“Chết” vì… chủ quan!

07:02 | 13/02/2014

1,379 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes)- Không tiêm vắc xin phòng sởi theo đúng quy định, ngang nhiên tự chẩn đoán và chữa bệnh cho trẻ thiếu khoa học… là những nguyên nhân khiến dịch sởi diễn biến khó lường như hiện tại.

Tuy chưa bùng phát đáng sợ như thời điểm năm 2010, nhưng hiện tại dịch sởi đang có những diễn biến khó lường. Ghi nhận tại các bệnh viện thuộc “điểm nóng” trên địa bàn Hà Nội cho thấy số bệnh nhân nhập viện vì sởi tăng đột biến.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nếu như 3 tháng cuối năm 2013 chỉ có  3 ca mắc sởi, thì hai tháng đầu năm 2014 đã có gần 130 ca nhập viện. Riêng tháng 2 đã có tới hơn 80 bệnh nhân đến khám và nhập viện điều trị sởi, trong đó có 16 trường hợp biến chứng nặng. Tại Khoa Nhi - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chỉ trong tháng 2.2014 cũng đã tiếp nhận gần 20 bệnh nhân nhập viện điều trị sởi, hầu hết là trẻ dưới 1 tuổi.

Tương tự tại Bệnh viện Xanh Pôn, tính đến thời điểm hiện tại bệnh viện đã tiếp nhận 124 bệnh nhân. Điều đáng lo ngại là, tất cả các trường hợp này khi nhập viện đều đã có hiện tượng biến chứng.

Dịch bệnh sởi ở trẻ em đang có diễn biến phức tạp

Thực tế, dấu hiệu của bệnh sởi không rõ ràng, lại giống với bệnh sốt phát ban thông thường nên khó phát hiện bệnh, đa phần các bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng đã biến chứng.

Nhập viện trong tình trạng sốt cao, tiêu chảy và bị viêm phổi, bé Đào Gia Linh (1 tuổi, ở Trần Hưng Đạo, Hà Nội) đã phải vào ngay phòng cấp cứu của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Nguyên nhân là mẹ của bé tự chữa sởi cho con tại nhà bằng kinh nghiệm dân gian, dẫn đến hậu quả bé bị sốt cao liên tục ba ngày và đã bị biến chứng vào phổi.

Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bệnh được đưa vào viện trong tình trạng bệnh đã nặng.

Trong khi đó, sởi lại có nhiều biến chứng bất thường và rất nguy hiểm. Biến chứng thường gặp nhất là viêm loét mồm miệng, viêm tai, viêm phổi. Nặng hơn là bệnh nhân sẽ bị tiêu chảy kéo dài, khi sức đề kháng trong cơ thể giảm dẫn đến lao, suy dinh dưỡng, viêm não, viêm tủy sống...

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam thì: “Bệnh sởi là một bệnh thường gặp ở nước ta. Nó là một bệnh không cấp tính, nếu trong trường hợp bệnh nhân có sức đề kháng cao, tự miễn dịch tốt thì bệnh có thể tự khỏi. Thực tế ở nhiều vùng miền, việc phòng và chữa sởi theo phương pháp dân gian là có, nên hiện nay, nhiều bậc phụ huynh vẫn có thói quen tự chữa trị cho con em mình, như vậy rất nguy hiểm. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp tử vong do sởi khi đưa đến bệnh viện quá muộn”.

Bé Đào Gia Linh (1 tuổi) được mẹ đưa vào viện trong tình trạng đã bị biến chứng sang phổi

Thêm nữa, trong khi thực trạng nhiều bậc phụ huynh tự chẩn đoán và trị bệnh cho con còn nhiều nan giải thì ý thức tiêm vắc xin phòng bệnh cũng yếu. Một phần do những phản ứng sau tiêm vắc xin phòng bệnh trong thời gian qua đã khiến nhiều người dân lo ngại. Điển hình, năm 2010 khi dịch sở bùng phát mạnh thì việc tuyên truyền phòng và trị bệnh bằng tiêm chủng đã có hiệu quả tích cực. Từ 2010 - 2013, cả nước chỉ lác đác vài ca nhiễm bệnh nhưng đến đầu 2014, dịch bệnh tiếp tục bùng phát. Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng thì có đến 89% số bệnh nhân nhiễm bệnh trong dịp này chưa được tiêm chủng phòng sởi. 

Đáng lưu ý, trong số bệnh nhân nhiễm dịch đợt này, số trẻ dưới 9 tháng tuổi chiếm tỷ lệ khá cao. Đây là một hiện tượng bất thường, bởi theo tiền lệ trẻ chỉ nhiễm sởi ở độ tuổi từ 1-5 tuổi. Trẻ dưới 9 tháng tuổi thường có kháng thể miễn dịch từ sữa mẹ, nên rất hiếm gặp. 

PGS. TS Bùi Vũ Huy – Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay: "Nguyên nhân chính khiến nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi là do người mẹ chưa có miễn dịch với bệnh này. Nghĩa là người mẹ chưa được tiêm phòng sởi, tiêm phòng không đầy đủ, hoặc rất có thể trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Trong khi đó, trẻ em chỉ được tiến hành tiêm phòng sởi mũi đầu tiên khi đã được 9 tháng tuổi".

Vậy nên, khẳng định tiêm vắc xin là phương pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh bệnh sởi cho trẻ, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam khuyến cáo: “Để bảo vệ chính con trẻ, các phụ huynh phải đưa con em mình đi tiêm phòng đầy đủ. Bà mẹ trước khi có ý định mang thai cũng nên được tiêm phòng đúng quy định. Còn đối với các trẻ có dấu hiệu nhiễm sởi thì không nên tự chữa chạy, việc đầu tiên là cần cách ly, tránh lây lan, tiếp theo là đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất”.

Sáng 10/2, Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế đã ra công điện khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh sởi đang có tốc độ lan nhanh ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Theo đó, Cục Y tế Dự phòng yêu cầu giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát diễn biến của dịch; tổ chức điều tra và xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cho biết thêm: Bộ đã lên kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng sởi cho tất cả trẻ dưới 2 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm vắc xin sởi chưa đủ mũi. Đối với các ổ dịch sởi thì các địa phương sẽ căn cứ theo tình hình để tổ chức ngăn chặn và tiêm vắc xin phòng sởi ngay trong tháng này.

Huy An