Cháu Bích vẫn chưa biết mình đã mất bố mẹ!

16:56 | 09/01/2012

525 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 – Một bất ngờ cho đến thời điểm này là cháu Bích, nạn nhân còn sống sót duy nhất trong thảm sát tiệm vàng Ngọc Bích vẫn tin rằng bố mẹ mình còn sống.

>> Vụ Lê Văn Luyện: Khi bi kịch mới chỉ bắt đầu!

"Cháu Bích vẫn mơ thấy 2 người ép bố vào bức tường”

Tìm về nhà ông Trịnh Văn Tín (bố của anh Trịnh Văn Ngọc, nạn nhân trong vụ thảm sát) cách tiệm vàng Ngọc Bích chưa đầy 1km, chúng tôi không khỏi mủi lòng. Ông Tín đang chuẩn bị ăn bữa trưa vào lúc gần 1h chiều. Ông hỏi chúng tôi là ai rồi nói: “Các anh phải cho tôi ăn trưa đã. Đây, bữa trưa là mấy sợi mỳ đây. Ăn cho qua cái ngày này!”. Rồi ông cặm cụi ngồi vào một góc nhà để ăn bát mỳ đã có phần nguội lạnh.

Trong nhà ông, tiếng tụng kinh phát ra từ băng thu âm đều đặn, càng làm cho không khí trong nhà ông Tín thêm phần ảm đạm. Một mình ông ở tuổi 80, trong ngôi nhà 5 gian càng khiến cho nó rộng thêm mênh mông khi vắng đi tiếng cười của cháu Bích – đứa cháu mà ông rất cưng chiều.

Ông cho biết, ngày mai cả gia đình tập trung đi xem xét xử Lê Văn Luyện. Giờ ông chỉ mong muốn phiên tòa xử đúng người, không bỏ sót tội lỗi.

Ông Trịnh Văn Tín (ông nội cháu Ngọc Bích).

Khi PV hỏi, mẹ của Luyện có bao giờ liên lạc hay gặp ông không, ông Tín nói: “Tôi cũng chưa biết mặt mẹ của Luyện như thế nào. Giờ nhà tôi, cả hai họ còn lao đao, hoang mang. Tôi chỉ nghe mẹ nó giờ cũng khổ sở lắm, nghe nói đang bị thần kinh”.

Sau khi ra viện, cháu Bích được một bác chị của mẹ đón vào miền Nam ở. Ông Tín cũng vừa gọi điện hỏi thăm cháu thường xuyên. Hiện nay gia đình vẫn giấu chưa cho cháu Bích biết chuyện, chỉ nói là bố mẹ đang đi chữa bệnh ở Hàn Quốc. Ông bảo, để vết thương của cháu Bích chữa khỏi, có dịp thích hợp, gia đình sẽ cho cháu biết sự thật và sẽ tính đến tương lai cho cháu.

Ông cho hay, hiện cháu Bích vẫn mơ thấy 2 thằng ép bố cháu vào bức tường. Vì thế mà ông Tín vẫn cho rằng, chỉ có 1 mình Luyện là vô lý.

“Đêm nằm cháu vẫn còn khóc, hoảng loạn. Từng là một người lính, tôi không dễ rơi nước mắt nhưng mỗi lần cháu hoảng loạn, tôi thương cháu, không cầm được nước mắt”, ông Tín rưng rưng.

Cả làng sẽ lên phố xem xử Luyện

Theo bà chủ tiệm cơm Thái Chung ở phố Sàn cho biết, người dân ở đây chỉ đợi ngày xử Luyện để đến xem. “Tội ác của nó quá lớn, trời không dung, đất không tha. 3h sáng, trời mưa tầm tã chúng tôi còn thức để xem dựng hiện trường nữa là! Ngày mai xét xử thằng Luyện, tôi sẽ đóng cửa hàng để đi xem xét xử!”, bà chủ này khẳng định.

Nhiều người dân sống xung quanh tiệm vàng Ngọc Bích cũng bức xúc không kém. Chị Nguyễn Thị Ngân, phố Sàn nói: “Có lẽ chỉ mức án tử hình mới làm cho người dân hả giận được. Có quá nhiều người phẫn nộ”.

Trong khi ấy, câu chuyện về nhà Luyện cũng được người dân kể rất nhiều. Một số người nói mẹ Luyện đang bị tâm thần. Còn em trai của Luyện còn khổ hơn, đã phải nghỉ học vì đi học thì bị các bạn ném đá, ném sỏi nên phải bỏ học giữa chừng.

Quanh tiệm vàng Ngọc Bích, người dân vẫn xôn xao bàn tán.

Tìm về nhà Luyện (ở xã Thanh Lâm, Lục Nam, Bắc Giang), căn nhà vẫn khóa kín cửa, mọi ngõ ngách vào nhà đều được rào chắn cẩn thận như lâu lắm không ai bước vào. Hàng xóm của gia đình Lê Văn Luyện cho biết, từ khi vụ án xảy ra, chưa lần nào nhìn thấy mẹ và các em của Luyện. Nhiều người cũng sẵn sàng lên TP Bắc Giang để xem xét xử Luyện.

Ngoài bố con Luyện đang bị giam giữ tại trại tạm giam Bắc Giang, mẹ và hai em nhỏ mấy tháng nay đã không còn xuất hiện tại địa phương. Ông bà Nội của Luyện đều đã già yếu, sống trong căn nhà mái lá đơn sơ. Ông cũng cho biết, từ ngày được Công an tỉnh Bắc Giang có quyết định không truy tố và cho về, ông chưa khi nào thấy mặt con dâu.

Với dáng vẻ gầy yếu, ông Lê Văn Ngà, ông nội Lê Văn Luyện, ngậm ngùi: Tuổi già chỉ có con cháu là nguồn vui duy nhất, nhưng vì Luyện mà cả gia đình bị hại lẫn ông đều đang mất con mất cháu, nên ông vô cùng đau đớn, xót xa. Ông Ngà tâm sự, nhà hiện tại chỉ có thóc để ăn là tốt lắm rồi và không nghĩ tới chuyện ăn Tết.

Sáng mai, diễn biến phiên xét xử vụ án Lê Văn Luyện, Petrotimes sẽ tường thuật trực tiếp tới độc giả.

Thiên Minh