Chuỗi giá trị nông sản bị đứt gãy

10:02 | 16/04/2020

2,024 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Có thể nói, chuỗi giá trị nông sản hiện nay bị đứt gãy, sản xuất và tiêu thụ không liên kết được với nhau. Không có tập đoàn thương mại lớn đứng ra dẫn dắt thị trường; không “luật hóa” được việc phân phối lợi nhuận nên không quản lý được chất lượng, mạnh ai nấy làm, cả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Phóng viên Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú về vấn đề này. 

PV: Chuyện giải cứu nông sản giờ đây gần như quá quen thuộc với mọi người. Theo ông đâu là nguyên nhân khiến nông sản Việt luôn khốn khổ vì thị trường tiêu thụ?

chuoi gia tri nong san bi dut gay

Ông Vũ Vinh Phú: Nguyên nhân liên quan đến vấn đề quy hoạch, nông dân không nắm được thông tin thị trường, doanh nghiệp thì chưa mặn mà với nông nghiệp bởi làm nông nghiệp nhiều rủi ro, chỉ cần một trận bão, lụt coi như thua lỗ hoặc phá sản. Hiện chính sách phát triển nông nghiệp chưa bền vững.

Hai khâu yếu nhất của ngành nông nghiệp là chế biến và tổ chức thị trường.

Công nghệ chế biến lạc hậu, nhiều máy móc được nhập cách đây 15-20 năm. Muốn nâng cấp chất lượng chế biến nông sản cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, phải có sự liên kết chặt chẽ “6 nhà”.

Thị trường nội địa gần 100 triệu dân có lúc đã bị bỏ quên. Hàng đặc sản, ngon hầu hết đều dành cho xuất khẩu. Hàng loại 1 đều được xuất đi, còn lại hàng từ loại 2 trở xuống mới phục vụ thị trường nội địa. Thị trường nội địa bị coi nhẹ, tạo điều kiện cho hàng nông sản các nước xâm nhập ngày càng mạnh hơn.

Thị trường nội địa còn khó khăn ở chỗ, 10 quả xoài sạch thì 9 quả bán trôi nổi ở ngoài cùng với xoài bình thường, chỉ 1 quả được vào siêu thị. Tại sao vậy? Vì khi đưa hàng vào một số siêu thị bị chiết khấu tới 30%. Không biết người sản xuất có được lợi nhuận 30% không?

Tôi nhớ một lãnh đạo Tổng cục Thuế từng thừa nhận: Hàng vào siêu thị BigC chiết khấu cứng 20%, chiết khấu mềm 10% là chuyện động trời của thương mại Việt Nam. Thái Lan có quy định rất rõ ràng, ví dụ 1kg đường bán ra thị trường người nông dân phải được hưởng 75% lợi nhuận, nhưng ở Việt Nam gần như ngược lại.

Thị trường nội địa gần 100 triệu dân có lúc đã bị bỏ quên. Hàng đặc sản, ngon hầu hết đều dành cho xuất khẩu. Hàng loại 1 đều được xuất đi, còn lại hàng từ loại 2 trở xuống mới phục vụ thị trường nội địa. Thị trường nội địa bị coi nhẹ, tạo điều kiện cho hàng nông sản các nước xâm nhập ngày càng mạnh hơn.

PV: Ông có thể phân tích cụ thể điều “ngược lại” đó?

Ông Vũ Vinh Phú: Muốn phát triển bền vững thì lợi nhuận trong chuỗi giá trị phải được phân phối hài hòa. Ở Việt Nam, ai được lợi người ấy hưởng chứ không có sự liên kết một cách chặt chẽ. Theo một viện nghiên cứu ở Đồng bằng sông Cửu Long, người nông dân sản xuất cá tra, cá ba sa, tôm chỉ được 19,6% lợi nhuận, còn lại gần 80% lợi nhuận rơi vào tay thương lái, khâu trung gian và nhà xuất khẩu. Do đó, nhiều nông dân không mặn mà, gắn bó với sản xuất mà chạy theo nhu cầu ngắn hạn của thị trường.

Bên cạnh đó, chúng ta cứ hô hào phát triển thực phẩm sạch nhưng lại không có nơi tiêu thụ hết. Một số siêu thị có quy mô lớn có quyền lực để ép nhà cung ứng và nhà sản xuất chân chính. Tôi tiếc rằng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, Hiệp hội Bán lẻ, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất ít quan tâm đến vấn đề này. Vụ việc siêu thị BigC chấm dứt việc cung ứng của 20 doanh nghiệp ngành dệt may trong vòng 1-2 ngày cho thấy quyền lực của nhà bán lẻ rất mạnh. Họ như một cô gái đẹp mà có 6 chàng nhòm ngó thì cô gái sẽ có quyền “hành” và quyền “ép”.

Có rất nhiều ví dụ. Chẳng hạn, ngành hàng thủy sản bị BigC nâng chiết khấu lên 5%, sau đó phải kiến nghị mạnh mẽ mới không bị nâng mức chiết khấu. Thực tế, chúng ta đang tự hại nhau. Thậm chí có chuyện ép giá nông sản để giải cứu. Như một số siêu thị chỉ mua với giá 6.000 đồng/kg thanh long để giải cứu, tại sao không mua với giá 10.000 đồng/kg để người nông dân có lãi? Như thế là giải cứu không trọn vẹn. Đã là giải cứu thì giá cả phải thỏa thuận chứ không được ép giá.

PV: Thủ tướng rất nhiều lần nhấn mạnh đến việc không được bỏ quên thị trường nội địa, nhưng thực tế, không chỉ doanh nghiệp mà cả nông dân cũng rất khó khăn trong việc tiêu thụ hàng nông sản. Theo ông đâu là “nút thắt” lớn nhất?

Ông Vũ Vinh Phú: Hàng nông sản hầu hết không có kho dự trữ. Dưa hấu, khoai lang... sau thu hoạch nằm lăn lóc như lợn con ngoài đồng hay cá đánh bắt lên cho vào ướp đá... Thương lái có điều kiện ép giá, vì nếu không bán được, hàng để lâu sẽ hỏng.

Vấn đề nữa, các nước thiết lập sàn giao dịch nông sản nên mua bán rất minh bạch. Để làm được điều này ở nước ta cần Nhà nước vào cuộc, có những chính sách thuế, phí phù hợp, đầu tư những kho lạnh bảo quản. Ví dụ trong thời gian dịch bệnh như hiện nay, nông sản sau khi thu hoạch có nơi bảo quản chờ đến lúc dịch bệnh đỡ căng thẳng, được giá mới mang ra bán.

chuoi gia tri nong san bi dut gay

Nhiều người dân tham gia “giải cứu” dưa hấu

Có thể nói, chuỗi giá trị nông sản hiện nay bị đứt gãy, sản xuất và tiêu thụ không liên kết được với nhau. Không có tập đoàn thương mại lớn đứng ra dẫn dắt thị trường; không “luật hóa” được việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị nên không quản lý được chất lượng, mạnh ai nấy làm, cả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Ở Nhật Bản, cái gì ngon nhất, an toàn nhất thì để lại tiêu thụ nội địa, còn những hàng hóa loại 2 mới xuất khẩu, trong khi ở Việt Nam thì ngược lại.

Cần có bàn tay của Nhà nước điều tiết thị trường, nếu không, những đầu nậu trung gian sẽ tìm cách bóp nghẹt người nông dân. Nếu còn chuyện chia năm sẻ bảy trong quản lý thì không khó có được sự minh bạch, công khai và hiệu lực quản lý rất thấp.

Thêm nữa, phải thành lập được các chuỗi giá trị nông sản thực sự có tính khoa học, thông tin minh bạch.

Nếu không giải quyết được những vấn đề đó thì 10 năm hay lâu hơn nữa, hàng nông sản Việt vẫn không thể vươn lên được một cách mạnh mẽ và vững chắc ở thị trường nội địa và xuất khẩu.

PV: Xin cảm ơn ông!ρ

Đức Minh