Có nên áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản để thay thế tạm giam?

08:26 | 27/09/2012

1,232 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dự thảo Thông tư liên tịch Hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam đang được đưa ra lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, đơn vị chủ trì soạn thảo Thông tư.

Phóng viên (PV): Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch Hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Hoàn: Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm là một biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 93 của Bộ luật Tố tụng hình sự để thay thế biện pháp tạm giam. Đây là một trong ba biện pháp ngăn chặn không mang tính giam giữ được áp dụng đối với bị can, bị cáo để bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập. Việc hướng dẫn áp dụng biện pháp ngăn chặn này là rất quan trọng và cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp

Ngay từ năm 2006, Bộ Tư pháp đã được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định này, Bộ Tư pháp đã báo cáo xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XI và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến không ban hành Nghị định của Chính phủ về vấn đề này mà giao cho Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng biện pháp ngăn chặn đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm.

Dự thảo Thông tư liên tịch đã được các Bộ, ngành hữu quan góp ý nhiều lần và đến nay đang được tiếp tục hoàn chỉnh để sớm trình lãnh đạo liên ngành ký ban hành.

PV: Thực tế, biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế cho biện pháp tạm giam đã được quy định tại Điều 93 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được áp dụng vì chưa có hướng dẫn cụ thể. Vậy theo ông áp dụng quy định này trong điều kiện hiện nay có khả thi hay gặp khó khăn gì không?

Ông Nguyễn Văn Hoàn: Trước đây, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 thì biện pháp ngăn chặn đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm chỉ được áp dụng đối với bị can, bị cáo là người nước ngoài. Đến Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì biện pháp ngăn chặn này được áp dụng cả đối với bị can, bị cáo là công dân Việt Nam nhằm góp phần hạn chế bớt những trường hợp tạm giam bị can, bị cáo nhưng vẫn bảo đảm không gây cản trở hoặc ảnh hưởng đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án.

Tôi cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc áp dụng quy định về biện pháp ngăn chặn đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm là phù hợp và cần thiết mặc dù có thể sẽ gặp một số khó khăn nhất định, ví dụ như: về mặt tâm lý nhận thức xã hội, thì còn có quan niệm cho rằng, vì đây là biện pháp nộp tiền để khỏi bị giam nên việc áp dụng biện pháp này sẽ tạo điều kiện cho những người giàu, có điều kiện về kinh tế thoát khỏi bị giam giữ, còn người nghèo thì phải chịu chấp nhận bị giam giữ; cũng có tâm lý còn e ngại rằng, việc áp dụng biện pháp này có thể bị lợi dụng để tiêu cực, hối lộ, "chạy chọt" để khỏi bị tạm giam. Còn về phía cơ quan tiến hành tố tụng thì nhìn chung còn có tâm lý chưa thật sự hào hứng, mạnh dạn áp dụng biện pháp này vì lo ngại rằng, việc cho bị can, bị cáo tại ngoại có thể sẽ gây khó khăn, cản trở cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử hoặc bị can, bị cáo có thể bỏ trốn; v.v.... Tuy nhiên, theo tôi, những khó khăn trên sẽ được khắc phục nếu có văn bản hướng dẫn rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ, kết hợp với sự nỗ lực lớn trong việc bảo đảm thực thi pháp luật trên thực tế, đồng thời, đề cao trách nhiệm của những người có liên quan trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này.

PV: Cũng có khá nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại cơ chế này sẽ tạo ra những kẽ hở pháp luật cho chính các bị can và cán bộ làm công tác xác minh? Quan điểm của ông thế nào?

Ông Nguyễn Văn Hoàn: Đúng là hiện nay có nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại rằng, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm có thể bị lợi dụng để tiêu cực, hối lộ, chạy chọt để khỏi bị tạm giam; v.v.... Tuy nhiên, tôi cho rằng, để việc áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm được tiến hành thuận lợi và có hiệu quả, hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra trên thực tế thì một mặt, văn bản hướng dẫn thi hành cần phải xác định rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ các điều kiện áp dụng, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng cũng như trách nhiệm của bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp này, những hệ quả mà họ phải gánh chịu nếu vi phạm nghĩa vụ đã cam kết. Mặt khác, phải tổ chức thực hiện thật tốt các quy định pháp luật về áp dụng biện pháp ngăn chặn đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm, đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam được xây dựng theo tinh thần nói trên.

PV: Có một “nghịch lý" là một bị can phạm tội gây thiệt hại lớn về kinh tế nhưng lại dùng chính tiền (có thể có được do phạm tội gây nên) để thay thế biện pháp tạm giam. Điều này có hợp lý không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hoàn: Cần phải nhận thấy rằng, để áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản có giá trị để bảo đảm thay thế cho tạm giam thì không phải bất kỳ loại tiền, tài sản nào cũng có thể được dùng để đặt. Tinh thần này được thể hiện rõ trong dự thảo Thông tư liên tịch Hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm, theo đó, có một số loại tài sản không được đem đặt để bảo đảm thay thế cho biện pháp tạm giam. Ví dụ như: tài sản đang có tranh chấp; tài sản đang bị kê biên hoặc tạm giữ; tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp; phần giá trị tài sản đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác; tài sản là hàng hóa cấm lưu thông; .… Hơn nữa, dự thảo Thông tư liên tịch cũng xác định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tiến hành xác minh tình trạng tài sản của bị can, bị cáo để xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản có giá trị đối với họ. Vì vậy, về nguyên tắc, bị can, bị cáo không thể dùng tiền, tài sản do phạm tội mà có để đặt bảo đảm thay thế cho biện pháp tạm giam.

PV: Vậy theo ông cần có cơ chế nào để hạn chế sự “tùy tiện” trong việc áp dụng pháp luật như trên?

Ông Nguyễn Văn Hoàn: Trước hết, tôi thấy rằng, thông thường, các quy định của pháp luật được thể hiện dưới dạng quy định "cứng" hoặc quy định "tuỳ nghi", tức là tạo cho người thi hành pháp luật có khả năng tự "lựa chọn" phương án phù hợp. Như vậy, không có cái gọi là "sự tuỳ tiện của pháp luật" mà chỉ có thể có "sự tuỳ tiện của người thi hành pháp luật".

Để hạn chế sự tuỳ tiện trong việc áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản để bảo đảm thay thế cho tạm giam, theo tôi, bên cạnh việc quy định chặt chẽ các điều kiện, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp này thì cần phải tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử vụ án gắn với việc đề cao kỷ luật, kỷ cương trong các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm pháp luật, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan tiến hành tố tụng.

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam