Con trẻ biết tin vào ai?
Tình hình phạm tội ở tuổi vị thành niên làm cho xã hội hết sức lo lắng. Số vụ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng do người chưa thành niên tụ tập thành băng, nhóm sử dụng dao, lê, mã tấu có xu hướng tăng, nhiều vụ gây bức xúc dư luận. Trong số trẻ em làm trái pháp luật, 30% ở trong các gia đình có bố mẹ nghiện ma túy, ham mê cờ bạc; 21% trong gia đình làm ăn phi pháp; 8% có anh chị có tiền án, tiền sự; 10,2% mồ côi cả cha lẫn mẹ; 32% mồ côi bố hoặc mẹ; 7,3% có bố mẹ ly hôn. Các bậc làm cha, làm mẹ có con vi phạm pháp luật có khi nào tự hỏi gia đình đã thực sự là tổ ấm, là chỗ dựa của trẻ hay chưa?
Tâm sự cùng ai
Khi phân tích các mối quan hệ trong gia đình Việt Nam, các chuyên gia đưa ra các số liệu đáng ngạc nhiên. Đó là mỗi khi gặp chuyện buồn thì có 47,3% trẻ em (từ 15-17 tuổi) tâm sự với bạn bè, tâm sự với mẹ 26,9%, thứ ba là người thân trong gia đình gồm ông, bà, anh chị em 12,4%, chỉ có 2,6% tâm sự với cha. Các em gái thường tâm sự với bạn bè về bất đồng với cha mẹ nhiều hơn các em trai, còn các em trai thường chọn giải pháp im lặng nhiều hơn các em gái. Vấn đề đặt ra là, nhiều bậc cha mẹ chưa đánh giá đầy đủ vai trò bạn bè trong đời sống tình cảm của con cái, do đó cha mẹ không thể giúp con cái mình giải tỏa chuyện buồn.
Khi gặp khó khăn trong học tập, có đến 57,6% trẻ chọn bạn để tâm sự, 19,7% tâm sự với mẹ, 7,9% chia xẻ với cha, những người thân khác 10,1%. Học vấn cha mẹ càng cao thì càng được con cái tâm sự nhiều hơn.
Qua khảo sát, có 63,4% trẻ tâm sự với bạn về chuyện yêu đương, tiếp theo là người thân trong gia đình 8,4%, mẹ 7,7%, người cha chỉ nhận được 1,3%. Tuy nhiên, có 28,2% cha mẹ không biết bạn thân của con và 11,2% cha mẹ không biết nơi con thường đến chơi. Những số liệu trên cho thấy, cha mẹ cần cải thiện quan hệ với con cái thông qua trao đổi dân chủ, cởi mở, cần vị tha với con hơn khi con mắc lỗi lầm, để con cái coi cha mẹ là chỗ dựa tinh thần vững chắc.
Ở những gia đình mà ông bà giữ vai trò nhất định trong giáo dục trẻ, truyền thống, gia phong được giữ gìn tốt hơn. Tuy nhiên, nhịp sống thị trường đã giằng con trẻ ra khỏi tay nhiều ông bà, trao chúng cho những người xa lạ như người trông trẻ, người giúp việc. Nhiều cha mẹ trẻ đang tước đi quyền giáo dục con cháu của ông bà, “loại” ông bà ra khỏi nhiệm vụ này, phần vì gia đình truyền thống đang nhường chỗ cho gia đình hiện đại hai thế hệ, phần do sự mất lòng tin lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình.
Sự giám sát của cộng đồng đối với các gia đình là yếu tố quan trọng giúp ngăn chặn, phát hiện xâm hại trẻ em. Ảnh hưởng của cộng đồng đến trẻ là không nhỏ. Tuy nhiên, một số tổ chức quần chúng chưa phát huy được vai trò giám sát của mình, nhất là đoàn thanh niên – tổ chức được giao phụ trách trẻ em. Tình trạng “đèn nhà ai nhà ấy rạng”, lối sống vô cảm dẫn đến nhiều vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng trong thời gian dài như trường hợp cháu Hào Anh mới 12 tuổi (Cà Mau) bị vợ chồng Giang – Thơm hành hạ bằng cách dùng kìm bấm vào môi, nướng sắt chín đỏ, dùng bàn ủi nóng dí lên da thịt, dùng gậy tre đập vào đầu… Khi sự việc được phát hiện thì cháu đã bị tra tấn suốt 2 năm và thương tật 66,83%. Bé Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Tháp) mới 9 tháng tuổi bị mẹ đẻ, ông bà ngoại và “người tình” của mẹ đánh đập dã man. Nếu được cộng đồng phát hiện kịp thời thì sự việc sẽ không nghiêm trọng đến thế.
Dường như có xu hướng trẻ em nghiêng sang các dịch vụ trợ giúp như sử dụng các đường dây điện thoại tư vấn khi bế tắc. Trong 3 năm qua, chỉ riêng đường dây điện thoại miễn phí hỗ trợ trẻ em của Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông và Tổ chức Plan International đã tiếp nhận hơn 103.300 cuộc gọi của trẻ em.
Khi gia đình ngày càng đáng sợ
Theo Bộ Công an, loại tội phạm nghiêm trọng xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng. Hàng năm xảy ra khoảng 50 vụ giết trẻ em, trên 800 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Còn theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2009 số trẻ em bị xâm hại tình dục là 813 em và năm 2010 là 919 em. Độ tuổi trung bình của nạn nhân bị xâm hại tình dục là 12 tuổi và thật đau xót khi có những cháu bé bị xâm hại tình dục khi mới lên 2. Các vụ xâm hại trẻ em là tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, các vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm phần lớn trong tội phạm xâm hại trẻ em. Hơn 70% người xâm hại tình dục là người quen, có trường hợp là bố đẻ, chú ruột. Tội ác này gây ra hậu quả lâu dài về sức khỏe, tinh thần và sự phát triển của trẻ em.
Từ năm 2008 đến 2010 phát hiện 2.563 vụ xâm hại tình dục trẻ em, gồm 2.719 đối tượng, xâm hại 2.582 trẻ em. Số vụ chưa phát hiện được chắc chắn còn cao hơn. Vụ án Cao Quang Thể (Vĩnh Phúc) hiếp dâm cháu Nguyễn Thị Ngọc Huyền sinh năm 2004 vào ngày 21/1/2009, gần đây là vụ Nguyễn Xuân Hậu ở xã Kim Long, Tam Dương (Vĩnh Phúc) hiếp dâm chính con gái mình gần 2 năm trời, khi con gái mới học lớp 8… khiến dư luận quan ngại về suy đồi đạo đức trong gia đình.
Trong số 2.693 học sinh đang được cải tạo trong các trường giáo dưỡng, có hơn 70% phạm tội do thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ. Nhiều em sống trong các gia đình có bố mẹ ly hôn, ly thân, bạo lực gia đình. Nhiều trẻ em trong các gia đình di cư từ nông thôn ra thành phố phải sống trong những nhà trọ tạm bợ, loại nhà cấp bốn, bán kiên cố chất lượng thấp, công trình vệ sinh không khép kín, không có chỗ thoát nước, thiếu ánh sáng, thiếu chỗ đun nấu… Môi trường sống nghèo nàn và cha mẹ bận kiếm sống không có thời gian chăm sóc con cái đã dẫn đến nhiều vụ xâm hại trẻ em gây bức xúc dư luận. Điều đáng trách là khi vụ việc vỡ lở, cha mẹ của các cháu bé mới biết là con của họ đã bị ngược đãi một thời gian dài, những người trông trẻ vẫn cho rằng họ không phạm pháp khi đánh trẻ con và lúc đó chính quyền địa phương mới biết đến sự việc.
Việc sử dụng vũ lực để dạy con và thỏa mãn sự bực tức của các bậc cha mẹ rất phổ biến, không hiếm trường hợp cha mẹ đánh con gây thương tích phải xử lý theo pháp luật. Điều tra hơn 2.200 học sinh các trường giáo dưỡng cho thấy, số em bị bố đánh chiếm 23%, bị dì ghẻ, bố dượng đánh chiếm 20,3%. Gần 50% trẻ vi phạm pháp luật do bị cha, mẹ, người giám hộ đối xử hà khắc. Thời gian gần đây là vụ Nguyễn Thị Nụ trú tại thôn Dân Lập, xã Yên Bình, Thạch Thất (Hà Nội) ném con trai 3 tháng tuổi xuống giếng ngày 18/11/2009; vụ Nguyễn Thị Phương 29 tuổi ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa cắt đứt gân cổ tay trái của con trai 21 tháng tuổi ngày 29/10/2009 do mâu thuẫn với chồng…
Bạo hành tinh thần xảy ra ở các gia đình trí thức, thành thị nhiều hơn nông thôn. Nghiên cứu của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chỉ ra: Trong số đàn ông bạo hành thì có đến 1/3 là những người có địa vị, được kính trọng và có nghề nghiệp đàng hoàng. Trình độ học vấn các gia đình càng cao thì mức độ bạo hành tinh thần càng lớn. Việc sỉ nhục con cái diễn ra thường xuyên trong gia đình. Khi đã chán giáo huấn trẻ bằng những lời lẽ gay gắt, cha mẹ thường chuyển sang dùng những câu rủa “đồ ăn hại”, “đồ khốn nạn”, “đồ ngu” và rất nhiều loại “đồ” này, “đồ”nọ. Nhiều lúc, những câu nói độc địa ấy tuôn ra một cách tự nhiên như cái máy, cha mẹ biết nhưng không sửa được. Có những lời buộc tội oan sai của cha mẹ gây ức chế tâm lý cho trẻ, khiến trẻ phải tìm đến cái chết để giải thoát.
Đó là chưa kể tình trạng sao nhãng, bỏ mặc con cái xảy ra nhiều trong gia đình công nhân, nông dân nghèo. Không chỉ vì điều kiện sống khó khăn, mà còn vì nhiều cha mẹ có lối sống ích kỷ, chối bỏ trách nhiệm nuôi, dạy con cái, mặc kệ tương lai của con cái. Điều này hết sức nguy hiểm đối với trẻ, vì trẻ buộc phải tự tìm lấy con đường mưu sinh cho mình, dù có phải chấp nhận rủi ro, nguy hiểm. Ly hôn và không thực hiện đầy đủ trách nhiệm với con cái đang là vấn nạn khó gỡ của xã hội. Theo thống kê của Tòa án Nhân dân Tối cao, năm 2001 có 54.226 vụ ly hôn, năm 2005 có 65.929 vụ và năm 2010 có hơn 88.000 vụ ly hôn. Hậu quả của việc ly hôn đối với chăm sóc, giáo dục trẻ là mỗi năm có thêm hàng trăm nghìn đứa trẻ bị thiệt thòi, phải xa bố hoặc xa mẹ.
Xử lý nghiêm cả cha mẹ
Pháp luật đã quy định rõ ràng nghĩa vụ chăm sóc con cái của cha, mẹ, người giám hộ cũng như quy định rõ hình thức xử phạt cha, mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc có các hành vi vi phạm pháp luật đối với con cái. Khoản 1, Điều 16 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định: “Cha mẹ hoặc người đỡ đầu là người trước tiên chịu trách nhiệm về việc bảo vệ, chăm sóc, nuôi dạy trẻ em, dành điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em”. Nhưng không ít cha mẹ vẫn coi con cái là tài sản riêng, muốn làm gì thì làm. Họ thậm chí không biết rằng, khi hành hạ con cái, cha mẹ có thể bị phạt tù theo Điều 110 Bộ luật Hình sự năm 1999 (BLHS) quy định hành vi hành hạ người khác sẽ cấu thành tội phạm khi người phạm tội đã “đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình”. Ngoài ra, hành vi đánh đập con trẻ của cha mẹ có thể cấu thành một số tội phạm khác như tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104 BLHS).
Trong trường hợp cha mẹ đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi, làm nhục con trẻ đến mức làm cho trẻ tự sát thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bức tử (Điều 100 BLHS). Mức hình phạt là từ 2 đến 7 năm tù. Trong trường hợp làm cho nhiều người tự sát thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 5 đến 12 năm. Việc hạn chế quyền của cha mẹ được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Hạn chế quyền của cha mẹ là không cho cha mẹ được trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con. Cha mẹ phải chịu hạn chế quyền khi đã bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con hoặc có các hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; Phá tán tài sản của con; Có lối sống trụy lạc, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Tuy nhiên trên thực tế, việc hạn chế quyền của cha mẹ đối với con cái ít được áp dụng.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chưa được cộng đồng tham gia thực hiện tốt, nhiều vụ việc chưa được cộng đồng phát hiện, trình báo. Theo pháp luật, nếu bà con, hàng xóm biết đứa trẻ đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng khi bị cha mẹ hành hạ mà không cứu giúp cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 102 BLHS: “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
Pháp luật rõ ràng và khá cụ thể, nhưng các chế tài theo dõi, giám sát việc thực hiện chưa đủ mạnh. Từ biết luật đến hiểu luật và thực hành luật là một khoảng cách dài. Công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều tổ chức cùng thực hiện khá kiên trì, nhiều nơi với tần suất cao. Nhưng tuyên truyền trực tiếp tại gia đình, nhất là tại các gia đình “có vấn đề” còn hạn chế. Chỉ đến khi vụ việc vỡ lở do tính chất nghiêm trọng, cơ quan pháp luật phải vào cuộc xử lý thì đã quá muộn. Do đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của cha mẹ, gia đình trong việc chăm sóc con cái là giải pháp phòng ngừa tốt nhất để trẻ không bị xâm hại, ngược đãi. Đồng thời, nhanh chóng lấp “lỗ hổng” trong kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ cho các thành viên trong gia đình. Hơn ai hết, chính các bậc cha mẹ phải chủ động học tập, tích lũy, nâng cao kiến thức chăm sóc, bảo vệ và giáo dục con cái. Làm cha, làm mẹ không chỉ là thiên chức, mà còn là trách nhiệm thiêng liêng. Cuộc sống của cha mẹ chỉ có ý nghĩa khi con cái mạnh khỏe, chăm ngoan, hiếu thảo.
Hà Hồng Hà
-
TP HCM: Bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng thừa nhận nhiều lần đánh trẻ
-
TP HCM thông tin vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng
-
Nhiều hoạt động hấp dẫn nhân Ngày hội Gia đình Việt Nam 2024
-
Gia đình 7 người chở nhau trên xe máy tìm đường mưu sinh đã được giúp đỡ
-
Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2024