Có một người khổ nhất Hà Nội

09:04 | 30/12/2013

4,644 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thật khó mà tin nổi cuộc đời người đàn ông sinh năm Bính Tuất (1946) từng là lính Trường Sơn có nhà cửa, con cái nhưng về hậu vận lại chịu nhiều đắng cay đến như thế. Đã hơn 4 năm nay ông Trương Văn Tuất (phường Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội) phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất ven sông Tô Lịch. Ban ngày ông mưu sinh bằng nghề nhặt rác, ban đêm làm bạn với mấy chén rượu, cố quên đi những nghẹn đắng lòng người...

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về cuộc sống “người rừng” Trương Văn Tuất, 67 tuổi sống 4 năm dưới bụi cây ven sông Tô Lịch, đoạn qua đường Bưởi (Hà Nội). Phóng viên PetroTimes đã có buổi tiếp xúc tìm hiểu về thân phận người đàn ông khổ cực này.

Đây là căn lều mà ông Tuất đã sống 4 năm nay trên đường Bưởi

Ngồi co ro trong căn lều rách nát, nước mắt lăn dài ông Tuất tâm sự về cuộc đời mình với rất nhiều đau khổ. Khoảng thời gian đẹp nhất đời ông là thời kỳ đi thanh niên xung phong năm 1964, làm lính thông tin thuộc Tiểu đoàn 2, Bộ Tư lệnh Thủ đô cùng đồng đội xẻ dọc Trường Sơn giải phóng miền Nam. 

Bi kịch gia đình đã đẩy ông Tuất rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.

Sau ngày giải phóng, ông lập gia đình, vợ chồng ông có với nhau 2 người con, cùng sống trong căn nhà trên đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội). Hạnh phúc chưa được bao lâu thì biến cố bắt đầu xảy ra khiến cả gia đình ông ly tán. Mà nguyên nhân chính là vợ con ông làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất khiến ông đành phải bán nhà cửa đi. Ông đâm ra buồn chán, lao vào uống rượu.

“Con trai tôi cũng khó lắm, hiện nay nó cũng sống ẩn dật dưới Hà Đông, con gái đã đi lấy chồng, còn vợ thì ở nhờ dưới đường Hoàng Hoa Thám. Thỉnh thoảng chúng nó cũng qua đây đưa cơm cho tôi, có thằng con rể rủ tôi về nhưng tôi không chịu. Già rồi, ra đây ở cho thoải mái, đỡ phiền hà đứa nào”, ông Tuất tâm sự.  

Việc nhặt rác mưu sinh hàng ngày của ông Tuất hôm được, hôm không. Có hôm, giỏi lắm cũng chỉ kiếm được 10 nghìn đồng là coi như may mắn. Miếng cơm, manh áo hàng ngày ông phải đi xin, có hôm đói quá ông còn nhặt cả thức ăn người ta đổ đi để mang về đun lại rồi ăn qua ngày.

Ông Tuất bảo: “Sống thế này nó quen rồi. Cuộc đời bất hạnh thì mình gắng chịu, không thể trách ai. Sống ngày nào hay ngày đấy. Có chết thì nhà nước cũng lo chỗ chôn cất cho mình, chẳng phiền đến con”.

Có lẽ đây là chuỗi ngày cơ cực nhất của ông khi phải chống chọi với cái rét dưới 10 độ C. Tất cả vải vóc, chăn màn, quần áo cũ mà người ta bỏ đi ông Tuất đều lượm về để che chắn chống rét trong căn lều rách nát.

Ông Tuất có hoàn cảnh được nhiều người dân xung quanh khu vực cảm thông, thấu hiểu.

Qua tìm hiểu từ một số người dân ở dốc 376 đường Bưởi và khu 7,2 ha Vĩnh Phúc (gần nơi ông Tuất ở) có khá nhiều người xác nhận việc gia đình ông Tuất từng thuê nhà sống ở đây là có thật. Còn việc nhặt rác, xin ăn của ông bắt đầu khoảng 10 năm trở lại đây mà nguyên nhân chính là sự tan vỡ trong gia đình.

“Vợ chồng bỏ nhau, con gái thì lo phận nhà chồng, đứa con trai thì không có khả năng nuôi bố nữa, ông ấy còn biết nương tựa vào ai? Nghĩ mà cũng tội vì ông rất hiền lành, ai cho gì cũng vui vẻ nhận. Trước đây ông hay đi cùng một người phụ nữ lượm nhặt phế liệu, nay thì không thấy. Cuộc sống trong bụi cây của ông ấy đã diễn ra hơn 4 năm rồi”, bà D. số nhà 104, dốc 376 đường Bưởi cho hay.

Theo nguồn tin riêng của PetroTimes, nhiều khả năng trước Tết nguyên đán ông Tuất được chính quyền đưa vào trung tâm chăm sóc người neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn

"Nếu nhà nước lo cho tôi đến cuối đời vậy là cũng mãn nguyện lắm rồi. Nhờ các anh nhắn với chúng nó (con ông Tuất-PV) đừng mang cơm đến đây và đừng tìm tôi làm gì nữa" , ông Tuất nhắn nhủ.

T.Minh - N.Kiên