Chuyện tình của đôi vợ chồng 47 năm mơ về một đám cưới

07:00 | 25/04/2016

456 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày gần đây, một bộ ảnh cưới mang tên “Tình già” của tác giả Lê Cao Hải đã gây bão trên cộng đồng mạng. Đây không phải một bộ ảnh cưới của những cặp ngôi sao nổi tiếng hay gây shock mà là bộ ảnh của một cặp vợ chồng đã sống cùng nhau 47 năm khăng khít nhưng chưa hề được tổ chức đám cưới.  

Chưa một lần mặc áo cưới

Tác giả Lê Cao Hải cho biết: “Ông Nguyễn Văn Thành trong ảnh là người dân tộc thiểu số, bà Nguyễn Thị Thủy là người Thái Bình, cả hai đều mồ côi cha mẹ. 47 năm về trước (năm 1969), họ tình cờ gặp nhau ở bãi rác, nhặt tranh rác của nhau nhiều nên đi đến quyết định về cùng một nhà để đỡ phải tranh nhau. Hai người cứ thế dắt nhau về mà chẳng có cưới hỏi hay một tấm ảnh cưới nào đúng nghĩa. Họ phiêu bạt nhiều nơi kiếm sống và khi đến bãi giữa sông Hồng thì dừng lại định cư để mưu sinh.

chuyen tinh cua doi vo chong 47 nam mo ve mot dam cuoi
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thành và bà Nguyễn Thị Thủy

Cách đây 4 năm, lúc hai ông bà sắp bị đuổi đi, công an thấy ông hay đi vớt xác người trôi sông nên đặt cho ông biệt danh là “ăn tranh của Hà Bá” và để ông bà ở lại. Cứ thế đến nay, ông bà coi túp lều đơn sơ dựng trên sông là chốn đi về mỗi ngày.

Sức khỏe của bà Thủy nay đã yếu nên ông Thành là người tiếp tục công việc nhặt rác để kiếm sống. Hằng ngày, ông tranh thủ đi sớm, về muộn để kiếm thêm chút ít. Đặc biệt, cuộc sống của vợ chồng già không bao giờ thiếu 2 chiếc điếu cày, ông một cái, bà một cái. Ông Thành bảo “như thế đỡ phải tranh nhau”.

Câu chuyện về hai con người bần cùng, nghèo khổ tìm đến với nhau, nương tựa vào nhau khiến cho nhiều người liên tưởng đến câu chuyện “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân rất nhiều năm về trước. Hiện nay, cặp đôi sống cùng nhau ở bãi giữa sông Hồng trên một ngôi nhà được dựng bằng những thùng phuy, những mảnh gỗ ghép vào với nhau và căng bạt che phủ.

Phóng viên Báo Năng lượng Mới tìm đến ngôi nhà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thành và bà Nguyễn Thị Thủy.

Trước mặt chúng tôi là ngôi nhà chòng chành, tạm bợ ngay bãi giữa sông Hồng, tuổi đã cao nhưng ông bà vẫn phải lao động để kiếm sống. Trong ngôi nhà đơn giản, tuềnh toàng, hầu như không có thứ gì giá trị, chỉ có 2 chiếc điếu cày của ông và bà là thứ mà hai người quý nhất. Mặc dù đã sống với nhau 47 năm và không có con cái nhưng tình yêu của họ dành cho nhau vẫn như thuở ban đầu.

Hỏi về ngày đầu tiên gặp nhau, ông nói: “Chúng tôi đến với nhau là điều bất ngờ. Vợ chồng tôi cả đời chưa bao giờ mơ ước đến một ngày vui được tổ chức đám cưới. Bởi chúng tôi từ thuở thơ ấu đã là những đứa trẻ không nơi nương tựa, sống cù bất cù bơ đầu đường xó chợ để kiếm ăn qua ngày, nên với tôi, đám cưới là một thứ gì đó quá xa xỉ. Chúng tôi đến với nhau bước đầu không phải là tình yêu mà là một sự đồng cảm”.

Trên tay ông Thành là một hình xăm ngày 26-9-1969, đánh dấu ngày ông bà về chung một nhà. “Tôi phải tự mình thực hiện hình xăm này để ghi nhớ ngày hôm đó, bởi chúng tôi chẳng có đám cưới đưa rước, cũng chẳng có những hình ảnh để ghi lại ngày này, nên hình xăm này như là một dấu ấn đi theo tôi cả đời”.

Khi chúng tôi hỏi bà Thủy rằng: “Đã là phụ nữ, ai cũng mong được mặc áo cưới và có một đám cưới của riêng mình, vậy còn bà thì sao?”. Bà Thủy cho hay: “Như ông đã nói, ông bà chỉ là những người lang thang không nơi nương tựa, làm gì có chuyện mơ đến cưới với xin. Chưa một lần bà mơ đến đám cưới. Bà chỉ nghĩ, cứ về sống với nhau sao cho trọn vẹn tình nghĩa là được. Lúc về chung một nhà, bà nói với ông: “Tôi chỉ cần ông thương tôi thật, tôi cũng thương ông thật. Đừng có bỏ nhau nhỡ nhàng là được, đừng làm khổ nhau là được”.

Theo như bà chia sẻ, thì đám cưới không quan trọng bằng việc ông bà thương nhau. Nhắc về bộ ảnh cưới được chia sẻ rộng rãi trong những ngày qua, bà cười: “Đây là lần đầu tiên tôi được chụp ảnh, lại còn là ảnh cưới. Từ cha sinh mẹ đẻ tới giờ mới thấy sướng là gì”.

Ông Thành nói thêm: “Phải nói đúng là cổ tích, trước tới giờ mơ không được, ước không thấy, thế mà giờ sắp về với đất rồi thì vợ chồng tôi lại có một bộ ảnh cưới thực sự nên chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi”.

Dựa vào nhau để vui sống

Vợ chồng ông bà hiện giờ chỉ sống kiếm ăn qua ngày, bà sức khỏe kém nên chỉ ở nhà lo cơm nước, còn ông hằng ngày lên xe đạp đi bới rác từ 22,23 giờ tới tận sáng hôm sau rồi bán lại, kiếm từng đồng bạc để nuôi nhau. Ngày nào nhiều thì ông bán được 20-30 nghìn đồng, chỉ đủ để mua gạo và thỉnh thoảng thêm miếng thịt. Rau thì bà ở nhà tự trồng quanh bãi để ăn.

“Bây giờ bà nhà tôi không đi làm được gì nữa, nhưng tôi vẫn thấy rất vui và chẳng bao giờ trách móc bà. Dù cho tôi có mệt nhọc, mồ hôi ướt đẫm nhưng khi về nhà, lúc nào bà cũng đã chuẩn bị sẵn bát cơm nóng và phích nước sôi cho tôi pha trà, thì có vất vả hơn nữa, tôi vẫn chịu được”, ông Thành cười và nói.

Bên cạnh tình yêu, tồn tại giữa ông bà là những suy nghĩ lạc quan, luôn đầy ắp tiếng cười. Tuy là một người lao động nhưng ông Thành lại có thú vui đặc biệt với thơ ca. Ông nói: “Mỗi khi bà đi ngủ, tôi lại chong đèn ngồi nhìn ra cầu Long Biên, ngắm cảnh đêm yên bình, người qua người lại thì lúc đó tôi nghĩ ra những tâm tư của mình rồi viết ra, chắp nối lại thành những câu thơ, như để trút hết những nỗi buồn, những cơ cực trong đời mà mình đã trải qua. Thực ra, phải là nhà văn, nhà thơ thì mới nói là bài thơ, chứ tôi thì cũng chưa dám nhận là tôi đang sáng tác thơ đâu”.

Hôn nhân của ông bà đã trải qua 47 năm nhưng không phải lúc nào cũng màu hồng, có những lúc ông bà từng nghĩ đến chuyện rời xa nhau. “Nếu tôi nói, 47 năm qua, lúc nào chúng tôi cũng yên ấm bên nhau thì không phải. Cuộc sống của ai cũng thế thôi, dù nghèo khó hay giàu sang thì cũng không tránh được những va chạm. Cũng có lúc chúng tôi đôi co do không hài lòng nhau, nhưng mỗi khi giận dỗi, va chạm tôi luôn nghĩ rằng, cuộc sống của mình đã cơ cực, khổ sở từ thời ấu thơ rồi. Thế mà giờ lại còn để tâm trí cứ phải ấm ức, mệt mỏi thì không thể tồn tại được. Nên mỗi khi có vấn đề gì, chúng tôi đều tâm niệm, bà giận thì ông làm lành và ngược lại. Rồi sau khi hòa nhã với nhau rồi, chúng tôi lại cùng ngồi trong mâm cơm, ôn lại những chuyện khổ sở từ trước tới giờ nên lại đầm ấm như xưa”.

Cuộc sống của hai vợ chồng vô cùng khó khăn khi họ đều đã là người ở tuổi thất thập cổ lai hy nhưng vẫn phải bươn chải kiếm sống. Nhưng với họ, miếng ăn có thể thiếu nhưng tình cảm thì luôn phải đong đầy. Nhìn họ, nhiều người đã khẳng định, đây chính là câu chuyện tình cổ tích thời hiện đại với một túp lều tranh, hai trái tim vàng tưởng như không hề có thực trong đời sống ngày nay.

Câu chuyện tình của ông Thành - bà Thủy đã chạm đến cảm xúc của nhiều người bởi sự dung dị, đơn sơ nhưng đầy ấm áp trong tình yêu. Khi mà giờ đây, cuộc sống quá đủ đầy thì giới trẻ lại ngày càng coi nhẹ những giá trị thiêng liêng của tình yêu. Nhưng chuyện tình cổ tích của ông Thành, bà Thủy đã mang lại những suy nghĩ lắng đọng trong mỗi người. Nhìn cái cách ông chăm sóc bà, cách bà tuy mắng ông nhưng vẫn giữ trên môi nụ cười hạnh phúc, chắc hẳn trong mỗi người chúng ta, tất cả cũng chỉ cần một thứ tình yêu giản dị nhưng bền vững như thế.

Chẳng có gì ý nghĩa hơn khi tình yêu của ông bà là được ở cạnh nhau, chăm sóc và chở che cho nhau, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Với nhiều người, hạnh phúc có thể đong đếm qua sự giàu sang hay cơm ngon áo đẹp, nhưng với ông Thành - bà Thủy, hạnh phúc đơn giản là đến từ trái tim.

Ngọc Dung

Năng lượng Mới số 515