"Cổ tích tình yêu" của chàng trai "bán thân bất toại" với cô học trò

07:00 | 16/02/2015

603 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau một lần đi học về, Tuấn bỗng thấy đau buốt ở lưng rồi bị liệt nửa người từ đó. Tưởng cuộc sống phía trước chỉ toàn là màu tối xám xịt, thế nhưng như có điều kỳ diệu ở cuộc sống, anh đã gặp được người con gái xinh xắn, nết na là học trò mà mình nhận dạy làm photoshop hằng ngày cảm mến, yêu thương…

Và tình yêu đã chiến thắng tất cả để xây dựng hạnh phúc gia đình, điều mà từ trước tới nay chưa bao giờ anh dám nghĩ tới. Đó là chuyện tình của anh Phạm Văn Tuấn (SN 1979) với cô học trò Cao Thị Phương (SN 1986), trú tại xóm 14, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, (Nghệ An).

Bất trắc cuộc đời

Mới lọt lòng, Tuấn bụ bẫm, khỏe mạnh, nhưng tuổi thơ của Tuấn lại không mấy êm đềm. Là con cả trong gia đình có 6 anh em, bố bị nhiễm chất độc dioxin không làm được gì, mẹ lại bị yếu tim, một mình Tuấn gánh vác mọi việc nhà cho đến việc đồng áng. Bù lại, Tuấn học rất giỏi, từ lớp 1-7 luôn là học sinh giỏi, là niềm hy vọng lớn ở bố mẹ.

Thế rồi, bao dự định ước mơ của Tuấn và bố mẹ đều bị dập tắt. Vào một ngày hè nóng bức năm 1992, khi đang đi học về, Tuấn bỗng thấy nhói đau ở lưng, cứ tưởng là do thay đổi thời tiết. Nhưng mấy ngày sau không cúi, không ngồi, không đi, không đứng được, khắp người đau quằn quại, không ăn uống được gì nên cơ thể anh gầy xọp đi.

Ảnh cưới của vợ chồng anh Tuấn, chị Phương.

Tuấn nhớ lại: "Cơn đau liên hồi không ngớt, tôi kêu la kinh khủng, kiểu này thì chết chứ không sống nổi. Thế là tôi nằm liệt giường từ đó, con đường học hành cũng chấm dứt luôn".

Bòn mót những gì có thể bán ra tiền, lợn gà, vay mượn anh em,… Tuấn đã được đưa ra Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội điều trị. Kết luận anh bị viêm đa khớp xương cấp tính, tỷ lệ chữa khỏi là rất mong manh. Toàn bộ xương sống, xương cổ, xương tay cứng đờ, không thể cử động. 

Hơn một năm điều trị ở bệnh viện, bao nhiêu tài sản trong gia đình đều đội nón ra đi, số tiền vay của anh em, ngân hàng lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng bệnh tình anh không hề thuyên giảm. Ông Phạm Văn Thẩm, bố của Tuấn chia sẻ: "Trong nhà không còn thứ gì đáng giá tiền chục nữa, bố mẹ thì phát ốm vì con. Thuốc ta, tây, bắc đều uống cả nhưng đều vô hiệu".

Thấy không có kết quả, gia đình đã đưa anh về nhà, anh em đã lo hậu sự, anh được chuyển ra nhà ngoài (gian nhà thờ). Cơ thể anh lạnh ngắt, không ăn không uống được gì, bố mẹ ngất lên ngất xuống vì thương cho tuổi đời của con quá ngắn ngủi, đó cũng là đứa con mà bố mẹ đặt nhiều niềm tin nhất. Anh đã từng hứa với bố mẹ là sẽ cố gắng học thật giỏi, rồi thi vào Đại học Y khoa, ra trường sẽ cứu giúp những người bệnh tật, rồi có tiền giúp đỡ bố mẹ lúc về già.

Bà Hồ Thị Hoa (mẹ anh Tuấn) nhớ lại: "Thằng Tuấn mà chết thì tôi cũng sẽ chết cùng con luôn, không có con tôi không sống nổi. Tôi ôm nó mà gào lên, xin con đừng bỏ mẹ mà đi. Bỗng dưng nó mở mắt nhìn tôi nói: "Con không chết đâu mẹ à, con phải sống và tiếp tục đi học, có tiền mà nuôi mẹ nữa chứ".

Sau lần chết hụt đó, Tuấn có thể ngồi được nhưng các khớp xương cột sống, xương cổ vẫn cứng không có tiến triển gì. Anh ngồi được xe lăn nhưng phải có người trợ giúp. Khát khao được đến trường lại cháy bỏng trong con người anh, hằng ngày bố anh phải cần mẫn đẩy xe lăn đến trường cho con học, ngồi chờ hết giờ lại đưa con về. Nhưng cơn đau không cho phép anh, 3 lần trong 3 năm anh đến trường đều bỏ dở. Thế là ước mơ trở thành bác sỹ của anh đã "đoạn tuyệt".

Tuấn ngậm ngùi nhớ lại: "Tôi đã khóc rất nhiều, ước mơ của tôi đã chấm hết. Được bố mẹ động viên, an ủi, tôi cũng định tâm trở lại. Thấy yêu cuộc đời hơn, tui tự an ủi mình, nhiều người còn khổ hơn huống chi là mình. Phải tiếp tục sống, không thể đầu hàng trước số phận".

Ngôi nhà hạnh phúc với đứa con trai kháu khỉnh.

Tuấn đã bàn với bố mẹ nên học cái nghề gì nhẹ nhàng lại phù hợp với sức khỏe và  bệnh tật. Anh đã xin vào học photoshop ở TP Vinh, cũng trong thời gian này bố mẹ, anh em cắt cử vào chăm sóc anh. Chỉ trong 2 tháng, anh không chỉ biết mà rất giỏi. Có được tay nghề cao, Tuấn đã mở lớp tại nhà ôn thi, để giảm bớt đi lại cũng như có thêm chút tiền trang trải thuốc thang. 

Tình yêu làm nên sự kỳ diệu

Tiếng tăm về anh đã lọt vào tai các cô, cậu sinh viên tìm đến ôn thi, số học sinh ôn thi có khi lên đến cả chục người. Sự tận tình chỉ bảo của thầy Tuấn, cũng như với phương pháp dạy mà các trò tiếp thu rất nhanh.

Sở hữu khuôn mặt điển trai và cảm phục trước ý chí, nghị lực của thầy, đã "đốt cháy" trái tim cô học trò Cao Thị Phương. Sau mỗi giờ học, Phương thường ở lại dọn dẹp sạch sẽ, chia thuốc, lo bữa ăn cho thầy, sau đó Phương mới yên tâm ra về.  "Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén", Phương đã thổ lộ "em đã yêu thầy mất rồi thầy ơi?".

Còn Tuấn, do tàn tật nên anh không dám nghĩ tới điều đó, Tuấn chia sẻ: "Tôi biết Phương đã yêu tôi, nhưng tôi không tin điều đó. Nhiều đêm tôi không ngủ được, không thể để Phương hy sinh cả đời vì tôi, con đường tương lai của Phương còn dài, rộng mở, Phương sẽ lấy một người chồng lành lặn, tương lai của Phương sẽ tươi sáng".

Cuối cùng tôi đã ngồi nói chuyện với Phương, em đừng nên yêu thầy, đến khi nặng lòng khó dứt ra được. Thầy tàn tật, em khỏe mạnh, hãy tìm một người khác cho xứng đáng. Thú thật lúc đó trong tim tôi đã mến Phương rồi, nhưng tôi không thể". Nhưng Phương đã thốt lên: "Em không thể xa thầy được, em đã suy nghĩ nhiều lắm rồi, em nguyện cùng thầy đi hết con đường này. Cuộc đời này em không thể sống nổi nếu thiếu thầy".

Dù biết phía trước còn nhiều chông gai cách trở, nhưng xuất phát từ trái tim chân thành của hai người đã đến với nhau. Cùng nắm tay nhau thề non hẹn biển, phong ba bão tố cuộc đời vẫn quyết sống chết cùng nhau. Nhưng tình yêu của hai người đã bị bố mẹ Phương phản đối kịch liệt.

Ảnh viện áo cưới là nguồn thu chính của gia đình.

Đã nhiều lần bố mẹ Phương gọi điện cho Tuấn: "Nếu cháu thương Phương thật lòng thì cháu hãy làm cách gì đó cho nó ghét cháu đi, còn không thì cháu là người gây họa cho cuộc đời Phương đó". Tuấn ngậm ngùi chỉ biết trả lời: "Cháu không thể làm được bác ạ, cháu cũng không làm hại cũng không dùng thuốc mê để giành lấy Phương. Cháu biết cháu là người không lành lặn, tàn tật… Nhưng cháu với Phương yêu nhau thật lòng, chúng cháu không thể sống thiếu nhau được".

Bị bố mẹ, anh em, bạn bè phản đối kịch liệt, đứng trước tình hình khó xử đó, hai người đã nghĩ ra cách là mang bầu trước, cũng là để chứng minh Tuấn vẫn có chức năng đàn ông. "Khi biết có bầu, tôi vừa mừng vừa lo, lỡ con sinh ra cũng giống anh Tuấn thì khổ lắm. Chuyện lỡ như vậy thì bố mẹ cũng phải chấp nhận thôi" - Phương tâm sự.

Hạnh phúc mỉm cười

Ngày lên xe hoa cũng là lúc Tuấn gượng đứng dậy nhưng các khớp xương vẫn cứ cứng đờ không hề cử động được. Lời chúc mừng tràn ngập của bà con chòm xóm như đã tiếp thêm sức mạnh cho một đám cưới có một không hai ở một miền quê nghèo. Tuấn mủm mỉm cười: "Tôi không ngờ mình lại có ngày hạnh phúc như vậy. Tiếng cười, tiếng nói, hòa lẫn lời chúc mừng khiến tôi rơi nước mắt vì sung sướng".

Hạnh phúc lại được nhân đôi khi họ đón chào một cậu con trai khỏe mạnh, rất giống bố. Chính sinh linh đó đã cho vợ chồng Tuấn không chỉ nghị lực sống mà còn là sợi dây kết nối hai gia đình nội ngoại xích lại gần hơn. Trong nhà, tiếng bi bô của đứa con trai, câu chuyện gia đình anh như đã viết thêm cuốn cổ tích giữa đời thường.

Trước hoàn cảnh vô cùng khó khăn, vợ chồng Tuấn được chính quyền xã tạo điều kiện cho mượn miếng đất để xây quán photoshop trên mảnh đất quê hương. Cái biển hiệu "Tuấn Hello" như là lời chào cũng như muốn nói, mặc dù anh tàn tật nhưng trái tim anh luôn rộng mở, vẽ thêm nét đẹp cho đời.

Trước khi ra về, Tuấn nắm chặt tay tôi và nói: "Không có con đường nào là ngõ cụt cả, mà ngõ cụt cuộc đời chính là trái tim ở mỗi người".

Theo CAND