Chúng ta đang quá cay nghiệt với chùa Bồ Đề?

08:03 | 10/08/2014

6,130 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tháng Bảy là mùa báo hiếu Vu Lan, mùa mà Phật tử thập phương tìm đến chùa chiền để thể hiện lòng thành kính. Thế nhưng, sau vụ việc chấn động ở chùa Bồ Đề, nhiều người có ánh mắt soi xét, cay nghiệt với nhà chùa. Tuyệt nhiên, rất ít ai nhắc đến số phận của hàng trăm đứa bé, nhiều người già không nơi nương tựa đang sinh sống ở chùa Bồ Đề rồi sẽ đi về đâu sau “cơn bão” này?

Chùa Bồ Đề - ngôi chùa nổi tiếng đã lâu vì đã có quá nhiều bài báo viết về nó, đây được ví như một "thiên đường" của tình thương, nơi che chở cho những đứa trẻ bị bỏ rơi khi cuống rốn còn tươi dòng máu mẹ, nơi những cha mẹ bị con cái đuổi ra khỏi nhà.

Nhưng rồi, nơi đây cũng chứa đựng mọi bi kịch của thế gian. Mấy năm trở lại đây, đã có không ít điều tiếng về thái độ ứng xử của nhà chùa cũng như dấy lên những nghi ngờ về sự “biến mất” khó hiểu của vài đứa trẻ ở đây.

Vừa qua, khi Nguyễn Thị Thanh Trang, một bảo mẫu trong chùa bị bắt về tội buôn bán trẻ em, dư luận và những người đã bày tỏ sự phẫn nộ với hành vi này. Một câu chuyện buồn đang bao trùm lên mái ấm tình thương, nơi có hàng trăm con người bất hạnh đang được ăn, ở và được sống.

Trở lại chùa Bồ Đề, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng vắng vẻ, đìu hiu và có phần lạnh lẽo đang bao trùm ngôi chùa. Từ người giúp việc trong chùa đến những đứa trẻ đang được cưu mang ở đây đều tránh tiếp xúc với người lạ. Loáng thoáng trên vài chiếc ghế đá dưới những gốc cây bồ đề, vài Phật tử đang ngồi thẫn thờ, giấu nỗi buồn rười rượi.

Chùa Bồ Đề “gặp bão” mùa Vu Lan

Số phận của khoảng 200 trẻ đang được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề sẽ đi về đâu sau “cơn bão”?

Trên đường đến với chùa Bồ Đề, chúng tôi đã đi qua khá nhiều ngôi chùa khác của Hà Nội, ngôi chùa nào cũng đang rộng cửa đón tiếp Phật tử thập phương đến trong tháng lễ trọng này. Thế nhưng, một khung cảnh hoàn toàn vắng lặng, trầm mặc đang phủ lên ngôi chùa từng đón không hết khách này.

Chợt thấy chạnh lòng… Bản thân lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đánh tiếng thở dài, bày tỏ sự đáng tiếc sau vụ việc.

Nói về số phận của những đứa trẻ mồ côi tại chùa Bồ Đề, Thượng tọa Thích Tiến Đạt – Phó Trưởng Ban thường trực Ban pháp chế Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết điều này phụ thuộc vào quyết định của các cơ quan chức năng. Còn đối với nhà chùa nếu tiếp tục nuôi dưỡng trẻ em thì phải thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật, phải đăng ký các quy định, thủ tục về nuôi dạy trẻ. Nếu không đủ điều kiện thì các cơ quan bảo trợ xã hội sẽ tiếp nhận.

Chùa Bồ Đề “gặp bão” mùa Vu Lan

Các em nhỏ trong vòng tay nhà sư tại chùa Bồ Đề.

“Đây là hoạt động từ thiện không riêng gì chùa Bồ Đề mà khắp các chùa trong cả Giáo hội Phật giáo người ta vẫn đang làm. Vụ việc này chỉ là sai sót từ những người quản lý phía dưới thôi. Còn với môi trường nuôi dưỡng, giúp đỡ từ nhà chùa thì đây cũng là việc thiện nguyện nên làm. Nó cũng là truyền thống từ trước tới nay, giúp các cháu có một mái ấm nương tựa và cũng thể hiện được lòng từ bi của Phật pháp” – Thượng tọa Đạt nói.

Còn Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự kiêm Trưởng ban Thông tin – Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng ở miền Bắc hiện có chùa Bồ Đề - Hà Nội và chùa Thịnh Đại - Hà Nam. Ở TP HCM có chùa Hoằng Pháp và một số cơ sở thờ tự khác trên toàn quốc đang nuôi dưỡng các cháu. Tuy nhiên, việc chăm sóc các cháu hiện nay chủ yếu mang tính tự phát. Giáo hội không phải là cơ quan chuyên môn nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn.

Trước thông tin cho rằng, chùa Bồ Đề không được phép nhận trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi, Hòa thượng Thích Gia Quang nói: “Nếu nói rằng, chùa không được phép nuôi dưỡng các cháu cũng không có văn bản nào của Nhà nước quy định. Nhà nước cũng khuyến khích các tôn giáo làm từ thiện, nhân đạo cho xã hội. Vì thế, nếu không có quy định chặt chẽ trong công tác nuôi dưỡng các cháu thì phải có hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho các tôn giáo, trong đó có Phật giáo để chúng tôi thực hiện”.

Chùa Bồ Đề “gặp bão” mùa Vu Lan

Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Theo Giáo sư Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Tôn giáo - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, về nguyên tắc, các hoạt động nhân đạo thuộc trách nhiệm của nhà nước hay còn gọi là an sinh xã hội. Ở đất nước ta, do hoàn cảnh kinh tế và nhiều điều kiện khác, nhà nước còn khó khăn trong lĩnh vực này nên khuyến khích các tổ chức xã hội, tôn giáo cùng tham gia.

Từ thực tế trên, Giáo sư Đỗ Quang Hưng nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng, mô hình nuôi dưỡng trẻ như hiện nay phản ánh nỗ lực rất lớn của các tôn giáo nhưng về phương diện quản lý, nó như một chiếc áo quá khổ và nó phát đi một thông điệp xã hội rằng, Nhà nước cần phải có suy nghĩ và có chính sách thích ứng hơn để giải quyết vấn đề này. Ngược lại, phía các tổ chức tôn giáo cũng phải có những thay đổi nhất định về phương thức này”.

Giáo sư Đỗ Quang Hưng.

 

Hẳn dư luận chưa quên, mới đây trả lời báo chí về việc “không có chùa Bồ Đề, trẻ em sẽ đi về đâu?”, ông Đặng Hoa Nam - Cục phó Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) nói: “Không có chùa Bồ Đề, trẻ em sẽ đi về các trung tâm bảo trợ xã hội do Nhà nước quản lý”.

Vậy thử hỏi, Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em và ngành chức năng đã làm tốt điều này chưa hay chỉ đến khi xảy ra những vụ việc lùm xùm thì họ mới vào cuộc và rầm rộ kiểm tra?

Và giá như xã hội, gia đình quan tâm hơn đến những đứa trẻ, người cô đơn để họ không phải tìm đến chùa chiền làm nơi nương tựa thì đâu đến nghịch cảnh bây giờ?

Trong cuộc sống không nên nói điều giá như. Nhưng nếu giá như chúng ta quan tâm hơn đến phúc lợi xã hội; giá như những bà mẹ trót dại không nhẫn tâm bỏ rơi con mình nơi cửa chùa khi còn đỏ hỏn; giá như những người con hiếu đạo hơn để không đuổi bố mẹ già ra ngoài đường; giá như ai cũng có trách nhiệm hơn với chính mình và với cuộc sống thì có lẽ sẽ không có những mảnh đời bất hạnh kia phải bấu víu nơi cửa Phật.

Giá như bảo mẫu Thanh Trang và những người làm điều ác đấy biết “đi với Bụt mặc áo cà sa”… thì có lẽ sẽ không có những nỗi buồn quặn thắt giữa mùa Vu Lan báo hiếu.

Thảo Phượng