thưa ông?

Ông Lê Văn Thinh: Tính đến cuối tháng 6-2023, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM tổ chức 59 phiên, sàn giao dịch việc làm trực tuyến; tư vấn việc làm cho gần 70.000 người và có hơn 43.200 người nhận việc.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH cũng tiếp nhận gần 64.860 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, 512 quyết định hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho NLĐ thất nghiệp; tiếp nhận 245.414 lượt NLĐ đến thông báo tìm kiếm việc làm.

Để hỗ trợ NLĐ tốt hơn, cần có sự chung tay của cơ quan, DN, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, đặc biệt là thành phố và trung ương phải có những chính sách lớn để tháo gỡ khó khăn cho DN. Đó mới là cái gốc của câu chuyện giải quyết việc làm cho NLĐ. Bởi lẽ, trong thực tế, nếu kinh tế phát triển, sản xuất tốt thì DN và NLĐ tự tìm đến nhau và tự giải quyết được nhu cầu của nhau một cách chính xác.

Còn trách nhiệm của các sở, ngành là giám sát mối quan hệ lao động đó để động viên, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho NLĐ và người sử dụng lao động thực hiện đúng pháp luật lao động và các chính sách tiền lương, tiền thưởng công bằng, theo đúng cam kết, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.

PV: Ông có thể cho biết, Sở LĐ-TB&XH đã có những giải pháp nào khác hỗ trợ DN cũng như NLĐ gặp khó?

Ông Lê Văn Thinh: Việc tổ chức đào tạo nghề cho NLĐ thất nghiệp, NLĐ đang làm việc trong các DN nhằm giúp NLĐ có điều kiện thay đổi vị trí việc làm, nâng cao năng suất lao động cũng được Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM đã phối hợp với Hiệp hội DN TP HCM tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của NLĐ, kết quả đã có hơn 2.400 NLĐ đăng ký đào tạo nghề và trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2023, Sở LĐ-TB&XH sẽ tổ chức đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo nghề cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thực hiện việc đào tạo nghề theo nhu cầu.

Giải quyết việc làm, tăng hỗ trợ người lao động
Doanh nghiệp dệt may có nhiều cách giữ việc, giữ lao động tại TP HCM

PV: Liên quan đến chương trình giảm nghèo bền vững, trước đây, nguồn vốn cho vay giảm nghèo và giải quyết việc làm được phân bổ ra sao, có vướng mắc gì không, thưa ông?

Ông Lê Văn Thinh: Nguồn vốn cho vay giảm nghèo và giải quyết việc làm được ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP HCM thực hiện cho vay theo quy chế quản lý, sử dụng của các nguồn vốn và văn bản chỉ đạo của UBND TP HCM.

Trước khi Luật Đầu tư công năm 2019 ban hành, việc phân bổ vốn được thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước. Từ khi Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực năm 2020, các cơ quan chuyên môn vẫn chưa thống nhất trong xác định nguồn chi và thủ tục thực hiện để bổ sung vốn cho nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo và nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.

Do vậy, từ năm 2021 đến nay, hai nguồn vốn này chưa được bổ sung để cho vay theo nhu cầu. Việc chậm bổ sung nguồn vốn làm giảm hiệu quả cho vay tín dụng ưu đãi. Nhu cầu của người vay chưa được đáp ứng kịp thời.

PV: Ông có thể cho biết, với Nghị quyết số 98/2023/QH15 về cơ chế đặc thù cho TP HCM, Sở LĐ-TB&XH sẽ tham gia phần việc cụ thể nào?

Ông Lê Văn Thinh: Nghị quyết mới về cơ chế đặc thù cho TP HCM có ghi: Hội đồng nhân dân thành phố quyết định bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm thông qua việc giao UBND thành phố ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP HCM thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm. Hội đồng nhân dân thành phố quy định tiêu chí, điều kiện, mức, nội dung, hình thức và thời gian hỗ trợ.

Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP HCM tổng hợp, cân đối nhu cầu vốn hằng năm và giai đoạn, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND TP HCM ghi vốn bổ sung cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm từ nguồn vốn đầu tư công hằng năm và từng giai đoạn.

Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành liên quan báo cáo UBND thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, mức, nội dung, hình thức và thời gian hỗ trợ của nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm.

Từ khi Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực từ năm 2020, các cơ quan chuyên môn chưa thống nhất trong xác định nguồn chi và thủ tục thực hiện để bổ sung vốn cho nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo và nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm. Do vậy, tại TP HCM, từ năm 2021 đến nay, hai nguồn vốn này chưa được bổ sung để cho vay theo nhu cầu.

PV: Chính sách đó sẽ đem lại những lợi ích gì cho người dân và TP HCM, thưa ông?

Ông Lê Văn Thinh: Nghị quyết số 98/2023/QH15 xác định rõ nguồn chi và thủ tục bổ sung ngân sách thành phố cho nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm, đem lại hiệu quả và lợi ích rất lớn đối với người dân cũng như đối với chính quyền thành phố, cụ thể:

Chính quyền thành phố thống nhất về chủ trương, rõ ràng minh bạch trong cách triển khai thực hiện, xác định rõ trách nhiệm, phối hợp của các cơ quan chuyên môn trong các khâu thực hiện chính sách.

Người dân được hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm. Việc triển khai kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách và NLĐ nghèo trên địa bàn thành phố để sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định, sẽ giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thông qua triển khai các mô hình giảm nghèo hiệu quả.

PV: Kỳ vọng của ông về chính sách mới đó như thế nào?

Ông Lê Văn Thinh: Thông qua cơ chế, chính sách, TP HCM sẽ cân đối, bảo đảm nguồn lực, nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách thành phố để bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn, giúp triển khai kịp thời chính sách tín dụng đến hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách và NLĐ nghèo ở TP HCM để sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định.

Chính sách đó còn góp phần giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ thất nghiệp; góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề cao để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thông qua triển khai các mô hình giảm nghèo hiệu quả; góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP HCM.

PV: Xin cảm ơn ông!

UBND TP HCM đã ban hành Quyết định số 2673/QĐ-UBND ngày 29-6-2023 về kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bảo đảm cung ứng, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn TP HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, thành phố đặt ra mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố; tập trung đẩy mạnh đào tạo nhân lực trình độ cao, theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; cung cấp nguồn nhân lực sau đào tạo có chất lượng cho thành phố và các địa phương trong khu vực Nam Bộ; nâng tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đến cuối năm 2025 đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc và đến năm 2030 đạt tỷ lệ 89%...

Dệt may linh hoạt ứng phó suy thoáiDệt may linh hoạt ứng phó suy thoái
Doanh nghiệp dệt may “chuyển mình” theo xu thế tiêu dùngDoanh nghiệp dệt may “chuyển mình” theo xu thế tiêu dùng
Doanh nghiệp dệt may từng bước đẩy mạnh sản xuấtDoanh nghiệp dệt may từng bước đẩy mạnh sản xuất
Doanh nghiệp dệt may nhọc nhằn “bơi” theo tăng trưởng xanhDoanh nghiệp dệt may nhọc nhằn “bơi” theo tăng trưởng xanh

Phương Vy