Chuyện tình cảm động của người phụ nữ viết đơn "xin cưới vợ cho chồng"

10:54 | 09/04/2014

1,068 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiến tranh kết thúc, người đàn ông thương yêu của Mẹ trở về. Thân thể nguyên vẹn. Tình yêu cũng nguyên vẹn. Nhưng mà Mẹ, người đàn bà khao khát tiếng ầu ơ ru con ngủ đã không còn khả năng sinh nở. Thế là, Mẹ viết đơn “Xin cưới vợ cho chồng”…

Mẹ Lữ Thị Toán.

Theo chân chị Nguyễn Thị Cảnh (1968, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Bình Giang, huyện Thăng Bình), chúng tôi đến nhà Mẹ Lữ Thị Toán (1929, thôn 3, Bình Giang). Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, Mẹ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện “Xin cưới vợ cho chồng” có một không hai.

Thưở đó, Mẹ đẹp lắm. Dáng người dong dỏng cao, khuôn mặt trái xoan với chiếc mũi đúng hiệu “dọc dừa”, Mẹ khiến thanh niên khắp nẻo xa gần mất ăn mất ngủ. Không những đẹp người mà Mẹ còn đẹp nết. Các cụ già thường bảo, Mẹ sinh ra ở xóm chài nên mang nhiều hương vị của biển, khiến người đã gặp không thể nào quên.

Năm 20 tuổi, Mẹ kết hôn với chàng trai tên là Phan Vinh (1929). Chưa kịp “quen hơi” nhau, người chồng trẻ lên đường nhập ngũ. Đất nước chiến tranh, Mẹ không muốn níu giữ bước chân chồng cho riêng mình. Dẫu biết rằng người ra đi có thể không trở về, nhưng Mẹ luôn dặn lòng mình chung thủy. Và rồi, Mẹ đã chung thủy đợi chờ 26 năm như thế.

Đất nước giải phóng, người đàn ông yêu thương của Mẹ trở về. Thân thể nguyên vẹn. Tình yêu cũng nguyên vẹn. Nhưng Mẹ thì đã 46 tuổi, hết thời xuân sắc. Mẹ cũng không còn khả năng sinh nở như tạo hóa đã ban ra cho người đàn bà. Mẹ ôm người đàn ông của mình mà trách yêu rằng: “Sao giờ anh mới về, em già rồi, làm sao chúng ta có con được hả anh?”. Người đàn ông của Mẹ mắt đọng đầy nước: “Đồng đội của anh còn nhiều người không trở về…”.

Đó là những ngày tháng hạnh phúc nhất đời của Mẹ. Bao nhiêu năm Mẹ khao khát, đợi chờ, cuối cùng Mẹ đã được nằm trong vòng tay của người đàn ông Mẹ yêu thương. Mẹ lặng nghe kể chuyện chiến đấu… Rồi khi người đàn ông của Mẹ ngủ say, nước mắt Mẹ lại chảy. Chiến tranh đã cướp đi tính mạng những người đàn ông trong dòng họ Phan mà Mẹ làm dâu, chỉ còn mình chồng Mẹ là người duy nhất. Mẹ nghĩ đến chuyện san sẻ người đàn ông của mình cho một người phụ nữ khác để có người nối dõi tông đường. Đó là công việc khó khăn nhất đời của Mẹ…

Ba tháng sau khi người đàn ông của Mẹ trở về, Mẹ viết “Đơn xin cưới vợ cho chồng”. Cầm lá đơn trên tay, Mẹ đến UBND xã Bình Giang, Huyện đội Thăng Bình. Không ai ký đơn đồng ý việc Mẹ “xin”. Nhưng, cũng không ai dám bác sự hy sinh cả kiếp đàn bà của Mẹ.

Năm 1976, Mẹ tổ chức đám cưới cho… chồng. Khách đến chúc phúc cho cô dâu chú rể mà nhiều người ôm Mẹ giấu nước mắt vào trong…

Đêm tân hôn ấy, Mẹ nhường cái giường đẹp nhất để cho cô dâu chú rể, còn Mẹ nằm cô đơn trên chiếc giường ọp ẹp dưới nhà bếp. Mẹ không ngủ được. Người đàn ông của Mẹ cũng không ngủ được. Cuối cùng, Mẹ “buộc” đôi tân lang tân nương đến nơi khác xây cất ngôi nhà riêng để được hạnh phúc trọn vẹn. Còn Mẹ, lại một mình ở Xóm Cồn như bao nhiêu năm Mẹ đã ở.

Khi nghe tin người đàn ông của Mẹ có con, Mẹ mừng chảy cả nước mắt. Mẹ đi ngang về tắt xin được ẵm bồng. Mẹ không quản nặng nhọc làm thuê cuốc mướn để mua cho chúng đồng quà tấm bánh. Mẹ dõi trông từng bước chân của chúng trên đường. Đêm đêm, Mẹ lại mơ một mái nhà, có người đàn ông của Mẹ, có những đứa con của Mẹ. Tiếng hát ầu ơ ru con ngủ đến bây giờ vẫn đọng trong giấc mơ của Mẹ.

Bây giờ, người đàn ông của Mẹ đã không còn. Những đứa con của người đàn ông của Mẹ cũng đã lớn khôn và như chim bay đi. Mẹ vẫn một mình trong căn nhà cấp 4 tềnh toàng. Tóc Mẹ bạc như cước. Chân Mẹ run không thể bước qua khỏi hiên nhà. Và đêm đêm, Mẹ vẫn mơ về một ngôi nhà có người đàn ông của Mẹ với những đứa con…

Câu chuyện của Mẹ như bài ca da diết, u hoài. Mẹ không khóc. Có lúc kể chuyện Mẹ còn cười. Nhưng chúng tôi, người nghe, mắt lại cay xè, lòng xót xa…

Hoàng Phương