Chiến lược giành Ấn Độ Dương của Trung Quốc

19:00 | 10/06/2013

1,031 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 8/6, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc lần đầu tiên công bố rõ chiến lược và kế hoạch tranh giành lợi ích tại Ấn Độ Dương, thông qua “sách Xanh”.

 

Tàu sân bay NS Vikramaditya

Tuy nhiên, các tác giả viết “sách Xanh” nêu rõ rằng những ý kiến trong sách không thể hiện lập trường chính thức của Chính phủ Trung Quốc. Đây là nỗ lực của các học giả nhằm hướng sự chú ý nhiều hơn tới khu vực mà họ cho rằng chưa được các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh  quan tâm đầy đủ.   

Theo báo The Hindu (Ấn Độ) ngày 9/6, “sách Xanh” đã đề ra chiến lược để Trung Quốc đẩy mạnh can dự về kinh tế với các nước ven bờ Ấn Độ Dương (IOR), đồng thời nhấn mạnh rằng lợi ích của Bắc Kinh sẽ được thúc đẩy bằng các mục tiêu thương mại hơn là quân sự. Tuy nhiên, “sách Xanh” khuyến cáo Ấn Độ Dương có thể là “một đại đương của xung đột và rắc rối” bởi lợi ích của các nước như Ấn Độ, Mỹ và Trung Quốc bắt đầu chồng lấn lên nhau.    

Trong một đánh giá thẳng thắn về vai trò của Trung Quốc tại IOR cho đến nay, “sách Xanh” phàn nàn rằng Bắc Kinh đã tụt sau New Delhi và Washington trong việc tranh giành lợi ích tại Ấn Độ Dương. Lời giới thiệu của cuốn sách dày 350 trang này nêu rõ rằng Trung Quốc chưa có “chiến lược Ấn Độ Dương” trong khi Ấn Độ đã triển khai chính sách “Hướng Đông” và Mỹ đã công bố chính sách “trục châu Á” hay còn gọi là chính sách “tái cân bằng” tại châu Á.   

“Sách Xanh” kêu gọi Trung Quốc tích cực hơn để tranh giành lợi ích kinh tế trong khu vực. Sách trên có đoạn viết: “Nếu (Trung Quốc) không có ảnh hưởng tích cực đối với những nước ven bờ Ấn Độ Dương, thì tình hình trong tương lai thậm chí sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng đến sự phát triển của Trung Quốc và tác động tiêu cực đến hòa bình. Chiến lược ngoại giao của Trung Quốc trong quá khứ dựa trên khái niệm truyền thống về sự điều tiết và cố gắng giữ nguyên trạng.

Với những thay đổi trong quan hệ giữa các nước ở IOR và trong tình hình quốc tế, chính sách ngoại giao của Trung Quốc cũng thay đổi. Một chiến lược phát triển rõ ràng tại IOR đối với Trung Quốc không chỉ là dấu hiệu về lòng tự tin mà còn là biểu thị rõ ràng về những lợi ích chiến lược của Trung Quốc tại IOR”.   

Sách Xanh 2013 của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc

Đại sứ Wu Jianmin, cựu đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc khẳng định rằng sách trên là một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm khởi xướng một cuộc “đối thoại thẳng thắn” tối cần thiết. Ông Wu Jianmin nói với báo The Hindu: "Chúng ta đang ở một giai đoạn rất quan trọng trong các mối quan hệ quốc tế và sự thay đổi mà chúng ta đang chứng kiến là chưa từng thấy. Sự thay đổi tạo nên e dè, nghi kị, thậm chí sợ hãi. Đây là một thực tế mà chúng ta đang phải đối mặt.

Có người nói Ấn Độ 'Hướng Đông' và Trung Quốc 'Hướng Tây' sẽ dẫn tới kình địch, còn chúng tôi có cách nhìn nhận khác. Chúng tôi hướng tới sự hội tụ trong tiến trình này. Nếu chỉ tập trung vào những bất đồng thì kết quả sẽ dẫn tới nghi kị, đối địch và cạnh tranh khốc liệt hơn. Tại Ấn Độ, các bạn cần hòa bình và phát triển. Đối với Trung Quốc và khu vực cũng vậy. Theo hiểu biết của tôi, khu vực (Ấn Độ Dương) đang đứng trước một cơ hội chưa từng thấy để phát triển. Lời khuyên của tôi là, nếu tại Ấn Độ, các bạn còn hoài nghi về Trung Quốc, chúng ta phải có cuộc đối thoại thẳng thắn”.   

“Sách Xanh” có các chương về chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ, sự mở rộng lợi ích của Ấn Độ về hướng Đông trong một trục kết nối “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Cuốn sách tiên đoán rằng không có một thế lực khu vực hoặc cường quốc thế giới đơn nhất nào, kể cả Mỹ, Nga, Trung Quốc, Úc, Ấn Độ, có thể tự kiểm soát được Ấn Độ Dương trong thế giới tương lai, dẫn tới một “cán cân lực lượng mỏng manh” sau cuộc tranh giành giữa “các nước lớn”.   

Trong khi lập luận rằng an ninh khu vực chưa phải đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng, “sách Xanh” khuyến cáo “với những nỗ lực quốc phòng ngày càng tăng của các thế lực khu vực và thế giới, tương lai của khu vực Ấn Độ Dương có thể chuyển từ hợp tác và hòa bình sang một “đại dương xung đột và rắc rối”.

 

Nh.Thạch (Theo The Hindu)