Vụ nổ ở Văn Phú:

Chưa thể kết luận vật liệu gây nổ

19:38 | 21/03/2016

1,890 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ nổ hiếm có tại Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội chiều 19-3 vừa qua được dự đoán vật liệu gây nổ đó là thủy lôi. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để điều tra nên chưa đưa ra được kết luận chính xác đó là loại vật liệu nổ gì. Phóng viên Petrotimes đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh, Giám đốc Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn thuộc Bộ tư lệnh công binh (Bộ quốc phòng) để làm rõ hơn vấn đề này:
chua the ket luan vat lieu gay no Vụ nổ ở Văn Phú: Không có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự

PV: Thưa Đại tá Vũ Trọng Cảnh, thủy lôi (ngư lôi) có từ bao giờ và được sử dụng trong những tình huống nào của chiến tranh?

Đại tá Vũ Trọng Cảnh: Thủy lôi (ngư lôi) xuất hiện từ Đại chiến thế giới thứ 2 do Phát xít Đức và Hồng quân Liên xô (cũ) sử dụng.

Thủy lôi là loại vật liệu nổ chủ yếu sử dụng đánh các mục tiêu dưới nước như các cửa biển, dòng sông nơi có các phương tiện như tàu thuyền của đối phương qua lại. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, từ năm 1967, Mỹ tiến hành thả thủy lôi ở các vùng cửa biển và các dòng sông ở miền Bắc Việt Nam, từ bắc Khu 4 trở ra. 

chua the ket luan vat lieu gay no

Thủy lôi loại nhỏ và phổ biến nhất.

Những năm từ 1968 đến 1972, mật độ thủy lôi được Mỹ thả với mật độ dày đặc là các dòng sông và cửa biển ra vào cảng Hải Phòng. Thủy lôi tạo sự bí mật, bất ngờ cho đối phương và đã đạt hiệu quả cao trong chiến đấu. Những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ, không quân Mỹ đã sử dụng loại thủy lôi kích nổ nhờ nguyên lý của từ trường.

Các phương tiện vận tải thủy có vỏ sắt và động cơ khi đi vào khu vực có thủy lôi thì lập tức thủy lôi tự động phát nổ. Khu vực bến phà An Dương, Hải Phòng từ cuối năm 1968 có nhiều thủy lôi loại này. Đó là loại bom từ trường DST-36 mang đầu nổ MK-42

chua the ket luan vat lieu gay no

Thủy lôi lớn nhất BLU-82

Thủy lôi có nhiều loại, nhiều kích cỡ và hình dáng khác nhau; loại nhỏ nhất là MK-50 và MK-52, nặng khoảng 100 kg, hình trụ thuôn dài trên dưới 1m; loại lớn nhất hình bát giác, nặng tới 7000 kg. Mỹ đã đặt hàng lô 10 quả thủy lôi loại BLU-82 này (còn được biết đến với tên "Daisy Cutter"), trị giá 1 tỷ USD và đã thả xuống sông Mã gần cầu Hàm Rồng vài quả.

PV: Chúng ta đã khắc phục hậu quả thủy lôi đó như thế nào, thưa Đại tá?

Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh: Bộ tư lệnh công binh và lực lượng Công binh Hải quân đã phối hợp với một số chuyên gia dân sự nghiên cứu và tìm ra nhiều biện pháp rất hiệu quả để rà phá các loại thủy lôi của Mỹ. Đó là sử dụng các phương tiện gọn nhẹ, điều khiển từ xa, có gắn thiết bị phát ra từ trường để di chuyển rất nhanh qua những khu vực có thủy lôi.

Vì thế, những quả thủy lôi nằm dưới đáy sông cũng như những quả thủy lôi có neo giữ lập lờ trên mặt nước đều bị phá nổ an toàn. Từ đó khơi thông luồng lạch cho tàu thuyền của ta và bạn bè quốc tế ra vào các bến cảng để chi viện vũ khí, hàng hóa cho chiến trường.

chua the ket luan vat lieu gay no

Các loại bom Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam.

Sau chiến tranh, những quả thủy lôi sót lại đã được dò tìm, phá nổ hoặc vô hiệu hóa. Tuy nhiên, vì lực lượng mỏng, số lượng bom mìn, thủy lôi Mỹ thả xuống nhiều nên các loại bom mìn, vật liệu nổ vẫn còn nằm trong lòng đất, chưa thể dò tìm được hết.

PV: Vật liệu phát nổ ở Văn Phú vừa qua, theo ông, đó là bom hay thủy lôi?

chua the ket luan vat lieu gay no

Các loại bom Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh: Bất cứ loại bom mìn và vật liệu nổ nào cũng có nhãn mác và các thông tin được in hoặc khắc trên thân nó. Dù nó có nổ tan thành các mảnh nhỏ thì khi thu gom được, lính công binh cũng sẽ xác định được nó là loại gì, do nước nào sản xuất, tính năng, tác dụng thế nào.

Có những quả thủy lôi hoặc bom nằm nhiều năm dưới lòng sông hoặc dưới đất, khi đào lên, nước sơn của nó vẫn còn; cũng có loại ngoài vỏ bị gỉ sét nhưng công dụng thì hầu hết mấy chục năm sau vẫn còn.

Vì vậy, với vật liệu nổ như ở Văn Phú, hiện tại lực lượng công binh thuộc Bộ tư lệnh Hà Nội và Công an Hà Nội đang tiến hành thu gom các mảnh vỡ (càng nhiều càng tốt) rồi nghiên cứu, so sánh với các loại bom, thủy lôi đã từng có ở Việt Nam sẽ cho ra kết quả chính xác.

Theo mô tả của người dân về vật liệu nổ trước khi phát nổ ở Văn Phú thì nó không hoàn toàn giống với các loại thủy lôi và bom đang được lưu giữ tại Bảo tàng công binh (290 Lạc Long Quân). Nhưng chúng tôi cũng dự đoán đó là một loại thủy lôi; còn nó do nước nào sản xuất và có từ bao giờ thì phải chờ giám định của cơ quan chức năng.

Đức Toàn