Chào cờ, sao không hát quốc ca?

07:10 | 26/08/2015

9,807 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lâu nay, khi chào cờ, rất ít nơi hát quốc ca. Việc chào cờ có hát quốc ca chỉ phổ biến ở các trường phổ thông, các đơn vị lực lượng vũ trang (công an, quân đội) và một số cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước.

Hà Nội yêu cầu hát Quốc ca trong nghi thức chào cờ

Hà Nội yêu cầu hát Quốc ca trong nghi thức chào cờ

Ngày 31/7, Thành ủy Hà Nội ban hành Thông tri số 23-TT/TU về việc hát Quốc ca trong nghi thức chào cờ Tổ quốc.

Rất nhiều người Việt Nam không thuộc lời bài hát quốc ca. Thậm chí họ càng không biết bài “Tiến quân ca” là gì. Nghĩa là không biết rằng, “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao chính là lời bài hát quốc ca hiện nay. Đó là một chuyện đáng buồn!

Cách đây gần chục năm, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, trong một lần đến làm việc tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kể lại, khi đến thăm một quốc gia ở Bắc Âu, người ta cử quốc ca hai nước. Khi quốc thiều nước ta vang lên, không thấy ai trong đoàn Việt Nam hát, trong khi nước chủ nhà họ hát rất nghiêm túc.

Thấy vậy, Nhà vua nước bạn hỏi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: “Quốc ca của các bạn không có lời à?”. Từ câu chuyện ấy, nguyên Chủ tịch nước nói: “Đây là điều bức xúc, phải được khắc phục”.

chao-co-sao-khong-hat-quoc-ca
Nghi thức chào cờ hát quốc ca được Đài PT-TH Thái Nguyên tổ chức vào sáng thứ 2 hàng tuần

Thực trạng chào cờ mà không ai hát quốc ca đã trở thành phổ biến. Từ các buổi lễ long trọng cấp nhà nước, cấp tỉnh, thành đến các trận thi đấu thể thao có bạn bè quốc tế tham dự, mỗi khi chào cờ, chỉ dùng băng đĩa nhạc quốc ca không lời. Nhưng lại có một thực tế, khi nhạc chào cờ của nước bạn vang lên, các vận động viên của họ đều đặt bàn tay phải lên ngực, nơi trái tim và hát rất nghiêm trang.

Các bạn quốc tế hát được, sao ta không hát? Vì không thuộc lời và cũng vì đã thành lệ từ lâu là không ai hát. Vậy thì ngay bây giờ, phải chấn chỉnh lại việc chào cờ, mọi người phải hát quốc ca!

“Tiến quân ca” là bài hát do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác từ năm 1944. Ngày 13-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca” làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 17-8-1945, trong cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội, lần đầu tiên Tiến quân ca đã được cất lên. Hai ngày sau, cũng tại Quảng trường Nhà hát Lớn, ngày 19-8-1945, trong khí thế của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, dưới cờ đỏ sao vàng, dàn đồng ca Đội Thiếu niên Tiền phong đã hát vang “Tiến quân ca”.

Đặc biệt, ngày 2-9-1945, “Tiến quân ca” chính thức được cử hành trọng thể trong Lễ Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Cũng năm 1945, “Tiến quân ca” được cất lên trong lễ đón phái đoàn Mỹ do Đại tá Patti dẫn đầu tại trung tâm Hà Nội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì lễ đón này. Và năm 1946, Quốc hội Khóa I đã quyết định chọn “Tiến quân ca” làm quốc ca.

Như thế là quốc ca đã tồn tại cùng lịch sử đất nước 70 năm nay và lâu dài về sau, lẽ nào để lãng quên?

Chào cờ Tổ quốc và hát quốc ca là nghi thức thiêng liêng, thể hiện lòng tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước. Nhưng xung quanh quốc ca còn nhiều chuyện phải bàn. Năm 1981, với mục đích thay “Tiến quân ca” bằng một bản quốc ca mới, Nhà nước đã phát động rầm rộ cuộc vận động sáng tác quốc ca.

Có 17/74 bài hát được chọn ở vòng 3 nhưng khi lấy ý kiến của toàn dân thì không được sự ủng hộ và không có bài hát nào có thể chọn làm quốc ca mới. Bởi thực tế, từ khi ra đời và trải qua nhiều biến động của lịch sử, “Tiến quân ca” đã trở nên quen thuộc, gần gũi và được mọi người dân Việt Nam chấp nhận.

Đến kỳ họp Quốc hội tháng 5-2013, có ý kiến đưa ra đề nghị sửa lời mới cho quốc ca, trong đó có câu “Đường vinh quang xây xác quân thù”, cho rằng bây giờ là thời hòa bình rồi, không có tiêu diệt kẻ thù nào nữa. Nhưng ý kiến này cũng không nhận được sự đồng tình bởi nhiều ý kiến khác cho rằng, giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, giặc tham nhũng, bè lũ phản động... chính là kẻ thù.

Lẽ nào trên con đường vinh quang, chúng ta không phải bước qua xác của những kẻ thù ấy? Muốn có hòa bình, hạnh phúc, thời nào cũng đòi hỏi con người phải đấu tranh để diệt trừ cái ác, cái xấu, đó đã là một quy luật tất yếu.

Khác với những kỳ thi đấu thể thao, thường được tổ chức ở địa điểm khác nhau với chủ đề và bài hát khác nhau, quốc ca gắn liền với sự ra đời của các quốc gia. Yêu cầu quan trọng nhất đối với quốc ca không phải là tính “hợp thời”. Sứ mệnh của quốc ca chính là mỗi khi được cử lên, nó thể hiện cho sức sống, cho sự hiện diện của một đất nước toàn vẹn, tự do và có chủ quyền trên thế giới.

Nếu để ý một chút, mỗi khi diễn ra nghi thức chào cờ đón khách quốc tế hoặc thi đấu thể thao, chúng ta thấy rằng, không nhiều bản nhạc quốc ca có được giai điệu hào hùng và tiết tấu lôi cuốn như quốc ca Việt Nam.

Nhưng hiện tại chúng ta phải tôn trọng và giữ gìn quốc ca, thể hiện đúng sứ mệnh lịch sử của nó, để giai điệu của quốc ca sẽ mãi đi cùng “nước non Việt Nam ta vững bền”.

Hát quốc ca như thế nào cũng cần phải chấn chỉnh, không thể hát khoán cho xong chuyện. Sẽ rất khó chịu khi một tập thể hát quốc ca với đủ các âm vực và bè trầm, bè nổi; người hát nhanh, kẻ hát chậm như “kéo xe bò”. Rồi thỉnh thoảng lại phô ra một giọng hát sai cả nhạc lẫn lời. Đó chính là thể hiện ý thức của người hát quốc ca. Từ khi học lớp 1 trường tiểu học, ai cũng được học và hát quốc ca mỗi sáng thứ hai chào cờ. Vậy mà vẫn có nhiều người không thuộc hoặc hát sai nhạc, sai lời.

Đặc biệt, điều dễ nhận thấy ở nhiều nơi là khi hát đến câu cuối cùng “nước non Việt Nam ta vững bền” đều hát giật; tức là kết thúc và dừng đột ngột ở chữ “bền”. Bản nhạc của Văn Cao đâu có viết thế! Hay là cố tật từ người dạy hát truyền cho? Không biết có mấy người nhận ra điều này và tại sao không chịu sửa? Kết thúc bài hát như thế làm mất đi sự trang nghiêm, tạo ra sự hụt hẫng, phi âm nhạc. Vì thế, ai đã hát quốc ca thì nhớ rằng, chữ “bền” phải được ngân dài ra 4 nhịp (2-3-4) như phần nhạc quốc thiều thể hiện.

Một tập thể khi trò chuyện, nô đùa thì như chợ vỡ, vậy mà hát quốc ca thì ề à, lẩm nhẩm như cầu kinh, thiếu tự tin. Tại sao không hát một cách thoải mái, tự nhiên, hết mình, thể hiện lòng tự hào dân tộc với nền âm nhạc hào sảng và lời ca thiết tha như thế?

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói: “Hát quốc ca là dịp để mỗi cá nhân thể hiện ý thức chính trị của mình. Ở một số trường khiếm thính, các em học sinh vẫn hát quốc ca theo ngôn ngữ đặc thù của mình, trong khi rất đông người lớn hiện nay lại không làm điều đó và ỷ lại vào băng đĩa nhạc. Vì thế, những cơ quan chức năng nên chú ý đưa ra những yêu cầu về nghi thức bắt buộc khi hát quốc ca. Điều cần thiết bây giờ là tăng số người hát quốc ca”.

Ngày 31-7 vừa qua, Thành ủy Hà Nội đã công bố Thông tri nêu rõ: “Từ ngày 1-8-2015, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các đơn vị lực lượng vũ trang của thành phố thực hiện nền nếp việc tổ chức nghi thức chào cờ Tổ quốc, hát quốc ca và sinh hoạt dưới cờ vào mỗi sáng thứ hai hằng tuần. Khi tiến hành nghi thức chào cờ, có thể hát kết hợp cùng với bài quốc ca được ghi âm sẵn. Với khối giáo dục, bắt đầu thực hiện từ lễ khai giảng năm học mới, niên khóa 2015 - 2016”.

Hà Nội đã thực hiện được như thế thì các tỉnh và thành phố trong cả nước cũng nên làm, để tất cả mọi người khi chào cờ, đều phải hát quốc ca!

Đức Toàn

Năng lượng Mới số 451

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc