Chữ “Việt cổ” của ông Đỗ Văn Xuyền (tiếp)

15:15 | 19/06/2013

|
(Petrotimes) - Chữ Việt cổ của ông Xuyền là một thứ chữ ma, có ông cố đạo nào biết đến hoặc nhìn thấy! Nói bừa như ông Xuyền thì có khác gì chửi vào mặt các nhà nghiên cứu chân chính.

>> Chữ 'Việt cổ' của ông Đỗ Văn Xuyền

(Tiếp theo và hết)

Từ sự so sánh trên đây, ta có thể nghĩ rằng ông Xuyền đã lấy bảng chữ cái của người Thái Đen (hoặc Thái Trắng) mà “chế biến” thành “chữ Việt cổ” của ông sao cho thích hợp với đặc điểm của tiếng Việt. Việc này chẳng khó khăn gì vì tiếng Thái và tiếng Việt có nhiều âm tố giống nhau. Chính vì nó đã được chế biến như thế nên ông mới bạo mồm bạo miệng nói rằng bộ ký tự của ông có thể chép đầy đủ thơ Trần Nhân Tông, thơ Nguyễn Du, thậm chí là cả... thơ Nguyễn Bính nữa. Dĩ nhiên! Nhưng đâu có ai cần ông Xuyền làm chuyện ngược đời như thế. Cái người ta cần là chính ông phải tìm cho ra thật nhiều văn bản xưa viết bằng thứ chữ Việt cổ của ông (!) để ông còn đọc lên cho bàn dân thiên hạ nghe kia! Nhưng làm sao ông Xuyền có thể tìm được! Thế mà ông còn liều lĩnh nói:

 “Hiện tại khu vực Tây Bắc còn hàng ngàn văn bản sử dụng bộ ký tự này và được lưu trữ trong dân gian. (Thể thao & Văn hóa, 31/1/2013).

Lời nói này chứng tỏ là ông chỉ nói càn. Cái mà ông gọi là “bộ ký tự này” trong hàng ngàn văn bản đó thực chất là bảng chữ cái của người Thái Đen (hoặc Thái Trắng) chứ đâu có phải là cái bảng chữ Việt cổ do ông chế biến. Chuyện này thì các nhà Thái học của Việt Nam đã rõ như lòng bàn tay. Theo Vietnam+ ngày 7/5/2013 trong bài “Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc thiểu số tại Sơn La”, bà Vũ Thùy Linh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La, cho biết:

“Tại kho Bảo tàng Sơn La có bộ sưu tập chữ Thái cổ, chữ Dao cổ với hơn 1.000 cuốn thuộc các thể loại: sử thi, trường ca, truyện thơ dân gian, sưu tập bộ trống đồng và đồ đồng cổ có giá trị phục vụ nghiên cứu khoa học”.

Hẳn hoi là chữ Thái cổ, chữ Dao cổ. Thế mà ông Xuyền vẫn huênh hoang với nhà báo rằng “các cuốn sách chữ Việt cổ hiện còn lưu giữ tại Bảo tàng Sơn La”. Và còn bậy bạ đến mức nói như trong mơ, rằng “từ thời Hùng Vương người Việt ta đã có chữ viết, được thể hiện trên Bản đồ giáo dục thời Hùng Vương, danh sách các thầy cô giáo thời Hùng Vương”, như Thái Phong đã ghi lại trong bài “Chữ Việt cổ đã được giải mã?” (VTC News, 29/1/2013). Ông Xuyền còn hù doạ:

“Để khai thác được kho dữ liệu này cần tới công sức của hàng trăm nhà nghiên cứu trong thời gian tới”. (Thể thao & Văn hóa, 31/1/2013).

 Xin thưa với ông rằng, chẳng cần đến hàng trăm nhà nghiên cứu, người ta cũng đã bắt đầu khai thác những văn bản đó cách đây ít nhất là 40 năm rồi. Có điều là người ta đã không thể đọc nó bằng tiếng Việt như ông đã hoang tưởng, mà bằng tiếng Thái rồi mới dịch sang tiếng Việt cho người Kinh tìm hiểu hoặc thưởng thức, chẳng hạn: Truyện kể bản mường (Quám tô mương), Lai lịch dòng họ Hà Công, Lệ mường, Luật mường, Tục lệ người Thái Đen ở Thuận Châu (Sơn La). 5 tác phẩm hoặc tư liệu này đã được in chung trong quyển Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái (NXB KHXH, Hà Nội, 1977). Hai tác phẩm Xống chụ xôn xao (Tiễn dặn người yêu) và Piết mương, cũng đã được in rồi nhiều văn bản, tư liệu khác cũng đã được giới thiệu.

Phải nói thẳng ra rằng, ông Xuyền rất lơ mơ lờ mờ về nhiều khái niệm ngữ học sơ đẳng. Sau đây là ý kiến của ông mà Thái Phong đã ghi lại trong bài “Chữ Việt cổ đã được giải mã?” trên VTC News ngày 29/1/2013:

“Theo công trình của nhà nghiên cứu người Pháp Haudricourt (…): Trước Công nguyên, người Việt nói không dấu, do không có dấu nên bộ chữ khoa đẩu phải dùng tới hai loại phụ âm: phụ âm cao và thấp để thể hiện các từ khác nhau”.

Công trình chính của A.-G. Haudricourt về thanh điệu của tiếng Việt là bài “De l’origine des tons en vietnamien [1954]” (Về nguồn gốc của thanh điệu trong tiếng Việt [1954]), tại đây tác giả đã đoán định rằng, cho đến những thế kỷ đầu Công nguyên thì tiếng Việt cũng chưa có thanh điệu (ông Xuyền gọi là “nói không dấu”); đến thế kỷ VI thì xuất hiện ba thanh rồi từ thế kỷ XII trở đi nó mới có sáu thanh như ngày nay. Nhưng cái sai hết sức ngô nghê của ông Xuyền là ở chỗ ông đã dùng một cách diễn dạt chung (“nói không dấu” hoặc “không có dấu”) để chỉ hai hiện tượng hoàn toàn khác nhau. “Người Việt nói không dấu” có nghĩa là tiếng Việt không có thanh điệu còn “bộ chữ khoa đẩu không có dấu” thì lại có nghĩa là nó không có những ký hiệu (trên chữ viết) để ghi thanh điệu (nên phải dùng tới hai loại phụ âm: thấp và cao) nhưng bản thân cái ngôn ngữ mà nó ghi chép thì lại có thanh điệu. Cách diễn đạt của ông Xuyền tự nó đã cho thấy ông hoàn toàn không biết phân biệt khái niệm “thanh điệu” là hiện tượng ngữ âm với khái niệm “ký hiệu ghi thanh điệu” là hiện tượng văn tự. Thế mà ông còn nói nhảm để cho nhà báo Phạm Ngọc Dương ghi lại và tường thuật như sau:

“Ông (Xuyền - AC) đã vô cùng ngạc nhiên khi đọc được một tài liệu cổ, mà nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes đã viết: “Đối với tôi, người dạy tài tình nhất là một thiếu niên bản xứ. Trong vòng 3 tuần, anh ta đã hướng dẫn cho tôi tất cả các thanh của ngôn ngữ ấy và cách đọc các từ” (…). Ông Xuyền tin rằng, thứ chữ mà người thanh niên đó dạy nhà truyền giáo Bồ Đào Nha là chữ Việt cổ! Điều đó có nghĩa, những nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha đã tiếp thu bộ chữ cổ của người Việt và có công Latin hóa nó, để ra được chữ Quốc ngữ” (“Người đọc thông viết thạo chữ Việt cổ”, VTC News, 16/4/2011).

Ông Xuyền khéo kể chuyện hoang đường. Cậu thiếu niên người Đại Việt chỉ dạy nói, dạy tiếng cho A. de Rhodes chứ làm gì có dạy cho ông ta “bộ chữ cổ của người Việt”, một bộ chữ ma. “Tài liệu cổ” mà ông Xuyền khoe là mình đã đọc được chính là một tình tiết trong quyển Voyages et Missions, in tại Paris năm 1653. Quyển này đã được Hồng Nhuệ dịch sang tiếng Việt dưới nhan đề Hành trình và Truyền giáo do Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP HCM ấn hành năm 1994. Còn ông Xuyền đã đọc được ở đâu thì chúng tôi không biết. Nhưng A. de Rhodes chỉ kể như sau:

“Người giúp tôi đắc lực là một cậu bé người xứ này. Trong ba tuần lễ đã dạy tôi các dấu khác nhau và cách đọc hết các tiếng. Cậu không hiểu tiếng tôi mà tôi thì chưa biết tiếng cậu, thế nhưng cậu có trí thông minh biết những điều tôi muốn nói. Và thực thế, cũng trong ba tuần lễ, cậu học các chữ của chúng ta, học viết và học giúp lễ nữa” (Sđd, Hồng Nhuệ dịch, tr.56).

Vậy chính cậu bé mới là người học chữ Tây chứ không phải dạy chữ ta cho A. de Rhodes (Chữ “nòng nọc” ở đâu mà dạy, ngoài chữ Nôm?). Nhưng theo ghi nhận của Phạm Ngọc Dương trong bài đã dẫn, ông Xuyền còn đi xa hơn:

“Điều ngạc nhiên mà ông Xuyền nhận thấy, đó là nhiều ký tự mà các nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha sử dụng trong những buổi đầu tương đối giống với chữ Việt cổ. Càng về sau này, qua cả trăm lần cải tiến, thay đổi, những chữ tương đối giống chữ Việt cổ đã dần biến mất và mất hẳn bóng dáng trong các văn bản Quốc ngữ ngày nay”.

Chữ Việt cổ của ông Xuyền là một thứ chữ ma, có ông cố đạo nào biết đến hoặc nhìn thấy! Nói bừa như ông Xuyền thì có khác gì chửi vào mặt các nhà nghiên cứu chân chính. Nhưng nhảm nhí nhất là chuyên sau đây cũng do Phạm Ngọc Dương ghi trong bài trên:

“Sau 50 năm nghiên cứu chữ Việt cổ, thời đại Hùng Vương, ông giáo già Đỗ Văn Xuyền giờ đã đọc thông, viết thạo chữ Việt cổ. Ông có thể nói luôn cả tiếng của người Việt cổ xưa. Ông Xuyền nói vui rằng, nếu có phép thần thông quảng đại, hoặc cỗ máy vượt thời gian, đưa ông về thời Đông Sơn, ông có thể dễ dàng giao tiếp với người Việt thời kỳ đó”.

Ngôn ngữ bình dân gọi đó là bốc phét. Ít nhất ông Xuyền cũng phải có một số văn bản, ít nữa là một vài, tối thiểu cũng là một, được các nhà khoa học, trước nhất là các nhà khảo cổ học và các nhà sử học xác nhận về tuổi thọ của nó; (những) tài liệu này phải được viết bằng thứ chữ giống y như những chữ trong cái bảng mà ông đã đưa ra. Đó là điều kiện tiên quyết. Đằng này, một tờ giấy lận lưng đúng theo điều kiện đó ông cũng không có… Ông chỉ có bảng chữ “Việt cổ” mà ông đã chế biến trong 50 năm từ những tư liệu bằng chữ Thái! Ấy thế nhưng ông Xuyền lại có nhiều “học trò”. Xin hãy nghe Phạm Ngọc Dương tường thuật và phát biểu cảm tưởng:

“Tôi nhớ mãi cái buổi tại Trung tâm Văn hóa người cao tuổi ở phố Đặng Văn Ngữ (Đống Đa, Hà Nội), vào cuối năm 2007, ông giáo già người Phú Thọ (ông Xuyền - AC), đã thuyết trình cả buổi trước 40 nhà khoa học, toàn các giáo sư, tiến sĩ, các nhà sử học, ngôn ngữ học, văn học nước nhà. Lúc thì trên máy chiếu, lúc trên bảng đen, ông như thầy giáo của thời xưa cũ, và các nhà khoa học lớn của nước nhà, như những học trò, ngồi nghe ông thuyết giảng về một loại ký tự lạ. Loại ký tự lạ ấy không phải của người ngoài hành tinh, mà chính là của tổ tiên chúng ta!” (“Người 50 năm giải mã chữ của tổ tiên người Việt”, VTC News, 12/4/2011).

Nhà báo Phạm Ngọc Dương đã lên đồng như thế còn chúng tôi thì nghĩ rằng cử tọa của ông Xuyền chỉ giữ thái độ lịch sự cần thiết trong khi ông thuyết trình mà thôi. Chứ nếu họ thực sự là những người học trò ngoan của ông thì - chúng tôi băn khoăn - không biết rồi đây học thuật của nước nhà sẽ đi về đâu!

A.C