Chuyện ngoài sân cỏ của “bầu” Kiên

10:12 | 21/09/2012

2,165 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cháy nhà ra mặt chuột. Hóa ra “bầu” Kiên không chỉ can tội kinh doanh trái phép như thói thường của nhiều con buôn vẫn mắc xưa nay. Xem ra vai trò của nhân vật này không thể chỉ có vậy.

Con người này đâu phải chỉ thích chém gió chơi ngông thuộc phạm trù tư cách. Không lẽ ông này không cố ý làm trái và lừa đảo để có tiền tấn tự PR cho mình và các thủ đoạn kinh doanh mờ ám khác?

Thì ra nhân bảo như thần bảo, ngày 18/9/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có văn bản số 557/C41/C46, thông báo trên cổng thông tin điện tử về vụ án Nguyễn Đức Kiên.

Theo đó, ngày 17/9/2012, lãnh đạo ngành Tư pháp Trung ương đã họp, nghe Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an báo cáo tiến độ, đánh giá tài liệu, chứng cứ thu thập được trong vụ án Nguyễn Đức Kiên và những người có liên quan. Cuộc họp đã đi đến kết luận:

1. Khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 - Bộ Luật Hình sự.

2. Ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Đức Kiên về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 - Bộ Luật Hình sự.

Mở lại trang hồ sơ công khai trên báo chí về “bầu” Kiên để tìm xem những gì ngoài sân cỏ của ông bầu này có thể sẽ có thêm những gì còn khuất lấp.

Hơn 10 năm trước khi người hâm mộ bóng đá trong nước biết tới một ông bầu bóng đá bạo ngôn, giới tài chính ngân hàng đã nhắc đến cái tên “Kiên đầu bạc” với sự vị nể. Thực hư về uy lực của nhân vật này tăng lên cùng với độ nóng của quá trình mua bán, sáp nhập và tái cơ cấu ngân hàng.

Trong lĩnh vực thể thao, bầu Kiên gắn tên tuổi với CLB Bóng đá Hà Nội ACB. CLB dù chưa gặt hái được nhiều thành tích đáng kể dưới thời “bầu” Kiên và hai lần rớt hạng trong những mùa gần đây. Sau đó, “bầu” Kiên bất ngờ mua lại Hòa Phát Hà Nội, sáp nhập hai đội lại để cho ra đời CLB Bóng đá Hà Nội.

Suốt năm qua, cái tên Nguyễn Đức Kiên được nhắc tới nhiều hơn với chiến dịch làm sạch bóng đá chuyên nghiệp và cho ra đời Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF. Cuộc chiến đòi bản quyền ầm ĩ khiến người ta nghĩ đến trò ranh ma tự lăng xê của “bầu” Kiên. Cách hành xử của ông trong một số thương vụ mua bán, hành cầu thủ cũng gây không ít khó hiểu cho ngay cả những ông bầu trong VPF và bất bình với người hâm mộ bóng đá…

Người ta biết đến trích ngang của ông Nguyễn Đức Kiên, sinh năm 1964 trong một gia đình nhà giáo. Năm 16 tuổi, Kiên thi vào Trường đại học Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng), sau đó đi học ở Hungary (1981-1985). Ở bên Hungary Kiên dính đến bê bối tình ái và nghe nói có con rơi nơi xứ người.

Về nước làm việc tại Tổng Công ty Dệt may nhưng chẳng nên công trạng gì. Năm 1994, khi vừa tròn 30 tuổi, Kiên mạnh bước dấn thân sang lĩnh vực ngân hàng với bước ngoặt đầu tiên là trở thành Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Á châu (ACB).

Đến 17/10/2006 đã nắm giữ hơn 4,1 triệu cổ phiếu ACB. Tổng khối lượng lưu hành của ACB lúc này là hơn 110 triệu cổ phiếu (tương đương hơn 1.100 tỉ đồng vốn điều lệ). Và nếu tính cả 3 người em, gia đình ông Kiên sở hữu hơn 10,7 triệu cổ phiếu ACB. Theo giá đóng cửa phiên giao dịch cuối năm 2006, số cổ phiếu này tương đương hơn 1.600 tỉ đồng, khiến gia đình ông Kiên từng lọt vào top 10 trên thị trường chứng khoán. Người ta lập bảng so sánh tương quan trong Hội đồng Quản trị ACB, số cổ phiếu của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trần Mộng Hùng và 5 thành viên khác trong gia đình nắm giữ hơn 12 triệu cổ phiếu. Phó chủ tịch Phạm Trung Cang (cũng là thành viên sáng lập ACB như ông Hùng) và gia đình nắm giữ chưa đầy 3 triệu cổ phiếu.

Không có tên trong danh sách sáng lập ngân hàng, nhưng hễ nhắc tới Nguyễn Đức Kiên là người ta nghĩ ngay tới Kiên ACB. ACB lúc thành lập chỉ có vốn điều lệ 20 tỉ đồng. Một năm sau, trùng thời gian ông Nguyễn Đức Kiên lên làm Phó chủ tịch, vốn của ngân hàng tăng gấp 3,5 lần và lên đến hơn 1.100 tỉ đồng vào năm 2006, khi ACB bắt đầu niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Ngày nay, vốn điều lệ của ACB đã trên 9.000 tỉ đồng, chỉ kém ngân hàng tư nhân lớn nhất - Sacombank vài trăm tỉ.

Sau 14 năm đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị ACB, năm 2008, ông Nguyễn Đức Kiên rút khỏi vai trò quản trị để làm Phó chủ tịch Hội đồng Sáng lập. Đến năm 2010 thì Hội đồng này bị giải tán vì không được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

Theo rò rỉ của giới ngân hàng, cho tới trước khi từ bỏ chức vụ thành viên Hội đồng Quản trị ACB vào năm 2008, ông Kiên và vợ đã cùng các thành viên gia đình nắm giữ khoảng 10% cổ phần của ACB. Trong đó, riêng ông được cho là sở hữu 3,75% cổ phần. Thế nhưng, sau khi “bầu” Kiên bị bắt, lãnh đạo ACB thông báo rằng, ông hiện đã bán gần hết số cổ phiếu và gần như không còn vai trò gì tại ngân hàng này. Thế rồi gã đầu bạc bắt đầu thấp thoáng đằng sau nhiều ngân hàng khác như Kiên Long, Đại Á, Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)... Bản thân “bầu” Kiên khi giới thiệu mình với giới hâm mộ thể thao cũng xác nhận có cổ phần ở Kiên Long, là cổ đông chính ở Eximbank. Và cứ trận đấu bóng nào có đội của “bầu” Kiên tài trợ, thì trên sân cỏ xuất hiện quảng cáo của một số ngân hàng nói trên.

Sau khi “bầu” Kiên bị bắt, những ngân hàng này đồng loạt lên tiếng phủ nhận sự liên quan cũng như vai trò của “bầu” Kiên. Và trên thực tế, từ cáo bạch, báo cáo tài chính cho tới các công bố thông tin của những ngân hàng này, không nơi nào ghi nhận Nguyễn Đức Kiên là cổ đông lớn. Còn nhớ trong cáo bạch năm 2006 của ACB, “bầu” Kiên tham gia nhiều lĩnh vực khác ngoài ngành ngân hàng, như Chủ tịch HĐQT Công ty May thời trang MTT; Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Nam; Chủ tịch HĐQT Công ty Liên doanh nhựa đường Caltex; Chủ tịch HĐQT Công ty Thể thao ACB; Phó chủ tịch/Chủ tịch Công ty Liên doanh KFC Việt Nam. “Bầu” Kiên thiên về việc sở hữu ngân hàng và doanh nghiệp hơn là ngồi ghế lãnh đạo.

“Bầu” Kiên bị khởi tố thêm hai tội danh theo Điều 139 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Điều 165 tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ra tòa với hai tội danh này thì mức án của “bầu” Kiên cộng dồn có thể là chung thân.

Xem ra chuyện đời ngoài sân cỏ của nhân vật cộm cán này thật khó lường. Sông sâu còn có thể đo. Lòng dạ, thủ đoạn và tội lỗi của Nguyên Đức Kiên sẽ là chuyện dài dài để đàm luận.

Bảo Dân

(Năng lượng Mới số 157, ra thứ Ba ngày 21/9/2012)